Ngày 26 tháng 11 năm 2020.
Năm COVID thứ nhất, mặc dù đã có rất nhiều người chết, người Mỹ vẫn không bỏ ngày Purge thường niên. Trái lại, nhân hôm đó, rất nhiều người phá cửa xông vào bệnh viện để rút ống thở của bệnh nhân COVID. Việc này tuy có tác dụng làm giảm đi gánh nặng y tế cho nước Mỹ, nhưng người Mỹ làm vậy thực ra không phải vì đó là việc cần làm, mà chỉ đơn giản vì đó là việc dễ làm.
Ở xứ tôi, người ta bảo rằng người Mỹ ấu trĩ, dù thực ra chín chắn cũng chẳng phải là một phẩm hạnh đáng trân quý. Riêng tôi thì thấy dân xứ tôi không có cái bản lĩnh làm con người như người Mỹ. Trái lại, họ là những kẻ duy tâm yếu đuối. Khi COVID đến, họ chỉ dám mừng thầm khi số người chết tăng vọt. Vậy mà dạo trước, lúc có đại biểu kiến nghị hợp pháp hóa việc an tử, trợ tử cho mọi đối tượng, bất kể tình trạng sức khỏe, thì người ta lại hùa nhau chửi bới.
Thú thật, tôi có đứa bạn làm cho một tổ chức chuyên thực hiện các phi vụ an tử bất hợp pháp. Không quá khó để làm biến mất một con người. Tôi nghe kể rằng, tuy không thuộc hạng mục nào trong di chúc của khách hàng, nhưng các tổ chức kiểu như vậy thường mang thịt người xay nhuyễn và bán cho các chuỗi cửa hàng fast food để làm burger. Nhưng chuyện đó thực ra cũng không quá quan trọng. 
Người xứ tôi bị trói buộc bởi sự tử tế hình thức, ghê tởm khủng bố ở các nước Trung Đông, cười khẩy tục thanh trừng ở Mỹ. Trong sự thiếu quyết liệt đó, họ sáng tạo ra một thứ truyền thống mang màu sắc nhu nhược: mặc niệm ngày sinh nhật.
Các thế hệ trước quan niệm chẳng ai chọn sinh ra ở cuộc đời này hết, mà lỡ chào đời rồi thì đành phải chấp nhận nó thôi. Chính bởi cái tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người ấy, mà mỗi khi đến ngày kỷ niệm ai đó chào đời, người ta sẽ sửa soạn cho họ biến mất. Ngày đó, người đó không xuất hiện trong mọi mối quan hệ, trong mọi nơi chốn. Họ không có ở công ty, không có ở quán xá, cũng không có ở nhà nốt. Trong giao tiếp, sẽ không ai nhắc đến họ, như thể họ chưa từng tồn tại. Và cũng không ai biết họ đã ở đâu làm gì trong ngày hôm đó. Đó là ngày của sự vắng mặt trọn vẹn.
Nhưng cái đáng nói là, chính những người có sinh nhật cũng không bao giờ nói về cái ngày sinh nhật của mình. Không phải vì không muốn nói, mà vì tất cả đều quên mất đã có chuyện gì xảy ra trong ngày sinh nhật đó. Đến nay tôi đã trải qua 26 cái ngày sinh nhật, và tôi chẳng nhớ là mình đã làm gì trong những cái ngày đó. Rất có thể tôi đã không làm gì hết. Không di chuyển, không nháy mắt, thậm chí không thở. Rất có thể vào đúng ngày sinh nhật, không có tôi trên đời.
Tôi không biết có phải là mọi người cố tình lờ đi một ai đó vào ngày sinh nhật của họ không. Vì nếu vậy thì đó là cách dễ dàng nhất để ghi nhớ một người. Cố quên họ đi là cách để nhớ về họ nhiều nhất.
Điều này làm tôi liên tưởng đến một số nhân vật mà cả cuộc đời họ, mỗi ngày đều là ngày sinh nhật. Họ sống cả mấy chục năm ở đời mà không ai nhớ tên. Và gương mặt của họ là những mảng mờ nhòe của mắt mũi miệng. Tôi không biết họ có hạnh phúc không, nhưng có lẽ với họ, chuyện trở thành một cây xúc xích hay một miếng thịt kẹp trong cái burger cũng không phải là điều gì to tát. Hình như có một dân tộc nào đó lập ra truyền thống ăn thịt người thân đã khuất, bởi vì với họ đó là cách để người thân tiếp tục sống, trong huyết mạch của mình.
Tôi đang đứng giữa ngã tư Hàng Xanh giờ tan tầm: Human, all too human. Tất nhiên người dùng cụm từ đó không đặt vào nó một hàm nghĩa thô sơ như cách tôi hiểu. Dẫu sao, ngày mai cũng là ngày sinh nhật của tôi, nghĩa là tất cả loài người ở xứ tôi, trong ngày mai, sẽ không biết là có tôi. Còn tôi có lẽ cũng sắp sửa đón một sự đoản mạch, một cú ngắt đột ngột của thời gian, như một cái nhắm mắt, mở ra là hết một ngày.
*
Ngày 28 tháng 11 năm 2020.
Thật đáng buồn cho những kẻ không bao giờ nhận được gì sau ngày sinh nhật. Đó là những kẻ như tôi nói, mỗi ngày của họ đều là ngày sinh nhật. Còn tôi, sau ngày sinh nhật của mình, tôi biết rằng tôi hãy còn được nhiều người nhớ lắm, vì người ta đã tìm cách để quên tôi biết bao nhiêu, cũng như tôi đã từng cố quên biết bao nhiêu con người đã đi qua đời mình, đã dự phần vào cuộc sống của mình, như mấy thằng trai thẳng mà tôi thầm thương trộm nhớ để rồi một ngày cưới vợ sinh con. Ghi nhớ quá giỏi là một nỗi bất hạnh. Rất có thể, biết quên cũng là một tài năng.
Sau ngày sinh nhật của họ, tôi vẫn thường gửi đến họ một bó hoa kèm theo tấm thiệp có ghi lời nhắn: «sự vắng mặt của bạn là niềm vinh hạnh của tôi».
Hôm nay, sáng đầu tiên sau ngày sinh nhật thứ 27, tôi tỉnh dậy giữa một rừng hoa trong nhà, và thiệp ngập đến tận mắt cá chân. Tôi cúi xuống nhìn, trên chúng có ghi những dòng chữ thật nắn nót: «Sự vắng mặt của bạn là niềm vinh hạnh của tôi».
27.11.20