poster của bộ phim Mother and Son (2022).
poster của bộ phim Mother and Son (2022).
Thi thoảng tiếng khóc như tiếng dế kêu, rỉ rả rấm rứt rồi bất chợt những tiếc nấc nghẹn lại vội vàng vang lên, dồn dập không kịp thở. Tôi nghe những tiếng khóc nấc như nốt nhấn trong bản nhạc đau khổ của đối phương.
Bà ấy ngồi khóc được nửa tiếng. Còn tôi thì im lặng. Tôi hệt như một khán giả chân thành ngồi nghe bản nhạc giao hưởng mang tên “Tiếng khóc”.
Trước người đàn bà này, dường như tôi có cảm nhận bị nhấn chìm trong biển khổ của bà.
Bà tìm đến tôi trong một buổi chiều mưa Sài Gòn. Mỗi tháng 5 về, Sài Gòn sẽ xuất hiện những cơn mưa rào, vội vã đến rồi vội vã đi. Mưa Sài Gòn tháng 5 nó mạnh mẽ, hiếm khi rỉ rả, đã mưa là sẽ mưa ào một cái rồi tạnh. Đấy là cái trải nghiệm một mùa mưa của tôi.
Ngoài trời, cơn mưa như đang ngớt dần, người phụ nữ như bình tĩnh hơn một chút.
Giọng nhỏ nhỏ: “Tôi thường thích tháng năm. Tháng năm không rực rỡ như tuổi trẻ. Tháng năm hay xuất hiện những cơn mưa rào, mưa đến thì tôi khóc, tôi khóc trong cơn mưa. Tiếng mưa sẽ át tiếng khóc và giọt mưa sẽ làm trôi đi giọt nước mắt của tôi. Anh biết không? Điều khiến cho con người ta phải vội vã chạy về phía trước ngoại trừ cơn mưa, chỉ có thể là tình yêu...”
Tôi buột miệng: “Đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ...”
Vài phút trước đó, những giây phút gặp gỡ đầu tiên, hiện diện trước mặt tôi là một người phụ nữ trung tuổi, nơi bà có một sự điềm tĩnh đến đáng ngạc nhiên. Từ dáng đi, kiểu ngồi và ánh mắt – một phong thái rất bình tĩnh. Trước mặt tôi, bà ấy dường như đang thể hiện ra mình là một người đang làm chủ tình hình và cả cảm xúc của mình nữa.
Lược qua những câu thoại tôi cho rằng chưa cần thiết để kể lại, tôi thử tóm tắt lại một cuộc đời mà người đàn bà này mang đến với tôi.
Gần đây, bà thường hay cảm thấy bị ngạt thở, khó chịu và bức bối ở trong người. Bà thấy mình nhạy cảm hơn trước kia. Một câu nói bâng quơ của ai đó mà bà nghe được cũng làm cho bà cảm thấy tiêu cực và muốn khóc. Bàn tay phải của bà thi thoảng lại co cứng mà không làm gì được, bà bất lực vì điều này. Cứ hễ có việc gì cần ra ngoài hay đứng trước đám đông là bà lại cảm thấy căng thẳng, như có lực kéo gì khiến cho bà không muốn ra ngoài. Ngày trước, bà sẽ cảm thấy dễ khóc vì mưa tới, chồng bà ra đi trong một cơn mưa rào lớn...Tệ thật!
Sau khi chồng bà qua đời, một mình lầm lũi thân cò nuôi con khôn lớn. Bà ấy nói bà yêu thương con mình hết mực, luôn dành cho con mình những điều mà bà cho là quý giá nhất. Tình thương của bà ấy.
Nút thắt là ở chỗ cách đây hai tháng con bà đã bỏ nhà đi cùng với người yêu của nó. Cho đến lúc này, không còn nơi bám víu, bà mới thấy tủi thân và đau khổ đến cùng cực. Chén đắng bà đang uống là sự tủi hơn của một góa phụ, sự bất lực của một bà mẹ đơn thân nhưng không còn là mẹ.
Bà nói bà dần chấp nhận chuyện con trai bỏ bà đi nơi khác lập nghiệp. Bà nói bà quen dần với sự cô đơn này rồi.
Thế nhưng mà, mọi sự bị xáo tung lên khi bà xem bộ phim The good bad mother (Người mẹ tồi của tôi) do Ra Mi Ran và Lee Do Hyun đóng chính. Bà như thấy mình chính là người mẹ trong bộ phim. Bà thấy dằn vặt vì chợt nhận ra bấy lâu nay mình là một người mẹ tồi.
"Người mẹ tồi của tôi"
"Người mẹ tồi của tôi"
Càng xem phim, bà càng nhận ra rõ những cách hành xử và chăm sóc con theo lối giáo dục độc hại của mình.
Kể về tuổi thơ của mình, bà tỏ ra tủi thân hẳn. Bà phải chịu sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ mình. Mẹ của bà là một người phụ nữ quyền lực, đầy cá tính còn bố bà lại là một người chồng “nội trợ”, quyền lực hầu như đặt ở tay mẹ bà vì mẹ bà biết kinh doanh còn bố bà thì không. Trong gia đình bà, có sự phân bậc cao thấp, tiếng nói của mẹ bà là cao nhất rồi đến bố và đứng chót là bà. Khốn nạn, bà đã từng bị chính bố đẻ của mình xâm hại, mẹ bà biết nhưng bắt bà phải im lặng chịu đựng. Bố bà chết vì bạo bệnh năm bà 10 tuổi, và từ ấy bà mang vết thương lòng mà không được giải thoát.
Mọi vị trí và cốt truyện dường như đang được lặp lại ngay trong chính gia đình nhỏ của bà. Bà sống với những khát vọng, hà khắc của mẹ mình và giờ đây khi bà có gia đình, chính bà đi lại vào vết xe đổ ấy, chính bà lại là hiện thân của một người mẹ tàn nhẫn với con cái của mình.
Thằng nhỏ của bà – chính bà đã ép nó phải học ngành học mà bà thấy sẽ cho nó hạnh phúc. Bà không cho nó giao du với đám bạn cùng xóm vì bà sợ con bà bị nhiễm tính xấu. Mọi thức ăn, lịch trình sống từ nhỏ tới lớn, thường sẽ tự bà sắp đặt cho con của mình. Và bà gọi đó là yêu thương.
Cho đến khi...Cho đến khi con bà nó chạy trốn khỏi bà, bà mới thấy cay đắng, tức giận cho tuổi thơ của mình và cũng hối hận về lối giáo dục con của mình.
Cơn mưa tạnh hẳn. Nhưng lòng bà thì chưa vơi đi được chút gì cả. Có lẽ ống thoát nước trên đường đang bị kẹt bởi rác thải, nên nước vẫn chưa chịu rút đi...
Đường ngập... lòng người đàn bà này cũng ngập, ngập tràn nỗi cô đơn và khổ sở với chính mình. Dằn vặt khủng khiếp.
Bà nói: “Người mẹ trong phim còn có cơ hội sửa sai, còn tôi thì không còn cơ hội nữa. Phim là phim, còn đời là đời. Tuổi thơ mỗi người chỉ có một lần, tôi đã phá hủy tuổi thơ của con tôi thì khó mà sửa lại được. Suốt đời nó đã phải chịu sự điều khiển và sống trong kỳ vọng của tôi....”
Tôi kể sơ sơ về cuộc trò chuyện của tôi với bà ấy. Và tôi mong rằng, cho đến bây giờ mọi chuyện chưa quá muộn với bà khi bà bắt đầu được học bài học về cách làm người mẹ “đủ tốt” khi đã trung tuổi là như thế nào.
Người mẹ trong phim “Người mẹ tồi của tôi” cũng đáng thương và người mẹ mà tôi vừa kể cũng đáng thương không kém. Thật đáng trách nếu không tìm cho hai bà ấy một công đạo, một con đường xóa tội cho họ. Những người làm cha mẹ, họ không được học cách thực hành làm cha mẹ khi ở trường, có chăng chỉ là kiến thức. Cuộc đời bên ngoài dạy cho họ cách làm cha mẹ.
Như người mẹ này, những sang chấn trong thời thơ ấu đã tạo form cho cách dạy con sau này của bà. Mẹ bà như một mẫu hình dù muốn tránh né hay không thì chính bà lại lặp lại đúng những hành vi ngược đãi của mẹ lên con mình. Ngày xưa mẹ bà đã khó khăn thì nay bà phải khó khăn như thế với con mình. Ngày xưa tao khổ thì bây giờ tao bắt mày phải học cho tốt để thoát khổ như tao. Rồi cuối cùng, những người con bé bỏng lại trở thành thứ công cụ gắn nhãn tình yêu để người mẹ đáng thương đạt được mục đích vô thức của họ.
Nhà phân tâm học Eric Berne nói rằng: “Nếu như lúc còn nhỏ chúng ta cần tình yêu của cha mẹ để sinh tồn thì khi trưởng thành, chúng ta cần sự công nhận của những người xung quanh”.
Người mẹ ấy đã không nhận đủ tình yêu chân thành từ người mẹ hà khắc và ông bố bất tài của mình. Thế nên, sau khi chồng bà qua đời, bà trở thành người cha và người mẹ để nuôi dạy con mình. Lúc ấy, bà có toàn quyền lực trong tay để sử dụng đứa con của mình theo ý muốn, và nhờ đứa con mà bà đạt được sự công nhận từ bên ngoài.
Còn Alfred Adler thì cho rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có mặc cảm tự ti và từ đó nó sẽ khao khát quyền lực, khao khát đạt được những điều khỏa lấp sự tự ti trong người nó. Thay vì cố gắng nỗ lực tự thân, bà mẹ lại dồn toàn bộ áp lực lên con cái và ép chúng phải theo mình.
Thế cho nên, trong mỗi người mẹ khắt khe lại tồn tại một đứa trẻ bất hạnh thời thơ ấu. Thực ra họ vẫn mong muốn con mình được trưởng thành trong tình yêu thương, được lớn lên như bao người khác. Nhưng nỗi đau đớn bị dồn nén kia khiến cho họ không thể làm được gì.
Bàn tay phải mà bà mẹ này thi thoảng co thắt lại và không làm được gì vì chính bàn tay này đút cơm cho đứa nhỏ ăn kèm theo những cái tát nếu nó không chịu ăn nhanh. Bàn tay ấy cũng là bàn tay dùng roi đánh vào tay đứa nhỏ nếu nó không làm được bài. Bàn tay phải ấy giờ cũng phản kháng, phản đối cách giáo dục của chủ nó.
Alice Miller, người luôn đấu tranh chống lại phong cách giáo dục độc hại của cha mẹ đã lên tiếng rằng những hành vi khống chế, đánh đập hay khắt khe với con cái chỉ là một cơ chế phòng vệ tốt nhất chống lại sự bùng nổ cảm xúc bất lực của chính mình. Đấy là một cách thể hiện sự yếu đuối đã bị dồn nén. Một người đã dùng sự coi thường người khác để cảm thấy mạnh mẽ, thì nên biết rằng chính họ cũng có sự yếu đuối và bất lực ấy. Người mẹ trong phim cũng như người mẹ này cũng như thế, trải qua bao nhiêu là đau khổ, sang chấn tâm lý do bị bạo hành, xâm hại tình dục, bị cướp mất quyền được tự do. Họ như những đứa trẻ bất an, những đứa trẻ trong hình hài người lớn, cuối cùng đã tìm ra một sinh vật yếu đuối hơn, so với nó, họ cảm thấy cực kỳ mạnh mẽ và quyền lực.
Câu chuyện của người mẹ và người con trong phim Người mẹ tồi của tôi là một hình mẫu quen thuộc, một cốt truyện quen thuộc mà bao đời nay nó vẫn đã và đang xuất hiện đâu đó trong các gia đình. Một mặt, ta thấy đáng thương cho những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh bị điều khiển như thế. Mặt khác, chúng ta không thể phủ nhận sự đau đớn tâm lý mà những người mẹ, người cha phải chịu đựng do thời thơ ấu tạo nên cho họ. Chính họ là những nạn nhân và sau này họ tìm cho mình một kẻ yếu hơn làm vật thế thân hy sinh cho mình. Thế nên, thay vì trách mắng những người cha người mẹ đã không cho tôi một đời sống tốt, ta thử quay lại và cảm nếm cùng mẹ của mình những nỗi đau mà mẹ đã không bao giờ dám nói ra. Mẹ lớn lên với nỗi đau và mang nó vào hành trình làm mẹ. Hãy thông cảm cho những người mẹ và trao lại cho họ cơ hội để làm một người mẹ đủ tốt.