Này, cậu đã thực sự nhìn thấy xác chết bao giờ chưa?
Tôi chưa một lần nhìn thấy xác chết. Cũng chưa từng có mặt ở trong đám tang. Tất cả chỉ là những bông hoa bách hợp, mùi hương trầm lẩn khuất trong không gian khi tôi nghĩ về sự ra đi của một người.
Nhưng ba mẹ đã không mua lily. Thay vào đó, lọ hoa đầy những bông cúc vàng được đặt trên bàn thờ vào ngày giỗ ông, giỗ bà. Còn cả bát canh miến, dĩa thịt gà luộc, chả cuốn chiên,… cùng làn khói mỏng tỏa đi bốn phương vẫn còn in đậm trong ký ức. Tôi từng chỉ nhìn thấy một nghi lễ từ xa xưa, cảm nhận một cái chết mơ hồ quanh quẩn, cho đến khi đủ trưởng thành để thấu hiểu sự lặng yên của ba mẹ trước di ảnh ông bà. Những nếp nhăn, cơn đau lưng kéo dài, những đêm trường mất ngủ, cuốn sổ khám bệnh mỗi lúc một dày hơn… đang thay nhau hoàn thiện bức tranh của sự mất mát tôi biết mình sẽ phải đón nhận, một ngày không xa.
Đó là một việc nghĩ đến thôi đã thấy đáng sợ rồi.
Có lẽ vậy.
Nhưng khi hình dung về sự ra đi của những người tôi yêu, nỗi sợ hãi đứng trước một xác chết bỗng trở nên vô hình trước nỗi đau đang hiển hiện quá rõ nét. Hiện diện trong vòng tay ôm mẹ từ phía sau, chỉ còn là khoảng không trống trải. Khi lắng nghe giọng hát karaoke của ba, chỉ còn là căn phòng lấp đầy sự lặng im. Khoảnh khắc đứng trong gian phòng nơi quần áo bẩn vứt bừa bộn qua một ngày, hai ngày, ba tuần, bốn tháng, không nghe một lời la mắng. Giây phút nhìn bao thuốc lá hút dở trên nóc tủ bụi phủ dày, thêm một điếu, cũng chẳng buồn mất đi. Có lẽ Trái Đất đã ngừng hẳn sự chuyển động của mình. Thì khi đó, tôi sẽ muốn ngồi bên quan tài để được nhìn thấy ba mẹ suốt quãng đời còn lại, như quãng đời trọn vẹn mình từng sở hữu.

Nhưng ba mẹ đã không làm vậy. Không một ai làm vậy. Và tôi chắc chắn mình cũng không. Bởi cái chết và xác chết không phải luôn song hành. Tôi có thể nhìn thấy xác chết bất kỳ đâu, nhưng chỉ thực sự cảm nhận cái chết khi mất đi người quan trọng của đời mình. Trong khoảnh khắc mơ hồ nhìn thấy chính mình là người đứng trước bàn thờ kia, và bóng dáng ba mẹ nằm lặng yên nơi ông bà đang ở, tôi chợt hiểu. Không phải mê tín, cũng không phải truyền thống từ xa xưa, tôi chỉ đang dùng những việc làm vô nghĩa, cố gắng cảm nhận rằng ba mẹ vẫn đang hiện diện. Cố gắng sống lại trong những ngày giỗ năm xưa khi từ phía xa nhìn ba, mẹ chắp tay cầu nguyện.
Tôi đã không thể quen với sự hụt hẫng khi nhấn vào từng số điện thoại thân thương, dù bao nhiêu lần, không thể nghe được tiếng nhấc máy. Không thể ngừng mong đợi đến tuyệt vọng một bàn tay mát lạnh sờ lên trán khi lên cơn sốt lúc nửa đêm. Cố gắng lắng nghe để tìm thấy thanh âm lấp đầy sự tĩnh lặng khi bước vào nhà lúc phố thị lên đèn… Hóa ra, sự sống không nằm ở đôi mắt hay khuôn miệng; cũng không nằm trong bộ quần áo hay kiểu tóc ấy. Là tất cả những yêu thương tôi được nhận, là tình cảm mà tôi đã trao đi. Hiện diện trong những kỷ niệm, trong thời gian lẫn không gian tôi và ba mẹ cùng nhau san sẻ. Để hiểu rằng, thứ mất mát lớn nhất vốn chẳng phải thân thể đã bị chôn vùi dưới nấm mộ xanh cỏ kia. Bởi đó chỉ là xác chết – một cơ thể mất đi sự sống. Điều tôi sợ nhất chính là phải đối diện với cái chết suốt quãng đời còn lại. Cái chết, không chỉ là mất di sự sống. Là mất đi sự sống đã từng thuộc về mình.
Như mỗi ngôi nhà đều gắn liền với một địa chỉ rõ ràng, sự tồn tại của một người luôn đi cùng những sự sống cụ thể khác. Những người không phải chỉ là một cái tên, hay một vài bức ảnh chân dung mỗi khi tôi nhớ về. Bởi tôi không đủ sức đi hết thế gian rộng lớn, trái tim không đủ rộng yêu thương toàn nhân loại, và quá nhỏ bé để tất cả mọi người trân trọng sự hiện diện của mình. Vậy nên, những vòng bánh xe đều dẫn lối tôi về ngôi nhà có bậc thềm cũ kỹ dưới giàn mướp xanh lơ. Nhưng rồi địa chỉ ấy cũng trở nên xa lạ khi gia đình tôi chuyển nhà. Suy cho cùng, tôi không trở về vì những bức tường sơn trắng, bộ bàn ghế gỗ hay hàng cây mọc um tùm ngoài hiên. Mà bởi nơi ấy có hình bóng ba mẹ hiện lên trong tiếng FM rè rè, cùng mùi thức ăn quyện khói bếp phảng phất trong không gian. Cho đến ngày tôi không thể tìm được hình ảnh ấy nữa, dù địa chỉ nhà vẫn rõ ràng trong trí nhớ, trái tim không biết điều khiển đôi chân nên đi đâu những giờ tan tầm.

Nhưng thật may tôi vẫn còn anh em, còn người bạn thân cùng trải qua biết bao nhiêu sóng gió. Những địa chỉ nơi trái tim tôi tìm về, để không thành kẻ mồ côi dẫu ba mẹ qua đời.
Giống như ông bà không còn để ba mẹ được làm con, nhưng họ đã tìm thấy nhau, để trở thành vợ, thành chồng của người còn lại, và có tôi để trở thành đấng sinh thành với đầy trách nhiệm và lo toan…. Giống như trái tim tôi giờ đây, đã tìm thấy sự thân quen và muốn gắn bó trọn đời với một con người khác. Cho dù ký ức cả hai nắm giữ, vốn không phải chỉ toàn hạnh phúc và niềm vui. Nhưng là cảm giác hết lòng vì một người, và một người hết lòng vì mình. Cảm giác của gia đình. Có lẽ, nhiệm vụ của yêu thương chỉ đơn giản vậy thôi, tìm một nơi cho trái tim mình thuộc về. Để vượt qua hết những mất mát của tử biệt sinh ly. Là những địa chỉ dù thời gian tàn khốc bao nhiêu, chẳng thể nào xóa hết dấu vết. Không một ai ở bên tôi trọn đời, nhưng tôi sẽ nhớ đến trọn đời người mình từng yêu thương.
Giờ đây, phải chăng đáy mắt ba mẹ vẫn hiện lên bóng lưng cong trong khoảng sân đầy nắng? Chiếc nón lá cũ sờn dưới những hiên nhà ướt cơn mưa? Hay từng vòng bánh xe liêu xiêu đi giữa con đường vàng rơm rạ khi lặng nhìn di ảnh của ông bà?
Này, cậu đã nhìn thấy xác chết bao giờ chưa?
Tôi chưa một lần nhìn thấy xác chết, nhưng đã dần cảm nhận được cái chết đang đến gần. Vậy nên, tôi dành thời gian nhìn ba mẹ kỹ hơn, khắc sâu vào lòng từng ánh mắt và nụ cười, từng cử chỉ lẫn dáng đi. Cố gắng ghi nhớ tất thảy những thanh âm đang phát ra quanh mình. Tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa, tiếng nhạc karaoke, ngay cả tiếng càm ràm hay những lời la mắng. Giây phút này đẹp như một giấc mơ. Hay tôi chỉ đang sống trong ký ức của chính mình?
Dạ Phong.
Nguồn bài: Blog Hai thế hệ