Tôi có một vết sẹo rất dài ở tay, ngay phần nối với bả vai. Ngày trước khi sinh ra nơi ấy là một chốn dung thân của một cục máu u đông lại. Nó lặng lẽ ăn bớt phần dinh dưỡng tôi có từ người mẹ, để ngày một lớn lên và lớn lên, cho tới khi thành hình như một vết chàm đỏ đứng ở đó to như quả trứng gà. Được hai tháng thì tôi lên bàn phẫu thuật, với một chú bé u cục đơn giản và lành tính, nhưng không dễ dàng để tạm biệt nơi chốn của nó mà không động chạm gì tới các mạch máu nối tới tim. Cuộc đại phẫu đầu tiên trong đời diễn ra khi tôi còn chưa nhận thức được sự tồn tại của mình, và khi lờ mờ hiểu về thế giới, thì nơi đó chỉ còn là một vết sẹo thôi.
Vết sẹo ấy cho phép tôi được nhìn ngắm mỗi ngày. Có lúc tôi tò mò về nó, tôi sờ nắn và tự hỏi không biết mình có thấy buồn nhột hay không? Lúc khác thì động vào đường khâu gồ lên như sống lưng khủng long mà thấy cũng thích thích. Hoặc mỗi năm lớn lên tôi lại đo xem nó dài chừng nào và to được bao nhiêu. Nhưng có một điều không đổi, ấy là tôi chưa bao giờ ghét bỏ vết sẹo đó của mình. Nó sẽ được che kín lại mỗi khi tôi mặc áo có tay, và sự hiện diện của nó vẫn là một điều khiến tôi nhận ra mình có điểm đặc trưng riêng.
Có bao điều tôi hiểu ra trong đời sống này đều có thể chỉ nằm trong một vết sẹo. Những điều tôi luôn nghĩ nhưng chưa bao giờ viết ra, cho tới khi xem series “Những vết thương lành” của Storii trên Netflix. Những đoạn phim với phần lời kể chuyện không có một từ nào thừa, không có cảnh nào dư đáng bỏ. Nó gọi những nỗi đau và vết sẹo trong tinh thần tôi trở lại theo một cách dịu dàng nhất, và vỗ về bằng hình ảnh và âm thanh chân thật.“Những vết thương lành” là một bộ phim tài liệu nằm trong dự án Storii Concert mà show đầu tiên đã hợp tác cùng ca sĩ Hà Anh Tuấn. Về creative direction, thì đúng là đạo diễn và CD đã chọn một đề tài đủ lớn và đủ sâu để khai thác, chọn đúng người kể chuyện thật êm nhẹ và khơi gợi nhiều xúc cảm. Và AD đã chọn đúng cả một hình tượng để đi xuyên suốt series concert của họ - con chim. Người đạo diễn đã nảy ra hình tượng con chim trong một lần phát hiện có một tổ chim được xây từ lâu trong ban công nhà mình. Khi nhìn nó, đạo diễn nhớ tới sự tự do. Và sự tự do trong chuỗi concert này hay trong bộ phim tài liệu, đều muốn nói tới đường hướng sau cùng, như ta đi qua những vết thương để tự chữa lành cho mình và giải thoát mình khỏi nỗi đau mà hướng tới sự tự do. Màu đỏ ám trên thân hình con chim khiến ta dễ nhớ tới vết thương, nhưng cũng đủ ấn tượng để nghĩ tới dòng huyết đang chảy bên dưới lớp da sẹo lạnh lùng.
Khi nhìn vào một vết sẹo/vết thương đã lành, ta không nhìn nó chỉ ở dạng hữu hình của nó mà ta thấy được cả một câu chuyện, một cuộc đời và diễn biến phía sau hiện lên. Đó có thể là vết thương lòng khi nhắc tới phức cảm quê hương của người nhạc sĩ rời xa Sài Gòn hơn 30 năm, có thể là sự tự ti và đau đớn ghê gớm khi mình là một gánh nặng để người khác miệt thị người thân mình, hoặc là nỗi đau khi cố gắng tới mấy cũng không cứu giúp được những thứ - những người mình thương. Nhưng như Hà Anh Tuấn có nói “Khi ngắm nhìn những vết thương, có nghĩa là qua đỉnh những cơn đau, lúc ấy vết thương là tài sản, là báu vật. Nếu như chúng ta quên đi, chúng ta mất cảm giác về những vết thương ấy, chúng ta sẽ là những người vô cùng bất hạnh.” Rằng là ta không thể phủ nhận sự tồn tại của những vết thương, càng không thể trốn tránh nó mãi mãi. Hay khi nói về những người ra đi và những người ở lại, tôi không khóc thêm nữa. Nhưng tôi không quên được cảm giác của ngày ấy và càng không thể trở lại suy nghĩ của mình trước khi những điều đó xảy ra.
Đầu năm mới chỉ mong mọi người đều nhìn được nỗi đau của mình, ôm lấy nó và biết cách đặt nó trong một chiếc bình thật đẹp mà cất giữ trong tim. Và mình sẽ bước được tiếp, sau rất nhiều khó khăn đã xảy ra.