Dạo này tôi bắt đầu nghĩ nhiều về niềm tin.
Chẳng là tôi đang tìm hiểu một chút về tâm linh và chữa lành. Tôi thực lòng muốn hiểu cảm giác bình an mà những người được chữa lành đã trải nghiệm, nhưng đồng thời cứ lấn cấn mãi vì những khái niệm hơi quá trừu tượng mà quá trình này khơi gợi. Tại sao những vấn đề tâm lý lại được giải quyết bằng bài tarot? Tại sao những hoocmon trong cơ thể giờ đây lại được vận hành bởi vũ trụ và những vì sao? Tôi không hiểu.
Thế là tôi cứ thậm thà thậm thụt trong cái group ấy, nửa muốn tham gia nửa không, giống như cái cách tôi đọc say mê những giai thoại và những cuộc chiến tranh tôn giáo để rồi quyết định không theo một tôn giáo nào cả. Tôi quá sợ hãi phải vứt bỏ tấm áo giáp của sự hoài nghi, tôi không dám nghĩ tới việc mình sẽ phải thực hiện “bước nhảy”.
Trong tôn giáo có một khái niệm gọi là “the leap of faith”, tức là bước nhảy của niềm tin. Nó hơi giống với việc từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời mình và giao phó nó vào bàn tay của một thế lực siêu nhiên cao cả nào đó. Điểm cốt lõi ở đây là phải tin tưởng tuyệt đối rằng cuộc đời ta đã được an bài, và những khó khăn ta đang nếm trải chỉ là một phần của kế hoạch lớn lao hơn.
Ngày nay, chúng ta đã nghe đến mòn tai câu nói “Hãy nắm lấy vận mệnh của bạn”, nhưng thực tế đây là một tư tưởng mới. Suốt dọc chiều dài lịch sử, Chúa là người nắm giữ số phận của con người. Vị trí này chỉ vừa bị choán ngôi cách đây hơn 1 thế kỷ bởi lời tuyên ngôn đanh thép từ triết gia người Đức Nietzsche trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông- “Zarathustra đã nói như thế!”
Chúa đã chết. Chúa vẫn chết, và chúng ta đã giết Ngài (God is dead. God remains dead, and we have killed him)
Vào thế kỷ 19, tư tưởng quyết liệt này dội xuống xã hội châu Âu như một quả bom. Để rồi sau đó hàng loạt trường phái triết học và những nhà tư tưởng lớn ra đời, tái định hình hệ tư tưởng cho phương Tây hiện đại.
Là một người tin vào tiến bộ khoa học, tôi ôm ấp sự mạch lạc sáng suốt của logic và sự rõ ràng thành thật của các giác quan. Thật khó để tôi hình dung một vị Chúa Trời hay thần thánh có khả năng quản lý hàng tỷ hồ sơ của những người đang sống trên mặt đất, và càng khó hơn để không nghi ngờ rằng chúng được quản lý hoàn hảo và có ý đồ. Tôi thoải mái với ý nghĩ chính mình là người sắp xếp đống hồ sơ của mình hơn, và do vậy cũng chẳng sao nếu thi thoảng mọi thứ bỗng trở nên lộn xộn, “điều gì không giết được tôi, chỉ làm tôi mạnh mẽ hơn”.
Tuy vậy, tôi không thể che giấu được sự tò mò về những gì mình không hiểu. Tôi, với tâm hồn đầy hỗn loạn và mong manh của một người vô thần, cảm thấy ghen tị với nơi trú ẩn an toàn của người theo tôn giáo. Tôi với sự giận dữ của người vùng vẫy trong hư vô, sợ hãi trước sự bình thản chấp nhận của những người đã tìm được ý nghĩa. Tôi và họ như đang ngồi chung một chuyến xe không biết điểm dừng, trong khi họ bình tĩnh thiếp ngủ với sự yên tâm tuyệt đối, thì tôi vẫn mở mắt trừng trừng quan sát xung quanh với sự cảnh giác cao độ.
Có một câu nói trong Life of Pi thế này: “Chọn sự nghi ngờ như triết lý sống cũng giống như chọn đứng yên như một phương tiện di chuyển”. Tôi đang lâm vào tình trạng như vậy. Vì cứ mãi nghi ngờ, tôi mãi đứng yên một chỗ. Vì không dám đi xa hơn, tôi không bao giờ được biết đích đến cuối cùng. Tôi tự hỏi, liệu những người chọn niềm tin, họ có bao giờ bị lung lay từ bên trong bởi sự nghi ngờ? Liệu sự đấu tranh nội tâm ấy có khiến họ mạnh mẽ hơn những người như tôi- còn chẳng có can đảm bước vào cuộc chiến?
Có lẽ con đường trở nên thẳng hơn khi ta quay đầu nhìn lại. Trên đường đi, ta thường cảm thấy lạc lối.- Philip Anthony Hopkins - Pope Benedict XVI
Nhưng có lẽ cũng có một điều gì đấy mạnh mẽ bên trong những người luôn nghi ngờ. Họ phải coi Chúa giống như một dấu chấm hỏi mà họ phải dành cả đời để lý giải. Những người ko đủ sức mạnh ý chí, họ sẽ sớm gục ngã khi gặp bão giông. Họ sẽ sớm nhận ra sự nhỏ bé và yếu ớt của bản thân trước những biến động và bất trắc của cuộc đời rộng lớn. Nhưng những người chỉ tin khi đã sức tàn lực kiệt, chẳng phải chính là đã đầu hàng sao?
These people fail to realize that it is on the inside that God must be defended, not on the outside. They should direct their anger at themselves. For evil in the open is but evil from within that has been let out. The main battlefield for good is not the open ground of the public arena but the small clearing of each heart. - Yann Martel /Life of Pi
Nói về chủ đề này làm tôi chợt nhớ câu chuyện về trận tranh cãi giữa tôi và mẹ về sự tồn tại của ông già Noel. Tôi lúc ấy học lớp ba và đã đủ hiểu biết để tuyên bố ông già Noel không có thật. Mẹ tôi thì bảo tôi cứ viết thư cho ông già Noel đi rồi biết, thế là tôi viết. Sáng ngày 25, tôi nhận được quà thật, tôi ôm món quà, xúc động hỏi mẹ làm sao ông già Noel vào được nhà mình
“Ông già Noel đi qua lối quạt thông gió”
Câu trả lời ất ơ như thế mà tôi cũng tin sái cổ. Ngày hôm đó bỗng ngập tràn ánh nắng lấp lánh và những điều kì diệu. Tôi lập tức trở thành tín đồ trung thành nhất của ông già Noel, người bảo vệ sự tồn tại của ông trước lũ bạn láo toét bảo ông không có thật, đến tận suốt vài năm sau đó.
Bây giờ nhớ lại, tôi không nghĩ hồi đó mình thực sự tin vào chuyện có một người đàn ông râu trắng mặc đồ đỏ đi từng nơi phát quà, mà tôi tin nhiều hơn vào những giá trị mà câu chuyện hư cấu ấy mang lại cho tâm hồn non nớt của tôi lúc đó: về phép màu và sự kì diệu, về những mơ ước khi được viết ra sẽ thành sự thật, về những thế giới diệu kỳ mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Những thông điệp trừu tượng và sâu sắc để đến được với số đông cần được bọc trong một lớp vỏ sắc màu của trí tưởng tượng, nhưng điều đó không hề làm giảm đi tính chân thật cũng như ý nghĩa nội hàm của nó.
Với câu chuyện tâm linh hay tôn giáo cũng vậy. Nếu cứ để suy nghĩ bị dính với những thứ hữu hạn mà các giác quan có thể cảm nhận được, có khi ta sẽ bị lỡ những giá trị cốt lõi mà chỉ khi thật lòng tin tưởng, quyết tâm tin tưởng, tin tưởng bằng cả trái tim lẫn lý trí, thì mới nhìn thấy.