- "Hả! 30 tuổi chưa cưới thì là ế còn gì?"
- "Sao không lo làm ăn mà vẫn lông bông?"
- "Bây giờ lương vẫn bấy nhiêu à?"
- "Mặc như vậy không đẹp đâu!"
Chào mừng bạn đến với “áp lực xã hội"!
Áp lực xã hội, nói nôm na là bạn phải đi theo con đường, mục tiêu và xã hội hoạch định ra cho bạn như học hành đỗ đạt, an cư lạc nghiệp, thành lập gia thất. Nếu bạn không được như những gì xã hội kì vọng hay từ chối đi theo con đường này thì bạn là dị vật. 
Bạn muốn tham gia vào trò chơi cuộc đời không? Cái trò chơi là 18 tuổi vào một trường đại học ngon lành và 22 tuổi kiếm được một công việc trong mơ. Nghe hay và ngưỡng mộ đấy, tiếp nào, đây là “mục tiêu” mà áp lực xã hội đặt ra cho bạn: 24 tuổi lương bạn phải được ít nhất 8 chữ số, 25 tuổi phải mua xe, 27 tuổi đã đi du lịch ít nhất 3 nước chưa, 30 tuổi sửa nhà cho bố mẹ. Bên cạnh đó, mỗi năm đều phải đổi điện thoại cho kịp thời đại, mỗi mùa hè phải đi nghỉ dưỡng và không quên chụp trái dừa ở bờ biển để “chứng nhận” cho xã hội thấy. Chưa, áp lực xã hội còn phải ra luật cho phong cách sống của bạn: là con trai phải 6 múi, con gái da phải trắng dáng phải thon, nếu đẹp thì phải thi hoa hậu, xu hướng thời trang mới thì phải làm theo, phải cho mạng xã hội thấy mình có một gia đình hạnh phúc mỗi sáng chủ nhật , chồng/bạn trai phải tặng quà cho vợ/bạn gái 40 lần một năm thì mới là người đàn ông trong mơ, con của bạn có học ở trường quốc tế không, khi nào thì bạn mới mua chung cư cao cấp? 
Tôi sợ nhất là dù bạn có thật tốt và "đáp ứng" đủ tiêu chuẩn của xã hội rồi, thì bạn sẽ vẫn nghe những câu như:
- "Con gái giỏi quá thì khó lấy chồng."
- "Giàu như vậy mà vẫn khổ lắm!"
- "Đi học nước ngoài sao nói tiếng anh dở?"
Bạn thấy đó, dù bạn có giỏi, giàu, đẹp thì xã hội vẫn phải tìm ra một điều chưa tốt để lên án. Bạn sẽ luôn luôn quá cao, quá thấp, quá mập, quá gầy, quá xinh, quá xấu, quá này, quá kia...Bạn sẽ không bao giờ là vừa đủ! Chúng ta bị đè nặng bởi áp lực xã hội quá nhiều đến mức tự có thói quen áp đặt bản thân mình vào một lối sống nào đó, một tuýp người điển hình, rập khuôn nào đó. Bạn chỉ làm tất cả những điều mọi người cùng làm, vì những suy nghĩ và những thứ bạn thật sự muốn làm thì được sẽ hội gắn nhãn là "kì dị".
KPI mà áp lực xã hội đặt ra còn nhiều hơn là lão sếp khó tính của bạn nữa. Khi thế giới này cứ tiếp tục nói với bạn là con đường dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp là phải có nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa thì bạn có xu hướng bận tâm và so sánh. Vô hình trung, chúng ta xem cuộc đời như một trường đua, mỗi tội đua mãi cũng không ai thắng được, vì tiêu chuẩn xã hội mỗi ngày lại thêm các thử thách. Và chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thắng được con của nhà hàng xóm bạn. 
Bạn ơi, nhớ đứa cùng lớp lúc đại học năm 3 bỏ học tham gia ban nhạc không? Hay người đồng nghiệp sắp tăng lương lại đi bỏ việc để đi Châu Phi làm tình nguyện. Những người đó chắc chắn là kẻ thất bại nhỉ? Ai bảo đấy, xã hội bảo à? Vì họ đi ngược với những mong đợi của xã hội nên đáng bị lên án sao? Những người không theo cuộc đua mà thường bị gọi là “loser” ấy, họ đang tận hưởng đam mê của bản thân, không bị áp lực phải sống ở căn hộ tầng thượng, hay tìm được một nửa của mình mà không bị hội bạn bè chỉ trích anh ta có xe oto xịn không hay cô ta có đúng chuẩn xinh đẹp lại giỏi nội trợ như “vợ nhà người ta”. Tôi xin được nói thay những người đi ngược với những chuẩn mực xã hội mà mọi người hay dè bỉu đó: họ không quan tâm những gì người khác nghĩ! Họ sống với một lý tưởng khác xa những gì xã hội đặt ra, nhưng họ tìm một lý tưởng khác đó là lắng nghe những gì mình muốn, không phải là xã hội muốn. Và chỉ khi lắng nghe chính điều bản thân muốn thì ta mới tìm được hạnh phúc và cảm thấy mọi thứ có ý nghĩa hơn, và thú vị hơn. Vì đến cuối ngày trước khi chìm vào giấc ngủ, chúng ta hãy tự hỏi mình biết gì về chính mình ngoài những thứ mình trình bày cho xã hội. Bạn là gì cũng được, là ai cũng chẳng sao, miễn là hãy chắc rằng bạn đang sống là chính bản thân mình, đừng để xã hội nói với bạn rằng bạn không đủ tốt vì chính bạn mới là người biết rõ mình có đủ hay không.
Chung quy lại, tôi không nói phấn đấu để đạt được những mục tiêu là xấu, nhưng hãy làm vì mình muốn. Hãy kiếm tiền, hãy kết hôn, hãy mua sắm vì chính bạn muốn. Còn nếu bạn chưa muốn kết hôn, đừng cưới! Nếu bạn muốn bỏ việc, hãy làm! Muốn có một hình xăm đã mong muốn bấy lâu, đi xăm ngay! Muốn ăn thật ngon mà không nghĩ đến cân nặng, gọi đồ ăn đi! Hãy bận tâm đến những thứ bạn thật sự cần bận tâm, hãy dự trữ sự quan tâm cho những điều thật sự có ý nghĩa, bởi vì những điều đó mới là đúng đắn. Hãy sống vui và đừng để 5 10 năm nữa nhìn lại bạn vẫn đang ngồi đúng một chỗ miệt mài làm đúng một thứ mà xã hội vẫn đang đợi để phán xét bạn.