Hey, lại là mình Dory đây. Có bộ phim nào bạn yêu thích đến nỗi sau khi phim kết thúc bạn phải tìm ngay nguyên tác của nó để đọc thêm không? Với mình thì đó là Charlie và nhà máy chocolate. Tuy nhiên, sau khi gấp lại những trang cuối cùng của tiểu thuyết gốc thì mình lại nhận ra rằng bộ phim đã làm tốt hơn rất nhiều nhờ những thay đổi nhỏ nhưng vô cùng hợp lý. Cùng mình điểm danh xem những thay đổi đó là gì nhé
Lưu ý, bài viết chắc chắn sẽ không tránh khỏi tiết lộ nội dung phim, bạn nào chưa xem thì nhớ cân nhắc trước khi đọc nha.
Charlie và nhà máy Chocolate là bộ phim điện ảnh thể loại giả tưởng của đạo diễn Tim Burton và do John August viết kịch bản được phát hành năm 2005. Phim được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Roald Dahl.
Phim  kể về Charlie trong hành trình cậu cùng 4 đứa trẻ khác tìm thấy chiếc vé vàng để được tham quan nhà máy chocolate của ông Willy Wonka. Trong chuyến tham quan này, tính cách của từng đứa trẻ  đã được bộc lộ. Rồi từ đó, chủ nhân của nhà máy chocolate cũng có cơ hội để tìm ra người kế thừa xứng đáng cho nhà máy của mình.  
Và dưới đây là những chi tiết khiến phim hay hơn cả tác phẩm gốc:

1. Nhân vật Charlie

Trong truyện, Charlie hiện lên với những đức tính điển hình của một cậu bé ngoan, hiểu chuyện và đầy tình yêu thương dành cho gia đình. Nhưng trong phim, Charlie còn được khắc họa nhiều hơn thế.

– Chi tiết chiếc vé giả

Sau khi thông báo của Willy Wonka được tung ra, 4 đứa trẻ lần lượt tìm thấy vé vàng đều đã được lên báo. Và “cuộc đua” đã đến hồi kết thúc khi người ta đưa tin đứa trẻ cuối cùng tìm lấy vé vàng là một đứa trẻ đến từ nước Nga xa xôi. Nhưng sau khi nghe được tin đó, Charlie vẫn quyết định dùng số tiền mình nhặt được để tự thưởng cho mình một thanh chocolate. Điều này chứng tỏ tình yêu dành cho chocolate của cậu là thực, cậu mua chocolate là vì cậu muốn được thưởng thức nó chứ không đơn thuần chỉ vì chạy đua để tìm kiếm chiếc vé vàng như những người khác.
Trong sách, chi tiết về chiếc vé fa kè cũng xuất hiện. Nhưng nó nằm ngay sau khi chiếc vé đầu tiên được tìm thấy chứ không phải là chiếc vé cuối cùng. Và chiếc vé này cũng nhanh chóng được xác minh là chiếc vé giả nên việc Charlie vẫn tiếp tục mua Chocolate là để tìm kiếm chiếc vé vàng.

– Chi tiết Charlie đề nghị đổi vé vàng lấy tiền

Trong phim, sau khi đưa vé vàng về khoe với gia đình, cậu đã đề nghị đổi chiếc vé vàng để lấy tiền cho cả nhà vượt qua thời gian khó khăn dù rất háo hức mong chờ chuyến đi. Còn trong sách thì lại không có chi tiết này, Charlie chỉ đơn giản là vui vẻ mang vé về cho cả nhà xem và cùng ông nội chuẩn bị cho chuyến tham quan mà thôi.

2. Nhân vật cô bé Violet

Trong sách, Violet hiện lên là một cô bé hiếu thắng, chỉ biết đến bản thân, không nghe lời người lớn. Và mẹ cô thì vẫn thường xuyên chấn chỉnh con gái của mình qua những lời mà cô nói:
“…Mẹ tôi bảo như thế không ra dáng tiểu thử và một cô bé mà hai hàm lúc nào cũng đưa lên đưa xuống nhoay nhoáy như tôi thì khó coi lắm, nhưng tôi chẳng buồn nghe. Vả lại bà ấy làm gì có đủ tư cách để phê phán vì tôi sẽ nói rằng hai hàm bà ấy cũng nhoay nhoáy lên lên xuống xuống hầu như chẳng thua gì tôi khi bà ấy la lối tôi suốt ngày…“
Còn trong phim, Violet cũng là một cô bé vô lễ, hiếu thắng. Nhưng sự hiếu thắng này là dưới sự dung túng và ủng hộ của mẹ. Căn phòng cô đứng trả lời phỏng vấn treo đầy huy chương, giải thưởng. Còn cô và mẹ cô thì thao thao bất tuyệt về những gì mà cô đã đạt được.
Chi tiết này thực sự có sức nặng khi cho ta thấy được một môi trường nuôi dưỡng độc hại có thể hình thành nên một đứa trẻ “độc hại” như thế nào.

3. Nhân vật cậu bé Mike Teavee

Charlie và nhà máy Chocolate được xuất bản lần đầu tiên năm 1964, thời kỳ mà những chiếc TV là phương tiện giải trí yêu thích của trẻ em. Vì thế, hình ảnh Mike Teavee được khắc họa như một cậu bé bị ám ảnh quá mức bởi những bộ phim bạo lực và những chương trình giải trí trên TV. Điều này khiến cậu trở thành một đứa trẻ không phân biệt được đúng sai, mù quáng, luôn tự cho mình là đúng.
Còn phiên bản điện ảnh của Charlie và nhà máy Chocolate do Johnny Depp thủ vai chính lại được ra rạp vào những năm 2000 mà cụ thể là 2005, thời điểm mà những trò chơi điện tử dần lên ngôi thay thế TV. Vì thế Mike Teavee được thay đổi “chút đỉnh” để trở thành cậu bé mê game đến mức cực đoan và có xu hướng bạo lực.
Thay đổi này mình đánh giá là khá thông minh khi vừa bắt kịp xu thế của thời đại nhưng vẫn giữ được thông điệp mà tác giả Roald Dahl muốn truyền tải: đừng quá nuông chiều sở thích của con trẻ để rồi khiến chúng đánh mất chính mình.

4. Nhân vật Willy Wonka

Vì là nhân vật chính, kết nối toàn bộ câu chuyện nên khi lên phim, Willy Wonka được khắc họa rõ nét và thêm rất nhiều chi tiết không có trong nguyên tác. Nhưng chi tiết mà mình thích nhất, cũng là chi tiết khiến bộ phim trở nên ý nghĩa hơn đó chính là những chi tiết về mối quan hệ giữa ông và người cha của mình.
Trong sách, Willy Wonka hiện lên như một người đàn ông thông minh, kiệt xuất có niềm say mê đặc biệt dành cho Chocolate. Nhưng xuất thân của ông thì không được nhắc tới.
Còn trong phiên bản điện ảnh, những chi tiết về thời thơ ấu của ông đã được thêm vào. Để khiến ta phần nào hiểu được vì sao Willy Wonka lại yêu thích chocolate đến thế, vì sao tính cách ông lại trở nên kì quái như vậy. Và nhất là lý giải nguyên nhân vì sao ông lại phải tìm người thừa kế xứng đáng cho nhà máy của mình bằng cách đó.

5. Phép thử vào cuối phim

Trong tiểu thuyết gốc, sau khi Willy Wonka thông báo rằng Charlie chính là đứa trẻ xứng đáng được nhận quyền thừa kế cả nhà máy Chocolate nhờ những phẩm chất đáng quý của mình, tác phẩm kết thúc với cảnh ông Willy Wonka mời cả nhà Charlie đến cùng làm việc trong nhà máy.
Còn trong phim, Willy Wonka sau khi thông báo tin vui với Charlie, ông cũng đồng thời yêu cầu cậu phải rời xa gia đình để đến sống cùng ông trong nhà máy. Nhưng cậu đã từ chối lời mời này.
– Cậu có sẵn sàng rời bỏ tất cả để đến sống với tôi ở nhà máy không? – Dĩ nhiên là được. Ý cháu là cháu đồng ý nếu cả nhà cháu cùng đi – Ồ, cậu bé, không thể thế được. Cậu không thể điều hành nhà máy chocolate với một gánh nặng gia đình như người gia yếu, phụ nữ, không được. Một nhà sản xuất chocolate phải tự do và một mình. Anh ta phải theo đuổi ước mơ, theo đuổi đến tận cùng. Nhìn ta này, ta không có gia đình, và cực kỳ thành công. – Vậy nếu cháu đi với ngài đến nhà máy, cháu sẽ không được gặp lại gia đình nữa sao? – Đúng vậy, hãy xem đó là phần thưởng – Vậy thì cháu không đi đâu. Cháu sẽ không từ bỏ gia đình vì bất cứ thứ gì. Cho dù là toàn bộ sô cô la trên thế giới.
Nếu trong sách, Charlie nhận được phần thưởng là nhờ ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn, không gây ra rắc rối như những đứa trẻ khác. Thì trong phim, ngoài việc “không gây chuyện” thì quyết định của cậu mới chính là lý do thuyết phục nhất khiến cậu xứng đáng hơn ai hết nhận thừa kế từ Willy Wonka.
Cậu thà sống cùng ba mẹ, ông bà trong ngôi nhà lụp xụp xiêu vẹo với những bữa súp bắp cải loãng qua ngày còn hơn rời bỏ họ để đến một nơi tuyệt vời hơn. Điều này khiến nhân vật Charlie sâu sắc hơn rất nhiều so với một cậu bé ngoan ngoãn và thiện lương được khắc họa trong sách.
Và đó, là lúc mà bộ phim tự nâng mình cao hơn một một bậc so với tiểu thuyết gốc khi mang đến một thông điệp thật đẹp về gia đình:
– Điều gì khiến cậu cảm thấy đỡ hơn khi cậu buồn? – Gia đình cháu. Ông không thích gia đình cháu ở điểm nào? – Đó không chỉ là gia đình cậu. Đó chỉ là nơi có những người bảo cậu phải làm gì, không được làm gì mà thôi. Và kết cục là nó không dẫn t ới một môi trường thoải mái và sáng tạo được. – Gia đình cố gắng bảo vệ ta chỉ vì họ yêu ta mà thôi
Giây phút Charlie cùng Willy Wonka đến thăm lại người cha làm nha sỹ. Để rồi sau chừng ấy năm không gặp lại, cha Willy vẫn nhận ra ông. Hóa ra sau lớp vỏ ngoài tưởng chừng khắc nghiệt và lạnh lùng ấy lại là một người cha đau đáu theo dõi từng bước chân, từng cột mốc cuộc đời của con trai mình. Khoảnh khắc hai cha con ôm lấy nhau mình tin nó đã khiến nhiều người tan chảy (trong đó tất nhiên là cả mình).
Vẫn còn nhiều chi tiết nho nhỏ khác được thêm vào như là cách mà Violet và Veruca phản ứng khi lần đầu gặp nhau, những hành động nho nhỏ khắc họa thêm tính cách của từng nhân vật… nhưng trên đây là những thay đổi đáng khen nhất trong Charlie và nhà máy Chocolate so với nguyên tác gốc. Khiến bộ phim không chỉ truyền tải đúng, truyền tải đủ mà còn hơn cả tác phẩm gốc.
Bạn đã xem phim này chưa? Còn chi tiết nào bạn thấy hay nữa mà mình đã bỏ qua không? Cmt bên dưới cho mình biết với nhé. Cảm ơn bạn, vì đã đọc đến những dòng này
Đọc thêm những bài viết của mình ở đây nhé