Những tranh cãi về động lực nội tại & động lực ngoại sinh
Có thể bạn đã nghe báo mạng và các kênh self-help nói nhiều về cái gọi là động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) và động lực nội...
Có thể bạn đã nghe báo mạng và các kênh self-help nói nhiều về cái gọi là động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) và động lực nội tại (intrinsic motivation), và rằng động lực nội tại mới là thứ có giá trị, còn động lực ngoại sinh chỉ là thứ bề nổi rác rưởi.
Động lực ngoại sinh thường được định nghĩa là hành động thực hiện nhằm đổi lấy một phần thưởng nào đó hay để tránh bị phạt hay mất mát, qua đó được coi là giả tạo và vì thế sẽ không tạo ra sức tác động lâu dài. Và ngược lại, động lực nội tại thường được miêu tả bằng những ngôn từ mỹ miều bởi đó là khi người ta thực hiện một hành động nào đó chỉ đơn giản bởi vì họ yêu thích hay say mê nó, có thể là vì những kiến thức họ thu được, hay là cảm giác thoả mãn khi họ hoàn thành công việc đó.
Chính vì những nội dung như thế này mà nhiều người cảm thấy không thích thú khi nhắc đến Game hoá. Họ nghĩ rằng Game hoá tức là dựa vào những cơ chế động lực ngoại sinh để thao túng hành vi. Một ví dụ thường được đưa ra để củng cố quan điểm này là hình thức "phiếu bé ngoan" trong mẫu giáo. Ở đó, cô giáo sẽ có một tấm bảng giấy hay bảng gắn tường để liệt kê tất cả những công việc mà lũ trẻ cần thực hiện mỗi ngày trong tuần. Ngày đầu tiên, khi cô giáo yêu cầu trẻ đánh răng, trẻ sẽ nhanh chóng và vui vẻ thực hiện để nhận được một phiếu bé ngoan để dán lên bảng. Dạy trẻ con chưa bao giờ dễ đến vậy phải không?
Sau đó khoảng một tuần, cô giáo lại yêu cầu trẻ đánh răng để nhận một phiếu bé ngoan, và trẻ từ chối - bây giờ nó muốn phải nhận được hai phiếu bé ngoan thì mới đánh răng. Yêu cầu của trẻ ngày càng tăng, và sớm muộn phiếu bé ngoan sẽ là không đủ, và trẻ sẽ yêu cầu được thưởng một thanh kẹo để đánh răng. Dựa trên điều này, người ta cho rằng Game hoá là "không có thật," là "vô ích", hay là "làm hư trẻ con," và rằng động lực ngoại sinh là chỉ có hại chứ không có lợi.
Tuy nhiên điều này cho đến nay vẫn chưa thực sự có đầy đủ cơ sở khoa học, và động lực của con người không thể được phân tích và diễn giải một cách đơn giản như vậy. Trên thực tế, động lực nội tại và động lực ngoại sinh thường đồng hành với nhau và cả hai đều có thể cung cấp động lực tích cực cho đối tượng.
Động lực ngoại sinh
Các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố thú vị về động lực ngoại sinh, động lực nội sinh, và cách hai loại động lực này liên kết với nhau. Khi thiết kế một chương trình game hóa giáo dục, bạn cần phải nắm rõ những mối tương quan này.
Động lực ngoại sinh có thể được tận dụng một cách hiệu quả cho những mục đích sau:
- Để gia tăng biểu hiện hứng thú của người học đối với tác vụ, cũng như khối lượng thời gian rảnh người học dành để thực hiện tác vụ đó. Đây là kết quả của việc sử dụng các phần thưởng phụ thuộc vào hiệu suất của người học.
- Để tạo cho người học cảm giác tự do hành động. Đây là kết quả khi người học được thưởng lớn khi đạt hiệu suất cao.
- Để kích thích người học tương tác nếu người học cảm thấy tác vụ đó vô giá trị hoặc không thú vị.
- Để kích thích người học tương tác khi họ có một sự nhìn nhận bề nổi rằng tác vụ là ít giá trị.
- Để gia tăng khả năng tập trung cao độ và rút ngắn cảm giác về thời gian.
Động lực nội tại
Nếu nói đến động lực nội tại, chúng ta không thể không nhắc đến một lý thuyết đã được giới hàn lâm viện chứng rất nhiều, đó là thuyết tự quyết (Self - Determination Theory - SDT). Đây là một lý thuyết vĩ mô nói về việc những hành vi và hành động của con người đều xuất phát từ động cơ nội tại.
Thuyết tự quyết liệt kê ba yếu tố thúc đẩy động lực của con người. Thứ nhất là "sự tự chủ", cảm giác nắm quyền kiểm soát và điều khiển hành động của bản thân. Thứ hai là "cảm giác năng lực", nghĩa là mức độ tự tin của con người rằng mình có thể nắm bắt được tình hình hoặc học được nội dung bài học. Thứ ba là "cảm giác liên hệ", nghĩa là con người cảm thấy có sự liên kết với những người khác.
Bằng cách kết nối ba yếu tố của động lực nội tại này vào một chương trình Game hóa, chúng ta có thể sử dụng thuyết tự quyết để phục vụ những mục đích sau:
- Giúp tạo cho người học cảm giác tự do lựa chọn và có quyền kiểm soát.
- Giúp người học tự tin vào khả năng vượt qua thử thách và đạt được mục tiêu của mình.
- Tạo cho người học một con đường rõ ràng để trở thành bậc thầy ở nội dung hoặc kỹ năng cần học.
- Thưởng cho người học qua mỗi bài học nhỏ cũng như khi người học hoàn thành mỗi chương trình học đề ra.
- Giúp người học cảm thấy có sự liên kết với những người học khác thông qua bảng xếp hạng, thách thức bạn bè, và những phương thức tương tác xã hội khác.
Nội tại và Ngoại sinh kết hợp
Trên thực tế thì không dễ để phân biệt giữa động lực nội tại và động lực ngoại sinh. Đơn cử trường hợp nếu một người quyết tâm học hành để đạt được tấm bằng MBA. Có thể họ muốn có tấm bằng đó để làm đẹp CV và qua đó giúp tăng tiềm năng thu nhập khi đi xin việc, cũng như nhận được những lời khen ngợi từ bạn bè đồng nghiệp (động lực ngoại sinh). Nhưng cũng có thể bản thân họ mong muốn có được tấm bằng này vì họ hứng thú với chủ đề đó và muốn học hỏi thêm để chứng tỏ với bản thân rằng họ học rất giỏi (động lực nội tại). Thường thì trong chúng ta luôn tồn tại những động lực nội tại song song với những động lực ngoại sinh. Một trong số những vấn đề tồn đọng của những nghiên cứu về chủ đề này chính là việc bản thân công cụ đo lường các động lực này được thiết kế để khiến cho chúng trở nên tách biệt và phân cực.
Một thước đo phổ biến để đo lường động lực nội tại và động lực ngoại sinh được phát minh bởi Harter, người đã thiết kế một thước đo với ba thước phụ dành cho động lực nội tại và một thước đo dành cho động lực ngoại sinh. Thước đo này được thiết kế để trẻ em không thể báo cáo rằng chúng đang được thúc đẩy song song bởi cả động lực nội tại và ngoại sinh. Khi động lực được đo đạc bằng hai loại thước đo nội tại và ngoại sinh riêng biệt, thì mối quan hệ giữa động lực nội tại và ngoại sinh chỉ có một mối tương quan âm ở mức trung bình. Con người ta có thể tồn tại cả động lực nội tại và động lực ngoại sinh, và hai luồng động lực này cần phải được coi như hai thước đo riêng biệt, thay vì đơn thuần là hai phổ đối diện trên cùng một thước đo. Nội tại và ngoại sinh thực ra hoàn toàn có thể cùng tồn tại.
Điều này cho những người thiết kế trải nghiệm Game hoá thấy rằng bạn cần phải đạt được một sự cân bằng giữa những động cơ nội tại và ngoại sinh để có thể giúp cho người học nắm được nội dung một cách hiệu quả nhất. Và tất nhiên, đừng chỉ dựa dẫm vào những phần thưởng hay là điểm số, mà hãy bổ sung những yếu tố nội tại khác như cảm giác kiểm soát, cảm giác thử thách, và một con đường rõ ràng để người học có thể trở thành một bậc thầy.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hoá:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất