Tôi thích những mối tình câm, tình thầm. Tôi tưởng tượng đó là những mối tình da diết, sâu sắc. Mãi mãi chẳng dám nói thật lòng, cho đến cuối đời, tình ấy vẫn bàng bạc, rập rờn, và mỗi khi có dịp, ta bỗng thấy nhói ran. Chắc là khó chịu lắm, khi thương mà giả bộ không thương, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình…
Không có mô tả ảnh.
ảnh minh họa
Mẹ, hiển nhiên không phải đẹp bằng cách này hay cách khác dù đã sinh nở bao lần, mà là vì sức chịu đựng cũng như những hy sinh mà người phụ nữ đã từng nếm trải. Nghe các cậu kể, hồi trẻ mẹ đẹp lắm,  hoa khôi của xã, vẻ đẹp trong trẻo nhẹ nhàng như cỏ lau dọc con đường đê gần nhà, biết bao chàng nhìn mẹ mà len lén tâm tư.
Mẹ chuyện gì cũng biết, không phải vì cái tính ham học hỏi mà vì nhà ở giữa ngã 3 đường quốc lộ. Thành ra chuyện trên trời dưới biển như kiểu con nhà ông A lấy con ông B, cháu ông C đỗ đại học thủ khoa, ông D đi nhổ 7 cái răng ở chỗ F….mẹ đều biết hết. Cứ tối rảnh, mẹ lại gọi điện kể cho tôi nghe.
Mẹ có một biệt tài, ấy là thứ gì mẹ cũng bán được. Biết bao lần tôi phải tròn mắt tư duy không hiểu mẹ đã làm thế nào? Bữa Tết về đang ăn cơm, mẹ giật mình chạy ra chặt chè lam, hóa ra là mấy bác giữa phố xuống mua làm quà cho con dâu con rể. Chè lam nhà có làm nhiều đâu, mẹ bán giò buồn mồm ngồi nhai chè lam cả ngày, tiện bác nào mua giò mẹ mời miếng chè lam cho ngọt miệng. Ấy thế mà rồi thành Tết năm nào mẹ cũng bán chè lam luôn. Bán giò, bán nem, bán chả của bố làm, bán thịt, bán cả rượu của bố để dành ngâm thảo quả, bán cả 40 cành tầm xuân tôi mua ngày Tết về cắm dư. .. Từ cái tài sang cái vất nhanh lắm. Gì mẹ cũng bán được, nên gì mẹ cũng muốn làm… để bán. Mỗi  lần về thấy người mẹ dạc đi một tí, mẹ bảo giảm cân để mặc quần áo cho đẹp.
Mẹ thương cậu út nhất nhà. Lúc nào cũng âm thầm gánh đỡ, chịu đựng mọi thứ của con. Ngày cơ hàn thì bố mẹ đi làm từ đêm hôm để dành dụm tiền cho con đi học, đến khi cuộc sống ổn định hơn chút thì lúc nào cũng nghĩ cho họ hàng, cháu chắt. Cậu út tiêu nhiều tiền của bố mẹ bằng cả ⅓ cuộc đời bố mẹ dành dụm. Nhiều lúc mình cáu gắt ra mặt với bố mẹ, mẹ chỉ nhẹ nhàng: Đừng ép ai đến đường cùng, con ạ. Ép quá người ta nghĩ quẩn, mình không lường trước được đâu. Rồi vẫn nét mặt nhẹ nhàng ấy, dăm phút sau mẹ đã mặc xong quần áo đi tập nhảy cùng mấy cô hàng xóm, hoặc đi đánh bóng chuyền hơi giao lưu với các thôn khác ngay được. Tối về lại bưng nguyên vẻ mặt rầu rầu nhẫn nhịn của trước lúc rời nhà đi. Ngày này qua ngày khác….
Nghĩ cũng lạ, phụ nữ có thể tha thứ cho mọi kiểu người, mọi lỗi lầm, âm thầm bênh vực máu mủ ruột rà của mình, không phô trương, không to tiếng, không nên lời, chỉ qua hành động. Chắc là khó chịu lắm đấy, khi thương mà giả bộ không thương...