Những niềm đau rất nhẹ
Có hồi hai vợ chồng tôi gặp chuyện buồn, buồn lắm. Trong cả cuộc đời vốn dĩ nhiều may mắn, chúng tôi lại vấp phải một trong những mất...
Có hồi hai vợ chồng tôi gặp chuyện buồn, buồn lắm. Trong cả cuộc đời vốn dĩ nhiều may mắn, chúng tôi lại vấp phải một trong những mất mát lớn nhất mà người ta có thể phải trải qua. Dù không phải là cậu ấm cô chiêu, nhưng chúng tôi đều là những người trẻ lớn lên trong sự đủ đầy của gia đình, nhiều khi tôi cứ hay trêu vợ - may mà có bản lĩnh mới không hư. Vậy nên khi sự cố ấy ập xuống, chúng tôi bàng hoàng và mất phương hướng. Hồi đó, thật may mắn cả hai đều nhận được rất nhiều sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, phải thật lòng, không phải ai tôi cũng hết mực biết ơn vì đã động viên gia đình mình vào thời gian đó.
Dù rất trân trọng, nhưng đôi khi tôi vẫn tỏ thái độ khá rõ ràng rằng mình không hài lòng khi có nhiều người tới và cảm thông bằng cách chia sẻ những nỗi đau tương tự hoặc hơn của người khác và cho rằng chuyện như của chúng tôi cũng chưa có gì là tai họa lắm và cũng không cần phải quá đau khổ.
Tôi thấy hơi lạ vì suy nghĩ này.
Chẳng phải chúng ta được sinh ra và lớn lên, để sống một cuộc đời tốt đẹp, để hướng tới những điều tươi sáng, tại sao phải lấy một nỗi đau ra để so sánh và cho rằng nó có thể khỏa lấp cho một niềm đau khác. Chúng ta mỗi người sinh ra ở những hoàn cảnh khác nhau, được giáo dục trong những môi trường khác nhau, trải nghiệm khác nhau, vậy nên, khả năng chịu tổn thương cũng khác nhau. Một sự cố với người này có thể là cả một thảm họa với người khác. Và sẽ thật kỳ lạ khi chúng ta phán xét mức độ đau thương của mỗi người trước những mất mát của họ, chưa kể, mỗi người đều có cho mình một cách riêng để thể hiện những xúc cảm đó.
Cuộc ganh đua về khổ đau phải chịu là một cuộc đua không có người chiến thắng. Chúng ta nào có thể cảm thấy hạnh phúc hơn bằng việc ít khổ đau hơn người khác.
Suy cho cùng, có nhiều phương thức để chúng ta có thể vượt qua nỗi đau, và chỉ chính chúng ta mới biết được, đâu là cách hữu hiệu nhất.
Với tôi, khi đó, tôi chọn thả một bông hoa đăng và ... chạy bộ.
Tôi có một cô bạn thân, mà tôi vẫn hay mô tả bằng câu: "Hồng nhan bạc mệnh" - gần 30 tuổi, mối tình kéo dài gần 10 năm chấm dứt, anh người yêu cô bỗng trở nên bất thường theo hướng bệnh lý, cùng lúc đó mẹ cô mang về nhà món nợ tiền tỷ vì lô đề cờ bạc và phải bỏ trốn. Phải làm sao đây để vượt qua đây những khó khăn ấy mà không mất đi sự háo hức với cuộc đời.
Nhưng cuộc đời, có thể nhấn người ta xuống, ta lại cần cho mình làm chiếc lò xo để bật lên cao hơn trước.
3 năm sau, cô bạn tôi ổn định cuộc sống với một người chồng không phải anh người yêu cũ, các món nợ đã gần trả hết. Mẹ cô trở về và giữ cho gia đình có đủ thành viên. Năm sau đó, cô sinh một bé trai kháu khỉnh, bố mẹ cô có thêm chút việc ở nhà để có đồng ra đồng vào.
Cuộc sống những tưởng đã bắt đầu tốt lên.
Thế nhưng hoá ra cuộc sống thích đưa đẩy con người ta qua những thái cực hơn là giữ ta ở trạng thái ổn định.
Cô phát hiện con mình bị bệnh, có gì đó không ổn trong não thằng bé, và cùng đó, mẹ cô lại bỏ trốn với món nợ vài trăm triệu thêm vào số nợ cũ còn chưa trả hết.
Có hôm ngồi nói chuyện tôi bảo: Này tao chưa nghĩ ra cuộc đời còn món gì để đè mày xuống nữa đâu. Dù vậy, khi gặp nhau tôi chưa bao h thấy cô không cười ít nhất vài lần trong mỗi buổi nói chuyện. Tôi trêu cô là con đỉa, suốt ngày bị cuộc đời dày xéo, những chỉ xéo thôi thì chả sao cả, đỉa sống dai lắm.
Và tôi thì chưa bao giờ dám đặt nỗi đau của mình, dù nó to lớn bao nhiêu bên cạnh cô cả. Chúng ta đều là những người phải chịu tổn thương vì những mất mát, thiếu sót và có những thương tổn sẽ không bao giờ lành cả. Chúng ta đến với mỗi kiếp đời này để học một cái gì đó, những vết sẹo ở lại có thể là chứng nhận cho việc hoàn thành một lớp học, và trưởng thành sau cơn đau là tấm bằng đỏ sau kỳ thi mà chúng ta đã phải trải qua. Dù cho không "một cách vật lý" tôi tin hai gia đình chúng tôi đã "nắm tay nhau" vượt qua những giai đoạn khó khăn ấy.
Và tôi thì chưa bao giờ dám đặt nỗi đau của mình, dù nó to lớn bao nhiêu bên cạnh cô cả. Chúng ta đều là những người phải chịu tổn thương vì những mất mát, thiếu sót và có những thương tổn sẽ không bao giờ lành cả. Chúng ta đến với mỗi kiếp đời này để học một cái gì đó, những vết sẹo ở lại có thể là chứng nhận cho việc hoàn thành một lớp học, và trưởng thành sau cơn đau là tấm bằng đỏ sau kỳ thi mà chúng ta đã phải trải qua. Dù cho không "một cách vật lý" tôi tin hai gia đình chúng tôi đã "nắm tay nhau" vượt qua những giai đoạn khó khăn ấy.
Khi ấy, tôi nhận ra rằng, nỗi đau chỉ có thể được xoa dịu, làm lành bằng thấu cảm và yêu thương, chứ không phải là so kè và ép buộc.
Xin trích lại lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương
Giờ ngồi lại với nhau, chúng tôi liên thiên về vài điều ngớ ngẩn trong cuộc sống, cô bế cậu trai mới sinh của vợ chồng tôi, vui vẻ kể về những tiến triển của thằng nhóc nhà đó, nếu ổn, chỉ 1 - 2 năm nữa thôi em bé sẽ lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác. Cuộc sống, qua những khúc quành, khấp khỉu cũng đã đi vào ổn định và bền vững hơn.
Cách đây mấy năm, tôi có đi học thiền. Dù không thường xuyên, tôi vẫn thiền ở nhà khi cảm thấy cuộc sống nhiều bí bách và cảm thấy cần neo mình lại vào một điểm an định. Từ ngày biết thiền, tôi ngộ ra rằng hạnh phúc và khổ đau hóa ra chỉ là những trạng thái của tâm trí, sự an yên có thể được thiết lập nội tại trong chính bản thân mình, chứ không cần phải "out-source" ra bên ngoài để rồi ta lại bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, sự kiện mà ta chẳng thế đoán định được.
Không để mình miên man quá, tôi xin kết thúc bài viết của mình bằng một câu hát mà mình rất tâm đắc của Đen.
Mày sẽ không biết mày đã từng may mắn tới cỡ nào
Cho tới khi mày hiểu được sự nhẹ nhõm của một cái thở phào
Một triệu like - Đen
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất