Những suy nghĩ về sáng tạo | Phần 1: dẫn nhập các tiền đề
bài viết trong chuỗi series về sáng tạo của Nhân Lưu. Bài đầu tiên nêu lên các tiền đề về tài liệu tạo nên các ý tưởng của chuỗi bài viết, tóm tắt cuốn sách "where great ideas come from" của Steven Johson.
chào bạn, bài viết này là một bài viết trong chuỗi series về sáng tạo của mình trên Spiderum. Bài đầy đủ mình đăng ở website cá nhân mình với tiêu đề "Sáng tạo, nhìn từ ruộng bậc thang cho tới A.I.". Nếu quan tâm bạn có thể sang đó để đọc đầy đủ và liền mạch về nội dung này, còn ở không gian của spiderum, mình sẽ chia nhỏ bài viết ra làm nhiều phần để giúp quá trình đọc bài chia nhỏ và dễ tiếp cận hơn.
Động lực nào đến nỗi này?
Ở website cá nhân, mình bắt đầu với một dòng giới thiệu rằng mình là Nhân Lưu – một “creative thinker”, và thật ra nó là một thứ tagline tự xưng, nghe sang mồm sau nhiều thứ mình đã làm qua, chứ “sáng tạo” là gì và mình sáng tạo cỡ nào, điều đó vẫn chả có tổ chức hay công cụ nào đo lường được.
Ngó đi ngó lại đã 6 năm kể từ lần cuối mình viết một bài viết nói về chủ đề sáng tạo. Với tầm nhìn vẫn hạn hẹp và trải nghiệm vẫn chỉ tập trung vào một vài loại hình công việc, mình-của-thời-đó đã định nghĩa về các phân loại sáng tạo có nhiều phần ngô nghê.
Trong tầm 2-3 năm đổ lại khối lượng công việc, hạng mục đầu việc của mình dàn trải ra khá nhiều, dẫn tới cái nguồn nguyên liệu, kho trải nghiệm của mình nó to dần và phong phú hơn. Các kiến thức quý giá đa dạng cũng từ nhiều nơi đổ về và tạo ra những góc nhìn hay ho để mở cái miệng giếng của mình rộng thêm một xíu. Lần này mình lại muốn viết về sáng tạo, cũng như cách mình phân loại chúng nó, từ đó biết đâu có thể tạo tiền đề thúc đẩy một sự phát triển năng lực sáng tạo từ những người đọc qua bài viết hoặc trong chính mình.
Ý tưởng lớn đến từ đâu?
Trước tiên xin phép tri ân những nguồn tư duy lớn đã góp phần định hình và tạo tiền đề cho bài viết này. Một cuốn sách hay và một blogger thú vị ít người biết đến.
Cuốn sách Where good ideas come from của tác giả Steven Johnson là một tài liệu tham khảo lớn của bài viết này. Cho tới thời điểm mình viết bài này thì cuốn sách vẫn chưa có mặt ở thị trường Việt Nam, nếu bạn quan tâm có thể order bản tiếng Anh trên Tiki tại link này
Nguồn tư duy thứ hai góp phần giúp mình hệ thống hoá nhiều thứ đang diễn ra xung quanh là một anh youtuber người Malaysia gốc Hoa, đang làm nội dung bằng tiếng Việt – Tùng Tùng Song. Anh này là một người nghiên cứu học thuật về lịch sử nhân loại và phát triển văn minh thế giới. Chính anh ấy đã phân tích về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, các vấn đề về văn minh thế giới. Những kiến thức học thuật đó được tổng hợp lại, phổ biến cho một người bình dân như mình, nó đã giúp mình khá nhiều trong việc tư duy quản lý tổ chức và đội ngũ. Trong một video chủ đề về sáng tạo, anh ấy đã gợi ý về cuốn sách này. Mọi người có thể xem video đó tại link này

Vậy trước tiên, xin hãy để mình dạo nhanh qua một vài gạch đầu dòng để nói về quyển sách và những thông tin nó mang lại, tạo ra kho nguyên liệu để mình xào nấu nên những lý thuyết mình liệt kê ra phía dưới. Trong phần này mình sẽ chia sẻ các quan điểm của tác giả và những đúc kết của bác ấy về chuyện ý tưởng, cụ thể hơn là ý tưởng hay đến từ đâu. Chính niềm tin này góp phần khai mở cho cách mình phân hoạch các loại hình sáng tạo.
Theo góc nhìn tác giả, ý tưởng hay không bụp một phát sinh ra như cách mọi người hay nghĩ. Sẽ không có một “Aha moment” nào đó tình cờ xuất hiện và khiến cho một thiên tài hay cá nhân nào đó chốt lại được phương án sáng tạo tuyệt đỉnh. Việc thừa nhận điều này giúp người ta nhìn ra được các hình mẫu (pattern) của sáng tạo và hình thành nên các yếu tố gây ra hoặc tạo ra môi trường cho sự sáng tạo, và qua từng chương chúng nó chính là:
Các yếu tố góp phần tạo điều kiện để sản sinh ra ý tưởng hay
Liquid Networks (Mạng lưới lỏng) – Ý tưởng phát triển tốt nhất trong môi trường mở, nơi con người có thể kết nối, trao đổi và xây dựng dựa trên ý tưởng của nhau, thay vì cô lập trong môi trường khép kín.
Sự giao lưu, trao đổi chéo thông tin, thị trường đa dạng v.v… và rất nhiều những không gian mà ở đó thông tin và kiến thức từ đa dạng lĩnh vực có điều kiện để lưu thông sẽ chính là một kiểu “mạng lưới lỏng” như vậy.

Mạng lưới lỏng
Điều này là một sự khái quát rộng hơn, vĩ mô hơn của tác giả cho thứ mà mình hay ví dụ ngày xưa khi nói về tính sáng tạo. Khi đó mình hay nói dưới góc nhìn cá nhân một con người. Đó là hãy tìm hiểu và lấy thật nhiều thông tin từ đa lĩnh vực để bản thân có cho mình một kho nguyên liệu thật đa dạng, đây là tiền đề cho sáng tạo. Hiểu biết nhiều chưa chắc dẫn các bạn đến giải pháp sáng tạo, nhưng hiểu biết ít chắc chắn sẽ gây ra rào cản lớn.
Và điều đó dẫn đến yếu tố thứ 2…
The Adjacent Possible (Khả năng liền kề) – Những đổi mới không xuất hiện từ hư không mà từ những khả năng sẵn có, giống như một căn phòng có nhiều cửa mở dẫn đến những căn phòng mới. Một môi trường đa dạng lĩnh vực không thể đảm bảo 100% cho việc ý tưởng mới có thể sinh ra, nhưng nó gia tăng số lượng cánh cửa có thể mở ra và những đường kết nối giữa đa lĩnh vực với nhau.

những liên kết giữa các nhóm kiến thức và lĩnh vực khác nhau
Trong góc nhìn cá nhân, mình gọi đây là sự liên tưởng. Một trong những công cụ quan trọng nhất của việc đẻ ý tưởng với mình là liên tưởng, quá trình liên tưởng giúp ta thấy những nét tương đồng của nhiều thứ khác nhau và nó đưa chúng ta từ căn phòng kiến thức này, qua những kho nguyên liệu khác.
Bạn có nhiều nguyên liệu tức bạn đã có cho mình nguồn tài nguyên giàu có của thông tin và các khả năng. Liên tưởng chính là sợi dây nối chúng nó lại, để giúp giải bài toán logistic của việc tận dụng kho tài nguyên và chuyển hoá tất cả thành giải pháp. Nếu suy rộng ra sự sáng tạo ý tưởng theo quy mô tập thể, tổ chức hoặc cộng đồng thì cơ chế này có thể hỗ trợ rất tốt nếu nó được thiết kế hiệu quả.
Các yếu tố tạo lập nền tảng tư duy đã khá rõ ràng, giờ là câu chuyện của những yếu tố mang tính quá trình, đó là …
Slow Hunch (Trực giác chậm) – Những ý tưởng lớn thường không xuất hiện tức thì mà mất thời gian để chín muồi, phát triển qua nhiều năm với sự bổ sung và tinh chỉnh dần dần. Điều này đôi khi bị lu mờ bởi những khoảnh khắc kịch tính lúc một ý tưởng ra đời, ít người hình dung được quá trình tư duy chầm chậm trước đó có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Trực giác sáng tạo là một khái niệm hay, nó giống như một cách nói đủ tinh gọn để gọi quá trình tìm kiếm và hình thành giải pháp. Khi bạn nói về “trực giác” nói chung bạn sẽ hình dung về việc có điều gì đó bên trong mách bảo bạn nên làm thế này chứ không nên làm thế kia và sau đó khi kết quả trả ra bạn biết rằng mình đã làm đúng. Đôi khi chúng ta cảm thấy đó là một việc thần kì. Cảm hứng sáng tạo hay ý tưởng khi tụi nó bật ra cũng khiến chúng ta cảm giác y vậy.

Quá trình sáng tạo là một câu chuyện dài chứ không phải chỉ là khoảnh khắc Eureka.
Kì thực chả có gì là tâm linh hay “ông bà độ” cả, điều này đến từ khả năng cảm nhận và tổng hợp thông tin của cơ thể. Việc không thể lý giải cho những cảm xúc “có gì đó sai sai…” có thể là do tốc độ tư duy lý giải không theo kịp khả năng cảm nhận và đưa ra quyết định. Sáng tạo cũng thế, kho nguyên liệu rộng lớn dàn trải và khả năng kết nối đã thuần thục có thể khiến bạn có cho mình nhiều cơ hội trong phát sinh ý tưởng mới. Ví dụ như ….
Serendipity (Sự tình cờ) – Nhiều phát minh quan trọng xuất hiện nhờ những khám phá ngẫu nhiên khi con người đang tìm kiếm một thứ khác. Yếu tố này với góc nhìn của mình cũng là một sự khai triển chi tiết hơn của phần trên.
Trong suốt quá trình tìm kiếm ý tưởng chúng ta sẽ thử nghiệm và làm ra nhiều mẫu thử, quá trình này đôi khi lại tạo ra những giải pháp cho những điều mới và cũng ở chiều ngược lại, đôi khi ý tưởng của một vấn đề khác lại là công cụ thích hợp cho bài toán ta đang đau đầu bên này.

Quá trình tìm kiếm giải pháp đôi khi lại đưa đến một điều khác thú vị ngoài dự dịnh
Kết hợp với góc nhìn của những chương đầu về những mạng lưới lỏng hay sự liên tưởng, ta thấy được việc hình thành ý tưởng sẽ không phải là một hệ kín mà là một chuỗi các giao thoa và trao đổi thông tin đa chiều. Điều đó cũng tạo ra một góc nhìn khác đó là việc khoan dung với những…
Error (Sai lầm) – Những lỗi sai không phải là điều xấu, mà ngược lại, chúng có thể dẫn đến những đột phá bất ngờ, giống như nhiều khám phá khoa học quan trọng bắt nguồn từ thất bại ban đầu. Như cách người Việt Nam hay bảo rằng “thất bại là mẹ thành công“, việc thử nghiệm tạo ra những phiên bản chưa thể sử dụng cho những vấn đề hiện hữu có thể là tiền đề cho các ý tưởng của tương lai.

Một phần nguyên liệu rất lớn có thể đến từ việc mọi thứ sai lệch
Lỗi, sai lầm, những nhầm lẫn,… hay bất cứ thứ gì bạn liên tưởng đến khi đang đọc đến những dòng này đều có thể được nhìn nhận như một tiền đề của ý tưởng. Thông tin này dẫn mình đến một trong những bổ sung lớn về yếu tố môi trường đó là tính khoan dung và sẵn sàng cởi mở với những thứ bên ngoài dự định đã và sẽ diễn ra. Và đó là khi chúng ta nói đến phần tiếp…
Exaptation (Tận dụng ngoài dự tính) – Một ý tưởng hoặc công nghệ ban đầu có thể được sử dụng theo cách khác so với mục đích ban đầu, mở ra những sáng tạo mới. Mẫu hình này đã lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong lịch sử, vậy nên những “vựa đồng nát ý tưởng” vẫn luôn là một kho tàng quý giá luôn có thể lột xác để trở nên hiệu quả bất cứ lúc nào.

Cái gì đó không như ý, nhưng ta vẫn có thể xoay chuyển được
Trong quá trình hình thành sự nghiệp và kết hợp với nhiều đối tác hoặc bạn bè đồng hành, mình nhiều lần nhìn thấy khả năng tiềm tàng của thứ mình đang có khi nó được đặt vào đúng tay người có thể phát huy. Điều này quan trọng khi bạn nhìn nhận được sự giới hạn của bản thân và đang tạo lập những sân chơi mang tính liên-chủ-thể hoặc mong muốn kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực. Và chính điều đó tạo nên yếu tố cuối cùng mà cuốn sách đề cập tới…
Platforms (Nền tảng) – Những hệ thống mở và có thể mở rộng giúp thúc đẩy đổi mới, chẳng hạn như các thành phố, internet, hoặc các nền tảng công nghệ. Ý tưởng sẽ từ đây mà ra, và nền tảng sẽ tổng hợp các đặc tính đã kể ở các chương trước, sẽ tao ra một môi trường ươm mầm cho sự phát triển của ý tưởng.

Tạo ra những môi trường để cơ hội ý tưởng lớn xuất hiện tăng cao
Với vai trò cá nhân chúng ta nên quăng mình vào những “nền tảng” dung dưỡng cho sự sáng tạo. Cơ hội để chúng ta có thể có ý tưởng hay và thành công sẽ tăng lên. Với góc nhìn tổ chức, cộng đồng, chúng ta nên tạo ra những môi trường có đầy đủ những tiêu chí để làm vườn ươm cho ý tưởng xuất hiện.
Phần nào các bạn cũng đã có được một chuỗi các yếu tố để tạo tiền đề cho sự sáng tạo. Vậy câu hỏi đặt ra là: làm sao để sáng tạo hơn?
Ở bài viết tiếp theo của series này, mình sẽ nói về nó. Hãy đón xem (hoặc nếu chờ không nổi thì cứ vào bài viết trọn vẹn ở website cá nhân mình để đọc cho thoả).
Một câu hỏi gợi ý cho các bạn để động não trước khi chúng ta đọc tiếp các bài sau: dựa trên quan điểm từ cuốn sách của Steven Johnson, theo bạn chúng ta có thể phối trộn những nguyên tố trên như thế nào để giúp bản thân có nhiều ý tưởng hay hơn?

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này