Giá trị của những khoảng cách trong việc kết nối

Câu chuyện nằm giữa những màu sắc

Một trong những công đoạn thú vị nhất mà mình thích thú trong việc tạo ra một thiết kế định hướng cho một brand là việc chọn hệ thống màu sắc. Tạo lập một hệ thống màu sắc, là một trong những bước đầu tiên trong việc vẽ chân dung cho một thương hiệu, và nó là bước có sức nặng lớn nhất. Nói không ngoa khi định hình xong cho hệ thống màu sắc, tính cách và tâm trạng của thương hiệu đã hình thành hơn một nửa.
Bộ màu này mình lấy tên là The Palette of Lucid Dreams, mình dùng nó cho một brand về Những giấc mơ.

Nhiều người hay nhiều tài liệu có nói về giá trị biểu đạt cảm xúc hoặc mô phỏng cảm giác của một màu sắc, nhưng nó cứ hơi mông lung với mình khi nói về “biểu cảm của một màu sắc riêng biệt“. Thực tế trong cùng một màu sắc đôi khi là hàng loạt các biểu cảm đối lập nhau: Một màu xanh da trời có thể vừa thân thiện hòa đồng vừa là sự buồn bã. Một màu vàng vừa nhiều năng lượng lại đồng thời có thể là sự phản bội, hay màu xanh lá của thiên nhiên lại trong khía cạnh nào đó đại diện cho hóa chất và độc dược. Thế thì cái nào là đúng và phù hợp?
Nếu muốn tạo lập một thông điệp cảm xúc thông qua màu sắc, mình nghĩ về chuyện tạo dựng một hệ thống ít nhất hai hoặc ba màu. Khi đó mỗi một màu sắc sẽ ngay lập tức có chỗ đứng và vai trò trong câu chuyện truyền tải các biểu cảm, mô phỏng một ấn tượng cho người xem. Điều tạo nên biểu cảm cho màu sắc ấy không chỉ đơn thuần là riêng bản thân nó, mà là quan hệ giữa nó và những màu sắc xung quanh trong hệ kín mà nó tạo ra.
Màu sắc không khơi khơi gợi ra những ý nghĩa, mối quan hệ giữa các màu sắc với nhau tạo ra điều đó.

Câu chuyện nằm giữa các nốt nhạc

Một ngày nọ, mình ngồi giải thích cho ai đó về câu chuyện vì sao âm nhạc lại là …âm nhạc. Chính xác là tại sao các âm thanh vang lên và tạo ra sự êm đềm dễ chịu, tại sao lại là giai điệu đó và rồi người ta đoán biết được tiếp theo nó là giai điệu nào, vào thời khắc nào. Mình cứ nghĩ mãi trong đầu về các từ ngữ như “hợp âm”, “âm giai”, “vòng hòa âm”, “chủ âm”,… và cảm thấy hơi bối rối khi cứ mỗi lần nêu tên một khái niệm thì lại phải giải thích rằng nó là gì.
Thế là mình chọn cách ẩn dụ nhẹ nhàng rằng mỗi một bài nhạc là một câu chuyện có những nhân vật, họ là các nốt nhạc. Trong câu chuyện trên sẽ có những người là nhân vật chính, cũng có người là nhân vật phụ, nhưng ai cũng có vai trò và thông điệp riêng. Họ có những liên kết với nhau và vì lý do đó, khi họ bước vào tâm trí người nghe trong từng thời điểm hoặc phân cảnh sẽ mang lại những ý nghĩa khác nhau cho bài nhạc. Họ cứ thay phiên nhau như thế và tạo nên những ý nghĩa bằng việc xuất hiện của mình. Họ kể về niềm vui cũng như nỗi buồn một cách cực kì dễ đồng cảm.

Một nốt nhạc ngân lên, nó sẽ là một âm thanh, như cách một nhân vật xuất hiện cho khán giả xem. Nhiều nốt nhạc cùng vang lên người ta hình dung được sự đồng điệu giữa chúng với nhau, như cách người ta biết những người này thuộc về một câu chuyện. Thế nhưng chỉ bấy nhiêu thì câu chuyện hay bài nhạc sẽ không thể hoàn chỉnh. Và thứ sẽ làm mọi thứ liền mạch chính là khoảng trống giữa các nốt nhạc đó.
Chính những khoảng cách và sự lần lượt xuất hiện có quy luật và ý đồ của các nốt nhạc mới mang lại cái thứ quan trọng bậc nhất trong âm nhạc. Đó là nhịp điệu. Thiếu đi những khoảng trống giữa các nốt nhạc, đó sẽ là một chuỗi âm thanh dai dẳng và lộn xộn không ý nghĩa.
Bản thân mỗi nốt nhạc không đơn độc tự mình tạo nên ý nghĩa, nó cần những nốt nhạc khác đồng điệu. Và quan trọng không kém, xung quanh chúng phải là những vùng trống. Không quá chật hẹp, cũng không quá miên man. Mà vừa đủ. Đó là những vùng trống không cần lấp đầy trong âm nhạc.

Câu chuyện nằm giữa những con chữ

Gần đây mình đọc được một bài lược sử về các con chữ trên trang “UX là gì” và có được một thông tin khá vui. Những ngày xưa xửa xừa xưa, con chữ không có khoảng cách và các dấu chấm câu. Cứ thế người ta viết một mạch liền tù tì, và ai có kinh nghiệm thì mới đọc ra.
Văn bản ngày đó
Ở một thời điểm mà chữ nghĩa chỉ dành cho một số ít dân số với những mục đích không quá bình dân, có lẽ những việc như này không gây quá nhiều phiền toái (mà thậm chí người đọc cũng chả có cảm giác phiền gì vì họ chưa biết đến dấu cách cơ mà). Đến tận cuối thế kỉ thứ tám, một học giả người Anh là “Alcuin of York” mới phát minh ra hai thứ cực kì quan trọng và hữu ích, một thứ là “chữ thường không in hoa” và thứ còn lại chính là “khoảng trắng giữa các từ”.
Hay nhỉ. Lúc đọc đến đoạn đó mình đã tròn mắt và cảm thấy thật thú vị rằng cách phát minh của vị học giả nọ là đặt “không gì cả” vào giữa các con chữ. Thứ tạo ra những dễ hiểu giữa chữ và chữ, từ và từ, lại là một khoảng trống. Khoảng trống xuất hiện như một lời khẳng định các mối quan hệ giữa các chữ với nhau.
Bản thân con chữ không tạo ra ý nghĩa, nó cần thêm những con chữ khác để tạo thành một tổ hợp thông tin. Và rồi thế vẫn chưa đủ, nó cần thêm những vùng trống không cần lấp đầy, trống vừa đủ để xác lập những ý nghĩa.

Câu chuyện nằm giữa người và người

Đôi khi trong nhiều mối quan hệ, người ta (hay cụ thể hơn là mình đây) có xu hướng muốn lấp thật nhanh những khoảng trống và những xóa nhòa những xa cách. Cả về mặt vật lý lẫn tinh thần, kiểu như:
– Tại sao người thân mình lại hành xử như vậy? có điều gì mình không hiểu về họ? Đó có phải là khoảng cách mà mình gặp phải trong mối quan hệ này không?
– Những người bạn cũ sau khi ra trường vì sao không còn có thể cà phê hàn huyên mỗi ngày nữa? Sao mọi người lại xa cách thế?
– Quá khứ của người mình yêu vì sao lại không thế có mình trong đó? mình thật sự khó chịu với suy nghĩ đó.
– …

Những câu hỏi và kéo theo đó là những ám ảnh về đám vùng trống cứ thế sinh ra. Ta thấy tự nhiên mình luôn chả bao giờ nắm bắt được một con người, hay ta luôn cảm thấy mơ hồ về chuyện họ là ai hoặc ta là ai đối với họ. Ta muốn giải tỏa hết những vùng trống, mà quên mất lại rằng thật sự có những vùng trống không cần lấp đầy.
Khi ta chấp nhận sự tồn tại những không gian độc lập của đối phương, nơi mà ở đó không có sự xuất hiện của mình, ta và họ trở nên rõ ràng hơn trong một mối quan hệ. Như khi họ tạo dựng quá khứ mà không có mình ở đó, nhờ vậy họ mới là họ của hôm nay. Hoặc họ sẽ phải bước đi về phía tương lai trong một hành trình mà mình không xuất hiện, chỉ để rồi ngày nào đó sẽ gặp lại đem lại cho nhau những giá trị khác.
Cũng như những âm nhạc, màu sắc hay chữ nghĩa, con người ta trở nên có ý nghĩa hơn khi được đặt vào trong những mối quan hệ cùng người khác. Nhưng đồng thời giữa người với người cũng cần những vùng trống. Để thanh âm của sự thấu hiểu vang lên, để giá trị mỗi thông điệp rõ ràng hơn, hay để mối quan hệ ấy có đủ đầy các cung bậc mà nó vốn phải có hơn. Nên hãy thôi nhìn nó như những xa cách hay chướng ngại, mà hãy vui mừng vì nó đã ở đó.
Vậy… có những vùng trống không cần lấp đầy nào đang tồn tại giữa chúng ta?



Bài viết này tôi viết tại website cá nhân của mình ở nhanluu.com. Đến đó để xem thêm nhiều bài viết và góc nhìn khác :D

Rất cảm ơn và trân trọng bạn vì đã đi đến cuối bài.