của tháng Mười-hai năm 2017
***
4 giờ 48 phút sáng. Gã tỉnh dậy bởi một phản xạ tự nhiên đứt đoạn của tuần jet-lag thứ hai, rồi đọc những dòng trạng thái miên man trên trang cá nhân của người nọ bằng một thói quen mong manh của tiềm thức. Gã không còn kìm được dòng chảy cảm tính của mình nữa, trong khi phần lý tính lại chẳng thể giải thích được cái biến cố phi tuyến tính vừa xảy đến. Gã khóc cho một sự đã rồi, còn trái tim thì quặn thắt lại bởi những dòng máu đen đặc xoáy tròn đang làm tắc nghẽn từng huyết mạch trong chính thân xác ấy.
Hai tuần, một mẩu thời gian ngắn củng cỡn đến trớ trêu mà gã chưa bao giờ lường trước. Từ hai phía của những sự việc đã rồi, hai kẻ trong cuộc nhìn nhận bằng hai đôi mắt khác nhau, như việc họ từng xem tranh lập thể, cái viễn ảnh họ hình dung, câu chuyện mà tâm hồn họ lưu giữ rồi thuật lại, ừ thì, khác nhau. Hiển nhiên. Thật nghiệt ngã. Ai là người sai trong chuyện này, không phải người kia, là gã. Bởi khối mâu thuẫn đã xảy ra hay bản thân câu chuyện này là mâu thuẫn hoặc chính sự tồn tại của gã đã là khởi nguyên của mâu thuẫn rồi. Những câu chuyện như vậy xảy ra trong cuộc đời gã chưa nhiều, nhưng bản thân gã luôn mang trong lòng những tội lỗi lớn lao. Những vòng tròn cứ thế quay đều và lặp lại cho những câu chuyện không đầu cuối của một tuổi trẻ lạc lối cùng những quy hồi vĩnh cửu. Gã. Không hề biết mình đã lạc vào Vùng trung tính tự bao giờ. 
***
Có lẽ, từ cái khi đọc về Caulfield, gã không ngờ, cái đứa trẻ trong con người gã lại trỗi dậy nhiều như vậy. Đứa trẻ ấy, hoặc là chính gã của ngày xưa hoặc là chẳng có ngày xưa nào cả mà chỉ là gã và gã suốt bao năm tháng mà thôi, dần hiện ra rõ nét, từ cách mà nó nghĩ, niềm tin hồn nhiên vào cuộc sống và dĩ nhiên là cả những hành xử thiếu kiểm soát trong mọi việc. Thật nực cười, đôi lúc gã, hay có thể là nó, cảm thấy nhập nhằng trong lành ranh của sự trưởng thành để cố diễn tròn vai tấn tuồng của số phận mà gã là kép chính. Gã còn quá đỗi non nớt để chiêm nghiệm một điều gì đó vĩ đại về tình yêu, à mà không, tình yêu có chăng cần những tình cờ bé nhỏ hơn là những kỳ vọng lớn lao. 
Rồi sẽ còn nhiều đêm nữa, trong những cuộc nói chuyện với chính mình, vẫn tồn tại những đối thoại kiểu như: - Vâng, đồ khốn, lại là thằng Holden Caulfield gây ra cho mày những rắc rối đây mà. - Không, chính tao là một Caulfield. Có lẽ đứa trẻ trong gã không thể nào chết đi khi gã lớn lên, nó mãi nương mình đâu đó trong tiềm thức, và chỉ đợi một lúc thích hợp để gã nhận ra sự tồn tại vĩnh cửu phi chi lưu của nó trong dòng chảy số phận mình mà thôi. 
***
Lại một lần nữa, những thanh âm của sự im lặng giết chết con cừu non nớt trong gã. Tựa hồ việc gieo hạt mầm trong cái hộp  Schrödinger để gã không ý thức được cơ hội tồn tại của nó, sự im lặng, lần này, đã tạo nên một mớ hỗn độn chập chờn không thể giãi bày. Gã bất lực, và phó mặc, vì sự tự ti đã trói chặt gã vào một suy nghĩ cố hữu rằng việc gã nói ra điều gì đó cũng không thể biểu đạt hết được những gì gã nghĩ, hay khiến những người nọ hình dung được con người bên trong gã. Và thật sự, trong những mơ hồ gã hiểu về câu chuyện vừa xảy ra, những điều gã từng nói với người nọ càng khiến con người bên trong gã mâu thuẫn. Rồi chính những mâu thuẫn, những thanh âm của sự im lặng và cái đứa trẻ trong gã đã dìm chết cái ánh sáng le lói của tình yêu trong dòng ngân hà lãng đãng của số phận như thế.
***
Dường như, điều khiến gã trăn trở nhất lúc này là tính chính danh của bản thể tồn tại trong gã hoặc hoạ chăng là bản thể ấy không hề tồn tại. Gã từng huyễn hoặc khái niệm hằng hà những tính chính danh trong suốt ngần năm trời. Nhưng rồi, những việc đã xảy ra, dù đáng lẽ nó đừng nên xảy ra, như một cơn bão quét sạch mọi đền đài trong thế giới quan của gã. Một lần nữa gã không có khả năng khái niệm hóa khối bản thể ấy. Gã là ai và sự tồn tại của gã trong cuộc đời này mang dạng thù hình gì? Có lẽ chỉ đến khi gã dùng ngọn lửa Prometheus để đốt sạch cho đến trần trụi cái thân xác bệ rạc bên ngoài, cái hình hài của con bọ bên trong gã mới được hình dung. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì, khi càng bóc tách những lớp vỏ thời gian bám vào con bọ ấy, gã chỉ thấy bao tổn thương nguyên sinh chưa được chữa lành. Trong khi bê bết máu những tổn thương thứ sinh đang thành hình. Để rồi, khi gã nghiêng mình một lần nữa qua khe cửa sổ khép hờ, một kẻ lạ nào đó bước nhầm vào khu vườn tâm hồn gã sẽ bắn những mũi tên xoáy thành hàng loạt những tổn thương phái sinh khác. Thật khốn nạn. Con bọ sẽ chết khi chưa kịp hóa thân. Vì vài người xung quanh mà gã từng biết và đã biết, kể cả những người nọ kia, luôn nhìn gã bằng ánh mắt xám xịt và sắt lẹm, cứa vào nhân phẩm gã bằng những định nghĩa hay khái niệm mà theo họ là chúng đáng-được-gọi-như-thế nên mới được gọi như thế. Nực cười, tráo trở và đê tiện thay, cái thế giới mà gã đang sống, một cách khốn cùng, dần đẩy lùi gã vào bức tường than khóc của sự thọ uẩn, để gã san sẻ hơi thở thoi thóp của mình với đom đóm Ray bé nhỏ, le lói thứ ánh sáng thứ yếu mà không thôi ảo mộng về tình nhân Evangeline vĩnh cửu của nó. Hoặc có lẽ con bọ trong gã chưa bao giờ có thật cả.
***
Gã cảm thấy mình khờ khạo. Mọi thứ không nên được toan tính. Gã luôn tin vào điều ấy. Chết tiệt. Chắc có lẽ không phải vì vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Gã mơ hồ vụt mất những khuôn mặt xa xỉ nơi khu vườn tâm hồn ngoài kia. Mà vì sự thành thật đến ngây thơ trong những câu chuyện gã kể và những giải bày không được đáp lại bằng niềm tin hay sự chân thành. Gã đã nói những gì không cần nói và khi cần nói lại im lặng phó mặc cho sự khốn nạn cùng cực của số phận và duyên ưu. 
***
Người nọ đã nói quá nhiều về chính bản thân họ. Nói với tất cả mọi người, nói với gã và tự nói với chính mình. Những người chỉ biết nói về mình là những người chỉ biết nghĩ về mình. Vị kỷ. Người nọ đã tự biến mình thành thứ mẫu vật được phủ bởi vài lớp nhựa bóng bẩy giả tạo trong bảo tàng của những kẻ ái kỷ. Gã. Sau một thời gian dài phải thừa nhận đó là sự thật. Và gã tự hỏi, còn có bao nhiêu gã khác như gã. Một bẫy sóng hấp dẫn mà gã đã bị dính vào. Rồi sẽ mất một thời gian rất dài để tìm thấy sự cân bằng trong tư tưởng. Không. Gã không muốn làm một kẻ vị kỷ. Vì bản ngã trong gã đã chết từ lâu rồi.  
***
Vậy là gã chọn đi Đà Lạt. Một mình. Cho một hành trình không đầu cuối. Trong suốt chuyến đi, gã không thôi nghĩ ngợi về Vụ án và Suối nguồn. Kafka vốn dĩ chưa bao giờ muốn mình trở thành một tác gia trong khi Ayn Rand thì không thôi tham vọng điều ấy. Một kẻ Hiện sinh như gã rõ ràng không nên tìm đến một người Khách quan chủ nghĩa hay đúng hơn Vị kỷ chủ nghĩa. Bời nếu không sẽ dẫn đến những xung đột như những chuyện vừa xảy ra. Không một sóng hấp dẫn. Trái tim và bộ não gã vỡ tan.
***
Trong bộ phim Y mà gã từng xem. Hai nhân vật chính rốt cuộc không trở về với nhau như những hợp tan trên đỉnh nước lớn nơi dòng chảy thành hình số phận họ. Một trong hai đã thốt lên Những kẻ cô đơn đều giống nhau cả. Có lẽ sự giống nhau ấy chỉ là tương đối cho những gì bản năng nhất trong mỗi cá thể. Đôi lúc người ta không hình dung được mình đã làm gì để thỏa mãn khao khát cho cái tôi ích kỷ của mình, để tình yêu là một phép thử, một trải nghiệm hay một ký ức sưu tầm được ư. Vậy thì đau đớn quá, cho những dung hình trầm tư mặc tưởng chết dần và già cỗi trong cõi xuân xanh như gã.
***
Không ai lại hy vọng vào một tình yêu chết yểu. Nó giống như đá khói vậy, cho ta cái mơ hồ cảm nhận nhưng không bao giờ giữ được một chút dấu vết. Mà có lẽ vốn dĩ không có tình yêu nào như đá khói cả hay nói cách khác những gì gã trải qua không phải là một chiêm nghiệm của tình yêu dù người nọ có nói những lời thề nguyền tuyệt đối đầy bóng bẩy. Gã. Sẽ không bao giờ thốt lên với một người mà gã thương yêu thật sự về tình cảm mà gã dành cho họ thay cho hành động. Gã. Sẽ không còn tin vào những phép thử trong mọi mối quan hệ nữa, nó quá đỗi nguy hiểm cho những diễn thế thương tổn sẽ xảy đến. 
***
Sau này, gã nên kể lại cho con gái mình một câu chuyện dụ ngôn về một thời xa xưa không có thực, khi mỗi người mang bên mình một cái bình siêu hình, họ luôn tìm cách khoe mẽ chiếc bình ấy nhưng chưa bao giờ có ý định cho ai khác chạm vào nó cả. Con người ta sợ sự đổ vỡ của nhân phẩm. Nhưng họ lại đánh bóng sự tồn tại của mình bằng những sức mẻ rời rạc, những hào nhoáng của một xã hội đại chúng qua loa giả hiệu. Còn con người gã. Gã đập hết cho tan tành cái bình ấy. Để gã được tồn tại trong cái ý niệm cũ kỹ của Kafka và có thể của chính gã. Một sự tồn tại không có thực. Vô ngã vĩnh hằng.
***
Đâu hết rồi, những niềm tin, giờ đây, gã như một kẻ tử vì đạo vạ vật bên đống tro tàn của chốn đền thiêng ngày nào. Bàn tay gã, sẽ còn sưng tấy một thời gian dài nữa khi gã cố đào bới lại, từ đống tro tàn ấy, những mảnh vụn ký ức còn sót lại của câu chuyện đã qua. Mà kỳ thực, làm gì có những mảnh vụn như thế.
Đôi lúc, trong những giấc mộng đêm hè, nơi Nam bán cầu, gã trở mình, không nhận thức được hai tuần nọ có thực nên tồn tại trong cuộc đời mình không. Nếu nó chỉ là một tệp ký ức và tâm trí gã là những đám mây dữ liệu, gã đã xóa sạch nó ngay lập tức rồi. Không để lại một dấu vết nào cả. 
***
Sau những chuỗi ngày đằng đẵng như vậy, con thuyền tâm sự mãi không thể chìm vào hư vô, gã cứ ôm lấy những điều hoang tưởng, giữa một ốc đảo bệ rạc của niềm tin. Gã mơ hồ hoài nghi về duyên trở với đồng loại của mình, con người, gã không còn rõ con người có thực sự sinh ra để đem an yên đến cho nhau hay mối quan hệ giữa họ chỉ là sự va đập giữa cơn bão mà mắt bão chính là khoảng lặng cho những cái tôi ích kỷ được thét gào. Mỗi người rồi sẽ tìm được tri giao cho mình. Hẳn ấy là những phủ dụ giả dối từ đấng sáng thế ngủ gục ở chốn đền thiên bấy lâu trong gã. Niềm tin về tri giao tri kỷ. Nó chết dần. Vì đấng sáng thế kia đã chết từ lâu rồi. Hoặc hoạ như đấng sáng thế ấy cũng không bao giờ có thực.  
Sau cuối, chỉ khi mọi việc dần khép lại gã mới mơ hồ hình dung những gì đã xảy ra nhưng phải chăng không một Chúa trời nào có thể cứu vớt được nó cả. Hấp hối rồi, con bọ sẽ chết thôi, từ hôm qua, ẩn trong câu chuyện mùa hè, nơi mắt bão, dưới trời sao, giữa những thanh âm của sự im lặng và lưng chừng viễn mơ...