Trẻ con là tờ giấy trắng”, chúng sẽ chấp nhận bất cứ “cái nhãn” nào  người lớn dán lên chúng (hậu đậu, ngu ngốc, xấu xí, hư đốn ….) Bằng cách  “dán nhãn xấu” lên con mình để so sánh hoặc không so sánh với “con nhà  người ta” trong giai đoạn đứa trẻ đang định hình về thế giới và bản thân  chúng là một điều hết sức nguy hiểm. Vì kéo dài theo thời gian, những  nhận xét ấy sẽ vô tình trở thành ám thị để rồi đứa trẻ lớn lên với niềm  tin về chính bản thân mình như thế.

Mình đã từng viết về việc tự so sánh với  người khác đã ảnh hưởng tới bản thân mình như thế nào. Hôm nay, mình sẽ  tiếp tục về sự so sánh nhưng là so sánh của bố mẹ dành cho con cái với  “con nhà người ta”, hoặc chỉ là những “cái nhãn xấu xí” ba mẹ dán lên  mình.

Có những thứ chẳng dễ nói ra vì nó là vết thương âm ỉ từ thuở bé, cho đến khi trưởng thành hơn, cho đến khi mình ý thức được nó thì mình vẫn đang phải sống với ảnh hưởng tiêu cực từ nó từng ngày. Nên mình cho rằng  một phần nào đó mình hiểu rõ những hậu quả xấu mà việc so sánh ấy để  lại.
“Sao con vụng về thế….. Sao con chẳng khéo léo như chị ….. hay đứa….” Những câu đó mình nghe riết hồi nhỏ, thậm chí có lắm khi còn phải nghe phiên bản tệ hơn phụ thuộc vào tâm trạng của bố mẹ hoặc những người thân  khác. Gia đình luôn là những người tốt nhất với mình. Điều đó đúng.  Nhưng “tốt nhất” không có nghĩa chưa từng làm tổn thương mình. Có một  câu mình đọc trong bài review phim All about Lily Chou Chou rằng:”Yêu  thương nhưng không biết cách yêu thương đó là một bi kịch.” Điều ấy đúng  trong trường hợp này.

So sánh là cách bố mẹ hoặc người thân giãi bày nỗi niềm và gửi gắm mong  
mỏi của họ về đứa trẻ. Mong con lấy hình mẫu ấy làm mục tiêu để phấn  đấu, để con tự biết khiêm tốn vươn lên. Mục đích thì tốt nhưng tiếc là  họ đã chọn sai cách. Làm thế nào họ dạy đứa trẻ về KHIÊM TỐN và TỰ HOÀN  THIỆN nếu chưa từng dạy chúng TỰ TIN vào chính mình? Dạy chúng biết mình  là ai, mình giỏi gì, chưa giỏi gì – mà những cái “giỏi” hay “chưa giỏi”  ấy đâu thể lấy kẻ khác làm tiêu chuẩn để đánh giá vì tiềm năng mỗi  người khác nhau cơ mà? “Trẻ con là tờ giấy trắng”, chúng sẽ chấp nhận  bất cứ “cái nhãn” nào người lớn dán lên chúng (hậu đậu, ngu ngốc, xấu  xí, ….) Bằng cách “dán nhãn xấu” lên con mình để so sánh hoặc không so  sánh với “con nhà người ta” trong giai đoạn đứa trẻ đang định hình về  thế giới và bản thân chúng là một điều hết sức nguy hiểm. Vì kéo dài  theo thời gian, những nhận xét ấy sẽ trở thành ám thị để rồi đứa trẻ lớn  lên với niềm tin về chính bản thân mình như thế. Thế là thay vì dạy con  về KHIÊM TỐN và HOÀN THIỆN ba mẹ đã nuôi dạy một đứa trẻ đầy TỰ TI và  MẶC CẢM.

“Em thấy chị có xấu không?”
“Em thấy chị bình thường mà sao chị hỏi thế?”
“Vì ngày xưa mẹ chị lúc nào cũng chê mũi chị tẹt.”

Một chị đã từng hỏi mình như  thế khi lần đầu tiên hai chị em thực sự ngồi nói chuyện với nhau. Điều  đó có đau không? Có. Mình nghĩ nó cũng đau như mỗi lần mình dằn vặt bản  thân khi mắc lỗi vậy: là cái cảm giác không thể tha thứ nổi cho bản  thân, là sao mình ngu đến thế, là chuyện này sẽ chẳng thể xảy ra nếu  mình là một đứa khôn ngoan. Khi nhận thức được sự ám ảnh ấy, mình đã cố  gắng rũ bỏ nó nhưng dù thế nào mình biết nó vẫn luôn ở đó – sâu bên  trong mình – đợi khi tâm trạng mình không tốt – nó sẽ trồi lên và nuốt  chửng mình trong một khoảnh khắc.
Mình có giận “người lớn” không. Có chứ. Những lúc tủi thân mình vẫn rất giận họ. Nhưng điều kì quặc là nhiều lúc nóng giận, mình đã hành động giống y hệt cái cách “người lớn” đã phản ứng với mình. Nuôi dạy trẻ con chẳng dễ chút nào dù tất cả người lớn đã từng là trẻ con, song đôi khi  người lại quên mất trẻ con chưa từng là người lớn 

P/s:
Mình đã từng hỏi 1 đứa bạn rằng:”Có phải người không có bí mật gì cần dấu diếm là người mạnh mẽ không?”

Bạn mình trả lời là:”Chưa chắc!” Mình hiểu ý của nó. Vì thật khó để chia  sẻ những điều bí mật. Bởi lẽ một khi bí mật được phơi bày, tháo bỏ tất  cả lớp mặt nạ là lúc bạn hiện ra trần trụi nhất và dễ bị tổn thương  nhất. Nhưng với mình: Viết là TỰ DO, là một cách để CHỮA LÀNH nên chắc  chắc một phần nào ấy mình sẽ luôn thẳng thắn nhìn vào những góc tiêu cực  của bản thân để viết và “va chạm” với người khác theo cách riêng của  mình.