Trận mở màn của các kỳ World Cup gần đây đã để lại những khoảnh khắc của niềm vui sướng. Từ cú sút sấm sét của Siphiwe Tshabalala vào lưới Mexico năm 2010, đến màn nhảy múa quanh chiếc áo của Papa Bouba Diop năm 2002. Trận đấu mở màn của giải đấu lớn nhất hành tinh đã nhiều lần chứng kiến những kẻ yếu thế vươn mình ra sân khấu lớn nhất hành tinh như thế.
10/6/1998 cũng không là ngoại lệ. Một đám đông 80,000 người ngồi dưới ánh nắng của sân vận động Stade De France để chứng kiến nhà đương kim vô địch Brazil ra mắt hai cầu thủ theo đánh giá của FIFA thời điểm đó là xuất sắc nhất TG:Ronaldo và Roberto Carlos. Đối thủ của họ ngày hôm đó là ĐT Scotland của HLV Craig Brown ra sân với những người như Colin Hendry, Paul Lambert, Tom Boyd, Gordon Durie cùng Darren Jackson trong đội hình.
Xuất phát thần tốc và mạnh mẽ trong bộ trang phục Vàng-xanh truyền thống, Brazil áp đảo đối thủ bằng đôi chân trái ma thuật của Rivaldo. Dù bị dẫn trước một bàn chỉ sau 5 phút. Scotland vẫn căng mình ra chống đỡ những đợt tấn công xuất phát từ những bước chay của Bebeto cùng tài năng của O Fenomeno Ronaldo, và rồi nỗ lực của họ được đền đáp bằng một quả Penalty.
Một khoảnh khắc cần một cái đầu lạnh, tiền vệ John Collins thực hiện thành công quả penalty vào lưới của thủ môn đầy kinh nghiệm Claudio Taffarel. Collins đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát. Kẻ yếu thế giờ đây đang đe dọa nhà vua của bóng đá Thế giới.

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Scotland đến được sân chơi lớn của bóng đá thế giới. Bàn thắng của Collins tạo nên làn sóng ăn mừng từ Aberdeen tới Ayr, tuy nhiên khoảnh khắc đó thật ngắn ngủi. Dù thua 2-1 trước đội á quân Brazil, các học trò của Craig Brown vẫn có được trận hòa 1-1 trước Na Uy ở Bordeaux, nhưng rồi lại để thua 3-0 ở Saint Etienne trước Ma-rốc. Scotland lại một lần nữa không thể vượt qua vòng bảng ở một kỳ World Cup.
Ở những mùa World Cup và Euro sau đó, Scotland đã thể hiện được cá tính của mình nhưng rồi sau đó lại thất bại ở những trận quan trọng. Từ trận đấu play off Euro 2000 trước kình địch Anh, trận đấu mà họ bị loại dù thắng 1-0 ngay trên sân Wembley, hay trận thua đậm 6-0 trước Hà Lan ở trận lượt về play-off Euro 2004. Scotland là vậy, họ luôn để thua ở những giai đoạn nước rút.
Đôi khi cũng có những điểm sáng, như vươn lên thứ 13 trên BXH FIFA sau khi đánh bại Pháp hai lượt ở Chiến dịch vòng loại Euro 2008. Nhưng những HLV như Berti Vogts, Walter Smith, George Burley và Craig Levein đều đã thử rồi thất bại trong việc đưa Scotland trở lại những tháng ngay vinh quang của TK 20. Một quãng thời gian mà Scotland đã vào đến VCK của 5 kỳ World Cup trong khoảng từ năm 1974 đến 1990.

Những ngày tháng khó nhọc của Scotland tiếp diễn đến cuối những năm 2015, khi đội quân của Gordon Strachan trở thành đội chủ nhà duy nhất không đến được Euro 2016. Với việc Cộng Hòa Ai Len cũng đến được Euro 2016 sau khi đánh bại Bosnia và Herzegovina sau trận playoff, người Scotland sẽ phải chịu đựng một mùa hè theo dõi gã hàng xóm của mình đối đầu với các ông lớn của Châu Âu.
Chiến dịch vòng loại chứng kiến thất bại 1-0 của Scotland trước Ai Len ở Celtic Park với một bàn thắng tuyệt đẹp của Shaun Maloney, nhưng phần nhiều là do việc họ không thắng được Đức hay Ba Lan, cùng với thất bại sân khách trước Georgia. Điều khiến cho đội tuyển Scotland sẽ lại phải chứng kiến vòng chung kết lớn nhất Châu Âu trên màn hình TV.

Khi phân tích thất bại của Scotland trong suốt 20 năm qua, một vài yếu tố được nhắm đến. Đầu tiên, đó là việc thiếu những thành công ở cấp độ trẻ dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm ở các cầu thủ trẻ sau khi họ đã lên được ĐTQG.
Đội tuyển U21 của Scotland đã nhiều lần không đến được các giải đấu lớn kể từ năm 1996, trong khi đội U20 không đến được World Cup U20 kể từ năm 2007. Điều tạo nên mối lo ngại cho LĐBĐ Scotland đó là ảnh hưởng của sự yếu kém của các đội trẻ sẽ tạo nên hiệu ứng tiêu cực lên ĐTQG khi các cầu thủ trẻ không có nhiều kinh nghiệm trong việc đối đầu với các tài năng cùng lứa tuổi.
Khi những cầu thủ trẻ Scotland đến các CLB ngoài nước để được thi đấu nhiều hơn, họ thường thất bại trong việc tìm được chỗ đứng. Khi Ryan Gauld gia nhập Sporting vào mùa hè 2014, cậu mới có được một mùa giải ấn tượng với Dundee United, mùa giải cậu đến được trận Chung kết Cup Quốc Gia Scotland. Nhiều sự trông chờ dồn lên chàng tiền vệ trẻ. Tuy vậy, đã 4 năm và vài bảng hợp đồng cho mượn trôi qua, cậu vẫn chưa lên được đội một của Sporting hay ĐTQG Scotland.
Một cầu thủ khác đó là Oliver Burke, cậu gia nhập RB Leipzig vào mùa hè 2016 với giá 13 triệu Bảng. Một kỷ lục với một cầu thủ Scotland ở thời điểm đó. Dù vậy, sau một năm ở Bundesliga, thi đấu với các đồng đội như Timo Werner, Yussuf Poulsen và Naby Keita, Burke lại quay về Anh Quốc, gia nhập West Bromwich Albion với một cái giá kỷ lục của đội bóng vùng West Midland:15 triệu Bảng.
Dù giúp Leipzig đến được Champions League trong mùa đầu tiên ở Bundesliga, Burke quyết định quay lại Anh vì không được ra sân nhiều. Cậu được West Brom, đội vừa mới xuống hạng mùa 2017-18 chiêu mộ.

Hệ thống đào tạo HLV của Scotland cũng không khá khẩm hơn là bao. Một quốc gia từng đào tạo ra những HLV thiên tài như Jock Stein, Bill Shankly hay Sir Alex Ferguson giờ đây đang chứng kiến một thực tại đau lòng:mùa giải 2017/18 là mùa giải đấu tiên trong lịch sử 25 của giải đấu (tính từ ngày đổi tên thành Premier League) chứng kiến việc không có một HLV Scotland nào nắm quyền 1 CLB.
Cựu HLV Rangers và Birmingham City, Alex Mcleish hiện đang ở nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị HLV của Scotland, nhưng quyết định rời bỏ ĐTQG để đến Premier League vào năm 2007 đầy tranh cãi của ông vẫn còn sống động trong ký ức của một vài fan của Tartan Army, điều tạo nên một bầu không khí căng thẳng quanh sân Hampden Park.

Dù thế nào đi nữa, mọi thứ vẫn không hẳn quá ảm đạm với Scotland, thực ra, mọi thứ dần trở nên tốt hơn với ĐTQG, dù là trong hay ngoài san bóng. Trên sân, một số cầu thủ quan trọng đang dần để lại dấu ấn cho CLB, như Kieran Tierney, Ryan Fraser hoặc Callum McGregor, hay John Mcginn, người vừa chuyển đến Aston Villa sau màn trình diễn ấn tượng ở Hibernian.
Tháng 5/2018, hậu vệ trái từng thi đấu cho Queen's Park và Dundee United Andrew Robertson trở thành cầu thủ Scotland đầu tiên thi đấu ở một trận CK Champions League khi cậu ra sân ở vị trí hậu vệ trái khi Liverpool đối đầu với người khổng lồ Real Madrid. Một ví dụ khác đó là Scott McTominay ở Manchester United.
Sự trở lại của Rangers ở giải VĐQG Scotland cũng là một tín hiệu lạc quan cho ĐTQG. Rangers, giờ đây được dẫn dắt bởi cựu tiền vệ Liverpool, Steven Gerrard, đã vượt qua được những rắc rối tài chính và giờ đang đặt mục tiêu phá vỡ thế thống lĩnh của kình địch Celtic, đội bóng nắm giữ danh hiệu suốt 7 năm qua. Việc Gerrard đã và đang tạo điều kiện cho các cầu thủ Scotland như Ryan Jack và Ross McCrorie thể hiện cùng với sự khát khao trở lại của Rangers sẽ hứa hẹn tạo nên một mùa giải đầy tính cạnh tranh ở giải đấu quốc nội Scotland.
Việc giải đấu UEFA Nations League ra đời cũng tạo nên hy vọng cho ĐTQG Scotland. Một giải đấu mới ở mùa giải 2018/19, giải đấu này nhằm thay thế những trận đấu giao hữu ít tính cạnh tranh bằng những trận đấu giàu tính cạnh tranh với các đội bóng có cùng cấp độ.
Scotland nằm ở hạng ba ở mùa giải đầu tiên, và họ sẽ đối đầu với Albania và Israel ở sân nhà và sân khách. Cùng với việc mở rộng cơ hội đến được Euro 2020 cho các học trò của McLeish, những trận đấu ở Nations League cũng giúp các cầu thủ cảm nhận được tính cạnh tranh của bóng đá quốc tế.  Hampden Park cũng đã được chọn làm sân thi đấu cho 4 trận đấu ở Euro 2020, một niềm khích lệ không hề nhỏ cho ĐTQG Scotland.
Với Tartan Army, một nhóm CĐV với niềm hữu hảo và sự tận tâm giúp họ giành được nhiều giải thiện nguyện, một sự thay đổi cho vận mệnh của ĐTQG đang dần đến. Với một dàn cầu thủ trẻ tài năng, một HLV khao khát thể hiện, và một lịch thi đấu giàu tính cạnh tranh, các fan của họ đang hy vọng vào năm 2020, họ sẽ lại được ăn mừng và nhảy múa như John Collins năm nào.
Lược dịch từ bài viết:"The next kings of Scotland: why a troubled two decades is giving way to a hopeful future" của Johnny Byrnes đăng trên These Football Times.
Người Dịch:KDNX