Có bao giờ chúng ta bất chợt ngước lên bầu trời và tự đặt câu hỏi cho chính mình: Đã bao lâu bạn không ngắm nhìn nó... như bây giờ?
Dòng người tấp nập như cuốn con người ta vào vòng xoáy của thời gian. Mà mọi người biết rồi đó, vòng xoáy bao giờ trông cũng thật dữ dội và đáng sợ. Bị cuốn vào càng sâu thì sẽ càng nguy hiểm, tốc độ sẽ càng nhanh và ta sẽ càng khó mà thoát ra được. Giống như việc, một con virus một khi đã xâm nhập vào một cơ thể con người, thì tốc độ lây lan của nó sẽ rất là nhanh, đến nỗi khi ta phát hiện ra nó thì cũng là lúc cả thế giới chật vật với bệnh dịch rồi. Không biết vì lí do gì, mà có vẻ như thời đại càng tiên tiến, thì con người lại càng bận rộn hơn thì phải. Nhịp sống cũng dựa vào cái sự bận rộn đó, mà ngày càng nhanh như chó chạy ngoài đồng vậy. Nhớ lại những ngày mà mình còn đang được học về tổ tiên ta thời tiền sử - người tối cổ thì họ ngoài việc săn bắt, hái lượm ra cũng chả phải suy nghĩ nhiều như cái thời của tụi mình. Dường như, con người càng phát triển thì cái tháp nhu cầu nó lại phải tăng thêm một bậc - chả vì lí do gì, chỉ đơn giản là nó phải như vậy. Nếu như người tối cổ chỉ cần giải quyết cái nhu cầu sinh lý của bản thân (thức ăn, nước uống, nghỉ ngơi) thì chúng mình phải chật vật với những nhu cầu bậc cao hơn như: nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện bản thân
Vậy từ khi nào nó lại xuất hiện những cái nhu cầu như vậy? Còn không phải từ khi các định nghĩa về chuẩn mực xã hội ngày càng nhiều hay sao? Có ai dám đứng lên nói rằng, mình chưa bao giờ là nạn nhân của chuẩn mực xã hội không? Thử nghĩ nha, khi chúng ta về quê, câu hỏi đầu tiên mà cô chú họ hàng, hàng xóm láng giềng hỏi bạn là gì? Có phải là: Đang làm ở đâu? Lương tháng bao nhiêu? Khi nào lấy chồng/ vợ hay không? Tuy chúng ta nghĩ là bản thân không quan tâm đến chuyện đó, nhưng khi chúng ta có công việc ổn định, lương cao và yên bề gia thất thì chúng ta sẽ đối diện với những dạng câu hỏi như vậy với thái độ thoải mái hơn mà đúng không? Vậy tại sao chúng ta lại khó chịu? Còn không phải, chúng ta cảm thấy không được tôn trọng, tự ti và chưa thể hiện được năng lực của bản thân hay sao? Chúng ta cảm thấy có lỗi vì để người khác xem thường cha mẹ mình và cũng như chính bản thân mình. Vậy cái mà chúng ta dằn vặt đó, không phải xuất phát từ chuẩn mực xã hội hả ?
Con người thì suy nghĩ ngày càng nhiều, làm việc thì cũng auto bật chế độ đa nhiệm. Chúng ta cứ phải cố gắng giành giật từng phút từng giây với thời gian để mong cho bản thân có thể vượt trội hơn người. Ủa? Bạn là siêu anh hùng à ?
Rồi dần dần, khi bạn quay đầu nhìn lại, bạn có thực sự vui với những thành tích, những tấm bằng khen, những chức vụ cao chót vót mà chỉ có bạn mới biết, mình đã trầy trật đến mức nào mới có được nó chưa? Có bao giờ bạn tự hỏi là: Liệu mình có muốn sống một cuộc sống như thế này hay không? Hãy thử nghỉ làm một ngày, và rồi đưa bản thân mình vào trạng thái rảnh rỗi. Lúc đó, bạn có biết là bạn muốn làm gì không? Bạn có hiểu bản thân thích cái gì và muốn đi đâu chưa? Hay là nằm một đống, trong đầu hiện lên những suy tư không tên, những cảm xúc ngổn ngang, mơ hồ. Loanh quanh trong nhà, hết ăn rồi lại uống, chán thì lại lăn ra ngủ... Nghe sao mà nản quá vậy nè! Nhưng mà nói thiệt đi, bạn đã từng có những ngày không tên như vậy rồi mà đúng không?
Dần dần, cảm xúc của con người ta ngày càng mất đi cái giá trị ban đầu của nó. Những ngày không vui mà cũng không buồn ngày càng nhiều, hiếm khi có bữa nào ta lại được tụ tập với đám bạn mà nhậu nhẹt cho tới tận sáng, vừa uống thật say, vừa được khóc lóc bộc bạch cõi lòng của mình. Chúng ta bây giờ, kiếm được một hội bạn thân đã khó, chứ đừng nói gì là những người cho ta cảm giác thật sự tin tưởng. Lòng tin, ngày càng trông thật rẻ mạt trong mắt con người. Nó như một món đồ chơi cũ kĩ, vui thì người ta đem ra chơi đùa, còn một chút giá trị thì đem ra đổi chác, buôn bán nếu được giá. Nhưng mà họ vốn quên mất rằng, có một số món đồ, nó càng cũ thì nó càng có giá trị. Và nó chính là một món đồ cổ mà không có cái giá nào có thể xứng đáng với giá trị thực sự của nó cả.
Sao có thể trách chúng ta được, vốn dĩ công nghệ ngày càng tiên tiến thì những thứ như cảm xúc sẽ lại trở nên phức tạp đối với các vị giáo sư hay các nhà bác học đó thôi. Họ có thể tạo ra hàng ngàn con rô bốt đó, nhưng đã bao giờ họ lắp trái tim cho nó chưa? Họ có thể tạo ra những cỗ máy giải quyết mọi công việc cho chúng ta. Nhưng họ có làm chúng ta khóc hay tổn thương được không? Họ có làm cho chúng ta cảm động hay tức giận được không? Đương nhiên, trừ khi cái máy mà chúng ta đang sử dụng... nó tệ. Nhưng ý mình nói ở đây là, bằng một cách trực tiếp nào đó. Thì những cỗ máy này, không tác động đến cảm xúc của chúng ta, cảm xúc thật sự.
Khi chúng ta ngước nhìn lên bầu trời, bạn cảm thấy thế nào? Nó trong lành, nó thanh bình, nó xanh, nó nhẹ nhàng hay nó an yên như tâm hồn bạn bây giờ? Hãy cứ nói lên cảm xúc của bạn ra đi! Hãy đặt tên cho nó! Nó vốn là một báu vật có tên mà ? Tại sao chúng ta không cảm nhận thật kĩ và đặt tên cho nó chứ? Hãy đặt tên cho nó, và cho tôi biết là, bạn có thích cái cảm giác đó hay không? Bạn thích điều gì? Bạn muốn làm gì? Và phải làm gì thì bạn mới thực sự là chính mình? Mới thực sự hạnh phúc ? Nếu khó quá thì hãy viết nó ra. Hãy nói với cả thế giới rằng, cái chuẩn mực ngu ngốc đó không gục ngã được bạn. Và bạn, sẽ không bao giờ đánh mất đi bản chất của chính mình, hay mất đi cảm xúc vốn có của một con người. Rô bốt là do con người chế tạo ra, ta sở hữu những món đồ bằng sắt đó và chúng không thể nào thống trị được con người. Vì cái chúng ta có còn bọn chúng thì không chính là cảm xúc, là trái tim, là sức mạnh của tâm hồn. Vậy nên, nếu như bạn đang cảm giác mình đang sống trong những ngày tháng trống rỗng, hãy dừng lại một vài giây và đặt tên cho những ngày còn lại nhé! Tôi hy vọng là bạn sẽ không còn những ngày không tên nào nữa.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất