Đã bao giờ, bạn order đồ ăn online xong, rồi ngay sau đó bạn cảm thấy hối hận?
Đã bao giờ, bạn làm tình xong, cảm giác còn lại chỉ là sự trống rỗng?
Và chắc hẳn, bất cứ ai trong chúng ta không ít thì nhiều, cũng đã từng nghiện lướt mạng xã hội, vui vẻ check likes, còm, và rồi không cảm thấy gì nữa...
Những niềm vui đó, sao lại chóng tàn đến vậy?
Nhưng, cũng có những lúc ta vui quá chừng! Khi chứng kiến ánh ban mai chiếu qua kẽ lá đung đưa trong gió, báo hiệu một ngày mới đầy hứa hẹn; hay cuộc trò chuyện sâu sắc với một người bạn dễ mến; hay niềm vui khó tả khi ta vừa hoàn thành một công việc ý nghĩa nào đó. Những niềm vui này, khi cuộc vui đã tàn, thì vẫn để lại trong ta một cảm giác sảng khoái, vương vấn, kéo dài.
Những niềm vui đó, tại sao chúng lại tràn đầy đến thế? 
Và liệu ta có thể có nhiều hơn chúng trong cuộc sống của ta không?
Bài viết là chút chia sẻ để chúng ta cùng nhau đối phó với cơn bĩ cực thỏa mãn nhất thời của chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại, và hướng đến những niềm vui giá trị, lâu bền hơn.
Nguồn ảnh: Jesadaphorn Chaiinkeaw (ảnh trái) (ảnh phải không rõ nguồn)

Giải trí, giải trí nữa, giải trí mãi


Nếu các bạn vào kiểm tra top 100 kênh youtube tại Việt Nam (tháng 5/2019), bạn sẽ không bất ngờ mấy khi thấy hầu hết 100 kênh đều là kênh giải trí, ăn uống, tin tức giật gân cả. 
Và không chỉ riêng Việt Nam, mà ngay cả trên toàn thế giới, thì đại dịch tiêu thụ, giải trí vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt, dẫn đến hệ quả nặng nề cho môi sinh và cả cho sức khỏe tâm lý của nhân loại nói chung.
Nguyên nhân của tình trạng này, có nguồn gốc sâu xa từ tâm lý cạnh tranh khốc liệt của các bầy đàn loài người từ thuở sơ khai, mà người viết sẽ làm rõ hơn trong một bài khác (Lược sử Quyền lực: Đàn ông và Địa vị).
Lướt nhanh đến hiện tại, có thể thấy, chủ nghĩa tiêu thụ là kết quả từ tình trạng kỹ nghệ phát triển tột bực dẫn đến cung vượt cầu; thế nên để đảm bảo sức cạnh tranh, các nhà nước, tập đoàn tư bản đã phải ra công khuyến khích chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tự do cá nhân để kích cầu. Và thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển và thịnh hành của Internet, thứ đã trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho chủ nghĩa tiêu thụ.
Muốn trở nên khác biệt? Hãy mua quần này, áo nọ, trang sức này, phương tiện nọ.
Muốn nền kinh tế giữ đà phát triển, cạnh tranh trong trường quốc tế? Hãy khuyến khích sự lưu thông của đồng tiền.
Từ cấp độ vi mô cá nhân đến vĩ mô giữa các quốc gia là những sự tranh đấu không ngừng.
Nói đến vĩ mô là một câu chuyện dài,  cho nên trong giới hạn bài viết này, mình chỉ bàn đến cá nhân mỗi chúng ta thôi; vậy chính xác chủ nghĩa tiêu thụ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân ta ra sao?

Đọc thêm:


Cơn bất mãn từ những thỏa mãn nhất thời


Thỏa mãn nhất thời là gì?

Là những niềm vui, mà khi cuộc vui đã tàn, bạn không còn cảm thấy gì nữa.

Thông thường, những thỏa mãn về mặt giác quan (cảm giác, thính giác, vị giác, thị giác, khứu giác), sẽ chỉ đem lại niềm vui chóng vánh. 
Bạn thích nghe nhạc, nghe một hồi xong, nhạc tắt, tâm trạng bạn cũng tắt luôn.
Bạn buồn buồn order đồ ăn trên Delivery now, ăn no nê xong, bạn cảm thấy hối hận.
Bạn coi một bộ phim dài tập, một bộ manga, một cuốn tiểu thuyết (ngôn tình), video gaming, 1 series video suggestion trên youtube, porn... rồi khi tất cả chúng chấm dứt, bạn thấy chán nản, rồi cuối cùng không biết làm gì với bản thân...
Không những thế, cũng có những niềm vui về mặt tâm lý có chung sự chóng tàn như vậy, mà đại diện tiêu biểu là nghiện mạng xã hội, và nghiện mua sắm.
a. Nghiện mạng xã hội
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao vài cô gái xinh xắn lại selfie quá nhiều trên facebook và instagram? Đó là bởi họ luôn trong tâm trạng bất an, cầu sự khen ngợi của người khác. Thế nhưng, việc đạt được thành tích nào đó, hay viết một status nhiều suy tư là quá khó khăn, cho nên họ chọn giải pháp nhanh gọn hơn đó là chụp ảnh đẹp. Và các bạn cũng đều biết là người ta thích trai gái đẹp, đồ ăn trông ngon, và khung cảnh nên thơ đến thế nào rồi.
Cái quan trọng là, sau khi post những tấm ảnh đó, nhận like còm ào ào như cơn mưa, thì niềm vui chẳng chóng thì chầy cũng bay nhanh như cách nó đến.
Não bộ con người vốn có cơ chế cực kỳ nhạy cảm và thích thú với lời khen ngợi, bởi vì qua hàng triệu năm tiến hóa khốc liệt, việc nhận được sự công nhận của bầy đàn là yếu tố sống còn đối với một cá thể. 
Nay, mạng xã hội đã hình tượng hóa lời khen ngợi thành những cú like, và đẩy lên cực đỉnh cái ham muốn được bầy đàn công nhận đó của chúng ta; bởi chỉ với vài chục phút trên mạng, không cần quá cố gắng, chúng ta đã có thể nhận được số lượng lời khen còn nhiều hơn tổng những lời khen ngoài đời mà ta có thể nhận suốt cả một năm qua.

Liều cao như vậy thì chẳng lạ gì khi nhiều người cảm thấy như bị mạng xã hội rút cạn năng lượng tinh thần của họ.

Đọc thêm:

b. Nghiện mua sắm
Mình sẽ kể sơ câu chuyện về chị ruột của mình.
Chị cả của mình, năm nay 43 tuổi, hồi xưa đã từng là một người con gái rất xinh đẹp. Chị sớm cưới chồng - là một đại gia gốc Hoa, trong ánh mắt ganh tỵ của nhiều người. Nhưng đời chị là những nỗi khổ tâm kể hoài không hết.
Khoảng 5 năm trước, mình có phụ chị dọn đồ đạc qua căn nhà tạm sinh hoạt trong lúc chị xây căn mới rất to, định dành 9/10 căn nhà để cho thuê. Và khi dọn đến căn nhà bếp, mình đã thấy chị khóc.
Chị khóc, bởi vì chỉ tới lúc dọn, chị mới thấy hậu quả của căn bệnh nghiện mua sắm của chị. 2 ngày qua, chị đã quá mệt mỏi khi dọn nhà, thế nhưng trước mắt chị hiện tại là căn bếp đang bị chồng chất hơn chục bộ nồi niêu xoong chảo hàng hiệu cao cấp mỗi bộ mấy triệu đồng. Chị mua chúng trong những cơn buồn chán thấy giảm giá khuyến mãi. Và chúng mãi nằm lăn lóc đó cả chục năm mà chị không dùng tới, và nay đã bị hen gỉ không thể dùng được nữa... 
Nghiện mua sắm vốn có nguồn gốc sâu xa từ sự tôn sùng vật chất, khi người ta cảm thấy mua món đồ cao cấp sẽ khiến giá trị của mình cao hơn trong mắt người khác. Nhưng khi sự thỏa mãn đã trôi qua, thì người ta sẽ muốn nâng liều cao lên, để rồi khi lòng tham trở nên quá nặng, một người sẽ quên mất mục đích gốc của nó (sự thể hiện với người khác), mà chỉ sắm và sở hữu thôi, chưa cần sử dụng, là họ đã đủ thỏa mãn rồi. Thế là họ sắm mãi, sắm mãi.
Và khi không hiểu nguồn cơn sự thỏa mãn của mình, người đó trở nên lạc lối. 

Trong các thể loại nghiện thỏa mãn về mặt tâm lý, thì ngoài nghiện mạng xã hội, nghiện shopping, thì chúng ta còn nghiện các thứ sau:
- Đọc tin tức giật gân, hóng hớt drama lộ hàng lộ clip, cướp hiếp giết,... Nguyên nhân sâu xa đến từ bản năng luôn cảnh giác với những thay đổi đột ngột của môi trường sống để cầu sự an toàn. Chắc hẳn bạn cũng biết một con hổ răng kiếm nhảy xộc ra từ lùm cây nó đáng sợ thế nào rồi. Và khi nắm được tình hình, ta cảm thấy thỏa mãn (Hú vía! Tao an toàn rồi!). Với tin tức lộ hàng, clip sex, người nổi tiếng ngã ngựa,... thì cảm giác thấy kẻ khác thất bại cũng khiến tâm trí vụn vặt của ta thỏa mãn, chỉ vì bản năng cạnh tranh bầy đàn cả. 
- Sự thỏa mãn tâm lý nhất thời với những thành tựu về điểm số, đậu đại học xịn, sự đề bạt về chức vụ, sở hữu ô tô, nhà lầu, giành giải thưởng lớn,... Hay những sự phản ứng tức thì như tức giận, xúc phạm, văng miểng, chém người vì bị "liếc đểu" cũng là biểu hiện của thỏa mãn nhất thời, có rất nhiều mức độ, muôn hình muôn vẻ. 
Tóm lại, bây giờ bạn đã thấy con người hiện đại nghiện những thỏa mãn nhất thời đến thế nào; khi chúng chấm dứt, chúng ta cảm thấy chán, trống rỗng, thậm chí buồn bã. Nhưng ngược với đó, lại có những thứ thay đổi ta mạnh mẽ và kéo dài sự mãn nguyện của ta: những niềm vui vững bền.

Những niềm vui vững bền, ý nghĩa


Một sáng đẹp trời nọ vào tháng 4/2019, mình có ghé gặp và trò chuyện với chị Na. Chị là một người rất dễ mến, cả về nét mặt lẫn tâm hồn, và là một kiến trúc sư, nhà thiết kế rất có tài, đã có 2 bé con kháu khỉnh.
Bữa đó chúng mình đã có cuộc trò chuyện say sưa đến mức quên cả chiếc smartphone trong túi quần.  Trong cuộc trò chuyện, mình đã được thoải mái nói ra hết tâm khảm của bản thân, ví dụ như lo lắng của một người phải hy sinh tự do để chăm sóc con cái, về chuyện làm gì nếu bị ngoại tình, về những khó khăn khi người phụ nữ tới tuổi mãn kinh,... Trong 4 tiếng đồng hồ, mình đã được lắng nghe một phần cuộc đời, tâm tư chị, mà từ đấy mình hết mực ngưỡng mộ.
Và khi tụi mình tạm biệt nhau, tuy cái vui của cuộc trò chuyện đã qua đi, nhưng trên đường về, dư vị của nó vẫn còn phảng phất trên khóe môi đang mỉm cười của mình, và một hoài bão nào đó đã được khơi dậy... 
Điều đó thật tuyệt, phải không nào?

Niềm vui vững bền, ý nghĩa, là những niềm vui thuộc về tinh thần, khi mà cuộc vui đã tàn, thì vẫn để lại trong ta một cảm giác sảng khoái, đong đầy, kéo dài.

Để có thể nắm bắt tốt hơn khái niệm trên, hãy xem xét thêm những ví dụ về niềm vui vững bền dưới đây:
- Bạn đi chơi thể thao (không bàn đến ăn thua cá độ). Về nhà bạn có buồn chán thất vọng không? Hay cơ thể mướt mồ hôi của bạn về và nghỉ ngơi thật sảng khoái, ngủ rất ngon? ⚽
- Bạn đi chơi với người yêu rất vui, hai bạn rất hợp nhau, các bạn trao nhau nụ hôn. Về nhà bạn có thấy chán không? Hay là cực kỳ thỏa mãn, về nhắn tin linh tinh, bấm emoticon smiling và môi bạn mỉm cười? 😄 ❤️
- Bạn có công việc mà bạn rất thích, có phải sáng ra bạn muốn dậy phóc để lao ngay tới nó không? Và khi về, nằm giường rồi, bạn vẫn phải bật dậy ghi chú lại ý tưởng hay ho nào đó? 💪
- Bạn đang nghiên cứu một vấn đề rất ư là không lợi lộc vật chất gì cả, ví dụ như Những ngày tháng cuối cùng của gia đình Sa hoàng Romanov (những cô công chúa, hoàng tử xinh đẹp, dễ mến, bị Hồng quân thảm sát). Sau khi tìm hiểu xong, bạn thấy buồn chán thất vọng, hay cảm thấy đời mình thật may mắn, rộng rãi hơn; và bên trong bạn được tiếp thêm động lực rất nhiều, khi bạn biết rằng "chịu đựng này không chỉ riêng ta"? 📖
Những hoạt động kể trên, đều giống với hình thức của thiền định, khi bạn ngập tràn trong nó, vô âu lo, mà sau khi hoàn thành, lợi ích về mặt thể chất và tinh thần vẫn còn đọng lại. 


Hướng đến những niềm vui vững bền, ý nghĩa


Có một đoạn mô tả cảnh sống của các học giả xưa, mà mình đã đọc và rất tâm đắc trong cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, xin được chép lại để các bạn tham khảo cuộc sống bình dị có cái vui thế nào:
Bác tôi biết tôi nóng tính nhưng thẳng thắn, lễ phép, mau hiểu, nên hay khuyên bảo tôi. Tôi đã chép lại trong cuốn Tổ chức gia đình lời người khuyên tôi khi hai bác cháu ở trên gò có ngôi mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn (cả ngôi mộ cụ Lê Anh Tuấn nữa) bước xuống:

     “Bác đã vào thăm nhà thờ họ Lê ở Thanh Mai. Nghĩ cảnh thanh bạch của cổ nhân mà đáng phục. Ông Lê Anh Tuấn làm Tham tụng (như tể tướng) mà rất nghèo, suốt đời ki cóp, cất được mỗi ngôi nhà ngói, hiện nay dùng làm nhà thờ họ Lê. Nhà đó chỉ nhỏ bằng nửa nhà mình. Cụ Cúc Hiên (tức Lê Đình Duyên), thầy học của ông nội, cũng đậu tiến sĩ, làm đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám mà cũng nghèo như vậy. Cháu đã có dịp vào thăm nhà thờ cụ ở làng Hạ Đình, có thấy chạnh lòng không? Cụ nghè làng Vẽ mà bác gọi là ông chú, còn bần hàn hơn; khi đã khoa bảng rồi mà ở một căn nhà tranh mái giột tường xiêu, mỗi bữa cơm chỉ có dăm con tép và bát rau muống. Chúng mình tài đức không bằng các cụ mà ở nhà ngói, cơm thường có thịt có cá, nhiều khi bác nghĩ cũng tự lấy làm thẹn. Đức giản dị, thanh bạch của cổ nhân, chúng ta đã đánh mất đi nhiều rồi.

     “Số cháu sau này sẽ khá vì có Thiên phủ, Lộc tồn ở Thiên di, bác ngại cho cháu dễ mắc bẫy xa hoa mà lương tâm tán tận, nên bác khuyên cháu noi gương cổ nhân, và nhớ lời này: “Đời sống vật chất thì nên dưới mực trung, còn đời sống tinh thần thì nên trên mức ấy”.

     Lời khuyên ấy tôi nhớ hoài, hồi tôi dạy học ở Long Xuyên, năm 1951-1952, đem ra khuyên lại học trò, và mới năm ngoái, một người trong số học trò đó, đã 46, 47 tuổi, lại thăm tôi, bảo không bao giờ quên được bài học ấy. Tôi rất mừng, thế là bác tôi vẫn còn sống trong tâm hồn tôi, tâm hồn học trò tôi, mặc dù người đã trở về với cát bụi hơn 45 năm rồi. 
Quả là một lời khuyên ngày càng thiết thực trong thời buổi vật chất lên ngôi như hiện nay.
Mình nghĩ rằng mọi người không cần phải cố gắng thay đổi quá nhiều, sống khổ hạnh như bậc tiền nhân như vậy. Cuộc đời đã quá khó khăn, để mà ta tự ép ta vô một cái khuôn khổ nào đó. 
Ngay cả một niềm vui được cho là chóng tàn hay vững bền, thì cũng không có ranh giới nào rõ rệt cả, vì còn tùy vào hoàn cảnh sống, kinh nghiệm, nhân sinh quan, giá trị quan của mỗi người, ví dụ như mình vẫn rất thích đọc manga (Kingdom, AOT), hoặc coi Game of thrones, hay chơi game They are billions. Mình chỉ coi chúng là giải trí thôi chứ không tốn thì giờ.
Tất nhiên đối với con người nói chung, thì vẫn có những quy luật tâm lý nhất định chi phối cuộc sống của mỗi chúng ta, nhưng bạn chỉ cần thay đổi từng chút một là đủ rồi. Mà trong giới hạn của bài viết này, mình sẽ chỉ gợi ý một điều thôi: đó là bạn hãy quan sát hơn bản thân bạn hàng ngày.
Cái chúng ta cần làm, để hướng bản thân nhiều hơn đến những niềm vui ý nghĩa, đó là chỉ cần ý thức, gọi tên được, "a niềm vui này chóng tàn, trống rỗng quá, thất vọng quá", rồi "a, niềm vui này đong đầy quá chừng, mình nên làm nó nhiều hơn".
Mà muốn ý thức được cảm xúc đó, đơn giản là bạn hãy ghi sổ tay thường xuyên (không cần mỗi ngày), cái vui, cái buồn, cái tốt, cái tệ của bạn hãy cứ ghi hết ra. 
Và khi bạn đã có thể chỉ mặt đặt tên những thú vui của bạn là chóng tàn hay vững bền, thì tư duy bạn cũng sẽ dần rành mạch, tinh tường hơn. Mình đã bỏ hẳn thói quen nghiện đọc báo mạng, chỉ với nhận thức được rằng "nó là vui chóng tàn", dần dần xong dứt hẳn lúc nào chẳng hay.
Viết, là hành động dễ dàng nhất để bạn dần hiểu chính bạn, bởi suy nghĩ ta chỉ rõ ràng hơn trên mặt giấy. (bạn hãy thử làm phép tính 19x23 trong đầu, và trên mặt giấy, rồi cảm nhận sự khác biệt)
Điều may mắn của mình, đó là vẫn giữ được thói quen viết sổ tay thường xuyên từ hồi cấp 3 đến giờ.
Ham ăn khổ vậy đó (nhật ký hồi sinh viên của mình, năm 2013)
Mẹo để tô điểm và tận hưởng hơn những thỏa mãn nhất thời
Thật ra có những thú vui tưởng nhất thời, nhưng bạn cũng có thể tô điểm thêm cho nó sự sâu sắc bằng cách chậm rãi thưởng thức hơn, để ý hơn. Ví dụ như ăn, thay vì coi nó là nhu cầu cơ bản, thỏa mãn cái đói, cái buồn chán, thì bạn có thể nhai chậm, ngậm và cảm nhận rõ từng vị mặn, ngọt, bùi, cay trên đầu lưỡi. Đặc biệt là đừng vừa ăn, vừa nghe nhạc, vừa lướt facebook cùng lúc, bởi chỉ khi làm việc nào ra việc đó thì ta mới có thể cảm nhận nó rõ ràng được. 
Với tình yêu, công việc, coi phim, nghe nhạc,... cũng thế cả, chỉ cần để ý hơn chút xíu thôi, và bạn sẽ thấy cái mà bình thường bạn sơ ý bỏ qua; từ đó bạn sẽ dần trau dồi thêm, bổ túc thêm cho những trải nghiệm đó.
Quan trọng nữa là, một thứ chỉ trở nên ý nghĩa, nếu bạn dành nhiều thời gian, tình cảm cho nó. Cho nên những niềm vui lớn trong cuộc đời, bạn đều có thể thấy là chúng cần rất nhiều nỗ lực, và cả buồn chán, thất vọng nữa. Thứ gì dễ dàng đạt được thì thường trôi qua rất mau, và đừng mong chúng quá nhiều trong cuộc sống, bởi một cuộc sống chỉ toàn niềm vui chắc hẳn chỉ tồn tại trong nhà thương điên (cười suốt ngày).


Lời kết


Có một câu chuyện khá hay để làm tổng kết cho ý tưởng của bài, là chuyện về chiếc bình và những quả bóng bàn:
"Ở lớp học nọ, người thầy đang trình diễn một bài học cho đám học trò xem. Thầy đưa cái bình thủy tinh lên, bỏ vô nó những quả bóng bàn cho đầy bình, và hỏi, "cái bình này đầy chưa các em?".
Cả lớp đồng thanh, "rồi ạ".
Thế nhưng, thầy lấy thêm trong túi bên trái ra một nắm sỏi nhỏ, trút vô bình, lắc lắc một chút, và thế là bình đầy. Thầy hỏi, "thế này đầy chưa?", và cả lớp gật gù bảo đầy rồi.
Thầy cười hiền, lấy ra trong túi còn lại một nắm cát trút vô bình, lúc này tụi học sinh há hốc mồm.
Thầy hỏi "giờ chắc đầy rồi nhỉ?". Cả lớp nhìn nhau gật gật "lần này là hết cỡ rồi thầy ạ".
Thế nhưng, thầy lấy... một lon bia ra, trút vô. Cả lớp cười òa! Trời ạ chả biết khi nào là đầy!
Thầy bảo, "Trong cuộc đời, sẽ có những chuyện vụn vặt, chúng như những hạt cát vậy, mà nếu ta dành quá nhiều thời gian cho chúng, ta sẽ không còn khoảng trống nào cho những quả bóng bàn - những kỷ niệm đẹp, những mối quan hệ, sức khỏe, đam mê, tựu trung lại là những thứ thật sự ý nghĩa và đáng nhớ đối với ta." "
...
Cuối bài, mình chúc các bạn sẽ có thật nhiều hơn những niềm vui vững bền, ý nghĩa như vậy; những thứ mà bạn sẽ nhớ mãi khi nhìn lại một quãng đời đã qua.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Trà Kha


P/s 1: Hãy chia sẻ những niềm vui vững bền của các bạn ở dưới phần bình luận nhé. :D

P/s 2: Về chuyện mình đổi tên. ^^'
Tên cmnd mình là Tuệ Ngôn, còn tên ở nhà của mình là Jakha. Mình thấy tên Tuệ Ngôn nghe sang chảnh, trí tuệ quá, nên mình lựa lại Trà Kha nghe cho nó trung tính, dễ thở hơn. ^^

P/s 3: Bài này nghe hay nè. :D


Bài viết cùng tác giả: