Không hiểu sao tôi rất sợ đi ra ngoài vào ban đêm. Nhưng sau này, tôi mới biết mình không hề sợ ban đêm, chẳng qua là tôi sợ cảm giác đi một mình trong đêm. Cũng giống như ai đó bảo rằng họ sợ bóng tối, thực ra, họ sợ cảm giác ở một mình trong bóng tối. Nếu họ ở cùng gia đình hay người yêu trong bóng tối, liệu họ còn sợ nữa hay không?
Ra nước ngoài du lịch là niềm mơ ước của đa số mọi người. Khoảng 90% chuyến đi của tôi đều là "solo-travel" (đi một mình). Tôi yêu thích điều đó, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Tôi sống khá tự do, phóng khoáng và yêu thích làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Cách khám phá khác lạ của bản thân cũng cần một người đủ giống mình mới có thể hòa hợp.
Tối hôm qua, khi đang ngồi đọc báo tại phòng khách của hostel, lúc chuẩn bị đứng lên để sắp xếp đồ đạc vào phòng ngủ, một cô bạn ngồi trước mặt tôi, trông vẻ mặt hiền lành hỏi: "You are filipino?" (Bạn là người Philippines à?) Tôi trả lời "không". Vậy là, tôi quyết định dừng lại nói chuyện với cô. Bạn ấy là Rea Jane, cùng tuổi, đến từ thành phố Davao, cách Manila khoảng tầm 2 tiếng bay. Rea Jane không những đến Manila lần đầu mà đây còn là chuyến bay đầu tiên trong đời cô. Cô đến Makati, Manila để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin visa du học tại Tây Ban Nha. Trông cô có vẻ lo lắng. Cô kể cho tôi nhiều chuyện, về những chuyến taxi đắt đỏ, về thành phố Davao biển xanh đẹp đến ngất ngây hay những món ăn tuyệt vời mà cô đã nếm thử. Chúng tôi nói chuyện khoảng 30 phút, đủ để tôi tin "À, người bạn này khá phù hợp với mình". Thế là, Rea Jane và tôi quyết định sáng mai thức dậy sớm để qua Venice Grand Canal Mall. Cũng chính nơi này đã cho tôi thêm một góc nhìn mới về Philippines, về thế giới dành cho người giàu giống như ở Việt Nam, "tường cao kín mít" và nhiều người nghèo bước vào để checkin một tấm hình ở xứ sở phồn hoa. Ngắm nhìn cũng là một cách để xem nước bạn phát triển như thế nào.
Venice Grand Canal Mall xinh đẹp và trong lành với dòng sông nhân tạo ở giữa có những con thuyền nhẹ nhàng lướt qua. Tôi dành một ít thời gian ngắm nghía, ngồi bên sông, gọi một ly sinh tố dâu tây, mở laptop ra và viết đôi ba dòng trải nghiệm. Tiếng nhạc opera cất lên, cộng thêm tiếng ồn ã nhẹ nhàng từ những người qua lại khiến tôi yêu thích không khí đó biết chừng nào. Nó khiến tôi cảm nhận rằng, thế giới vẫn đang tiếp tục dòng chảy của nó, và tôi vẫn đang nhảy nhót với cuộc sống riêng tư của chính mình. Đôi khi, chúng ta thật sự cần những khoảng lặng. Đôi tai chúng ta vội quên đi tất cả những gì có thể khiến mình bị phân tâm để lắng sâu vào bên trong, cảm nhận hơi thở của bản thân và chắt chiu, yêu quý từng khoảnh khắc mình đang có.
Sáng thức dậy sớm, tôi tự pha cho mình một tách cafe, ngồi trước mặt tôi là hai người Philippines đang nhâm nhi thức quà của họ. Và rồi, chúng tôi nói chuyện. Thật vui nếu ai đó cất tiếng nói hướng về phía mình trong một buổi sáng đẹp trời như vậy. Họ cũng đều là những freelancer, cũng làm báo, viết lách như tôi. Cuộc sống du mục khiến đôi vợ chồng yêu thích. Còn điều gì hạnh phúc hơn thế. Cùng nhau làm mọi thứ, cùng nhau thực hiện một giấc mơ chung. Như người bạn Philippines của tôi, cô lo sợ sẽ trượt visa, và ước mơ bấy lâu tan vỡ thành bọt biển. Trong cuộc đời mỗi người, nếu một thứ gì đó đi qua không như mong đợi, ta gọi đó là định mệnh, không phải vì mê tín hay phó mặc, mà là để hướng về phía trước, cho một cuộc sống mới xứng đáng hơn.
Tôi nhận thấy nước bạn khá văn minh, khi mọi người đều tỏ vẻ hỗ trợ chân thành sau mỗi câu hỏi bằng tiếng Anh mà tôi cố gắng "nông thôn hóa". Có những điều mà tôi cần phải học thông qua chuyến đi này. Đó là học cách kết bạn, học cách dấn thân và học cách không đánh giá người khác trước khi nói chuyện đủ với họ. Cuộc sống nhiều khi cần vượt giới hạn bản lĩnh hiện tại và cho mình thêm cơ hội quyết định theo trực giác. Trước khi đi đến một nơi nào đó, mọi người thường đưa ra những nhận định đầy tính cảnh giác để tôi chú ý, nhưng cuộc vui luôn cần chút rủi ro, thậm chí nhiều hơn thế!
Trong những ngày cuối năm, hội bạn quen nhau từ Couchsurfing lại có cuộc gặp gỡ ở Makati. Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, tôi nhận ra rằng du lịch một mình chưa bao giờ là lạc lõng. Một anh bạn đến từ Ấn Độ mà tôi đã gặp ở Yangon, Myanmar bảo tôi: "Thật hạnh phúc khi có một người bạn nước ngoài đầu tiên". Dù họ và tôi đều biết xác suất gặp lại nhau vô cùng nhỏ nhoi. Và, cuộc sống này lạ lắm, chúng ta gặp nhiều người nhưng gặp đi gặp lại cũng chỉ mấy người mà thôi.
Cách đây nhiều năm, tôi được dạy là không được nói chuyện với người lạ, không được ra ngoài một mình, không được đi xa, và phụ huynh cũng dặn dò tôi rằng phải học thật ngoan trên ghế nhà trường để có một công việc tốt về sau. Nhưng, tôi nghĩ rằng, tất cả những quy luật chung của xã hội sẽ bị phá vỡ bởi những người cá tính. Một ai đó đang bị mâu thuẫn giữa việc này với việc kia vì do họ đang run sợ, họ đang mâu thuẫn giữa cái mình muốn và cái xã hội cần, rồi không ít người tặc lưỡi chọn đi trên con đường đã được vẽ sẵn. Giống như những quy luật ngớ ngẩn mà tôi từng học trong bộ môn vẽ ở trường mẫu giáo, mặt trời phải được tô màu vàng, cây cối phải xanh lá cây, con đường phải màu đất đỏ, cô giáo phải dịu hiền, học trò phải ngoan ngoãn,... sự sáng tạo gần như được thực hiện trong khuôn khổ, tôi chán ghét điều đó. Lớn lên, tôi nhận thức rõ nhưng không bao giờ là muộn màng nếu tôi vẫn còn ngày mai.
Hôm qua, tôi tình cờ đọc được một bài báo về Châu Tinh Trì từng quỳ gối xin đạo diễn một câu thoại trước khi trở thành Ông hoàng phòng vé Hồng Kông. Đọc đến đó, tôi nghĩ về "cái tôi", như Albert Einstein đã mô tả nó trong công thức "ego = 1/knowledge" (cái tôi = 1/kiến thức). Tôi cũng đã có lần cúi đầu trước những lời mắng nhiếc, hiểu được chỗ đứng của bản thân. Thật tốt nếu đời tạt vào mặt bạn thật nhiều gáo nước lạnh, gương mặt bạn sẽ trở nên sáng sủa hơn.
Gặp gỡ nhiều người mang đến cho tôi nhiều góc nhìn thú vị, có một bạn từng hỏi tôi một câu rất thú vị: "Liệu tiếp nhận nhiều quan điểm sống như thế, Trang có bị ngả nghiêng?" Thay vì ngả nghiêng, tôi chọn cách chắt lọc. Giống như, bạn đọc rất nhiều sách, bạn đãi cát tìm vàng vì có ai hỏi "Nếu đọc nhiều sách, bạn sẽ bị ngả nghiêng?" đâu?