Dịch từ bài viết gốc của Melanie Challenger tại Aeon
---
Lần viếng bà chỗ hộ tang, chừng một giờ đồng hồ trước tang lễ, tôi thảng thốt trước sự khác nhau giữa chết và ngủ. Một người đang ngủ vẫn ửng lên những chuyển động lên xuống. Người chết dường như nằm bất động, tới mức họ nom nhỏ lại so với lúc còn sống. Gần như không khỏi cảm thấy một cái gì đó giống như linh hồn chẳng còn tồn tại nữa. Nhưng bà tôi qua đời cùng bệnh Alzheimer. Kể cả lúc còn sống, có một cái gì đó ở bà tựa hồ đã rời mất từ lâu. Và tôi tự hỏi, khi ký ức của bà biến mất, liệu bà có nhỏ đi so với trước, liệu có vơi đi phần nào con người hay không?
Các giai đoạn chung cục cuộc đời như thế đập tan trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng buộc ta phải đối diện với những ý nghĩ chẳng chút dễ dàng. Ta không ưa phải đối mặt với tình huống nhỡ đâu các tiến trình sinh học trong cơ thể không thể đảo ngược dập tan đi luồng sáng lộng lẫy của trải nghiệm được sống. Chúng ta thà chọn cách từ bỏ toàn bộ cơ thể, và xua đi những nhành tua u ám của một thế giới còn đang tồn tại mà ta kinh sợ. Vấn đề của mỗi chúng ta nằm chính tại đây - rằng chúng ta không hoàn toàn là cơ thể của mình mà là một “thứ gì đó” đặc biệt, riêng tách - đã khiến thực tại trở nên mơ hồ đi ít nhiều. Các vấn đề tuôn ra từ ý niệm chúng ta bị tách biệt giữa một nửa là con người thượng đẳng và nửa còn lại của một động vật thấp kém, rồi sẽ diệt vong. Nói ngắn gọn, chúng ta đi tới niềm tin rằng cơ thể và cảm giác của nó chưa đủ để xem là tồn tại. Nhưng nếu như chúng ta sai lầm thì sao? Nếu như tất cả những gì thuộc về chúng ta, kể cả tâm trí, đều mang tính sinh học đậm đặc, và các trải nghiệm thông qua cơ thể của chúng ta thực chất giàu ý nghĩa và phong phú hơn nhiều những gì chúng ta vẫn luôn sẵn lòng chấp nhận?
Theo những gì đã biết, các xã hội săn bắt hái lượm theo thuyết vạn vật hữu linh nhìn thấy linh hồn khắp nơi. Các dạng sống sở hữu một tinh cốt đặc biệt, phi vật chất. Trong tư duy cổ điển phương Tây, nhiều người còn cho rằng mọi sinh thể đang sống đều có một linh hồn. Nhưng hồn được phân theo cấp bậc. Con người được cho là sở hữu một linh hồn thượng đẳng hơn cả trong thang bậc này. Đến thời các nhà thần học chẳng hạn như Thomas Aquinas, tu sĩ và triết gia dòng Đa Minh của Ý, vào thế kỷ 13, quan điểm về cuộc sống chiếu theo linh hồn bị thoái rút, chừa lại con người là sinh vật duy nhất còn sở hữu một linh hồn bất tử. Trong tư cách những thực thể có một linh hồn riêng nhất, chúng ta không đơn thuần chỉ là động vật mà thôi. Cuộc sống của chúng ta được đặt trên một con đường hướng tới sự cứu rỗi. Cuộc sống khi ấy tựa như một sợi xích tồn tại, mà bên trên chúng ta chỉ có các thiên sứ và Thượng Đế.
Nhưng rồi, khi thời Trung Cổ tiến tới hồi kết vào thế kỷ 16, bắt đầu lan tỏa một hình thái lý tính hơn của chủ nghĩa ngoại lệ. Các nguồn gốc đằng sau thay đổi này nằm tại tư duy của René Descartes, người đã trao cho thế giới một nhị nguyên luận mới mẻ. Descartes luận rằng tư duy rất khác biệt với bản thể hữu hình, máy móc của cơ thể, do đó chúng ta nên nhìn nhận rằng con người bao gồm hai phần: tâm trí đầy tư duy và cơ thể vô tri, hữu hình. Đây là tôn giáo được nhìn lại thông qua lăng kính lý trí. Phân biệt giữa con người và phần còn lại của tự nhiên không còn ở linh hồn - chí ít, không chỉ là linh hồn - mà ở các khả năng tri thức của chúng ta: khả năng suy xét, các cảm nhận về đạo đức, thiên phú trừu tượng hóa. Descartes kết luận rằng, đương nhiên, các loài vật khác không tư duy.
Những nhân vật lừng lẫy của Phong trào Ánh sáng như John Locke và Immanuel Kant vào thế kỷ 17 và 18 triển khai thêm quan điểm vừa nêu. Theo hai ông, chính sự đơm hoa kết trái của trí tuệ mới là cái khiến chúng ta thật sự là con người. Thông qua sức mạnh trí óc, con người sống đời sống giàu ý nghĩa hơn các loài còn lại. Nói cách khác, con người chúng ta có một tâm trí đầy ắp linh hồn. Họ thậm chí còn cho rằng chúng ta chính là tư kiến của mình, rằng các khía cạnh tư duy ảo tưởng của con người quan trọng hơn và thậm chí, một cách táo bạo, tách khỏi sinh học nghèo nàn mà chúng ta chia sẻ cùng với các loài động vật khác.
Theo rất nhiều cách khác nhau, Chủ nghĩa Darwin đe dọa hình dung vĩ cuồng này về con người cũng như chốn nơi của chúng ta giữa tự nhiên. Charles Darwin phá vỡ cả quan điểm phân chia rạch ròi giữa con người và các dạng sống khác, cũng như khai triển thêm rất nhiều khả năng khác nhau cho song luận tâm-vật. Nếu con người tiến hóa từ các loài linh trưởng xa xưa, tiên tổ, thì tâm trí của con người, chắc chắn, cũng phải hình thành từ những quá trình tiến hóa thông thường có nguồn gốc tự nhiên sâu xa. Ngày nay rất dễ quên đi mất Chủ nghĩa Darwin đã công phá dữ dội cả một thế hệ đến dường nào. Chính Darwin từng viết thư cho bạn ông, nhà thực vật học người Mỹ Asa Gray, để bày tỏ nỗi sợ hãi của mình không dám nhìn nhận con người như một phần trọn vẹn gắn kết với một thế giới tự nhiên dường như không hề có đạo đức, nơi “chỉ quá nhiều đớn đau”. Có lẽ lúc này chúng ta chớ nên thấy ngạc nhiên trước những nỗ lực gấp đôi của nhà khoa học này nhằm khẳng định những hình thái cứu chuộc con người nhiều năm sau khi xuất bản quyển Nguồn gốc muôn loài (1859).
Một trong số các nỗ lực như thế mang hình thái “cách mạng con người” - quan điểm rằng một hình thái nhảy vọt nào đó về tư duy đã xảy ra trong cuộc tiến hóa gần nhất của loài Homo sapiens mãi mãi tách chúng ta ra khỏi các loài vật khác. Một nỗ lực khác nằm ở thế kỷ 20, chủ nghĩa nhân văn Ánh sáng được nhìn nhận lại đã tìm kiếm các bằng chứng khoa học để khẳng định sự ngoại lệ của con người, và cho rằng rốt cuộc chỉ các bằng chứng ấy mới là đúng đắn. Chủ nghĩa nhân văn hiện đại hứa hẹn sẽ “hoàn toàn nhận ra cá tính của con người” trong một cuộc diễu hành lao về phía trước “hòng tiến xa vào không gian và có lẽ cư ngụ ở các hành tinh khác.” Lịch sử triết lý về con người và các loài động vật khác trên toàn cầu có lẽ được láu lỉnh tóm tắt như một nghiên cứu dài lâu dành cho một thiên kiến.

Ngày nay, tư duy của chúng ta đã thay đổi theo chứng cứ khoa học, kết hợp những hiểu biết về di truyền suốt một thế kỷ qua. Chúng ta biết mình là động vật, liên quan với toàn thể đời sống trên hành tinh này. Chúng ta cũng biết rất nhiều về nhận thức, bao gồm sự phân tách chẳng dễ dàng gì giữa bản năng và dụng ý, cũng như sự chú trọng của toàn thể cơ thể vào suy nghĩ và hành động. Theo đó, chúng ta có thể kỳ vọng thay đổi các thái độ trước đây. Nhưng không. Chúng ta vẫn sống trong niềm tin rằng con người, theo một cách hiện sinh nào đó, không hoàn toàn là động vật. Ta vẫn bấu víu vào khả năng tồn tại một thứ gì ngoại-sinh tách biệt mình ra khỏi trạng thái đớn đau của một sinh thể mắc kẹt trong máu thịt và cái chết. Theo lời của triết gia Derek Parfit, “phần cơ thể bên dưới cổ không nhất thiết thuộc về chúng ta.” Nhiều người vẫn từ chối không chịu cho rằng hành động của con người là kết quả của phần động vật bên trong, mà là hiện thân của lý trí. Chúng ta mang thế giới ta tưởng tượng ra vào cuộc sống. Điều này đôi khi vẫn đúng. Nhưng vấn đề xảy ra khi chúng ta cho rằng thứ mình nghĩ chính là cuộc sống.
Các suy nghĩ ấy mang tới các hệ lụy hữu hình ngoài đời thực. Sở hữu một tâm trí giống của con người trở thành một lằn ranh phân chia đạo đức. Ở tòa án, chúng ta quyết những gì có thể và không thể gây ra với các sinh vật có ý thức khác dựa trên sự khuyết vắng một tâm trí có đặc điểm giống với tâm trí của chúng ta. Những cái thuộc quá mức về cơ thể, như bốc đồng hay tác nhân, bất kể hệ quả hay vai trò trong hành trình tiến bộ, được xem như là thấp kém hơn trong thang đạo đức. Trong khi đó, quan điểm rằng các thuộc tính hữu hình, động vật (mà chúng ta cũng sở hữu) chẳng có mấy ý nghĩa đã trao cho chúng ta ý nghĩ kỳ quái rằng ta hoàn toàn có thể sống mà không cần tới cơ thể. Thế là chúng ta theo đuổi sự cải biến sinh học cốt để tìm kiếm tinh cốt đích thực của nhân tính. Một trong những công ty công nghệ sinh học lớn nhất thế giới đang phát triển không chỉ các hình thái trí thông minh nhân tạo mà còn các giao diện người và máy, hy vọng một ngày kia có thể có được siêu trí tuệ hay một sự bất tử về tâm trí bằng cách tải tâm trí chúng ta xuống một cơ thể tổng hợp. Theo đó cơ thể chúng ta, thịt da chúng ta và cảm xúc của chúng ta - từ cười đùa với bạn bè cho tới nghe nhạc cho tới vuốt ve con trẻ - có thể xem như một mối hại với thể dạng này.
Cớ sao chủ nghĩa bài sinh vật này lại hằn sâu đến vậy trong tâm thức con người, suốt các nền văn hóa và hàng ngàn năm qua? Câu chuyện chính thống (và vẫn mang tính suy tưởng) từ sinh học tiến hóa, theo các nhân vật như nhà động vật học người Mỹ Richard Alexander hồi thập niên 1970 nêu ra, cho rằng tâm trí tưởng tượng, chủ quan của chúng ta có nguồn gốc tại hàng loạt những thích nghi dành cho nhận thức về các cá thể xung quanh. Khi linh trưởng sinh sống thành bầy, tổ tiên của chúng ta cần có nhau để tồn sinh; ấy thế mà môi trường chung sống này cũng có nhiều sự cạnh tranh, khiến cho nhu cầu vá víu vừa đủ để thúc đẩy kiểu nhận thức trao cho chúng ta cảm thức về “tôi”. Bổ sung vào đó nhu cầu thu thập các nhận định xoay quanh hành vi của chúng ta và của các cá thể khác, cũng như tích hợp với ký ức đa tầng, phong phú về trải nghiệm, thế là chúng ta còn lại một sự chú tâm gồ ghề dành cho các trạng thái nội hướng cũng như kích thích ngoại tại - đúng boong thứ mùi vị mà các nhà nghiên cứu ý thức miên mãi đấu khẩu với nhau. Những con đường sinh học dẫn tới sự chú tâm kia trao cho chúng ta nhận thức bản thể.
Rủi thay, suy nghĩ tự trội này cũng để lại trong chúng ta cái cảm giác rằng mình là ai đi nữa rốt cuộc chỉ là một thứ tâm trí bềnh bồng, bản dạng của chúng ta cũng giống một sự tư duy, hay đúng hơn, một tư duy về tư duy, thay cho cái tổng thể tế bào biết cảm nhận, cảm giác, đôi khi đậm bản năng, tạo ra toàn thể đơn vị động vật của chúng ta. Nhận thức về cái tôi gây nên cảm giác chúng ta bị mắc kẹt bên trong một cơ thể. Và chúng ta cũng có thể suy tưởng ra rất nhiều thứ khác nhau từ đây. Chúng ta có một ý thức tăng cường dành cho các mối họa mà chúng ta đối đầu trong vai trò động vật - chưa kể một nhận thức rằng một ngày kia chúng ta rồi sẽ chết. Như W. B. Yeats từng viết trong bài thơ Dong buồm tới Byzantium (1928), chúng ta “bị trói gô vào một con vật đang chết dần mòn.” Và bởi chúng ta cảm thấy mình còn hơn cả những gì thuộc về cơ thể, chúng ta tự cam kết rằng mình có thể thoát khỏi cái hạn chế kinh sợ của xác thịt. Nói cách khác, cảm giác phân biệt về tư duy của chúng ta trở thành hy vọng cứu rỗi.
Nhưng con người nào chỉ có nhận thức bản thể - chúng ta còn có nhận định về các bản thể khác. Khi đưa ra các phán đoán hợp lý về tình trạng của các cá thể khác và tiếp tục giao tiếp, chúng ta có được một mạng lưới trao đổi phi thường dành cho mình. Khi mầm bệnh SARS-CoV-2 công phá xã hội chúng ta gây ra rối ren và đau đớn, chúng ta vẫn có các hệ thống giao tiếp, hạ tầng chăm sóc sức khỏe, cũng như các cách thức để thấu hiểu con virus này, thứ sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có các cơ chế sinh học thôi thúc chúng ta cùng nhau lao động vì lợi ích chung. Một trong những chất keo kết dính hợp tác nằm ở khả năng tư duy và đưa ra phán đoán về suy nghĩ, trải nghiệm và dự tính của người khác. 
Vẫn còn nhiều bằng chứng về đặc tính thích nghi của sự hợp tác ở một quá trình chúng ta gọi là “vùng đệm giao tiếp”. Đây là cách mức độ căng thẳng đo được có thể được tiêu giảm khi chúng ta ở gần một thành viên trong cộng đồng. Sự gần gũi và các mối quan hệ tốt đẹp tác động vào sức khỏe của chúng ta, điều hòa sự phóng thích các hormone gây căng thẳng như cortisol có thể khống chế các hệ thống miễn dịch của chúng ta. Một cái ôm, một cái nắm tay người yêu thương đang lúc nguy kịch, hay được gặp gỡ đội nhóm của mình giữa lúc căng thẳng - tất cả những điều này tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của chúng ta, lại còn cải thiện khả năng ứng phó trước những khó khăn trong cuộc sống. Các lợi ích này lũy tích suốt trọn đời và còn được tìm thấy ở những động vật sinh sống thành bầy đàn, nhất là động vật hữu nhũ. 
Thế nhưng với một loài động vật như chúng ta, chuyện có chút phức tạp hơn. Chúng ta dùng ý nghĩ để tạo dựng các loại phản hồi đệm có từ các mối quan hệ giữa ta với các cá nhân xung quanh. Các động vật giao tiếp có được sự tương trợ lúc gần gũi với một động vật khác cùng họ hay cùng đàn, còn con người có sự tương trợ thông qua gần gũi về tâm lý. Vùng đệm này là thiết yếu cho bất kỳ thế giới quan hay ý thức hệ nào tạo điều kiện cho cảm giác quy thuộc - dẫu nó có thể tẻ nhạt như tham gia một đội bóng địa phương.
tác phẩm Tamu của Mahdi Abdullah
---
Thế nhưng vẫn có một cú bẻ lái ở đây.
Bằng chứng chỉ ra rằng vùng đệm giao tiếp thường bao gồm cả việc đánh giá tư duy và kỹ năng của chính chúng ta (bao gồm nhóm đông đảo nhất, Homo sapiens) cao hơn so với các loài khác. Nghiên cứu do nhà tâm lý học Hà Lan Carsten De Dreu tiến hành đã hé lộ cách một số niềm tin của chúng ta về đặc điểm siêu việt của tâm trí nhóm mình ảnh hưởng tới oxytocin, củng cố mối gắn kết giữa chúng ta với nhau và gia tăng cam kết của chúng ta dành cho suy nghĩ và cảm xúc của các cá thể đồng loại. Ở nơi khác, công trình của nhà tâm lý học người Ý Jeroen Vaes chỉ ra cách mà nỗi sợ và các mối nguy hại khiến cho con người tân trang các gắn kết với nhóm, bao gồm cả việc xem các thành viên trong nhóm “có tính người hơn” người ngoài nhóm (“tính người” ở đây được đo bằng các cá nhân có trí tuệ cao hơn và các dấu hiệu cảm xúc thứ cấp mạnh mẽ hơn như lòng trắc ẩn hay sự tự hào). Nói cách khác, chúng ta nhìn nhận tâm trí nhóm của mình siêu việt hơn tâm trí của các nhóm khác, và khi muốn tái khẳng định - nhất là khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa - chúng ta càng gia tăng niềm tin đối với phán xét siêu việt dành cho căn lõi của tính quy thuộc, và chê bôi phỉ báng bất cứ ai hay bất cứ thứ gì đối lại chúng. Dẫu “nhóm” ở đây thường là nền văn hóa hay ý thức hệ mà chúng ta tin vào, với con người “nhóm” cũng hoàn toàn có nghĩa là chính chúng ta.
Thú vị thay, các nghiên cứu mới đây cho thấy hình dung con người không hoàn toàn là động vật - và nhất là hình dung rằng con người thượng đẳng hơn các dạng sống khác - là một trong những tư duy có khả năng trấn tĩnh chúng ta vô cùng, những tư duy mà chúng ta yêu thích. Nour Kteily, một nhà nghiên cứu ở ĐH Northwestern, bang Illinois, nghiên cứu về các cách thức tương tác giữa các nhóm người. Ông lập ra “thang đo thăng hạng của con người,” vốn đi vào khai thác cái suy nghĩ cấp tiến cho rằng con người đang leo lên đỉnh thức bậc sinh học. Kết quả mà ông thu được chính là sự căng thẳng hay sự xuất hiện của các nguy cơ khiến chúng ta càng ưu ái hơn sự độc lạ của con người. Điều này tạo ra một nghịch lý thú vị, dĩ nhiên, nếu như chúng ta xem việc mình là động vật tự thân nó cũng chính là một mối đe dọa.
Vậy thì suy nghĩ ấy còn có ý nghĩa hay chăng? Không ai phủ nhận rằng con người là biệt lệ. Ý niệm về sự độc nhất của con người chỉ trở thành một vấn đề khi chúng ta phủ nhận vẻ đẹp và sự thiết thực của đời sống động vật trong mình và nơi các loài động vật khác. Bất kể mọi thứ về nguồn gốc mà chúng ta được nghe, chẳng hạn ta sở hữu đặc điểm tâm linh hay tòa án phán bảo rằng chúng ta là “con người” có phẩm hạnh ra sao, thì chúng ta có đặc quyền siêu vượt so với thế giới hữu hình. Từ gốc của chữ “biệt lệ” hay “ngoại lệ” là từ tiếng Latin excipere, nghĩa là “lược bỏ”. Chúng ta lúc nào cũng mong mỏi được cứu vớt, được “lược bỏ” khỏi những gì chúng ta không thích thú hay sợ hãi về tình trạng động vật của mình. Nhưng sự đeo đuổi sự ly thoát trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng ta sở hữu các công nghệ mạnh mẽ để điều chỉnh và vắt kiệt sinh học.
Ngày nay, chúng ta đang đầu tư rất nhiều vào những nẻo đường kỹ thuật khác nhau hòng thoát khỏi hạn chế hay các mối nguy khi vẫn còn trong lốt sinh vật, dù bằng cách sửa chữa ADN hay điều trị bằng tế bào gốc hay chuyển dịch ngày càng nhiều hơn cơ thể của chúng ta vào các hình thái sống kết hợp hoặc bằng máy móc. Google, Amazon và Neuralink của Elon Musk chỉ là ba trong số những tập đoàn lớn đang đầu tư vào các lĩnh vực này. Tất cả nằm trong một khuynh hướng chung hướng tới việc kiểm soát và công nghệ hóa ngày càng nhiều hơn phần đời sống sinh vật của chúng ta. Thế nhưng, khi tìm kiếm những cách thức để hoàn thiện bản thân, con người chúng ta lại hiếm khi để ý mình đã bỏ lại những gì phía sau. Khi bắt đầu sử dụng những quyền năng mới mẻ ấy, chúng bắt buộc phải dựa trên chính cái bản thể mà chúng ta đang muốn đánh mất. Vấn đề ở đây chẳng phải để tranh cãi rằng ta nên hành xử như động vật, mà là chúng ta vẫn là động vật, và vô số những gì thuộc về đặc tính của trải nghiệm sống còn của con người vẫn còn nằm trong một cuộc sống sinh vật trọn vẹn.
Một số giai đoạn quan trọng trong cuộc sống diễn ra trong tử cung và trong những mối liên kết ban đầu với người nuôi dưỡng chúng ta các tuần và tháng ngay sau khi chúng ta ra đời. Và sự được mất của những mối liên kết này lẫn sức khỏe của các bà mẹ có thể để lại những ảnh hưởng dài lâu lên chúng ta và lên con người chúng ta sẽ trở thành. Nhà tâm lý học người Israel Ruth Feldman từng viết: “Các gắn kết về sau… tái mục đích cơ chế cơ bản được hình thành bởi quan hệ giữa mẹ và con trong những ‘giai đoạn quan yếu’ ban đầu.” Những năm tháng đầu đời ấy trong hành trình thành nhân bao gồm sự giao tiếp giữa các hormone, môi trường và tiếp xúc cơ thể ảnh hưởng đến cách tổ chức các mạng thần kinh của đứa trẻ. Hệ thần kinh trung ương và khả năng chống chịu trước căng thẳng, cả hai đều lưu lại dấu ấn trong những năm tháng đầu đời, quan yếu của chúng ta. Khi cha mẹ ôm ấp con mình, hiệu quả mang lại hết sức đáng kể, làm điều hòa nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và hô hấp. Con người sống giữa một trạng thái cốt kết tạm thời, dù dị tính hay đồng tính, trẻ hay già, bảo thủ hay khai phóng, đều đồng điệu theo những mức độ hoàn toàn có thể đong đếm được, từ thay đổi ở hormone tới sự đảo pha của sóng gamma và alpha trong não, và những liên hệ mang tính dung dưỡng rất tốt cho các mối liên kết gần gũi, thuần túy động vật hữu nhũ từ ban đầu kia.
Con người, chẳng hề là sản phẩm thuần túy của bộ não và sự tự cân chỉnh, chịu sự tác động gần gũi từ toàn bộ cơ thể lẫn môi trường vật chất xung quanh. Một bằng chứng đau lòng chứng minh cho thực tế ấy tới từ các nhà nuôi trẻ mồ côi ở Romania, nơi những đứa trẻ bị chính sự tàn độc và thừa mứa bạo lực của từ chế độ cai trị của nhà độc tài Nicolae Ceaușescu bỏ rơi, mà không nhận được sự chăm sóc hay va chạm cơ thể. Thực tế ấy khiến cho các em có những cuộc vật lộn kéo dài cả đời người, từ chậm nói tới sự khiếm khuyết nhận thức về không gian và thời gian. Đó là những lời nhắc nhở đau đớn rằng khả năng phát triển và diễn đạt bản thân mình bị ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc bởi cách cơ thể chúng ta được đối xử và trân trọng trong những năm tháng đầu đời.
Và thực tế này càng cần trở nên quan trọng hơn với những ai đang tìm kiếm cách để định nghĩa đâu là thứ quan trọng trong cuộc sống loài người. Ở cộng đồng nghiên cứu và kinh doanh tồn tại một tiềm năng rất hay ho rằng chúng ta chẳng bao lâu sẽ có thể khai thác công nghệ sinh học mới mẻ như công nghệ điều chỉnh gene và genome CRISPR, hay tiếp cận được một loại hình “canh tác” bào thai thông qua các công cụ sinh sản như hình thành giao tử trong ống nghiệm (công nghệ cho chúng ta chuyển từ thế bào da sang tế bào gốc), và từ đó có thể chọn ra những bào thai có khả năng chống chịu tốt nhất với bệnh tật lẫn chỉ số thông minh ưu việt cho con cái. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng theo đuổi công nghệ sẽ làm gián cách và công nghiệp hóa đời sống con người ngay từ thời điểm hình thành. Nói cách khác, chúng ta sẽ không còn tạo ra trẻ em bằng đường giao phối, và việc nuôi dưỡng có thể được tiến hành bởi công nghệ thay vì bằng yêu thương và tiếp xúc thân thể.

Ở những can thiệp kém kịch tích hơn, con người đang ngày càng lệ thuộc cuộc sống của mình vào smartphone và chú ý ngày càng ít hơn tới cách cơ thể chúng ta ảnh hưởng như thế nào tới cách chúng ta hình thành và tồn tại. Trẻ con học tốt hơn bằng chuyển động và cử chỉ, kể cả việc thủ đắc ngôn ngữ, bị ngó lơ bởi những kẻ muốn thao tác hóa việc dạy học trên môi trường trực tuyến. Cộng đồng nghiên cứu thì bị lưỡng phân đáng ngại xoay quanh tác động của thời gian trên mạng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Các nghiên cứu từ những nguồn tin cậy ngang nhau cho rằng mạng xã hội chẳng hề ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, trong khi một nguồn khác lại cung cấp chứng cứ ngược lại. Nhưng chẳng có một lẽ thường nào tỏ ra hữu ích cả. Điều ta có thể nói chắc chắn chính là thời gian truy cập trực tuyến đang chiếm lấn vào thời gian chúng ta dùng vào giao tiếp chân tay với nhau và với thế giới hữu hình xung quanh. Chỉ có niềm tin cho rằng đời sống sinh vật của chúng ta kém phần quan trọng hơn so với đời sống tinh thần mới là thứ cho phép chúng ta hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của sự suy giảm trải nghiệm hữu hình của chính mình.
Và điều này vẫn chưa hề nói gì tới sự khinh miệt trạng thái sinh vật của chúng ta gây ra tác động ra sao tới các loài sinh vật khác Chúng ta mất hàng ngàn năm tranh cãi liệu mình có phải là lãnh chúa đạo đức cai ngự thế giới của mình hay chăng. Thực tế ấy càng chỉ trở nên khó quyết khi chính chúng ta trở thành tác nhân gây ra tuyệt chủng và ô nhiễm. Suốt nhiều thế kỷ, chúng ta đã làm dịu đi những mâu thuẫn ấy. Nhưng ta không còn có thể thờ ơ trước cái bóng dài ta để lại đằng sau. Lượng loài hữu nhũ đã và đang ngày càng thu hẹp, và hiện đang nhỏ nhất kể từ thời kỳ khủng long còn dạo chơi trên Trái Đất. Sinh khối hữu nhũ của hành tinh chúng ta giờ chỉ còn 4% số loài sinh vật tự nhiên, 30% là con người, và phần còn lại là những loài vật chúng ta nuôi lấy thịt.
Đương nhiên, khi khám phá bản thể sinh vật, chúng ta đối diện một khả năng không mấy dễ chịu là các loài vật đang biến mất cũng có những thế giới trải nghiệm nhẽ ra nên can hệ vào mạch đạo đức của chúng ta dữ dội hơn nhiều những gì chúng ta cho phép xảy ra ở hiện tại. Cuộc sống trên Trái Đất đầy ắp những dạng trí thông minh và mục đích khác nhau. Chúng ta chỉ nằm ở khởi đầu của các phát kiến khoa học về cách trí nhớ và tư kiến nắm giữ cơ thể sinh vật từ đầu tới chân. Rốt cuộc, chúng ta sẽ buộc phải công nhận sự phức tạp đích thực của các đời sống khác quanh mình. Càng biết về những động vật khác, ta càng nhận ra rằng, nếu trải nghiệm của mình có nghĩa lý, thì  những trải nghiệm khác mình cũng có thể mang ý nghĩa chẳng hề kém cạnh.
Cũng có thể những cơ hội vĩ đại nhất của loài người chúng ta nằm tại cách huy động các nguồn lực trên chính cơ thể mình. Khi đứng ra xem xét tất cả những gì mình nhận về trong tư cách sinh vật, chúng ta đối mặt với những nguồn tài nguyên mạnh mẽ có thể gây ra thay đổi tích cực. Cứ nghĩ thử về nét kiêu kỳ của gắn bó tình thân mà xem. Nếu lúc này, khi đang đọc bài viết, chúng ta có một chú chó bên cạnh, hãy cúi người nhìn vào mắt nó rồi vuốt ve. Qua vùng hạ đồi bên trong cơ thể, oxytocin sẽ xung hoạt, và dopamine nữa - các hóa chất hữu cơ nằm ngay trong gắn kết động vật - và, trước khi ta nhận ra, ta đã bắt đầu cảm thấy dễ chịu, kể cả giữa thời buổi u ám của đại dịch. Và khi các hóa trình này xảy ra với chúng ta, nó cũng xảy ra với chú chó; chú ta sẽ trải qua một phản ứng cơ thể tương tự đáp lại mối liên kết giữa ta và nó. Oxytocin được sinh ra ở vùng hạ đồi của tất cả loài hữu nhũ. Nói cách khác, cơ thể chúng ta có thể cũng chính là công cụ hữu hiệu và tài ba nhất để tìm thấy cân bằng giữa con người và phần còn lại của thế giới sinh vật. Nếu chúng ta có thể mách nhủ mình đi sâu hơn vào một khung tư duy gắn bó, có thể ta sẽ thấy dễ dàng nhận ra vẻ đẹp và trí thông minh mà chúng ta cương quyết muốn tiêu diệt. Khi chấp nhận rằng chính chúng ta cũng là loài vật, ta tạo ra một cơ hội để tư duy về cách chúng ta có thể ngao du cùng sức mạnh của di sản tiến hóa theo những cách mà tất cả chúng ta đều có được. Nếu có thể tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn với hiện thực và, do đó, một mối liên hệ tốt đẹp hơn với những động vật khác, chúng ta sẽ bước trên con đường phục hồi.
k.