Hồi bé, mình rất lười tắm. Nhưng tắm tất niên thì không bao giờ trốn khỏi tay mẹ! Lớn thêm một chút, thấy tắm tất niên nó cũng hay hay. Kiểu cảm giác trút khỏi mọi bồn bề lo toan, "đất" nặng ở sau lưng. Để nhẹ nhàng khoan khoái mà bước sang năm mới.
Bếp củi nấu bánh chưng xong, mẹ sẽ đun một nồi nước lá thơm thật to. Có mấy bụi sả, lá mùi già, nắm lá bưởi, vỏ bưởi phơi khô, bồ kết, mấy loại lá kiếm ở trong vườn, hương thơm quyện vào nhau. Nước sóng sánh, óng ả, nóng già. Vừa dùng gội đầu vừa pha ra làm nước tắm. Thích nhất là gội xong, vừa thơm vừa mềm. Cái kiểu bồng bềnh, tóc tơi đến nỗi mà bao nhiêu tóc con lởm chởm cứ dựng hết cả lên, tự nhìn trong gương, mình cứ cười khúc khích.
Nhà cũ, phòng tắm nằm giữa vườn bên cạnh giếng, chỉ có ba bức tường, với mấy tấm chiếu che. Mình vẫn nhớ như in cảm giác tắm Tết gió thổi vù vù, da gà da bò thì nhau nổi lên, răng cứ gọi là va vào nhau cầm cập. Chỉ cố dội nước cho xong mà chạy ra, mà nhất quyết mẹ bắt phải kì cọ cho thật sạch thì mới gọi là tắm Tết đạt. Để sang năm còn mạnh khỏe, học giỏi. Lớp tám, xây nhà mới, có phòng tắm xịn hơn, nhưng sức chịu đựng có vẻ cũng bị thuyên giảm đi nhiều.
Năm nay, mới mấy hôm trước còn ưỡn ẹo chuyện về Tết hôm nào. Đùng phát, hoang mang không biết có phải ăn Tết Hà Nội một năm không. Kiểu trải qua bao nhiêu cảm xúc trồi sụt. Mình ngồi cạy đĩa đậu phụ cháy dính chặt vào chảo, đọc mấy dòng tin nhắn mẹ gửi, nước mắt lã chã, rồi bật khóc nức nở. Nghĩ thế là không được tắm Tết rồi.
Mới phát hiện ra, có những điều mình cứ nghĩ nó bình thường, năm nào mình cũng làm thành lệ. Mà không biết nó vô cùng quý giá! Cuối cùng, thành tựu nhất sau một năm, có lẽ chẳng gì quan trọng hơn là còn có cơ hội được về bên những người thân yêu.
Tết là lúc mình cảm nhận về sự kết nối với gia đình, với ông bà tổ tiên. Những điều đôi khi cả năm trời, mình quên bẵng mất. Năm nào chiều ba mươi, cũng xuống nhà ông ngoại ăn cơm. Chị em mình ngồi tha thẩn trên thềm, cắn hạt dưa, nhìn ông lẩm nhẩm khấn mời các cụ về ăn Tết. Bóng lưng hết sức chăm chú, chỉn chu. Ông mình luôn là vậy, làm điều gì cũng rất toàn tâm toàn ý, từ việc buộc cái chuồng gà, cắm một nồi cơm. Từ ngày bà mất, nhà vắng vẻ hơn, nhưng tuyệt đối lúc nào cũng ấm áp. Cứ bước chân về, là mình cảm thấy bà vẫn bên chúng mình, lúc ngồi ăn cơm, dường như bà vẫn ngồi ở đó, móm mém cười. 
Bố hay dắt chúng mình đi tảo mộ, đến nhà thờ dòng họ. Bố hay kể về những chuyện ngày xưa. Mỗi lần như vậy, mình luôn tự hỏi, ngày xưa ông bà tổ tiên mình đã sống một cuộc đời như thế nào, mơ ước gì, đã đi những đâu. Bà nội mất từ ngày bố con chưa lấy mẹ, nhưng mỗi lần nhìn thấy ảnh, mình cảm nhận được bà rất hiền, luôn tưởng tượng nếu bà sống, sẽ yêu chúng mình như thế nào, luôn có một niềm xúc động khó tả. Mẹ nói, bởi luôn có một phần của bà ở trong mình. Thế là mình lại nghĩ, ồ kì diệu vậy, biết bao đời đời, lớp lớp tổ tiên, mỗi cụ góp một chút, để thành hình, thành dáng mình hôm nay.
Thầy Thích Nhất Hạnh từng dạy một điều, đại ý rằng. Khi ta đặt câu hỏi ta là ai? Hãy nhớ rằng, thân thể này không chỉ của riêng ta, mà còn có phần của bố mẹ, ông bà, cụ kị... Bởi vậy ta luôn là một điều kì diệu.
Hiếm ai, có cơ hội để gặp lại cha bằng xương bằng thịt như anh em Ian và Barley trong Onward. Nhưng mình tin, luôn có những kết nối vô hình khiến chúng ta lúc nào cũng có cơ hội gần bên nhau, chỉ là ta có nhận ra và trân trọng điều đó.
Ngày cuối cùng của một năm nhiều cảm xúc. Thật may mắn vì vẫn được về nhà. Mình trộm nghĩ, Tết giống như một cái cây. Đầu năm, mình gieo một hạt xuống, tưới cho nó thật nhiều ước vọng, mong chờ. Trong năm, mình cũng tưới, lúc thì tưới vui lúc tưới buồn, lắm lúc tưới sự nhung nhớ đôi khi là tưới cả sự lãng quên. Nhưng cái cây đó vẫn lớn lên mạnh khỏe. Đến cuối năm, nó bắt đầu thành nụ. Từ lúc bước chân về đến cổng nhà là nụ hoa he hé nở. Rồi mấy ngày sau, khoe sắc, tỏa hương, để ai ai cũng tận hưởng, cũng tràn ngập yêu thương. Để năm sau, năm sau nữa ta lại gieo trồng những hạt giống khác. Tết luôn ở trong mỗi chúng ta, gia đình cũng vậy. Có lúc im lìm, có khi lại sôi nổi. Nhưng vẫn vẹn nguyên như thế.
Sáng nay, mình thỏ thẻ nhắc mẹ đừng quên nấu nước tắm. Và nhận luôn phần nhiệm vụ.
- Để con hái lá mùi với lá bưởi cho ạ!
Có mỗi thế thôi mà cũng thấy háo hức ghê, một năm cũ lại sắp qua rồi!
Và đây là phần kết: