Những ngày trông "trẻ già"
Mình biết người già sợ nhất là cô đơn nhưng họ cũng chọn cô đơn để tránh ảnh hưởng và làm phiền tới con cháu
Bạn hiểu "trẻ già" ở đây như thế nào? Những đứa trẻ tài lanh với câu hỏi xoáy đáp xoay được ví von như một cụ non?
Còn đây là định nghĩa của mình. Trẻ già: (n) Cách mình gọi vui ông, bà trong gia đình. Kỳ quặc thay cho đứa cháu dám nói ông bà là trẻ già! Ấy vậy mà cũng thật thân thương và gần gũi đến lạ.
Gác lại những hệ lụy tiêu cực do đại dịch hoành hành, (3,4,5,...) 5 tháng được ở gần hơn với gia đình, mình cảm nhận thế giới qua lăng kính tích cực và chúng tỏa ra từ hương vị hạnh phúc của tổ ấm nhỏ. Dù mình đang thất nghiệp trên profile nhưng cũng tương đối bận rộn với nhiều chức vụ không chính thức: Full-time con ngoan và part-time trông "trẻ già". Theo chân mình quan sát một ngày làm việc của mình như thế nào nhé!
— D ơi, xuống bật cho bà cái tivi, xem tiếp cái phim hôm qua!
— Qua bà xem đến tập bao nhiêu rồi nhở?
— Ui, chả nhớ, tới đoạn cái Hân nó bỏ nhà đấy đi mất rồi. Gay cấn lắm!
— Này, bà vợ kia ác lắm, hại cái Hân, ép nó nghỉ việc rồi. Xong thằng con trai lại mê nó, thế mới tài... - bà hăng say tường thuật tóm tắt nội dung cả chục tập, nguyên biểu cảm và thần thái thì ăn đứt mấy chị Google review.
— Điều khiển cháu để đây, tí có quảng cáo bà ấn nút này là được. - mình đánh dấu nút OK để bà bỏ qua quảng cáo. Chứ hễ tới "Nhà tôi ba đời trị tiểu đường", bà lại xem hăng say rồi gật gù: "Ấy, thuốc này hiệu quả thế nhờ, ai chữa cũng khỏi" rồi quên mất mình còn đang xem phim.
Trẻ già nhà mình mê phim đa thể loại, càng drama càng tức anh ách càng khoái xem. Cứ thế sáng/chiều/tối, mỗi ca là xem 2-3 tập, phim 40 tập thì dăm ngày là bà đã xem hết. Dù làm partttime nhưng mình rất ham việc, hăng say tìm thêm những bộ phim mới cho bà "mọt phim U90" cày. Ấy mình cũng không nhiều thời gian xem cùng bà nhưng nhờ đoạn review phim chân thực nhiều chiều sâu từ bà, mình cũng đại khái hiểu cốt truyện và tham gia bình luận cùng bà như những chuyên gia tại liên hoan phim quốc tế.
— Mày luộc rồi vớt ra để ông thái thịt!
— Không, cháu thích thái thịt hơn!
— Không, mày để đấy ông!
— Thôi lung tung xì phân thắng thua, 3 keo!
**Oẳn tù tì... khà khà...Ông cười đắc chí vì đứa cháu ngốc ra liền 3 cái đấm. Nhưng mà dù ông có thắng thì cháu vẫn là người thái thịt. *Chịu thì chịu, hổng chịu thì thôi
— Chán quá, chơi bài đi!
— Ông chia bài thì cháu chơi, cháu lười chia lắm!
— Á à, tao chia mà bài xấu, thua thì có mà khóc.
Ấy nhưng ông lại là người thua ván đó và đăm chiêu: "Thôi tao chia bài xấu lắm, mày chia bài đi".
Bạn thấy không, trẻ già nhà mình cũng rất thích chơi đùa và vui mừng khi giành được chiến thắng.
Sống chung với ông bà lâu, mình vẫn hay trêu rằng không biết xưa ông tán bà bằng cách nào? Vì phong cách và sở thích của họ quá khác nhau, thậm chí là đối lập. Đặc biệt phải nói là gu ăn uống: ông chơi hệ mặn ngọt, bà chiến hệ nhạt cay. Điều này khiến người trông "trẻ già" như tôi vừa buồn cười vừa đau đầu trong mỗi cuộc chiến trên bàn ăn. Nhưng có một combo khiến hai vị tướng ngưng chiến và hiệp định hòa bình được ký kết, pháo nụ cười được khai nòng. Không đâu xa, chính là combo tiệc buôn dưa ngoài quán trà sữa của đám GenZ, bao gồm: bim bim, hồng trà màng sữa full topping, tokkboki phô mai và cá viên chiên.
Xưa các cụ có câu: "Ông ăn chả, bà ăn nem". Trẻ già nhà mình ở thế kỷ 21: "Ông uống hồng trà màng sữa, bà ăn Tokkboki phô mai". Cũng bởi gu ăn uống khá là teen nên mình dễ dàng lấy lòng, làm dịu mọi cuộc đấu khẩu hay xóa tan không khí ảm đạm mà không một ai lên tiếng, ngoài tiếng Tivi.
Một ngày làm việc của mình là như vậy đó. Thực ra, chả có nhiệm vụ nào gọi là trông "trẻ già" cả. Mình biết người già sợ nhất là cô đơn nhưng họ cũng chọn cô đơn để tránh ảnh hưởng và làm phiền tới con cháu. Vì thế, nếu mình mở lời trước, sẵn sàng ở bên ông bà thì họ cũng sẵn lòng thay đổi, trẻ hóa sự già nua để được vui đùa bên con cháu. Trẻ già nhà mình bắt đầu "làm phiền", nhờ vả mình nhiều hơn, điều đó khiến mình vui vì hoàn thành xuất sắc "công việc parttime" này.
Thế nhé! Mình xuống mở Tivi cho bà coi đây, cảm ơn mọi người đã đọc bài viết này!
Xuống dòng,
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất