Tôi không mua vé số. Tôi không cho người ăn xin tiền. Tôi không mua báo. Tôi không đánh giày. Tôi không ủng hộ đồng bào bão thiên tai. Tôi không làm từ thiện. Tôi chẳng tin ai cả.
Ba giờ chiều, trời nắng, Tôi đi ăn bữa xế. Gọi một tô hủ tiếu thêm xương thêm dồi. Hôm nay đói quá, chả biết sao. Dù mời ăn lúc mười một giờ. Tô hủ tiếu nhà bà béo thơm phức, có cả sả chưng, đủ cả loại tương... rau cũng lắm - Tôi tống hết vào thành một tô đầy ụ. Thêm ớt rồi xuýt xoa ăn. Ớt cay xộc lên mắt, nước mắt ứa ra vì sướng. Mọi thứ nhòe hết cả.
Đang lựa lựa gắm miếng xương to sụ, Tôi sựng lại, chả biết không nhá nổi miếng xương. Hay thấy cái gì chưa rõ. Thả miếng xương xuống, dụi dụi mặt cho rõ. Rồi cúi đầu. Tiếp tục gặm. Xong miếng xương thì cũng là lúc Tôi thấy bụng no cằn. Ngồi nhấp ngụm trà đá, ngắm đường phố buổi chiều oi. Xe cộ chạy vèo vèo, còn mỗi một hình ảnh đứng yên. Lão bán vé số ấy, dựng chiếc xe đạp cũ, kẹp chiếc mũ vải ngang nách, ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ sát mái hiên đối diện. Đếm hết lượt số vé, rồi xếp lại mớ tiền, lại đếm. Đếm xong, ngẩng mặt lên trời. Rồi lại lôi nắm vé số ra đếm lần nữa.
Lão bán vé số này, Tôi gặp nhiều, quen cả mặt. Ngày nào Tôi uống cà phê, ăn tối, ăn trưa, ăn xế... không được mời thì cũng dòm thấy lão đâu đó. "Chắc địa bàn này là của lão" - Óc Phân Tích của Tôi nói. Cái ống quần quăn lên quá đầu gối, dép tổ ong dầy sụ, cái mũ tai bèo có dây dài lòng thòng, khuôn mặt nhăn mãn tính. Miệng lão méo lệch một bên. Thân hình lùn thấp như một đứa bé mười hai tuổi. Nhưng bự con cỡ Tôi. Tôi chẳng bao giờ mua vé số lão cả, mỗi khi được mời, chỉ lắc đầu nhẹ. Ngày xưa còn thấy lão hay mời, giờ ít. Gần đây chỉ thấy lão mời người ta. Tôi mua vé số mà làm gì? Ba cái thứ rủi may ích nước lợi nhà gì ấy Tôi chả tin. Tuyền ăn bám xã hội. Mất hết niềm tin.
***
Thế mà ngay cái lúc trời nắng chói chang ấy, cái lúc nước mắt cay vì ớt đã kịp bốc hơi ấy. Tôi ngồi nhìn lão phía đối diện đường, đang trú nắng trước cái tiệm đã đóng cửa nghỉ nắng trưa, còn trơ lại cái ghế nhựa. Lão ngồi đấy, nhìn xa xăm, mà xa xăm chính là cái mặt Tôi. Nhưng tuổi lão, cỡ gì mà thấy mặt Tôi. Chắc thấy cái mặt xa xăm. Ngay lúc ấy, Tôi thấy trong não bộ no đủ của mình, lóe lên một tia nghĩ: "Ông ấy nhìn giống các ông, các cụ làng Tôi quá. Nhưng ông của Tôi giờ đã nghỉ, chẳng còn làm việc gì, vì già yếu. Và trong cái lúc ông lão ấy, đang ngồi xa xăm ấy. Thứ Tôi thấy chỉ còn một cảm giác: "Người lương thiện". Tôi tính bước qua mua một vé. Chả biết nghĩ gì, lại thôi. Chắc do Hoài Nghi can.
Sau hôm ấy, Tôi vẫn gặp, và vẫn chối từ. Cho tới tối nay...
Đang đạp xe thể dục về nhà, nhằm bớt mỡ bụng. Dạo này ngồi nhiều, ăn lắm dầu mỡ, bụng to ra. Chả biết duyên nghiệp gì, lại thấy ông lão ấy. Đạp xe lóc cóc ngay trước mình. “Ủa, tối đêm rồi ông ấy còn đi bán vé số hả?” Tôi chợt nghĩ. “Hay giờ là lúc ông ấy về nhà?” - Não lại hỏi. “Khồng, khu này tuyền biệt thự, ông ấy ở đây thế nào” - Óc Phân Tích cho hay. “Úi giời, mày có nhớ quê mày, có lão kia ăn mày, hai vợ, nhà hai tầng không?” - Ký Ưc nói.
Trong lúc Tôi, Não, Óc Phân Tích và Ký Ức tranh cãi. Tôi quyết định bám theo ông lão. Xem sao.
Hết đường lớn, ông lão vẫy cái tay ngắn tũn, xin đường, ghé vào khu An Phú. “Giờ này mà còn vào khu An Phú, có lẽ có trò hay để xem đây” - Thằng Hoài Nghi lên tiếng. Đi qua ngõ nhà Tôi, Não mệt định đòi về, nhưng thằng Tò Mò gạ đi tiếp. Tôi tấp nhanh chân, đi sát lão, thấy xe lủng củng đồ. Đằng sau có cái áo mưa buộc dây chun, tay lái treo cái túi cói, bên gác ba ga buộc hai cái quả gì màu vàng, dòm như bị úng. “Ái chà, còn mua cả trái cây về, mình hôm hai hôm nay chỉ ăn bữa chính” - Hoài Nghi lại lên tiếng.
Đi thẳng hết dãy nhà lớn. Tới đầu cái hẻm này. Ông lão bất ngờ dừng lại. Tôi tí đâm. Tôi tí nữa thì bị quả tang. Vì đâu có nghĩ ông ấy lại dừng lại ở cái tiệm cà phê to thế. Hoài Nghi lại nói “Gớm thật, chắc định vào đây làm ấm trà”. Tôi thì bảo “Khồng, chắc ông ấy tính vào bán nốt vé”. Đá chân chống, đỡ hai quả màu vàng cho thẳng ngắn. Rồi tập tễnh bước lên mấy bậc thềm, đi đến bàn nọ ngay sát lối đi. Vuốt nhẹ vai mấy ông khách, ghé đầu nói nói gì đó. Tôi thấy ông khách nghiêng đầu, nói lại gì đấy. Hoài nghi lại bảo “Mấy ông bạn cũng giàu phết chứ nhỉ?" Chắc chuẩn bị kêu sinh tố đấy”. Tôi nhìn theo ông lão, thấy ông ấy bám một tay vào đầu gối, chầm chậm xuống bậc, đá chân chống, lên xe. Não Phân Tích gắt thằng Hoài Nghi: “Nay đá banh, ông ấy chỉ vào hỏi tỉ số, mày đúng là thằng Hoài Nghi!”. Hoài nghi im.
Đi thẳng con hẻm, qua hết mấy cái cổng to. Cái hẻm này Tôi đã từng vào, là hẻm cụt. Ấy thế mà hôm nay Tôi mới biết cuối cái hẻm đó, có một con đường. Tôi vội đạp theo kẻo mất dấu. Đường đang đào bới, xà bần đổ khấp khểnh. Chiếc xe thể thao không nhún của Tôi, làm não xóc tận óc. Não im, không nói gì. Hoài nghi bảo “Khu này có vẻ ám muội”. Tôi im. Não Phân Tích im. Cả khu này im...
Đường tối om, đá không là đá, tí ngã. Ông lão đi mất lối, Tôi không thấy nữa, chỉ biết lão đã đến chỗ quanh. Tôi đi tiếp. Hết chỗ quanh, đèn bắt đầu mờ sáng. Tự dưng Tôi giật mình, không biết mình vào đây làm gì. Cứ ngỡ đèn soi vào mặt bắt quả tang đang làm điều ám muội. Hoài Nghi im lặng, suy đoán.
Bên bãi đất bỏ hoang, có cái xóm lụp xụp nhỏ. Mái tôn rách rưới. Xộc ra một cái mùi tởm lợm. Tôi thấy cái xe ông lão dựng nghiêng như sắp đổ. Túi đằng sau chỉ còn một trái màu vàng. Tôi giả vờ đạp xe lòng vòng cái sân, ngó nghiêng. Não bảo “Giả vờ tìm nhà trọ, cần thì hỏi thăm”. Đạp hết một vòng, Tôi thấy ông lão, đứng chắp tay sau đít, người lùn tủn. Đang đứng nhìn thằng bé. Thằng bé mặc độc cái áo, bụng cóc, áo hắt ra đằng trước, đứng tô hô. Tay cầm trái đu đủ vàng, như úng. Ông lão nói: Mang vô mà ăn. Ông về nhá! Rồi dắt xe đi vào trong cái dãy nhà có lối đi vừa khít một chiếc xe đạp. Hôi hám.
Tôi giả vờ nhìn chằm chằm vào dòng chữ “Có phòng cho thuê” - Não im. Phân tích im. Hoài nghi rối bời. Rồi Phân Tích nói: "Khu này chắc khu ổ chuột người ta bảo".
Não lên tiếng: “Mai tao sẽ mua vé số cho ông ấy. Niềm tin cái tiền nêm! Tiên sư thằng Hoài Nghi!”.
Tôi khóc, chả biết Tôi khóc Tôi, khóc Họ, hay khóc Niềm Tin hay khóc Tiền Nêm.
Tôi đạp xe về.
Hết.

Tranh: Evening. Melancholy I - Edvard Munch1896
Phạm Đại Bàng - 2019