Những người sống ở kiếp sau
Tôi viết cái mớ này cũng nhờ mấy câu hỏi gây khó ngủ từ một người mới gặp đôi lần, rằng nếu lỡ biết sau này mọi thứ đều tan biến hết...
Tôi viết cái mớ này cũng nhờ mấy câu hỏi gây khó ngủ từ một người mới gặp đôi lần, rằng nếu lỡ biết sau này mọi thứ đều tan biến hết thì điều gì ngăn anh khỏi việc dừng sống. Kỳ lạ là tôi biết chắc mình sẽ tiếp tục sống, nhưng tôi lại không rõ lý do hay nguyên cớ gì giữ tôi lại…
Những nhận thức về sự kết thúc…
Trả ngược lại… vài chục ngàn năm trước, khi con người bắt đầu có tư duy và nhận thức những điều cơ bản, chúng ta vô tình phát hiện ra có một trạng thái gọi là “chết”. Khá đáng sợ là ai cũng sẽ phải bước vào trạng thái trên. Và không ai trở về để kể rằng điều gì đã diễn ra bên trong hay đằng sau “cái chết”.
Đối mặt với điều đó, con người đã tìm mọi cách kéo dài sự sống, chống đối các nguyên nhân gây chết, bảo vệ bản thân tối đa trước những nguy cơ… Chưa một lần thành công, vì trông có vẻ ai cũng chết hoặc sẽ chết. Người ta vì lẽ đó lại tìm cách lý giải, gán cho cái chết một ý nghĩa và một (vài) chức năng, để dễ chấp nhận nó hơn khi nó đến. Giống như một đứa trẻ tự hỏi rằng vì sao con lại không cao lớn hơn các bạn khác, con người cũng bơ vơ tự hỏi vì sao tôi được sinh ra làm chi để rồi lại chết đi. Ủa sao ai thiết kế tôi kiểu gì lãng giang đoản hậu, cho sống ra cho đã rồi cho chết?
…lý giải, và những lời hứa hẹn cho một kiếp sống sau
Tôn giáo và các Tín ngưỡng ra đời để làm nhiệm vụ lý giải cho những nỗi đau. Ủa sao tui đau, ủa sao tui khổ? À, vì chuyện gì đó đã sai trong quá khứ, hoặc cơn đau đó báo hiệu đang có những chuẩn bị cho điều quan trọng hơn trong tương lai. Và cũng từ điểm đó, người ta bắt đầu hình thành nên một ý niệm về “một cuộc sống sau khi chết”. Chết chưa bao giờ là kết thúc – họ nói. Với người này, chết là để bước vào một kiếp sống mới xịn xò hơn. Với người khác, “chết” lại là cánh cửa để tới với một thế giới hoàn hảo hơn. Đôi khi người ta lại cho rằng bản thân việc sống mới chỉ là bước chuẩn bị, một trò chơi thử, và cái chết đưa ta vào một hành trình thật sự… .
Và còn ngoài đó khoảng vài chục vài trăm cách biện giải và phỏng đoán về cái gì diễn ra ở bên kia. Giờ đây các cá thể loài người có thể nhẹ nhàng chọn cho mình một niềm tin, đồng nghĩa với việc nhận lấy một sự hứa hẹn về những kết quả sẽ có được trong “kiếp sống kế tiếp”.
Khi tìm được một điểm tựa niềm tin rằng bản thân sẽ vượt lên trên “sinh tử lẽ thường”, người ta sẽ cởi bỏ được rất nhiều áp lực. Họ bắt đầu hướng đến những giá trị tích cực, sau đó, họ sẽ sống tiếp phần đời của mình và tạo ra thật nhiều thứ tuyệt vời. Họ có thể đã làm ra cả một cuộc đời có đủ cả trầm bổng, cả hưng suy mà không còn phải đặt quá nhiều nỗi lo vào cái chết. Nhìn chung, liều “thuốc an thần” cho rằng bạn luôn có một “hậu phương” nào đó ngay cả khi đã đi qua cuộc đời này giúp chúng ta không ít. Khá hay ho đúng không? Ừ, ở khía cạnh nào đó. Vậy nhưng mà …
Mặt trái của lời hứa “bất tử”
Luôn nhớ, không có một niềm tin nào là tuyệt đối tốt, tuyệt đối ngon hoặc tuyệt đối tệ hại, chỉ có những con người chuyển biến cái niềm tin đó thành những hành động hay hoặc không hay. Niềm tin vào kiếp sau là cũng là một hiện tượng như thế. Trong khi có nhiều người dùng nó để tạo ra nhiều giá trị, chuẩn bị cho một kiếp sống sau với những tử tế, đức độ ngay từ kiếp này, hoặc từ bỏ những ham muốn không lành mạnh vì sợ một nơi chốn phán xét mình, thì cũng có những người sống lay lắt qua ngày chỉ vì mình “có kiếp sau mà”.
Những người chọn không làm gì vì sẽ có một kiếp sống tiếp theo để mà bắt đầu. Những người không coi trọng giá trị của điều ở hiện tại, vì tin rằng những điều tốt đẹp luôn nằm ở kiếp sau. Chặng đường sau của họ sẽ khác, họ bảo. Họ sẽ khác, họ nghĩ thế. Họ sẽ luôn mơ tưởng hay trông ngó đến một bến bờ tiếp theo như thế, tôi gọi họ là Những người sống ở kiếp sau.
Thiên vạn các kiểu “kiếp sau”
Đời người phóng to ra, mỗi một đoạn đều là một kiểu “cuộc đời thu nhỏ”. Trong đó có khởi có kết, có những biến chuyển và tương quan không khác gì một kiếp sống. Một giai đoạn học sinh, sinh viên, một công ty ta vào làm, một người ta yêu, đôi khi là cả bữa cơm ta ăn… đều là những cuộc đời thu nhỏ cả. Có nhiều thật nhiều những kiểu cuộc đời như thế, suy ra cũng có muôn vạn kiểu kiếp sau, và cũng là muôn vạn kiểu người đang sống ở kiếp sau mà mãi không nhận ra.
Như một gia đình nọ, có người thân hứa sẽ mang họ sang Mỹ định cư. Họ cũng vô tình đưa mình vào sống trong một kiếp sau như thế. Cô con gái học cầm chừng chứ cũng chả có mấy quan tâm. Học làm gì khi sau này sang xứ mới lại phải học lại. Ông bố dừng hết chuyện buôn bán chỉ lo nghĩ đến sang bên kia sẽ làm gì để kiếm ăn. Đến cuối cùng sau nhiều năm chờ đợi, không có chuyến đi nào cả. Lý do gì không biết, chỉ biết họ đã không đến được viễn cảnh đã luôn chuẩn bị.
Cô con gái ngó lên thì đã mãi mất đi những năm thú vị của đời sinh viên, bỏ lỡ vài ba mối tình có thể diễn ra vì nghĩ sẽ không đi đến đâu. Ông bố bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh thú vị và biết đâu sẽ đem lại nhiều giá trị. Họ không có lỗi vì lối tư duy đó, suy cho cùng cũng là những lựa chọn dựa trên tình thế lúc đó. Kiếp sau cuối cùng đã không đến, mở mắt ra đột nhiên bạn thấy mình ở lại với bối cảnh cũ và lãng phí mất một phần đời.
“Bớ ba hồn ai còn ở mãi nơi hậu kiếp…”
Ai đó yêu ai đó và luôn đợi chờ ngày chia tay. Cô bảo sớm muốn gì cuộc tình này rồi cũng kết thúc hà cớ gì em phải xem anh như người cuối cùng. Cô dè chừng những nỗ lực và luôn lên sẵn một kịch bản cho khoảng thời gian sau chia tay, rằng mình sẽ làm gì để hết buồn, rằng mình phải bình tĩnh ra sao. Rồi ngày ấy đến không phải như một chứng cứ cho niềm tin của cô, mà vì người kia của cô không tìm thấy cô trong cuộc tình này. Cô đang kẹt lại ở nơi mà cô luôn chờ đợi…
Chàng trai luôn bức bối với công việc và chỗ làm, anh nghĩ về nơi mình sẽ làm tiếp theo sau khi nghỉ ở đây vì trăm ngàn lý do. Cuối cùng anh nghỉ thật, và ở nơi công ty kia cũng thật sự không toàn vẹn như anh tưởng tượng. Thế giờ anh lại phải làm gì? anh lại ngồi nghĩ về một “công ty tiếp theo”…
Bạn trẻ cảm thấy cuộc sống kì lạ và bế tắc quá, bạn chọn con đường du học vì nghĩ nó sẽ mở ra một chân trời mới. Con đường bạn đi sau đó vẫn chơi vơi, vì thứ bạn thay đổi là một vùng trời mới, một ngôn ngữ mới, bối cảnh mới, … chứ không phải là con người và cách bạn đối diện với cuộc sống…
Những điều để lửng…
Ngẫm cũng đáng cười, giờ ngoài những người kẹt lại trong quá khứ, ta nhận ra xung quanh mình có cả kẻ bị mắc kẹt ở kiếp sau. Kỳ thực, tôi cũng chả biết phải kết bài như nào cho đẹp, vì ai cũng có cho mình một cuộc đời, và một kiểu hình kiếp sau mà ta có thể vô tình kẹt vào. Chỉ mong nếu bạn đang sống ở một kiếp sau nào đó của mình, hãy nhớ rằng thực tại của bạn có thể đang có gì đó hỗn loạn khi nhìn vào, nhưng nó cần bạn.
Về lại nào.
Bài viết này tôi viết tại website cá nhân của mình ở web cá nhân. Đến đó để xem thêm nhiều bài viết và góc nhìn khác :D
Rất cảm ơn và trân trọng bạn vì đã đi đến cuối bài.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất