Chào mừng các bạn đã đến với phần tiếp theo của loạt bài phân tích về vương triều Targaryen. Trong phần trước, chúng ta đã đi sâu vào phân tích về vị vua khai sáng vương triều - vua Aegon Đệ Nhất và những gì ông đã làm để củng cố nền cai trị của mình. Thành tựu của ông là vô cùng to lớn, nhưng dĩ nhiên chỉ với nỗ lực của một người thì không thể thành công, dù cho người đó có là Aegon Chúa Rồng đi chăng nữa. Cuộc chinh phạt của Aegon và sau đó là triều đại của ông đều in đậm dấu ấn của hai người phụ nữ, một người là chị của Aegon, một người là em Aegon, và cả hai đều là vợ ông. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về người em của Aegon, người bé nhất trong số ba thành viên sáng lập vương triều. Người đó là hoàng hậu Rhaenys Targaryen, vị hoàng hậu bạc mệnh.

Rhaenys Targaryen là người con út của Lãnh chúa Aerion Targaryen và là người con gái thứ hai của ông. Cô sinh năm 25 B.C tại Dragonstone, kém người anh Aegon 2 tuổi và kém người chị cả Visenya 3 tuổi. Mẹ của ba người là Valaena Velaryon - tiểu thư đến từ gia tộc Velaryon, một đồng minh thân cận của nhà Targaryen và cũng là một gia tộc mang dòng máu Valyria, dù thấp kém hơn.
Tất cả chúng ta đều đã biết câu chuyện về sự suy tàn của Đế chế Valyria hùng mạnh và câu chuyện về gia tộc Targaryen may mắn trốn thoát khỏi thảm kịch. 12 năm trước ngày thảm họa diễn ra, tiểu thư Daenys Targaryen đã mơ thấy cái ngày Đế chế sụp đổ, cha của cô là lãnh chúa Aenar xem đây như một điềm báo. Ông vội vàng di cư tất cả thành viên của gia tộc cùng của cải, người hầu và những con rồng của họ ra đảo Dragonstone - tiền đồn của Đế chế. Nhờ việc này mà nhà Targaryen thoát khỏi thảm kịch, họ trở thành gia tộc Chúa Rồng cuối cùng và cũng là những người duy nhất còn lại sở hữu những con rồng.
Kể từ đó, Aenar Targaryen trở thành Lãnh chúa Dragonstone, chức vị này truyền được vài đời thì đến đời của Aerion, cha của ba chị em Visenya, Aegon và Rhaenys.
Như đã biết, truyền thống cổ xưa của các gia tộc Chúa Rồng Valyria là kết hôn cận huyết để duy trì dòng máu thuần chủng. Theo đó thì một cuộc hôn nhân lý tưởng là giữa các anh chị em ruột, nếu như không được thì có thể kết hôn với những người trong họ. Kết hôn với người ngoại tộc được xem là không lý tưởng, cho dù có là kết hôn với một gia tộc Valyria khác, mặc dù điều này không bị cấm, nhưng các gia tộc Chúa Rồng vẫn luôn ưu tiên một cuộc hôn nhân cận huyết. 
Vậy thì nếu theo truyền thống của Đế chế, cuộc hôn nhân giữa lãnh chúa Aerion và tiểu thư Valaena được xem là không thực sự môn đăng hộ đối, dù nhà Velaryon cũng mang trong mình dòng máu Valyria. Tuy vậy thì đây là trường hợp bất khả kháng khi Aerion là con độc nhất, trong số các thành viên ít ỏi còn lại của nhà Targaryen cũng không có ai là nữ, cho nên ông chẳng thể làm khác. Dù tiểu thư Valaena cũng có máu Valyria, nhưng nếu trường hợp như của lãnh chúa Aerion tiếp tục xuất hiện thì chẳng mấy chốc dòng máu Targaryen sẽ bị phai nhạt. Rất may cho ông là cuộc hôn nhân hóa ra lại có kết quả tuyệt vời khi họ có với nhau những ba người con, 1 trai và 2 gái. Vấn đề hôn nhân giữa những đứa trẻ coi như đã xong, theo truyền thống thì Aegon - người thừa kế của lãnh chúa Aerion - sẽ cưới chị gái Visenya của mình. Tuy nhiên, Aegon sau đó lại khiến tất cả ngỡ ngàng khi cưới thêm cả em gái của mình - tiểu thư Rhaenys làm vợ thứ.
Việc cưới nhiều hơn một vợ rất hiếm thấy ở Đế chế, dù đã từng có trường hợp rồi nhưng dù sao thì đây cũng là một bất ngờ với tất cả mọi người. Lý do gì khiến Aegon lấy cả hai chị em mình làm vợ? Câu trả lời thực ra khá đơn giản, Aegon cưới Visenya là vì nghĩa vụ, vì mong muốn của cha mình, nhưng người anh yêu lại là Rhaenys, thế nên anh phá lệ, cưới luôn cả em gái mình nữa. Và sự thực là sau khi cưới, số đêm mà Aegon dành cho Rhaenys nhiều gấp mười lần so với Visenya, nên có thể thấy rõ ràng rằng ai mới là người Aegon thực sự yêu.

Vậy thì Rhaenys có gì đặc biệt mà lại trở thành người mà Aegon yêu nhất? Theo những dòng mô tả về cô trong cuốn "The World of Ice and Fire", Rhaenys là người có tính cách trái ngược hoàn toàn so với cô chị cả Visenya. Rhaenys là mẫu người luôn vui vẻ, hay tò mò và thích tìm hiểu về nhiều thứ, thậm chí còn hơi bốc đồng và hay mộng mơ. Cô yêu âm nhạc, nhảy múa và thơ ca, thường hay ở cùng với các ca sĩ, diễn viên kịch và người múa rối để tìm hiểu thêm về những thú vui ấy. Nhưng điều mà Rhaenys yêu thích hơn cả, đó là bay. Cô dành thời gian trên lưng rồng nhiều hơn cả thời gian với anh chị mình. Đã từng có lần Rhaenys nói rằng trước khi chết, cô muốn cùng con rồng của mình là Meraxes bay đến Biển Hoàng Hôn, bay đến tận đường chân trời và sau đó nữa để xem có gì ở đó. 
Như vậy, ta có thể thấy là Rhaenys khác biệt rất nhiều so với Aegon và Visenya, nhất là Visenya. Visenya có những gì mà Rhaenys không có: sự tàn nhẫn, lạnh lùng và cứng rắn lạ thường của một chiến binh. Những điều đó khiến cho Aegon không thực sự gần gũi lắm với Visenya. Đó là điều hiển nhiên, Aegon dù có là một chiến binh, một kẻ chinh phạt, một lãnh chúa (và sau này là một vị vua) thì cũng chẳng thích thú gì khi thấy phiên bản nữ của mình tối ngày xung quanh, mà cái phiên bản nữ đó có khi còn... nam tính hơn cả Aegon nữa. Hơn thế, một hoàng hậu chiến binh sẽ khó có thể chiếm được cảm tình của nhân dân cũng như các lãnh chúa Westeros, nơi mà hình ảnh nữ giới với hình ảnh chiến binh chẳng ăn nhập gì với nhau. 
Nhưng rất may là bên cạnh Aegon còn có Rhaenys, một phụ nữ hoàn hảo với vẻ đẹp tuyệt vời. Không khó hiểu khi Aegon nhanh chóng dành hết tình cảm cho cô và cưới cô làm vợ chỉ vì tình yêu. Và mặc dù Rhaenys không phải một chiến binh như Visenya, điều đó cũng không ngăn cản cô tham gia vào cuộc chinh phạt vĩ đại của Aegon và thực tế là công lao của Rhaenys rất lớn và thậm chí có phần còn nhỉnh hơn Visenya nữa.
Rhaenys là kỵ sĩ của con rồng Meraxes, con rồng lớn thứ hai trong số ba con rồng cuối cùng của nhà Targaryen. Meraxes chỉ bé hơn con rồng khổng lồ Balerion, nhưng cũng dữ tợn không kém. Chúng ta đều đã biết về cuộc chinh phạt của Aegon và thừa hiểu cuộc chinh phạt đó sẽ thất bại ngay từ ban đầu nếu không có những con rồng rồi. Người Westeros chưa nhìn thấy rồng bao giờ, huống hồ là đối đầu với chúng, cho nên việc có tới ba con rồng trưởng thành là một lợi thế cực kỳ lớn. Khi mới đổ bộ lên Vịnh Xoáy Nước Đen, Aegon chỉ có vài ba ngàn quân trong tay, một con số nghèo nàn, nhưng nhà Targaryen nhanh chóng chiếm được vùng đất quanh sông Xoáy Nước Đen bằng những con rồng. Visenya cùng con rồng Vhagar thu phục được nhà Stokeworth trong khi Rhaenys cùng con rồng Meraxes thu phục nhà Rosby. Aegon cùng con rồng Balerion thì đánh bại đội quân của nhà Mooton và Darklyn trong một trận đánh chóng vánh. Rất nhanh chóng, toàn bộ khu vực quanh sông Xoáy Nước Đen đã thuộc về nhà Targaryen, phần lớn là nhờ những con rồng. 
Đây là một đòn chiến tranh tâm lý rất thông minh của Aegon. Bằng việc cử những chị em của mình cùng rồng của họ để thu phục các lãnh chúa xung quanh, Aegon đã ngầm gieo sự sợ hãi những con rồng vào đầu người dân Westeros. Để rồi một đồn mười, mười đồn trăm, những câu chuyện về một kẻ chinh phạt với những con quái vật khủng khiếp sẽ lan rộng khắp cả Westeros thông qua dân chúng và nó khiến các vị vua cũng như lãnh chúa của Westeros phải e dè, không còn xem thường đội quân ít ỏi của Aegon nữa. 
Sau khi có được sự quy phục của bốn gia tộc Stokeworth, Rosby, Mooton và Darklyn, Aegon tổ chức một buổi lễ lên ngôi tự phong của mình ở ngọn đồi cao nhất cạnh sông Xoáy Nước Đen. Trong buổi lễ, Visenya đặt vương miện lên đầu anh, nhưng chính Rhaenys mới là người tạo ra những danh hiệu quý tộc cho Aegon. Cô đã hô vang tên của Aegon như sau: "Aegon Đệ Nhất, Vua của toàn Westeros và Tấm khiên bảo vệ dân chúng". Sau đó, những con rồng gầm lên, hòa với tiếng hò reo của quân lính, dân chúng và các hiệp sĩ đồng minh của nhà Targaryen, báo hiệu sự ủng hộ của họ với Aegon.
Aegon không nghỉ ngơi lâu, vài ngày sau đó, anh chia toàn bộ đội quân của mình làm ba. Phần lớn đội quân sẽ do Orys Baratheon cùng Rhaenys chỉ huy, đạo quân này sẽ tiến đánh Vua Bão Argilac Durrandon - một vị vua dữ dội. Visenya cùng hạm đội hải quân của Daemon Velaryon sẽ tấn công Cảng Gulltown của nhà Arryn. Aegon cùng số quân còn lại tiến quân đến Harrenhal để đối mặt với Harren Hoare. 
Chúng ta sẽ tập trung nói về Rhaenys cùng cuộc tấn công Stormlands. Đội quân của Orys vừa chân ướt chân ráo đặt chân vào lãnh địa Stormlands đã lập tức bị phục kích bởi quân của những gia tộc chư hầu ở đó - các lãnh chúa Errol, Fell và Buckler đã tập hợp quân đội trước cả khi Vua Bão hiệu triệu và tấn công những kẻ xâm lược. Một nghìn quân Targaryen bị giết và ngay sau đó quân Stormlands rút vào rừng và yên tâm là những kẻ xâm lược sẽ không dám truy đuổi. Nhưng họ đâu biết thế là họ tự đưa đầu vào chỗ chết. Họ quên không tính đến Rhaenys và con rồng Meraxes. Vị hoàng hậu trẻ tuổi ngay lập tức cho rồng phun lửa vào rừng và thiêu chết phần lớn người Stormlands. Nhưng đó chưa phải toàn bộ sức mạnh của Stormlands. Nghe tin về thất bại của các gia tộc chư hầu, Vua Bão Argilac lập tức tập hợp toàn bộ lực lượng và tiến quân về phía quân Targaryen. Nhưng với tầm nhìn từ trên trời, Rhaenys thấy hết, cô thấy số lượng quân, cách bài binh bố trận của người Stormlands và không cách nào ngăn được cô làm điều này, vì đơn giản là đâu có thể ngăn được một con rồng? Và như vậy, nhờ có Rhaenys, Orys đã nắm rõ hành tung của quân đội Stormlands trong lòng bàn tay.
Kết quả hình ảnh cho Storm's End

Orys quyết định chọn vị trí trên những ngọn đồi phía nam của Bronzegate, rồi cho quân lính đào bới khắp nơi trên vùng đất cao để đợi cuộc tấn công của vị Vua Bão. 
Trận chiến giữa quân Targaryen và quân Stormlands được gọi là Last Storm, và đó là một trận chiến ác liệt, đẫm máu và kéo dài cả ngày trời dưới cơn mưa như trút nước. Bản thân Argilac dẫn đầu các hiệp sỹ của mình tấn công vào các cứ điểm của quân Targaryen. Ba lần lao lên, ba lần ông  lui xuống vì các sườn dốc đã biến thành bùn đất do cơn mưa, nền đất nhão nhoẹt làm ngựa chiến ngã xuống hàng loạt. Kỵ binh thất bại, Argilac tung đội quân cầm giáo vào trận và leo lên các ngọn đồi. Bị che khuất bởi cơn mưa, quân của Orys không thấy đội quân của Argilac đang đi lên và cho đến khi họ phát hiện thì mọi chuyện đã quá trễ, những dây cung đều đã bị ướt làm cho các cung thủ trở nên vô dụng. Lần lượt từng cứ điểm thất thủ và binh lính Targaryen bị tàn sát, cho đến ngọn đồi thứ ba và cuộc tấn công cuối cùng của Vua Bão và toàn bộ quân lực của mình vào thẳng trung quân của Orys. Nhưng quân đội Targaryen còn có Rhaenys và Meraxes, với lửa và móng vuốt, con rồng đã đảo ngược thế trận trong chớp mắt. Đội quân tiên phong của Argilac bị nhấn chìm trong biển lửa, ngựa chiến hoảng loạn và bỏ chạy về phía sau, va vào các kỵ binh, hàng loạt người ngã ngựa, kể cả Argilac. 
Nhưng vị Vua Bão vẫn tiếp tục chiến đấu dù bị bao vây, khi Orys cùng quân của mình đến nơi, anh thấy Argilac bị bao vây và quanh ông là hàng loạt xác chết. Anh rút kiếm và xông tới đấu với Argilac, trận đấu kéo dài, cả hai đều bị thương nặng, và đến cuối cùng, vị Vua Bão ngã xuống và được thực hiện đúng mong ước là chết với kiếm trong tay. Argilac bị giết, đội quân của ông hỗn loạn và tháo chạy, kéo theo cả các lãnh chúa Stormlands. Chiến thắng cuối cùng thuộc về nhà Targaryen.
Ở phía bắc, hai đạo quân còn lại của nhà Targaryen cũng thắng lợi dù cái giá phải trả khá đắt. Hạm đội hải quân của họ bị nhà Arryn hủy diệt và chỉ nhờ Visenya cùng con rồng Vhagar mà Arryn mới rút lui. Aegon cũng bị quân của Harren đột kích và chịu nhiều thiệt hại, nhưng cuối cùng thì anh lại có được sự ủng hộ của các gia tộc Riverlands và sau đó giành được nơi này khi thiêu cháy toàn bộ nhà Hoare cùng lâu đài Harrenhal.
Tuy vậy, thử thách thực sự của cuộc chinh phạt lại là liên quân Lannister - Gardener với 55000 quân đang ầm ầm tiến về phía họ. Aegon chỉ có một vạn quân, quân số thua năm lần, nhưng cuối cùng lại thắng lợi khi tung cả ba con rồng vào trận chiến - trận Cánh Đồng Cháy lừng danh. Rồi thì ngay sau đó, Vua Phương Bắc Torrhen Stark cũng tiến quân tới Neck với ba vạn quân, nhưng cuối cùng chẳng có trận đánh nào vì Torrhen chấp nhận đầu hàng.
Cuộc chinh phạt đã gần thành công, chỉ còn một vài vùng đất như Oldtown, xứ Vale và Dorne. Oldtown và xứ Vale quy phục nhà Targaryen gần như ngay lập tức, nhưng Dorne thì không.
Dorne và Targaryen có tử thù, có thể nói như vậy. Một bộ phận người Dorne bây giờ là dân tộc Rhoynar, những người thuộc Đế chế Rhoyne cổ xưa đã bị Đế chế Valyria hủy diệt. Họ phải tha hương đến Dorne cũng là vì người Valyria, cho nên họ mang mối hận không thể nguôi đối với người Valyria nói chung và nhà Targaryen nói riêng. 
Rhaenys là người nhận trọng trách thu phục Dorne. Với Dorne, mọi thứ chắc chắn rất khó khăn, Aegon đã tin tưởng Rhaenys vì anh biết cô là người phù hợp hơn Visenya. Rhaenys không hiếu chiến, uyển chuyển trong lời nói và sẽ tốt hơn là một Visenya chỉ chăm chăm đòi đánh. Tuy vậy, Rhaenys cũng gặp vô vàn khó khăn với Dorne. Các lãnh chúa người Dorne đã cho quân canh giữ Đèo Hoàng Tử cùng các cửa núi của Núi Đỏ, và đội quân của cô bị chặn lại ở đây. Rhaenys không chạm trán họ mà cô bay vượt qua các sa mạc, và đáp xuống Vaith bắt những người dân ở đây đầu hàng, nhưng lâu đài đã bị bỏ hoang. Ở thị trấn thì chỉ có phụ nữ, trẻ em và người già. Khi được hỏi các lãnh chúa của họ ở đâu, tất cả chỉ trả lời: “Đi xa rồi.” Rheanys theo dòng sông đến Godsgrace, lâu đài của nhà Allyrion, nhưng nó cũng trống không. Cô lại bay theo sông Greenblood tới biển, đáp xuống Planky Town, nơi hàng trăm tàu đánh cá bị bỏ lại, chỉ còn người già và trẻ con ở đó để nhìn Meraxes bay.
Mất kiên nhẫn, Rhaenys bay thẳng tới Sunspear, thành trì của nhà Martell. Cô tìm thấy Công Chúa Xứ Dorne đang ngồi chờ mình - Meria Martell, một bà lão già 80 tuổi. Nhưng tuổi tác không ảnh hưởng gì đến sự kiêu hãnh của bà và cuộc đối đáp giữa hai người đã trở thành huyền thoại
"Tôi sẽ không chiến đấu với cô", Công Chúa Xứ Dorne nói, "cũng như tôi sẽ không đầu hàng trước cô vậy. Dorne không có vua. Hãy về mà nói lại với anh trai cô như thế."
"Ta sẽ nói", Rhaenys đáp, "nhưng bọn ta sẽ quay trở lại, Công Chúa, và lần đó chúng ta sẽ đến với Lửa và Máu"
"Đó là gia ngôn của cô", Công Chúa Meria nói, "còn của chúng tôi là Không cúi đầu, không khuất phục, không quỳ gối. Cô có thể thiêu cháy chúng tôi, nhưng cô không thể bắt chúng tôi quỳ, hay cúi đầu, hay bắt chúng tôi khuất phục. Đây là DORNE. Cô không được phép ở đây, hãy về đi."
Kết quả hình ảnh cho rhaenys targaryen and meria martell

Nhận ra nấn ná ở lại Dorne lâu hơn nữa cũng chẳng để làm gì, Rhaenys quyết định rút quân. Có thể cô muốn tái xâm lược Dorne khi đã tập hợp đủ binh lực của toàn vương quốc chứ một đạo quân nhỏ của cô chẳng thể nào tấn công được Dorne. Cô có rồng, nhưng vấn đề là quân đội xứ Dorne ẩn náu kỹ quá, thiêu ai bây giờ, chả lẽ thiêu dân thường? Mà thiêu dân thường thì chỉ khiến cuộc chinh phạt thêm khó khăn và là một hành động tàn bạo không cần thiết.
Vậy là Rhaenys quay về, dù sao thì các vùng đất còn lại đã đều quy phục, việc cần thiết bây giờ là cùng Aegon xây dựng một vương quốc thống nhất. Còn việc bắt Dorne quy phục có thể đợi đến khi Aegon tập hợp được tổng lực của vương quốc.
Aegon hiện đã trở thành Vua của Westeros, và như vậy, cả Rhaenys lẫn Visenya đều trở thành Hoàng hậu của Westeros và cùng nhau giúp đỡ Aegon xây dựng vương triều. Vương triều Targaryen thuở ban đầu như thế nào, chính sách cai trị của Aegon ra sao thì tôi đã nói trong bài viết trước rồi nên không nhắc lại làm gì nữa. Chúng ta sẽ tập trung vào Rhaenys và những gì cô đã làm với cương vị Hoàng hậu của Westeros. Theo những gì được ghi chép lại thì Rhaenys không thay đổi quá nhiều kể cả khi đã thành Hoàng hậu. Cô vẫn là một con người rộng rãi, khoáng đạt và luôn vui vẻ. Điều này đã giúp cô chiếm được cảm tình rất lớn của cả tầng lớp quý tộc lẫn thường dân. Rhaenys nhanh chóng trở thành một vị Hoàng hậu được cả vương quốc yêu mến. Việc này nhìn thì tưởng không có gì to tát, nhưng thực chất nó giúp ích rất nhiều trong công cuộc củng cố nền móng của vương triều Targaryen.
Một vương triều mới thành lập thì cần có cái gì? Vương đạo ư? Chưa đủ đâu, chỉ có vương đạo thì không thể khiến kẻ dưới kính sợ, huống hồ Westeros vốn đã bị chia cắt quá lâu và các vùng lãnh thổ chiến tranh với nhau liên miên. Chỉ dùng vương đạo thì không bao giờ có thể thực hiện được tham vọng của Aegon. Vậy thì bá đạo chăng? Aegon đã đem lửa, máu, chết chóc và chiến tranh đến Westeros, ngọn lửa của rồng đã thiêu rụi Harrenhal, thiêu cháy Lannister, Gardener và bẻ gãy ý chí của người phương Bắc. Đó là bá đạo, nhưng một vương triều chỉ dựa vào sức mạnh để đàn áp dân chúng thì vương triều đó sẽ không thể tồn tại dài lâu.
Quá thiên về vương đạo hay bá đạo đều không được, vậy cho nên cái mà Aegon cần là một sự hòa hợp giữa nỗi sợ sức mạnh của nhà Targaryen, nhưng cũng không hoàn toàn mất đi sự yêu mến. Visenya tượng trưng cho một sức mạnh đơn thuần, đáng sợ, đáng kính nhưng khó có thể yêu quý, còn Rhaenys thì tượng trưng cho điều ngược lại - tình yêu của dân chúng dành cho nhà Targaryen. Tổng hòa cả hai, chúng ta có một vương triều Targaryen vừa có uy mà cũng vừa có sự mềm mỏng. 
Rhaenys không chỉ khiến cho dân chúng yêu quý và giới quý tộc mến mộ mà cô còn tỏ ra rất sủng ái các nhạc sĩ và ca sĩ. Nó vừa là niềm yêu thích của cô, vừa là một nước cờ cao tay để hình ảnh của cô đẹp hơn nữa trong mắt dân chúng. Chúng ta hẳn cũng biết ở Westeros thì những phương tiện lan truyền thông tin nhanh nhất là qua miệng, và còn ai có thể khiến vô khối người lắng nghe mình ở bất kỳ nơi đâu? Một ca sĩ với giọng ca tuyệt vời và một câu chuyện hay ho. Chúng ta gọi đó là văn học dân gian, lan truyền từ người sang người thông qua truyền miệng. Dĩ nhiên là Westeros có chữ viết, có cả một hội các vị Học sĩ, nhưng mà đâu phải người dân nào cũng biết chữ để đọc sách đâu, họ thích nghe kể chuyện, nghe hát. Rhaenys hiểu rõ điều đó, cho nên cô khiến các ca sĩ hay những người kể truyện yêu quý mình, cho họ ăn uống, thưởng vàng bạc cho họ, những người đó sẽ cảm kích vô cùng và còn món quà đáp lễ nào hay hơn là một bài hát ngọt ngào ca ngợi sự tốt bụng và đáng mến của Hoàng hậu Rhaenys? Thế là dần dần, hình ảnh của vị hoàng hậu này trong trí óc người dân ngày càng tuyệt vời hơn và điều này đã làm dịu đi những sự nghiêm khắc của vương triều.

Nhưng Rhaenys không chỉ làm có như vậy. Cô cũng góp phần củng cố sự gắn kết giữa các vùng lãnh thổ với nhau và với triều đình. Cô là người đứng ra mai mối cho cuộc hôn nhân giữa lãnh chúa trẻ Ronnel Arryn với con gái của lãnh chúa Torrhen Stark. 
Những cuộc hôn nhân kiểu như thế này thực ra không phải chuyện lạ lẫm gì ở Westeros, nhưng trong trường hợp này nó mang một ý nghĩa khá đặc biệt.
Có điểm chung gì giữa Stark và Arryn không nhỉ? À ha, đúng rồi, Stark và Arryn là hai đại gia tộc đã quỳ gối thề trung thành với tân vương Aegon trong hòa bình. Nhà Arryn tuy có đánh một trận long trời lở đất với nhà Targaryen ở Vịnh Gullet, nhưng sau đó cũng không có động thái nào tỏ vẻ muốn chiến đấu nữa và nhanh chóng đầu hàng khi cuộc chiến sắp kết thúc. Nhà Stark đầu hàng thế nào thì đã rõ quá rồi. 
Thông điệp mà Rhaenys cũng như triều đình muốn gửi đi qua cuộc hôn nhân này là: những ai trung thành với nhà Targaryen sẽ được hưởng lợi và được triều đình quan tâm nhiều hơn các gia tộc khác. Những gia tộc được lợi sẽ biết ơn triều đình và tăng sự gắn bó giữa triều đính với các đại gia tộc. 
Như vậy là chúng ta có thể thấy rõ ràng Rhaenys có đầy đủ sự khôn ngoan, mềm mỏng và đủ cứng rắn để trở thành một Hoàng hậu đáng kính. Cô cũng được Aegon tin tưởng để quyết định một số vấn đề khi anh đi thăm thú các lãnh chúa chư hầu dưới quyền. Ta có thể coi Rhaenys là Hoàng hậu nhiếp chính cũng được vì quả thực là khi Aegon không có ở kinh thành thì Rhaenys là người ngồi lên Ngai Sắt và cai trị thay cho Aegon. 
Nhưng dù sao thì cô cũng là một Hoàng hậu, và dù cô rất khôn ngoan và có tài trong việc cai trị thì đó cũng không phải việc chính của cô. Nghĩa vụ của Hoàng hậu là sinh con cho nhà vua, cho ngài những người kế vị. Rhaenys không thực sự chịu nhiều áp lực về việc phải có con vì Aegon vẫn còn một Hoàng hậu khác là Visenya. Dẫu vậy thì có vẻ Aegon lại muốn người kế vị mình là con của Rhaenys, phần lớn là vì tình yêu anh dành cho cô, và cũng vì một lý do khác là nếu người kế vị là con của một hoàng hậu được yêu mến như Rhaenys thì sẽ càng khiến người dân trong vương quốc quý mến triều đình hơn.
Rốt cuộc thì Aegon cũng được toại nguyện khi người con cả của anh - hoàng tử Aenys được sinh ra năm 7 A.C, mẹ là hoàng hậu Rhaenys. Không gì có thể ngăn cản Aenys trở thành người kế vị Aegon, duy chỉ có một vấn đề - những lời đồn thổi xung quanh vị hoàng tử này. Aenys sinh ra đã khá ốm yếu và nhỏ bé và tình hình sức khỏe của cậu không thực sự khá khẩm hơn là bao. Aenys không chết, nhưng lớn lên với đủ loại bệnh tật và vẻ ngoài ốm yếu. Nhiều người đã nghi ngờ việc Aenys không phải con của một chiến binh mạnh mẽ như Aegon. Những lời đồn thổi cứ thế lan dần và rất nhiều người tin rằng Aenys là con của hoàng hậu Rhaenys với một trong số những ca sĩ thân thiết với cô. Dĩ nhiên là họ chẳng có tí bằng chứng nào, nhưng có ai cấm được những lời đồn, chúng cứ to dần lên và lan rộng, đặt Rhaenys cùng cậu con trai Aenys vào thế khó. Mọi lời đồn chỉ thực sự chấm dứt khi vị hoàng tử ốm yếu đó ấp nở thành công một con rồng, và cùng với chủ nhân của mình, cả con rồng lẫn hoàng tử Aenys lớn lên và khỏe mạnh hơn. Mọi lời đồn về thân phận vị hoàng tử chìm dần, tuy thi thoảng vẫn có những tiếng xì xào, nhưng dù sao thì Aegon cũng không quan tâm về những lời đồn đó. 
Thực ra thì việc Aenys ấp nở được rồng... chẳng chứng minh được gì về việc cậu có phải con của Aegon hay không vì dù sao thì cậu vẫn có mẹ là một người Targaryen, và chuyện rồng có nở hay không nó thuộc về chiều hướng hên xui nhiều hơn. Sự thực về thân phận của Aenys mãi mãi không bao giờ được hé lộ, người duy nhất biết sự thực chỉ có hoàng hậu Rhaenys, nhưng rồi thì bí mật đó cũng theo cô sang thế giới bên kia khi hoàng hậu Rhaenys tử trận trong Cuộc Chinh phạt Dorne lần thứ nhất vào năm 10 A.C, khi hoàng tử Aenys mới 3 tuổi. Có một chi tiết khá thú vị là nếu như Aenys thật sự không phải con của Aegon thì... gần như tất cả các vua Targaryen sau này đều là con hoang hết vì trừ vua Maegor là em vua Aenys ra thì mọi vua Targaryen còn lại đều thuộc dòng dõi của Aenys. Nếu quả thế thực thì đúng là bi kịch cho Aegon Đệ Nhất.
Và chúng ta quay lại với chương cuối cùng của cuộc đời vị hoàng hậu xinh đẹp, đáng mến nhưng bạc mệnh Rhaenys. Chinh phạt nốt Dorne luôn là khao khát của Aegon, và chỉ 4 năm sau khi lên ngôi, vua Aegon nhanh chóng xúc tiến cuộc chinh phạt Dorne của mình. Cuộc chiến kéo dài tới tận 9 năm, người Dorne rất tích cực trong việc tránh phải đối đầu với đại quân Targaryen cũng như lửa rồng, họ thậm chí còn đánh bại và bắt sống được Orys Baratheon. Cho dù có chiếm được thành trì các gia tộc xứ Dorne và thậm chí chiếm được cả Sunspear nhưng quân đội Targaryen chẳng giữ được Dorne lâu mà nhanh chóng bị lực lượng du kích của Dorne quấy phá và bị thiệt hại nghiêm trọng. Rhaenys, cũng như trong cuộc chinh phạt, tiếp tục cùng con rồng Meraxes thiêu cháy nhiều tòa lâu đài: Skyreach, Starfall và Hellholt, nhưng tại Hellholt, bi kịch đã xảy ra khi Rhaenys bất cẩn cho Meraxes bay quá gần mặt đất và bị người Dorne dùng máy bắn tên bắn trúng. Mũi tên bắn xuyên qua mắt con rồng và giết chết nó ngay lập tức, con rồng rơi thẳng xuống đất, và từ đó không ai còn nhìn thấy hoàng hậu Rhaenys cười một lần nào nữa, cũng chẳng ai nhìn thấy được xác của cô, ngoại trừ những người bắn hạ Meraxes.

Cái chết của Rhaenys khiến Aegon giận dữ đến cực điểm. Vị vua cùng với hoàng hậu còn lại của mình liên tục dùng rồng tàn phá Dorne bằng những ngọn lửa chất chứa đầy sự tức giận. Căng thẳng ngày càng leo thang, đến tận năm 13 A.C, Aegon dù đã tàn phá Dorne, đã dùng mọi cách nhưng vẫn không thể khiến Dorne quy phục và dường như sẽ chẳng gì có thể chấm dứt cuộc chiến thì Công Chúa Xứ Dorne Meria Martell qua đời. Người kế vị bà là Hoàng Tử Nymor Martell - người cũng đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến. Ông cử con gái mình là Deria Martell dẫn đầu đoàn sứ giả hòa bình đến Vương Đô, họ mang theo cả xương sọ của Meraxes và một lá thư gửi cho Aegon. Deria nói với Aegon rằng Dorne chấp nhận hòa bình với Ngai Sắt, nhưng với danh nghĩa hai vương quốc độc lập. Aegon định từ chối, nhưng rồi sau khi đọc lá thư của Hoàng Tử Nymor, Aegon chấp nhận và rút quân khỏi Dorne. Không ai biết nội dung lá thư là gì, và Aegon cũng chẳng hề nhắc một lời nào tới nó, có người đoán rằng Rhaenys chưa chết và đang bị Dorne giữ làm con tin, nếu Aegon muốn cô ấy sống thì phải rút quân khỏi Dorne. Chỉ một mình Aegon biết nội dung lá thư, và dù sự thực là gì thì Aegon cũng đã rút quân.
Còn hoàng hậu Rhaenys, cô có còn sống sót sau khi Meraxes bị bắn hạ và bị người Dorne bắt làm con tin, hay thực sự là cô đã chết cùng con rồng của mình rồi thì chúng ta mãi mãi chẳng bao giờ biết cái nào mới là sự thực. Nhưng dù thế nào thì Aegon mãi mãi chẳng thể nào nhìn thấy người con gái mình yêu lần nữa, hoàng tử Aenys mãi mãi chẳng thấy lại được mẹ mình, và dân chúng mãi mãi chẳng bao giờ còn được gặp lại vị hoàng hậu mà họ yêu mến.
Còn Rhaenys, cô mãi mãi không thể thực hiện được ước mơ của mình là cùng Meraxes bay đến nơi tận cùng của Biển Hoàng Hôn được nữa.
Đến đây, bài viết về hoàng hậu Rhaenys xin phép được khép lại. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về vị hoàng hậu còn lại của vua Aegon Đệ Nhất - hoàng hậu Visenya Targaryen, phiên bản trái ngược của hoàng hậu Rhaenys Targaryen.
Hoàng hậu Rhaenys cùng con rồng Meraxes của mình