Đó là cách tôi đặt tên cho những ngày tháng của tôi, hì, chỉ trong dạo gần đây với xa đây thôi. Chả dám mạo muội gọi đó là những ngày tháng tuổi trẻ của tôi, mà là một phần của tuổi trẻ của tôi. Nói là hết tiền cũng không đúng, nói đúng hơn là “gần” hết tiền, hơn nữa tôi còn có “bảo hiểm”, “học bổng” từ những nhà tài trợ đáng mến và đáng yêu thương của tôi.
Tuổi trẻ của tôi là việc gì cũng muốn làm, việc gì cũng muốn thử, cái gì thích cũng muốn mua, đồ ăn ngon là phải tận hưởng, những tách cà phê bên người là phải uống, nhà đẹp là phải ở. Với những ham muốn chính đáng đó thì bỗng chống ví cạn mà tài khoản cũng cạn, kéo theo là những ngày đếm lịch, bóc lịch. Chờ đợi một ngày mai, đến thật nhanh, thật nhanh, và đẹp nhất luôn là những ngày mai, những ngày mai mở màn cho một tháng mới. Suốt thời gian đi học đến giờ, cũng hơn một năm mấy tháng rồi, chỉ có duy nhất một tháng tôi đạt được thặng dư ngân sách. Tôi không thể tiêu hết tiền. Tôi dư ra hẳn 500k, cái này là mục tiêu tôi có thể đặt ra. Còn những tháng ngày còn lại thì đều giống nhau một cách đặc biệt.
Quãng thời gian đẹp đẽ của tôi thỉnh thoảng là hai tuần đầu tháng, tôi lúc đó vui tươi lắm, sau hai tuần thì có bớt vui tươi một chút bởi đôi khi, tôi đói. Khi mà chịu đói tôi bỗng thấy mình giống nhà sư, nhịn ăn, nhịn uống để suy ngẫm vì những nỗi niềm vui, buồn, lo lắng của thiên hạ. Bây giờ, tôi hiểu vì sao những triết lý của họ đều mang một màu tiêu cực về cuộc đời như thế, đói meo ruột thì làm sao suy nghĩ tươi sáng cho được. Trước khi làm gì thì làm, ăn no một cái trước đã. Cái này là nghiêm túc, có làm gì thì làm, thì việc đầu tiên là phải chú ý việc ăn uống của mình. Chú ý xây dựng cho mình thực đơn no và đầy đủ dưỡng chất vào, nếu rẻ nữa thì càng tốt. Bạn biết để làm gì không? Để cho có sức khỏe mà sau này có đói hơi dài thì vẫn chịu được và vẫn làm bài thi cực chuẩn.
Sống một cách hết tiền theo kiểu “long-term” này, khiến tôi luyện được kha khá kỹ năng của cái bang. Cũng luyện được một chút kỹ năng của những nhà doanh nghiệp khi đối đáp với ngân hàng. Là một nỗi niềm vui sướng khi nhận được cuộc gọi mời đi ăn, đây là lúc tôi nhận ra được chân lý của việc “không bao giờ đi ăn một mình”. Lúc cấp 3, có một giáo viên nói một câu mà tôi thấy lạ, “việc sung sướng nhất trên đời này là đi ăn bám”. Có lẽ là nó đúng. Có điều, có thể tôi nghĩ là tôi không nợ người khác tiền, nhưng nợ ơn nghĩa. Có lúc nghĩ rằng, sao lại tốt với tôi như thế, sau này, đi làm rồi, tôi sẽ mang hẳn một balo tiền để mời tất cả những người từng mời tôi đi ăn, đi ăn vây cá mập. Rồi nghĩ lại, bây giờ thì hai năm nữa mới ra trường, những năm đầu thì lương chắc cũng chỉ dăm ba cọc, vậy thì cũng phải mười năm nữa mới có thể làm gì đó ra trò. Lúc đó chả biết còn cơ duyên nào nhìn thấy những người cũ nữa không? Những năm tháng hết tiền này, nó thách thức, nó đặt lại những câu hỏi về quan niệm về thế giới quan của tôi, về ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, về một chữ duyên, về hai chữ may mắn, về hai chữ bản lĩnh. Nó dám thách thức tất cả.
Mấy cái ngày này, đặc biệt là những tháng gần đây nhất, mới thấm được câu bần cùng sinh đạo tặc. Trước giờ, chả biết thiếu tiền là gì, nghèo là gì. Cho đến khi tôi thấy ấm ức trong lòng và quyết không xin bảo hiểm trừ trường hợp nguy hiểm đến tính mạng hoặc việc học tập. Tôi bóc lịch cho đến cuối tháng. Bần cùng sinh đạo tặc, tôi chỉ cười nhạt và khinh thị những con người tầm thường đó. Tôi nghĩ nhiều người chưa nghèo bao giờ, thì cũng chưa hiểu điều đó. Khi mà bạn đói quá và tất cả mọi thứ, tất cả sự vật, sự việc đều quay lưng với bạn thì phải làm sao? Một người chị, khi offline Spiderum ở Hà Nội có chia sẻ với chúng tôi; khi đi làm, thì không hiểu sao những giá trị về đạo đức của mình đều trở nên một cách nào đó không đúng. Thôi không nói cái này nữa, tôi cũng chưa hiểu và chưa dám bình luận nhiều. Nhưng mà, không đánh mất nhân phẩm của mình dù cho có đói đến đâu. Ở đây không phải là bảo vệ cái tôi cho đến chết thì thôi. Nếu có thứ để giữ lại lúc này thì chính là lòng tự trọng.
Những ngày tháng này khiến tôi nghĩ tiền là không quan trọng. Bạn không có tiền đổ xăng đi học thì đi bộ đến trường, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường, vừa khỏe nữa. Hoặc đơn giản hơn là gọi bạn đến đón đi học (cười). Cái này gọi là nội lực không cao nhưng ngoại giao tốt. Bạn muốn mời đứa bạn gái mình thích đi chơi thì cũng đâu cần nhất thiết là phải mời đến chỗ sang trọng thì bạn mới đến, đôi khi chỉ cần dạo bước trên phố, rồi gửi nhau chút môi chạm môi khi chia tay, tôi chỉ ví dụ thế. Hoặc bạn có thể bắt bạn ấy mời bạn (cười). Bạn muốn đọc sách nhưng không có tiền mua thì đi mượn, đi tải pdf lậu, đi thư viện. Tiền không quan trọng bởi nó cũng chỉ là phương tiện, không phải công cụ để đạt điều bạn muốn. Không đi ô tô thì ta đi tàu trên cao. Solo tốc độ không? Tao đi được 37km/h đấy. Đố mi chạy được quá 40 trong nội thành đấy.
Những ngày tháng này lại khiến tôi trào dâng một cái suy nghĩ nữa, tiền là quan trọng. Tiền là phương tiện đa năng. Có tiền thì bạn có thể đổi phương tiện, đi xe đạp chán thì nhảy sang đi Ferari hay Lam-bô-ghi-ni. Có tiền rồi thì không cần đi tải sách lậu nữa mà mua sách thật để ủng hộ nhà xuất bản, để ủng hộ các nhân viên trong nhà sách, các nhà viết sách, những người làm giấy, những người trồng cây. Có tiền rồi thì có thể sang Pháp uống café, ngắm tháp Effiel. Có tiền rồi thì có thể mời những người tôi kính mến đi ăn. Có tiền rồi thì sau này lập gia đình, con cái, vợ chúng ta cũng không phải vất vả để có cái ăn, cái học. Có tiền rồi thì cuộc sống là để tận hưởng. Nhưng không hiểu sao, thần tượng của tôi, một anh chàng chỉ hơn tôi 6 tuổi, bảo là, có tiền rồi nhưng lại không biết nên tiêu vào gì. Đó có phải là bi kịch không?
Trong lúc này là cái bụng của tôi đang no nên có hơi thiên vị cuộc sống. Dù có nghèo hay không nghèo, dù có giàu hay không giàu, dù có không giàu không nghèo thì chúng ta đều có quyền no bụng phải không? Bố mẹ chúng ta có phải kỳ vọng chúng ta sau này phải kiếm tiền tỷ đâu, có phải nhà lầu xe hơi đâu, có phải đem tiền về cho bố mẹ đâu. Tôi nghĩ họ chỉ mong chúng ta no bụng thôi.