Lịch sử và văn hoá Nhật Bản là một phần thật sự không thể thiếu với tôi, và dù bây giờ quên gần hết (do không có cơ hội học tiếp và thực hành vì nhiều lí do), tôi đã từng là 1 trong những học sinh đầu tiên được thí điểm việc dạy tiếng Nhật ở Sài Gòn thế nên ít nhiều tôi có sự tiếp xúc văn hoá thông qua ngôn ngữ. Còn về phim ảnh, có một phim tuy không hoàn toàn chuyển thể hay tái hiện một sự kiện lịch sử nào cụ thể nhưng nó lại tả được hết cả 1 thời kỳ chuyển mình đầy tiến bộ nhưng mang không ít đau thương lẫn tự hào của nước Nhật. This is...

THE LAST SAMURAI

Credit: History Buffs

 Ở Nhật có lẽ nổi tiếng nhất về mặt lịch sử đối với đa số người Việt Nam, đặc biệt là người chơi các game Samurai Warriors hay Shogun thì chắc chắn bọn họ sẽ biết đến cuộc chiến thời Chiến quốc của Nhật Bản với những Samurai và Daimyo lừng danh như Nobunaga Oda, Ieyasu Tokugawa, Hideyoshi Toyotomi ,Yukimura Sanada, Kenshin Uesugi và Shingen Takeda v.vv... Và tôi cũng xin đưa thêm chút ít lịch sử để mọi người hiểu hơn vì sao samurai quan trọng đến như vậy và The Last Samurai đã làm tốt thế nào.

 Tất cả bắt đầu từ thời kỳ Heian và Kamakura- Thời này nổi tiếng với cuộc chiến trước giữa 2 nhà Genji-Heike hay còn gọi là "Cuộc chiến Genpei" và những chiến công hiển hách của Cửu Lang Yoshitsune no Minamoto nhưng bị chính anh trai mình hãm hại, những năm thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13 đã làm cho các Daimyo trở nên quan trọng hơn về mặt quyền lực. Nói đến đấy để mọi người hiểu rằng ngày trước samurai là một cấp xã hội rất cao trong văn hoá Nhật và tất nhiên là chính họ là người gần như năm giữ cán cân quyền lực chính trị chứ không hẳn là Thiên Hoàng. Và thời kỳ Chiến Quốc đơn giản chính là sự bùng nổ chiến tranh âu cũng do việc tranh giành quyền lực ở quy mô còn lớn hơn. Cuối thời Chiến quốc, sau khi Ieyasu Tokugawa đánh bại phe của con trai Hideyoshi Toyotomi là Hideyori đầu những năm 1600 thì cuối cùng nước Nhật đã được hoàn toàn thống nhất dưới quyền Shogun duy nhất là ông, và lập ra Mạc phủ Tokugawa để nước Nhật bước vào thời kỳ thịnh vượng nhất lịch sử phong kiến của họ, thời kỳ Edo. Samurai giờ đây không còn mang cái ý nghĩa phục vụ các lãnh chúa như ban đầu vì giờ đây chính họ là những lãnh chúa phục vụ cho Thiên Hoàng, nôm na thì so sánh họ như các chức Bá tước ở bên trời Tây vậy. Tuy nhiên nước Nhật lại đóng cửa hết với thế giới bên ngoài với một chính quyền sử dụng Nho giáo để tôn vinh những yếu tố tinh thần lên làm hàng đầu. Đây cũng chính là thời kỳ cận đại của Nhật Bản.

 Thời kỳ hòa bình Edo kéo dài đến hơn 250 năm đã xảy ra khá là nhiều hệ lụy nhỏ đối với giai cấp samurai, nói vui là do yên bình quá chả có chiến tranh nên đa số các samurai đã "gác kiếm" chuyển qua làm nông hoặc doanh nhân, v.v... để rồi một số lượng samurai đã giảm ở cuối thời kỳ Edo. 

 Thế nhưng sự kết thúc của nó thật sự bắt đầu vào năm 1854 khi tướng Matthew Perry của Mỹ đem các chiến thuyền phương Tây qua Nhật và bắt họ phải mở cửa giao thương với phương Tây, các nước như Anh Pháp Hà Lan về sau cũng làm tương tự. Chính quyền nước Nhật khi ấy biết rằng họ nên nhún nhường, còn các samurai thì ngược lại muốn chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của chính họ lẫn bảo vệ quốc gia trước cuộc xâm lược văn hóa. Và bước đi khôn ngoan hơn là nhún nhường đã được đề ra do chính quyền Thiên Hoàng  muốn phát triển về mặt công nghệ và giúp nước Nhật thăng tiến so với đà thế giới, một suy nghĩ rất tiến bộ và, đáng kinh ngạc rằng chỉ trong 20 năm thôi người Nhật đã hoàn toàn làm chủ được các công nghệ thời ấy mà chính phương Tây đã trải qua đến gần 300 để phát triển, người Nhật quả thực đáng nể. Tuy nhiên trong 20 năm đó cũng chẳng hề yên ổn khi sự thay đổi cả về văn hóa lẫn chính trị đã khiến các samurai dần mất đi quyền lực của mình, và cái chính rằng họ bảo Nhật bản đang đánh mất bản sắc của mình quá nhanh. Cho là họ bảo thủ cũng được nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng đó chính là một hệ quả tốt đẹp của thời Edo về mặt tinh thần đối với cả người dân lẫn các tướng lĩnh và tất nhiên họ sợ mất đi sự tốt đẹp đó chỉ vì tiền tài và cái gọi là "tiến bộ".

 Vào năm 1868-1869 đã diễn ra cuộc chiến Bonshin do các tướng lĩnh Mạc phủ Tokugawa đứng đầu là hậu duệ đời thứ 15 là Keiki Tokugawa phát động, nhưng tất nhiên là thất bại và cuối cùng chế độ Mạc phủ đã hoàn toàn sụp đổ. Nước Nhật không còn Shogun nữa và đi vào thời kỳ hiện đại hóa.

 Tuy nhiên, Takamori Saigo- dù là 1 người samurai rất ủng hộ việc hiện đại hóa, thậm chí ông còn mặc tây phục và làm quan triều đình nhưng chính triều đình đã không tin tưởng vào các chính kiến của ông nên ông từ quan về quê ở Kagoshima, và các samurai đi theo ông từ bỏ kinh đô Tokyo. Triều đình lại tiếp tục đối xử tồi tệ với các samurai như thuế má, chính sách lương gạo thậm chí cả quân sự ở Kagoshima cũng bị đì do triều đình sợ ông nổi loạn, và mỉa mai thế nào chính nó gây thù chuốc oán và cuối cùng Saigo lãnh đạo đội quân samurai làm một cuộc nổi loạn cuối cùng nhưng thất bại. Saigo được gọi là samurai chân chính cuối cùng.

 Katsumoto trong phim chính là hiện thân của Saigo và cuộc nổi loạn trên là nguồn cảm hứng của The Last Samurai. Cuối cùng đã có thể review phim nhỉ.

 Trước hết, về việc huấn luyện quân đội của Nathan Algren ở trong phim thì tôi, cũng như chủ thớt kênh History Buffs, cảm thấy nó khá là ngớ ngẩn. Như tôi đã nói triều đình nước Nhật, như bối cảnh phim là năm 1876 hay 1877- trùng năm nổi loạn Satsuma đã trải qua cuộc chiến Bonshin nên tất nhiên bọn họ đáng lẽ ra phải sử dụng vũ khí thuần thục và tinh thần vững lắm rồi, nếu có huấn luyện thì chỉ thêm việc sử dụng đại bác, súng máy(gatling gun) hay tập trận đội hình các kiểu thôi chứ không đến mức tá hỏa bắn tầm bậy tầm bạ và nạp đạn xài lưỡi lê không xong. Chưa hết, cứ cho đó là các lính mới, thì cũng không ai điên hay tự cao đến mức đem 1 đội toàn là lính mới đi đánh trận, đừng nói đến đánh các samurai dày dạn trận mạc truyền thống. Thậm chí đáng nói hơn, súng hỏa mai vốn đã được sử dụng tận tít từ thời Sengoku để phá thành và chống kỵ binh, tức là cách đó đến hơn 300 năm các samurai còn biết dùng súng không lẽ đội quân triều đình tệ đến lạc hậu hơn cả những kẻ họ cho là lạc hậu?

Àh, nói đến việc samurai dùng súng thì thế này... Trong phim có nói Katsumoto không dùng súng vì ông ta tôn trọng cung cách chiến đấu truyền thống và danh dự... Vậy Saigo ngoài đời có như vậy không? Saigo về cuối đúng là có sử dụng cung và tên truyền thống nhưng lí do là ông... hết đạn dược và thiếu thuốc súng (phần do triều đình dỡ kho đạn và thuốc súng ở Kagoshima). Và theo phim chúng ta thấy các samurai thắng 1 trận và bắt được Algren nhưng thật sự thì Saigo thua toàn tập. Ở phim tôi hiểu ở chỗ này được làm ra để chúng ta được thấy sự dũng mãnh trong truyền thống của các samurai, hay đúng hơn giờ đây là các ronin, và tạo tiền đề để đến được cái chính của phim.

Cái chính của phim, bất ngờ thay, lại không phải cuộc nổi loạn mà chính là cái nhìn của Algren về văn hóa truyền thống của thời Edo ở thời gian anh ta bị "giam giữ". Tôi thật sự không cần phải tả nếu các bạn đã xem phim rồi, có lẽ tôi nên dùng chính ngôn từ của Algren trong phim "Từ khi thức dậy, bọn họ làm việc đồng áng hay mọi thứ đều với một sự tận tụy đáng kinh ngạc, mọi thứ đều lên đến mức hoàn hảo... Chưa bao giờ trong đời tôi thấy một sự kỷ luật nghiêm ngặc đến như vậy", và thật sự đó chính là tất cả những gì chúng ta biết về người Nhật. Chúng ta dần dần sẽ mang cảm giác ghét bỏ triều đình đã muốn "diệt" đi tất cả những thứ đẹp đẽ này và như Algren, chúng ta muốn chiến đấu vì bản sắc truyền thống dân tộc cũ kỹ đẹp đẽ kia đang bị mai một dần thậm chí làm hại.

 Và có một chút thế này, còn ai nhớ cảnh Algren nằm ác mộng và la hét trong lúc đang giải độc rượu và cai nghiện rượu không? Hình ảnh Algren cùng quân đội Mỹ tàn sát cả 1 làng người da đỏ không nguyên nhân ấy... Tuy không chính xác theo chi tiết lẫn thời gian, nhưng tôi tin cảnh đấy diễn tả lại 1 cuộc tàn sát người da đỏ đẫm máu đầy tai tiếng của quân đội Mỹ thời ấy, "trận" Wounded Knee. Tôi biết trận Wounded Knee diễn ra sau mốc thời gian phim này đến 13 năm nhưng thật ra thì việc tàn sát dân da đỏ vô cớ diễn ra không ít thì nhiều, Wounded Knee là kinh khủng nhất thôi.

Và còn ai nhớ cảnh con trai của Katsumoto bị cắt búi tóc không? Đó thật sự là cách những samurai đã bị ngược đãi đấy. Cát đi búi tóc và tước đi kiếm của họ, thật sự là một sự sỉ nhục. Và qua đ1o cũng có thể thấy rõ cái sự mất gốc để trở nên "cool" thời đấy của một bộ phận lớn người trẻ Nhật Bản: họ mặc tây phục tỏ vẻ, họ chê cười những samurai, và thật sự các samurai bị mất đi quyền công bằng chứ đừng nói đến việc họ "còn" ở trong top đầu của xã hội như thời Edo, và họ đấu tranh là hợp lý thôi. (Không liên quan lắm nhưngnhìn hình ảnh ấy, một comic fan như tôi thật sự phải liên tưởng đến cái cách Marvel đang đối xử với các X-men: Một đầu truyện gây thành công lớn ngày ấy giờ đây đang bị đối xử tồi tệ bởi chính Marvel do bản quyền phim)

Và có một cảnh tôi rất rất thích ở phim này, đó là khi Taka mặc áo giáp của người chồng đã chết vào tay Algren lên chính Algren khi trận chiến cuối cùng sắp diễn ra. Với tôi đó có lẽ là 1 trong những cảnh love scene đẹp nhất mọi thời đại và nó đã nói lên được hết những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Cung cách mặc lớp áo, cách người nữ phục vụ người nam, sự chuẩn xác đến tinh tế và nhẹ nhàng, và cuối cùng là một sự kiềm lòng không đăng phải tựa vào vai Algren bật khóc vì lo lắng cho người thân trước khi ra trận- mà đây là một người ngoại đạo chiến đấu cho họ đấy. Đẹp không ngôn từ nào tả được, chỉ có chứng kiến mới thấm được thôi. Nó không dung tục khi không cần sex mới diễn tả được tình yêu, nó rất nhẹ nhàng đằm thắm như chính người phụ nữ Nhật Bản vậy. 


 Và cuối cùng Katsumoto, cũng như Saigo đã phải thất bại dưới sự "tiến bộ" của triều đình, và hình ảnh Algren giúp Katsumoto thực hiện seppuku cũng đã được sử dụng dựa theo những tài liệu do thuộc hạ Saigo kể lại, và kết thúc phim dành cho Algren thú thực là cũng từ những huyền thoại người dân truyền tai nhau rằng vị samurai cuối cùng không bao giờ chết mà đã cáo ẩn hoàn toàn để vui thú điền viên, cũng có người nói ông đã ra đi đến Anh, Ấn Độ, Nga hay Trung Quốc sẽ trở lại để lật đổ sự bất công với truyền thống ở công cuộc hiện đại hóa. 

Nhưng dù thế nào đi nữa, chính cái chết của Saigo, như trong phim, đã khiến Thiên Hoàng Minh Trị nhận ra được các giá trị của truyền thống và áp dụng nó song song với sự đổi mới, và chính những sự kiện như thế đã thật sự tạo nên 1 nước Nhật hiện đại nhưng vô cùng kỷ luật và quy củ- một sự kết hợp hoàn mỹ sau bao nhiêu máu và nước mắt đã phải đổ. The Last Samurai tuy không chính xác nhưng nó đã thể hiện được hết những gì nước Nhật đã phải trải qua trong vòng 20 năm đầy sóng gió để vươn lên hàng cường quốc của cả Châu Á và thế giới.

They say Japan was made by a sword. They say the old gods dipped a coral blade into the ocean, and when they pulled it out four perfect drops fell back into the sea, and those drops became the islands of Japan. I say, Japan was made by a handful of brave men. Warriors, willing to give their lives for what seems to have become a forgotten word: honor- Nathan Algren


 Xin kết thúc bài với đoạn thơ của chính Saigo:

大聲呼酒上高樓
雄気欲吞五大州
一片丹心三尺剣
揮拳先斬佞臣頭
Đại thanh hô tửu thưởng cao lâu,
Hùng khí giục thôn ngũ đại châu,
Nhứt phiến đơn tâm, tam xích kiếm.
Huy quyền tiên trảm nịnh thần đầu.