Installation được hiểu là Nghệ Thuật Sắp Đặt, là các tác phẩm ba chiều thường có nhiều điểm riêng biệt và được thiết kế giúp người xem cảm nhận về sự biến đổi không gian, hình khối, màu sắc và ánh sáng để tạo hiệu ứng cho thị giác. Thông thường những tác phẩm Installation thường được đặt tại các không gian nghệ thuật hoặc các không gian công cộng để dễ dàng tiếp cận hơn với cộng đồng. 
Đối với người Nhật, họ coi Installation là “Nghệ thuật bài trí: Phép màu thay đổi cuộc sống”, bạn sẽ có can đảm để bứt ra khỏi những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống và nó tạo ra cho bạn nhiều năng lượng và cảm hứng hơn.
Kiến trúc sư Sou Fujimoto nổi tiếng với các công trình kiến trúc do ông thực hiện trên thế giới, ngoài đó ra ông còn được biết đến qua các tác phẩm sắp đặt tại những không gian công cộng, các không gian nghệ thuật. 
Không chỉ trong kiến trúc mà thông qua các tác phẩm sắp đặt của Sou Fujimoto, chúng ta dễ dạng nhận ra hệ tư tưởng mà ông đang theo đuổi. Đó là thiết kế hòa nhập với thiên nhiên. Thiên nhiên là nguồn cảm hứng lớn nhất đối với Sou Fujimoto và từ nguồn cảm hứng của cá nhân mình, ông biến nó thành các tác phẩm nghệ thuật, tạo cảm hứng cho những người khác.

5 Sinh viên, 5 ngày, 1 mô hình

“5 Sinh viên, 5 ngày, 1 mô hình” là tên gọi một triển lãm mà Sou Fujimoto tham gia cùng với 1 nhóm sinh viên Ý. Chủ đề chính của triển lãm tập trung vào mối quan hệ giữa kiến trúc, năng lượng và môi trường.




Quá trình làm việc của nhóm 5 sinh viên

Rừng, Núi, Mây

Tác phẩm nghê thuật sắp đặt của Sou Fujimoto tại bảo tàng nghệ thuật đương đại Watari, Tokyo có tên là “Rừng, Núi, Mây”.





"Inside Outside Tree", bảo tàng V&A, London, Anh 

Tác phẩm sắp đặt của kiến trúc sư Sou Fujimoto tại bảo tàng V&A ở London thể hiện ranh giới giữa nội thất và ngoại thất giống như việc khám phá bên trong và bên ngoài cái cây. 


Cấu trúc của chúng được làm từ các tấm acrylic trong suốt đã được cắt thành các đa giác có hình dạng khác nhau và kết nối với nhau bằng các mối nối. 



Ý tưởng này xuất phát từ một khái niệm kiến trúc của người Nhật có tên là "Engawa" tạm hiểu là làm tách biệt ranh giới giữa ngôi nhà và khu vườn. 

Ở tác phẩm sắp đặt này của Fujimoto, người xem có thể nhìn thấy bên trong và bên ngoài cùng một lúc. Hình khối liên kết với nhau giống như liên kết bên trong phần thân cây. 

Fujimoto chia sẻ tác phẩm này giống như là một cái cây trong suốt nhưng cái-cây-không-phải-là-cái-cây.




“Khu rừng ánh sáng” tại Milan Design 2016

Sou Fujimoto không những là nguồn cảm hứng cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc mà ông còn là nguồn cảm hứng cho những nhà thiết kế và cả trong lĩnh vực thời trang.

Và trong tuần lễ thời trang tại Milan tháng 4/2016, nhãn hiệu thời trang COS đã có một không gian trình diễn, sắp đặt mang tên “Forest of Light” do kiến trúc sư Sou Fujimoto lên ý tưởng và thực hiện.



“Lý do để chúng tôi không dùng những thứ hữu hình, mà chỉ chọn ánh sáng để thể hiện, nó đại loại tượng trưng cho một khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi, có điều gì đó đã diễn ra, và rồi, nó biến mất không để lại dù chỉ một dấu vết.” 
– Sou Fujimoto chia sẻ.

"Cloudy Paper Chairs Forest" tại Okinawa, Nhật Bản

Một rừng ghế bằng giấy có hình dạng những đám mây là tác phẩm sắp đặt của kiến trúc sư Sou Fujimoto kết hợp với Hiroto tại Onikawa, Nhật Bản.



Tác phẩm "The Forest of Book" tại Basel, Thụy Sỹ

Kiến trúc sư Sou Fujimoto đã thiết kế một loạt các kệ sách dưới dạng trừu tượng được làm từ các thanh thép mỏng dựa trên các tác phẩm được làm bằng sắt vào thế kỷ 19. 

Fujimoto coi năm kệ sách này là năm tác phẩm điêu khắc được thiết kế để tạo cho con người cảm giác mỗi lần đến thư viện là những chuyến đi khác nhau.



“Các thư viện đã tồn tại rất lâu. Nó là sự kết hợp của quá khứ và tương lai. Sự kết hợp này tạo ra một chuyến hành trình khám phá vượt thời gian, một sự khám phá về lịch sử, văn hóa và thông tin. Chính điều này là nguồn cảm hứng để tôi thực hiện tác phẩm này.” 

No Dog, No Life

Đây là một tác phẩm mà Sou Fujimoto tham gia trong một dự án thiết kế nhà cho những chú chó tại Nhật Bản.



Bạn có thể thấy ngôi nhà của chú chó cũng có đồ đạc, cây cối, sách, đồ trang trí giống như nhà của con người.
Fujimoto quan niệm không có ranh giới hay sự khác biệt giữa không gian sống của con người và vật nuôi. 
Do đó "No Dog, No Life" là một quan điểm về không gian kiến trúc mới không trong một khuôn khổ. Nơi mà con người và vật nuôi có thể chung sống cùng nhau dưới cùng một mái nhà và cùng tương tác với nhau hàng ngày.

Tác phẩm "Nomadic House" ở Paris, Pháp

Sou Fujimoto đã xếp các khối hộp kim loại treo lơ lửng và ghép lại với nhau để tạo thành tác phẩm “Nomadic House” (có nghĩa là nhà du mục) cho hội chợ nghệ thuật FIAC ở Paris, Pháp. Tác phẩm này là sự kết hợp giữa kiến trúc và điêu khắc.



“Cấu trúc và liên kết của cả tác phẩm tạo ra sự cân bằng. Vị trí của mỗi khối hộp và cây xanh tham gia vào sự cân bằng và ổn định để mang lại cho con người một cảm giác ngẫu nhiên. Đồng thời toàn bộ kiến trúc lại vô cùng gần gũi với thiên nhiên."
Tổng hợp từ Design Boom, archdaily.com, handhome.net