Chưa bao giờ người đọc sách tôn giáo tâm linh lại nhiều như hiện nay. Những cuốn sách ấy, thậm chí có thể xếp vào hàng Best Seller và mang lại lợi nhuận không ít cho các nhà xuất bản
Tâm linh, cùng với mối quan hệ, sự nghiệp, vận động, được coi là thức ăn tâm thiết yếu cho cơ thể mỗi người. Thiếu đi những thức ăn tâm này, dù bạn có bồi bổ bao nhiêu dinh dưỡng cho cơ thể cũng không có sức khỏe tốt được.

Sách tôn giáo tâm linh có thể chia ra thành một số loại sau:
- Kinh sách: Là những sách được sử dụng làm tư tưởng cốt yếu, ghi chép lại những sự tích, thần thoại trong hệ thống tôn giáo hoặc giáo phái nào đó. Các tôn giáo lớn đều có hệ thống kinh sách riêng của mình như Do Thái giáo, Kito giáo có Kinh Thánh, Islam có kinh Koran, Hindu và Bà La Môn giáo có kinh Vedas, Phật giáo có đủ các loại Bát Nhã Tâm Kinh, Hoa Nghiêm…v…v… Các giáo phái nhỏ hơn như Satan giáo, Wicca, Pháp Luân Công…v…v… cũng đều có kinh sách riêng của mình.
- Nhập môn: Là những cuốn sách tóm tắt hệ thống của một tôn giáo do người đời sau viết lại để dễ đọc, dễ tiếp cận hơn. Những sách nhập môn này mang tính chất là Sách giáo khoa, được trình bày theo hướng cung cấp thông tin.Sách tư tưởng: Là những quan điểm, tư tưởng của những người tu hành từ nhiều tôn giáo, trường phái khác nhau được tập hợp, ghi chép lại. Dòng sách này có từ xa xưa và đến nay vẫn rất phổ biến. Ví dụ như có thể nhắc đến các Upanishad trong Bà La Môn giáo, hay các bài thơ của những thầy tu Sufi như Rumi, Hafiz, hoặc gần gũi nhất với chúng ta là những cuốn sách của Osho, Krishnamurti, những bộ tập hợp thơ Thiền như “Thiền uyển tập anh” cũng là sách loại này.
- Sách trải nghiệm: Là những trải nghiệm tâm linh của những người theo từng tôn giáo khác nhau. Những cuốn sách loại này rất phổ biến hiện nay. Ví dụ như “Đối thoại với Thượng Đế”, “Năng đoạn kim cương”, “Hành trình về phương Đông”, Muôn Kiếp Nhân Sinh 1 & 2,...
- Sách lý giải các vấn đề tôn giáo, tâm linh: Các hiện tượng tôn giáo tâm linh luôn là một bí ẩn đối với các học giả từ xưa tới nay. Bằng mọi góc nhìn, dù là chính trị, tâm lý hay khoa học, họ luôn tìm cách lý giải. Trước đây, các nhà phân tâm học như Freud, Jung, Enrich Fromm, Roberto Assagiolie… tốn không ít công sức để lý giải các hiện tượng này. Đến nay, với các thành tựu của Vật lý lượng tử, một trào lưu sử dụng vật lý và toán học để giải thích các nhận thức luận hay các hiện tượng trong lĩnh vực tôn giáo tâm linh đã hình thành. Không ít những tác giả lớn đã đi theo xu hướng này như David Bohm, Fritjof Carpra, Mundasev…v…v…
- Sách về các hiện tượng kỳ bí: Một dòng sách ăn theo tất cả các xu hướng trên đó là những cuốn sách tập hợp đủ loại các câu chuyện ma, gọi hồn, kỳ tích, phép màu…v…v… Người ta thường thích đọc loại sách này vì chúng dễ đọc, không phải động não, lại có thể giải trí giống như đọc tin giật gân trên báo.
Đọc sách tôn giáo, tâm linh cũng giống như đọc các thể loại khác. Bạn vẫn cần nắm một số khái niệm căn bản, cần hiểu kinh sách và bối cảnh lịch sử của chúng, rảnh rỗi có thể tham khảo thêm một số sách tư tưởng hoặc sách lý giải. Nhưng quan trọng hơn cả, bạn phải biết nhận định đâu là ngọc trai quý, đâu là hạt nhựa bôi lớp sơn màu. Bởi vì, chỉ cần một lần sơ sảy, bạn có thể bị rơi vào bế tắc.
Chia sẻ bởi bạn My My.