Tiêu đề và chủ đề này quá phổ biến đến nỗi sẽ có những người không muốn click vào đọc vì sẽ thấy 80% nội dung mình đã biết hoặc đã đọc ở đâu đó rồi, chứ còn phải đọc lại mấy cái bài kiểu này để làm gì nữa?
Xin thưa, mọi người nghĩ đúng rồi đó. Tôi hoàn toàn hiểu và chấp nhận những suy nghĩ này vì chính tôi, trước khi đặt chân đến nơi này, cũng cảm thấy những thứ tương tự khi đi mày mò tìm hiểu về kinh nghiệm du học. Vâng, và chính cái sự du học khiến con người ta đâm ra cô đơn và muốn viết, muốn chia sẻ nhiều thật nhiều, dù có là lảm nhảm và lan man bao nhiêu đi chăng nữa.
Trước khi du học, rõ ràng chẳng mấy ai nghĩ nhiều tới những khó khăn trên đất khách quê người, mà chỉ nghĩ đến những viễn cảnh tươi sáng ở những xứ văn minh. Đương nhiên là tôi cũng nghĩ vậy, tôi cũng háo hức, muốn được kiểm chứng những gì mình đã được đọc trong những trang sách, được nghe trong những câu chuyện mà những người đi trước kể lại. Sống trong lòng một quốc gia cộng sản nhiều kìm kẹp, người ta chẳng thể nào không nghĩ về tự do, về bình đẳng, về cơ hội được biết khả năng của mình đang ở đâu và có thể vươn xa đến đâu. Nhưng sau những cú vả vào mặt từ khác biệt văn hóa, khác biệt lối sống hay rào cản ngôn ngữ, chỉ có những kẻ kiên nhận và chịu đựng nhiều hơn mới có thể bắt đầu nghĩ đến một tương lai xán lạn hơn.
Nhưng kiên trì chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Nó là kết quả của một ý chí sắt đá và mãnh liệt hướng đến một mục tiêu xác định, thứ mà tôi luôn hoài nghi liệu mình có đang sở hữu. Khi bạn có ý tưởng nhưng không thể thể hiện chúng ra một cách đầy đủ và mạch lạc? Khi những người xung quanh cười phá lên vì một câu chuyện nhưng bạn còn chẳng hiểu tại sao nó lại buồn cười? Khi tất cả những đứa cùng lớp đều hiểu và biết phải làm gì trong một bài kiểm tra, phải trình bày ra sao, cấu trúc như thế nào nhưng bạn hoàn toàn mù tịt? Nếu được quay lại cách đây một năm, khi đọc những điều này với sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn, có lẽ tôi đã không ở đây. Xa gia đình, người thân, bạn bè, rơi vào một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt với những sự kỳ thị luôn sẵn sàng hiện hữu, chúng ta cần điều gì để phải đánh đổi chịu đựng những điều này?
Cho đến giờ, tôi không nhớ rõ thời điểm hay khoảnh khắc cụ thể nào đã khiến tôi quyết định rằng mình sẽ học tiếng để đi du học. Nhưng tôi nhớ cảm giác lúc đó, cũng chính là cảm giác tôi cố gắng tìm lại mỗi ngày để hàng ngày đối mặt với những cú vả: sự nhiệt huyết và thích thú được khám phá. Tôi không thực sự thích du lịch hay thăm thú những địa điểm mới lạ, nhưng tôi luôn hào hứng khi bắt gặp những tri thức, tư tưởng đầy mới lạ và cuốn hút trong khoa học pháp lý ở phương Tây. Mỗi quy tắc pháp luật không chỉ tồn tại tự thân mà phải nằm trong một hệ thống logic và lý trí. Mỗi hệ thống đó lại được xây dựng nên từ những nguyên tắc, mỗi nguyên tắc là kết quả của một tập hợp những yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị mà tất cả, tất cả đều xuất phát từ sự sáng tạo của con người.
Pháp luật, về bản chất, là một giả tưởng, được hình thành bởi con người, những sinh vật đầy mâu thuẫn và khuyết điểm. Chúng nghĩ ra luật pháp để hạn chế những mâu thuẫn đó, để giúp chúng sinh tồn và để biến chúng trở thành kẻ thống trị trong chuỗi thức ăn của tự nhiên. Một trong những điều tôi ham muốn nhất, bên cạnh tiền tài và danh vọng, là được sở hữu phần nào hệ thống tri thức vô hạn ấy. Chính cảm giác thích thú và hào hứng khi nghĩ rằng sẽ có cơ hội được tiếp cận dần với nó là liều thuốc giữ cho tôi còn cố gắng cho đến hôm nay.
Vậy đi tìm lý do cho sự cố gắng này là giải pháp cho những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực khi du học? Các bạn có thực sự nghĩ vậy không?
Tôi không biết, và cũng chẳng thể biết được vì tôi cũng chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này ở tháng thứ ba. Tôi chẳng thể nào đưa cho các bạn câu trả lời cho câu hỏi ở trên. Nhưng sau bài thi đầu tiên với kết quả có lẽ không khả quan, cũng chỉ cần viết mấy dòng trên đây thôi tôi cũng phần nào được giải tỏa...
Một nơi nào đó ở châu Âu, ngày 8 tháng 11 năm 2019.