Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:




Tài chính là một khái niệm rất rộng. Theo định nghĩa ngắn gọn của Wikipedia thì
Finance is the study of money and how it is used.
Tài chính là nghiên cứu về tiền và cách tiền được sử dụng.
Tóm lại là những gì liên quan đến tiền gần như cũng có dính líu tới tài chính.
Tuy nhiên, dù không có tiền thì bạn vẫn có thể áp dụng những nguyên tắc nền tảng trong tài chính để khiến cho bản thân và cuộc sống tốt hơn. "Tiền" ở đây không nên chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là "tiền bạc", mà còn có thể là rất nhiều thứ tài sản khác như kiến thức, sức khỏe, mối quan hệ ...
Trong bài viết này mình sẽ nói về những khái niệm tài chính mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng được. Hiểu và áp dụng được nguyên tắc này có thể tạo cho bạn một lợi thế cạnh tranh cực lớn đấy.

1. Lãi kép (Compound Interest)


Để hiểu về sức mạnh của lãi kép, mình muốn kể cho bạn ví dụ sau.
Có hai người bạn A và B làm việc ở hai công ty khác nhau. B được gia đình lo liệu cho vào làm trong công ty nhà nước với mức lương cứng 100 triệu/tháng (tương đương 3.3 triệu/ngày). A lên thành phố lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Không người quen, không sự giúp đỡ, A chỉ xin được vào làm cho một công ty khởi nghiệp và được trợ cấp ăn uống 10.000 đồng/ngày.
Công việc của B vốn chỉ lặp đi lặp lại mỗi ngày, cơ hội thăng tiến cũng không có vì sếp trên vẫn còn ngồi đó thì không ai động được vào. B chỉ đến công ty và đếm hết giờ làm việc để về nhà đi nhậu cùng anh em. Ngược lại, môi trường công ty start up của A cực kỳ thử thách, mỗi ngày A phải giải quyết rất nhiều vấn đề mới, vốn để giúp công ty sống sót được ngày nào hay ngày đó và anh em không phải cùng nhau ra đê ở. Giả sử mức tăng thu nhập mỗi ngày của A là 0,5%/ngày. Sau ngày đầu tiên đi làm, lương của A được tăng thêm vỏn vẹn 50 đồng (0,5% x 10.000) để nâng lên mức lương mới là 10.050 đồng.
Sau 30 ngày làm việc, mức lương mới bây giờ của A là 11.614 đồng/ngày.
Sau 60 ngày làm việc, mức lương đã tăng lên 13.489 đồng/ngày. Và sau 1 năm thì A đã có mức lương xấp xỉ 62.000 đồng/ngày. Vẫn còn thua kém B rất xa.
Sau 18 tháng làm việc, A đã cán mốc xấp xỉ 147.800 đồng/ngày. Và sau 2 năm, mức lương mới là 381.263 đồng/ngày.
Đến năm thứ 3, lương của A đã là khoảng 2.350.000 đồng/ngày (~70 triệu/tháng). Và chỉ cần thêm 3 tháng ngắn ngủi, A đã vượt qua người bạn B của mình với mức lương 3.687.000 đồng/ngày (~ 110 triệu/tháng).
Chúng ta đều thấy rằng trong những ngày đầu tiên khi A đi làm thì mức lương của A tăng rất bèo bọt. Sau 1 năm đi làm thì lương của A mới có 62.000 đồng/ngày và trong khi đó lương của B thì gấp 54 lần lương của A (3.3 triệu/62.000). Nhưng chỉ trong khoảng hơn 2 năm sau A đã bắt kịp B, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng cuối cùng lương của A đã tăng ~ 40 triệu/tháng từ 70 triệu lên 110 triệu. Một con số kinh khủng cho người khởi điểm với mức lương 10k/ngày.
Mức lương của A phản ánh chính giá trị sức lao động của A. Chỉ cần mỗi ngày A học hỏi thêm một chút và làm tốt hơn chính mình 0.5% mỗi ngày. Chỉ sau 3 năm 3 tháng, A đã trưởng thành hơn gấp 368 lần chính mình ngày đầu tiên.
Hiểu được sức mạnh của lãi kép, Dave Brailsford đã từng áp dụng chiến thuật đó lên phương pháp huấn luyện đội đua xe đạp của mình và thành công rực rỡ. Năm 2003, đội đua xe đạp của nước Anh đã thuê Dave Brailsford để huấn luyện cho các vận động viên. Kể từ năm 1908, đội đua của Anh chỉ mới có duy nhất 1 huy chương vàng cho kỳ Olympic, còn với giải đấu Tour de France thì chưa một lần vô địch trong suốt 110 năm.
Dave Brailsford tuân thủ triệt để triết lý huấn luyện "tốt hơn 1% mỗi ngày" của mình bằng cách tìm ra những cải tiến nhỏ mà ông nghĩ có thể cải thiện kết quả tập luyện của các vận động viên. Ông thiết kế lại yên xe để vận động viên cảm thấy thoải mái hơn. Ông thử nghiệm các loại vải khác nhau để tìm ra loại vải nhẹ và ít cản gió nhất. Không dừng ở đó, ông còn thử nghiệm ở những hạng mục mà gần như chẳng ai để ý đến. Rất nhiều loại gel massage được thử nghiệm để tìm ra loại giúp cơ bắp hồi phục trong thời gian ngắn nhất. Gối và nệm cũng được thay đổi thành loại phù hợp nhất với các vận động viên để giúp họ có giấc ngủ tốt hơn.
Chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi Dave Brailsford lên nắm quyền, đội tuyển xe đạp Anh dẫn đầu kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 với 60% tổng số huy chương vàng. Nước Anh cũng có vận động viên đầu tiên vô địch Tour de France cùng năm. Những năm sau đó, hàng loạt vận động viên đội tuyển Anh phá đổ nhiều kỷ lục thế giới, mở ra một chương huy hoàng trong lịch sử của đội.
Là một người cực kỳ thành công trong lĩnh vực tài chính, Warren Buffet cũng là người hiểu rõ điều này hơn ai hết. Trong các bài phỏng vấn khi được hỏi về bí quyết thành công của ông, ông thường hay nói rằng

"Read 500 pages like this every day. That's how knowledge works. It builds up, like compound interest. All of you can do it, but I guarantee not many of you will do it."

"Đọc 500 trang như thế này mỗi ngày. Đó là cách kiến thức hoạt động. Nó cộng dồn lại, như lãi kép vậy. Tất cả các bạn đều có thể làm, nhưng tôi đảm bảo sẽ chẳng nhiều người trong số các bạn làm đâu."

Hiệu ứng lãi kép cũng có thể hủy hoại một người nếu như người đó ngừng cố gắng. Khác với tiền bạc vốn không thay đổi theo thời gian (nếu bỏ qua lạm phát), kiến thức thay đổi không ngừng. Trong một vài lĩnh vực, chẳng hạn như công nghệ, kiến thức học hôm nay có thể trở nên lạc hậu trong vài năm tới. Có hẳn một thuật ngữ đó là "Half-life of knowledge" dùng để xác định khoảng thời gian mà một nửa kiến thức của ngành học trở nên không đúng nữa. Ngoài ra, nếu kiến thức cũ không được ôn lại hoặc luyện tập thì cũng sẽ bị lãng quên. Điều này cũng áp dụng cho sức khỏe hay mối quan hệ, nếu nó không được trau dồi thêm, nó sẽ dần kém đi. Không có trạng thái đứng yên ở đây, một là bạn đang tiến lên, hai là bạn đang kém đi.
Ngoài ra những lựa chọn sai lầm nhỏ mỗi ngày cũng có thể góp phần làm cho tình hình tệ đi rất nhiều. Những thực phẩm không tốt được nạp vào cơ thể hàng ngày, những thông tin tiêu cực mà bạn đọc, tất cả đều có thể cộng dồn lại và hủy hoại tương lai của bạn rất nhanh. Đặc biệt là trong thời đại thông tin như ngày nay, khi báo mạng và mạng xã hội tồn tại dựa vào quảng cáo, bạn có thể hoàn toàn không ý thức được những thuật toán đang ưu tiên gợi ý cho bạn những thông tin rác và tiêu cực mà vô tư đọc chúng mỗi ngày.
Chắc hẳn ai cũng có một người bạn mà sau vài năm không gặp tự nhiên gặp lại bạn nhìn nó tàn hẳn đi, khác hẳn vẻ phong độ ngày trước. Và ngược lại cũng đúng. Bản thân của những người ấy nhiều khi cũng không cảm nhận được, vì sự thay đổi mỗi ngày là quá nhỏ để họ có thể tự nhìn thấy, chỉ có bạn là người lâu ngày gặp lại mới bất ngờ với những thay đổi lớn như vậy.
Đọc thêm:

Vậy tôi có thể làm gì?

Bạn có biết 1 ly trà sữa 50k bạn uống hôm nay đồng nghĩa với bạn vừa lấy đi 750.000 đồng tiền nghỉ hưu của bạn 40 năm sau không. Giả sử bạn gửi NH số tiền ấy với lãi suất 7%/năm. Nếu bạn mua 1 cổ phiếu giá 50k của một công ty tăng trưởng 12%/năm, con số đó là 4.652.000 đồng đấy. Mình có người bạn nghiện trà sữa, hồi xưa mình ngồi tính bài toán tài chính cho bạn ấy thấy bạn ấy đã vứt đi mấy tỷ tiền nghỉ hưu, xong tự nhiên thấy giảm bớt hẳn đi. Dĩ nhiên là đó là một phương pháp tâm lý để bạn bớt tiêu tiền vào những thứ không cần thiết thôi, chứ không nhất thiết phải cực đoan quá. Lâu lâu vẫn phải cho phép bản thân tiêu xài một chút.
Tự hỏi bản thân bạn rằng có hoạt động nào hàng ngày mà bạn có thể làm tốt hơn 1% hay không. Hãy thử cải thiện lại chế độ ăn uống, bắt đầu tập thể dục, ngủ đủ giấc, đọc sách mỗi ngày. Bạn có thể không nhìn thấy sự cải thiện nhanh chóng, nhưng sau 1 năm, 2 năm bạn sẽ là một con người hoàn toàn khác đấy.

2. Giá trị nội tại (Intrinsic value)


Có rất nhiều định nghĩa cho thuật ngữ này tùy thuộc vào bối cảnh. Một số định nghĩa mang tính kỹ thuật mà có lẽ nhiều bạn sẽ không hiểu nên mình sẽ viết theo cách dễ hiểu nhất. Bạn nào hiểu rõ khái niệm rồi có thể bỏ qua phần này.
Giá trị nội tại là giá trị thật đến từ bên trong và không chịu ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Giá trị nội tại (intrinsic value) có thể khác với giá cả trên thị trường (price). Nếu giá cả > giá trị nội tại, sản phẩm bị định giá cao (overpriced). Nếu giá cả < giá trị nội tại, sản phẩm bị định giá thấp (underpriced).
Lưu ý: Giá trị nội tại có thể khác nhau tùy theo phương pháp và cách một người định giá.
Ví dụ: Giá trị nội tại của một chiếc xe AirBlade là bao nhiêu? Ông A vốn là kỹ sư xe máy, ông có thể định giá theo chi phí sản xuất, bằng cách tính giá từng linh kiện xong cộng lại với nhau. Giả sử chi phí sản xuất là 20 triệu, vậy theo cách định giá này giá trị nội tại là 20 triệu. Ông B có thể định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, ông cho rằng nếu dùng xe này chạy Grab thì mỗi năm thu về 8 triệu trong vòng 5 năm liên tiếp, với lãi suất vay mua xe là 10%/năm. Theo phương pháp này của ông thì chiếc AirBlade này phải trị giá 30,3 triệu, đây là giá trị nội tại của chiếc xe theo ông B. Trong khi đó xe AirBlade đang được bán trên thị trường với giá 50 triệu, đây là giá cả. Trong cả 2 trường hợp định giá của ông A hay ông B, giá cả > giá trị nội tại, xe AirBlade đang bị định giá cao.
(Mình không đi sâu vào kỹ thuật tính nhé, bạn nào muốn hiểu toàn bộ con số trong bài này tính ra như thế nào thì có thể inbox cho mình).
Ví dụ về trường hợp bị định giá thấp: quyển sách bạn mua trên thị trường với giá 100k. Tuy nhiên đây là quyển sách cực kỳ hữu ích, sau khi học xong và áp dụng cuốn sách đó, lương của bạn tăng lên 1 triệu. Trong trường hợp này giá cả < giá trị nội tại. (Giả định lương tăng lên chỉ do cuốn sách đó, các yếu tố khác không đổi).
"Phương pháp đầu tư giá trị" (Value investing) là phương pháp đầu tư vào những sản phẩm, công ty đang bị thị trường định giá thấp hơn giá trị nội tại, với hi vọng rằng trong tương lai giá cả sẽ quay về đúng với giá trị nội tại. Benjamin Graham được xem là cha đẻ của phương pháp đầu tư giá trị. Warren Buffet là một trong những người thành công nhất hiện tại với triết lý này.
Giá cả bị chi phối bởi yếu tố cung cầu và tâm lý của mọi người nên trong ngắn hạn có sự khác biệt với giá trị nội tại. Có rất nhiều thứ đang bị định giá khác rất nhiều so với giá trị nội tại thực sự của nó.
Mình nhớ có lần bạn mình share hình tôm hùm và bảo thèm quá đi, mình mới bảo là ông có biết tôm hùm ngày xưa dành cho tù nhân với người nghèo ăn không. Bạn mình tưởng mình bịa ra để chọc nó nên bảo ông điên à, tôm hùm mắc như vậy lấy đâu ra cho tù nhân ăn. Mình chỉ cười và gửi cho nó vài đường link để tự đọc lấy. Bạn cũng có thể tự search với keyword "lobster history" và đọc. Mình nhớ cũng có vài trang tiếng Việt có dịch lại rồi. Thế nên bạn thấy đó, trong trường hợp này tôm hùm bị định giá cao. Sừng tê giác cũng rất mắc chẳng hạn, nhưng nó không có tác dụng chữa bệnh gì cả, nó mắc chỉ vì nó hiếm và nhiều người hiểu lầm công dụng mà thôi. Nên giá trị nội tại gần như không có.
Cũng theo quy luật thị trường, ngược lại có những thứ rất tốt cho sức khỏe nhưng lại bị định giá rất thấp. Khoai lang là một trong những "siêu thực phẩm" (superfood) mà mình nghĩ là bị đánh giá thấp nhất (giả định: giá trị nội tại của khoai lang chỉ bao hàm giá trị dinh dưỡng). Giá khoai lang ở VN phải nói là rất rẻ, nhưng lại tốt hơn rất nhiều so với các thực phẩm mắc tiền khác. Hồi nhỏ mình hay nghe ba mẹ kể chuyện ngày xưa thời chiến tranh mọi người phải ăn cơm độn khoai, cực khổ lắm chứ đâu sướng như bây giờ. Hồi đó mình cũng thấy cực khổ thiệt. Nhưng mà giờ mình nghĩ khác rồi, ông bà ta ngày xưa đâu có biết khoai lang là một trong những "siêu thực phẩm" đâu, hóa ra thời đó ăn vậy mà lại tốt hơn so với bây giờ. Phải nói là ở VN "siêu thực phẩm" rất nhiều, lại rẻ nữa, chỉ có điều đáng sợ duy nhất là sợ thuốc thôi. Chỗ mình ở thì rau mắc hơn thịt, quả là điều đau khổ với đứa ăn chay như mình.
Người ta thường hay nói câu "Tiền nào của đó", hàm ý nói rằng giá cả phản ánh đúng giá trị nội tại của sản phẩm. Mình không phản bác điều này, giá cả thật sự có phản ánh giá trị nội tại của sản phẩm. Điều này càng đúng khi có một vài điều kiện sau: thị trường đủ lớn và không ai có khả năng thao túng giá cả (không có độc quyền), thông tin giữa các bên là cân xứng, người mua là người lý trí (rational). Trong trường hợp các điều kiện này không thỏa (vốn xảy ra trong phần lớn trường hợp ở thực tế), thì giá cả có sự khác biệt lớn với giá trị nội tại. Thử xét trường hợp không thỏa điều kiện thông tin giữa các bên là cân xứng, trường hợp cực đoan nhất là lừa đảo, người bán bán cho người mua sản phẩm có giá trị nội tại rất rẻ với giá cả rất cao.
Trong việc sử dụng lao động, tiền lương (giá cả) và giá trị nội tại có thể khác nhau. Tùy thuộc vào cung cầu thị trường mà giá cả được xác định. Nếu như tất cả mọi người rủ nhau đi làm lãnh đạo, chỉ có mỗi một đứa biết cài win thì lúc đó lương của đứa đi cài win dạo cao gấp hàng trăm lần lương lãnh đạo. Lúc đó hãy chuyển sang đi cài win dạo, đừng ham chi chiếc ghế lãnh đạo làm gì.

Có thể áp dụng những điều này như thế nào?

Mình là một người học tài chính nên rất thích triết lý đầu tư giá trị. Trong đầu của mình lúc nào cũng tồn tại câu hỏi: "Đâu là giá trị thực của sản phẩm/trải nghiệm/sự việc này? Làm sao mình định giá được?".
Đối với mình việc tìm ra được những cơ hội như vậy để đầu tư vào thật sự là một món hời lớn. Quay trở lại với mục đích ban đầu của bài viết này là dành cho những bạn không có nhiều tiền có thể áp dụng được, mình sẽ liệt kê một vài thứ mình nghĩ sẽ hữu ích cho bạn.
Những thứ mà thường bị định giá thấp hơn giá trị thực:
- Sách: một quyển sách hay có giá vài trăm nghìn nhưng kiến thức trong đó có thể là cả một gia tài. Tuy nhiên để biến nó thành một gia tài thì phải làm một việc đó là đọc và áp dụng những thứ học được trong đó.
- Khóa học online: thường những khóa học online có giá khá rẻ, thậm chí là rất nhiều trang cho học miễn phí, như Coursera chẳng hạn. Nhưng chất lượng của nhiều khóa không hề kém cạnh khóa học offline chút nào, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều khóa offline. Những khóa online có giá trị xem đi xem lại nhiều lần nếu bạn không hiểu, dành cho những bạn cần thời gian nghiền ngẫm, còn offline có thể đi quá nhanh và bạn bị tụt lại nếu không theo kịp.
- Những sản phẩm ít chi phí marketing: ngày xưa mình từng đi học tiếng Anh ở mấy trung tâm lớn với người nước ngoài, mình nghĩ rằng nó lớn thì chất lượng cũng tương xứng giá tiền (hồi đó chưa biết gì). Mình không nói là nó không có giá trị, chỉ là mình học xong thấy trôi tuột hết trơn. Sau đó mình có đi học ở trung tâm của một anh, lúc đó anh ấy mới dạy hình như có 1 năm thì phải, giá tiền rẻ hơn những nơi khác, lúc đó ít học sinh nên ảnh còn có lớp học 1-1. Lúc học xong mình chỉ hối hận là sao trước đó bỏ quá nhiều tiền cho mấy trung tâm lớn kia. Giờ thì trung tâm của anh đó cũng lớn mạnh rồi, không còn lớp 1-1, mà lớp bình thường hình như giờ cũng 20 củ rồi. Giờ mình học CFA cũng vậy, mình chọn học online của một thầy nước ngoài (đã xem video học thử và review, học trò cũng đông, có hẳn mấy thread cảm ơn trên reddit), giá cũng có một nửa mấy trang học trực tuyến lớn nổi tiếng. Mình áp dụng luôn cả với đồ công nghệ (chọn theo tiêu chí giá/hiệu năng), quần áo, chỉ cần tốt và bền là được, không cần phải nhiều người biết đến.
- Thực phẩm: ở vùng nào thì ăn thực phẩm vùng đó, đang mùa nào thì ăn thực phẩm mùa đó, tập trung vào những thực phẩm thuộc nhóm superfood. Thay vì ăn vặt bằng bánh ngọt, socola vốn mắc tiền hơn nhưng hàm lượng dinh dưỡng thấp hãy thay thế bằng trái cây.
- Nguồn đọc/channel youtube/tool hay ho: lâu lâu trong lúc tìm kiếm thông tin trên internet, mình lại phát hiện ra một kho báu giữa rừng thông tin. Có rất nhiều trang/kênh họ không có nhu cầu nổi tiếng, cũng không cần nhiều người biết đến, họ chỉ đơn giản là thích chia sẻ kiến thức vậy thôi, ai có duyên thì đọc và theo dõi. Mình luôn cố gắng bổ sung những nguồn đọc chất lượng này vào bookmark, và delete bớt những trang/channel cũ mà mình nghĩ rằng đã không còn hữu ích như xưa nữa.

3. Tỷ suất lợi nhuận (Return on investment)

Cái này thì quá nhiều người biết rồi, mình sẽ không đề cập tới khái niệm nữa. Mình sẽ tập trung trả lời những vấn đề mà bạn có thể áp dụng.

Đầu tư vào đâu an toàn và lợi nhuận nhất?

Đầu tư vào bản thân. 
Mình cho ví dụ đơn giản thôi, bạn đi học 4 năm ở một trường ĐH ở VN, học phí khoảng 25 triệu/năm. 4 năm là 100 triệu. Sau này bạn đi làm lương 10 triệu/tháng (120 triệu/năm) suốt quãng đời 40 năm còn lại (không tăng lương). Lãi suất ngân hàng 7%/năm, ghép lãi theo năm. Bạn có biết hiện giá (present value) của dòng tiền đó là bao nhiêu không? Đáp án là ~ 1 tỷ 6 nhé. Gấp 16 lần số tiền đầu tư ban đầu 100 triệu. Nếu bạn đã đọc phần trên về hiệu ứng lãi kép thì kiến thức có thể cộng dồn lại và sau này giúp bạn học những thứ khác nhanh hơn và hiệu quả hơn nữa, thì sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1 tỷ 6 đâu. Chưa cần tới bằng ĐH đâu, mình thấy nhiều bạn giờ đi học IELTS một hai năm rồi đi thi cỡ 8.0 xong đi dạy kiếm còn hơn số đó nhiều.
Ngoài đầu tư vào bản thân thì còn lựa chọn nào nữa không? Có, đầu tư vào công cụ, thiết bị cần thiết để tăng năng suất. Đó có thể là viết code để tự động hóa một số công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, hay là mua thêm một cái màn hình thứ 2 vì công việc của bạn phải đọc và so sánh nhiều tài liệu cùng lúc. Những điều trên đều có rủi ro rất thấp.

Nên tập trung vào kiếm tiền hay tiết kiệm để đầu tư?

Tập trung kiếm tiền. Nếu phải chọn 1 trong 2. Dĩ nhiên cả hai thì càng tốt.
Lãi suất tiết kiệm chỉ cỡ 7%/năm. Cho là bạn là nhà đầu tư xuất sắc thì mỗi năm danh mục của bạn tăng trưởng cỡ 20 - 30% là cũng thuộc hàng đỉnh lắm rồi. Nhưng mà nếu bạn tập trung vào kiếm tiền và học hỏi, thì mỗi năm bạn có thể tăng trưởng 50 - 200% là có thể.

Rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn?

Câu này là một trong những câu hay bị hiểu sai nhiều nhất. Khi người ta nói rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn thì rủi ro ở đây là đang nói đến rủi ro hệ thống (systematic risk). Rủi ro hệ thống là rủi ro không thể giảm thiểu bằng cách đa dạng hóa danh mục, không thể tránh khỏi, không thể dự đoán được. Bạn sẽ được tưởng thưởng cho việc nắm giữ rủi ro đó bằng tỷ suất lợi nhuận tương ứng. Còn loại rủi ro do thiếu hiểu biết thì chẳng ai tưởng thưởng cho phần rủi ro đó đâu. Bạn hoàn toàn có thể loại bỏ rủi ro do thiếu hiểu biết bằng việc học tập, tuy nhiên với rủi ro hệ thống thì không thể loại bỏ hoàn toàn được. Chúng ta đơn giản là phải chấp nhận rằng luôn luôn có một phần rủi ro dù bạn có làm tốt đến đâu, và tỷ suất lợi nhuận sẽ được tưởng thưởng cho người chịu nắm giữ rủi ro đó.

Tốt thôi là chưa đủ, mà phải là xuất sắc

Khi lập ngân sách đầu tư, nếu các cơ hội đầu tư loại trừ lẫn nhau (chọn A thì không được chọn B), thì người làm tài chính buộc phải chọn phương án đem lại tỷ suất sinh lợi cao nhất và bỏ đi các thứ còn lại.
Điều này mình áp dụng rất là triệt để trong cuộc sống. Nếu mình không say hell yeah với cơ hội đó thì thường mình sẽ bỏ qua. Đối với đồ đạc, mình chỉ mua những món thật sự cần thiết, hay những thứ mình nghĩ rằng sẽ giúp cho mình làm việc tốt hơn. Mình dùng tiền để đầu tư vào trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn. Sách thì mình chỉ đọc những cuốn xuất sắc nhất, tin tức thì gần như không đọc, nếu đọc thì chỉ đọc qua tiêu đề là cũng đã nắm được nội dung chính rồi, mấy cái tin giật tít thì chắc chắn không đọc rồi.

Trở thành nhà đầu tư thành công.

Bạn không cần học tài chính để trở thành một nhà đầu tư giỏi. Mỗi một quyết định trong cuộc sống đều là một quyết định đầu tư. Khoan nghĩ đến những thứ to lớn như đầu tư mã cổ phiếu hay đồng coin nào, chỉ cần bạn ra những quyết định đầu tư đúng mỗi ngày, cùng với hiệu ứng lãi kép, bạn sẽ tăng trưởng vượt xa cả những con số trên bảng điện tử đó. Thời gian và tiền bạc là hữu hạn, vì vậy hãy chọn những cơ hội xuất sắc nhất. Mình chúc bạn trở thành một nhà đầu tư thành công.

“When I have a little money, I buy books; and if I have any left, I buy food and clothes.” — Erasmus

"Khi tôi có ít tiền, tôi mua sách; và nếu còn lại một ít, tôi mua thực phẩm và quần áo." — Erasmus

Đọc thêm: