Những mối quan hệ "có quyền mở tủ lạnh" nhà bạn
Có bao nhiêu người có quyền bước vào và mở cửa tủ lạnh nhà bạn? Đây là một câu hỏi rất rõ ràng nhưng nó thực chất lại là một câu...
Có bao nhiêu người có quyền bước vào và mở cửa tủ lạnh nhà bạn?
Đây là một câu hỏi rất rõ ràng nhưng nó thực chất lại là một câu hỏi ẩn dụ. Những từ đã bị lược bỏ đi chính là "Có bao nhiêu người đủ thân thiết và thoải mái để có thể bước vào và mở cửa tủ lạnh nhà bạn?" Lần đầu tiên bắt gặp cụm từ "Mối quan hệ có quyền mở tủ lạnh" trên mạng, mình đã rất hứng thú. Gần đây nhất là đọc quyển "Đừng bao giờ đi ăn một mình" và gặp lại dòng chữ này ở phần kết của quyển sách, mình đã quyết định viết xuống một điều gì đó về nó, và nêu lên một số suy nghĩ của mình sau khi đọc xong quyển "Đừng bao giờ đi ăn một mình" của Keith Ferrazzi và Tahl Raz.
Thế nào là một "mối quan hệ có quyền mở tủ lạnh"?
Đây là một mối quan hệ đạt được đến một mức độ thân thiết và gần gũi rất cao. Họ có thể bước vào nhà của bạn, lục lọi tủ lạnh nhà bạn mà không cần xin phép, và bạn cũng không cảm thấy có vấn đề gì với chuyện đó. Theo hai nhà tâm lí học Will Miller và Glenn Sparks, "Quyền mở tủ lạnh" (Refrigerator Rights) là một thông điệp ẩn dụ chỉ sự gần gũi và gắn kết của chúng ta đối với mọi người trong cuộc sống, từ gia đình, người thân cho đến bạn bè. Họ cho rằng chúng ta cần có những mối quan hệ như vậy, đủ thân thiết, gần gũi và đủ thoải mái để bước vào nhà bạn và lục lọi tủ lạnh mà không cần đến sự cho phép của bạn. Đó là các mối quan hệ thân mật giúp chúng ta cân bằng, hạnh phúc, và thành công.
Còn trong quyển "Đừng bao giờ đi ăn một mình" của Keith Ferrazzi và Tahl Raz thì còn bổ sung thêm một ý, đó là mặc dù mức sống của chúng ta khá cao, tuy nhiên của cải vật chất lại không mang lại sự lành mạnh tinh thần. Ngược lại, như nhiều nghiên cứu chỉ ra, chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhờ cảm giác thân thuộc.
Mối quan hệ có quyền mở tủ lạnh nhấn mạnh vào tính cộng đồng và tập thể, vào sự kết nối ở một mức độ cao giữa người với người. Các nghiên cứu so sánh giữa những người có khuynh hướng làm việc cá nhân và những người làm việc trong môi trường mang tính cộng đồng cho thấy rằng, những người ở nhóm đầu có mức độ căng thẳng cao hơn người ở nhóm sau. Cảm giác thân thuộc chính là nhân tố làm gia tăng những cảm xúc tích cực trong môi trường làm việc.
Đó là những gì các nhà tâm lí định nghĩa, còn bạn thì sao?
Mình dám chắc rằng đối với nhiều người không phải cứ cho người khác bước vào nhà và lục lọi tủ lạnh của bạn thì mới gọi là thân thiết. Có rất nhiều cách để bộc lộ sự gắn kết của một mối quan hệ mà vẫn đảm bảo được không gian riêng tư cần thiết. Sự thân thiết thậm chí còn được bộc lộ qua sự tôn trọng các giới hạn của nhau, cùng nhau đi đến được một sự nhất trí chung, không lạm dụng tình cảm mà cư xử quá vô ý.
Đọc bất cứ điều gì cũng vậy, bạn không thể đồng ý hoàn toàn 100% những gì bạn đọc được, các tài liệu, nguồn kiến thức chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, còn bạn phải chọn lọc và áp dụng sao cho phù hợp với bản thân. Khi mình chọn các nội dung để viết, mình cũng đã cho chúng trải qua bộ lọc của riêng mình, lựa những phần mình cảm thấy hợp lí và ứng dụng được vào cuộc sống.
Trở lại với định nghĩa về mối quan hệ có quyền mở tủ lạnh, như mình đã nói, có người thấy đúng có người sẽ thấy rất dị ứng. Họ không thích người khác xâm phạm không gian riêng tư của mình, mặc dù họ cũng vẫn rất đánh giá cao mức độ thân thiết trong mối quan hệ đó. Nếu không tinh ý nhận ra và cứ cho mình quyền được thoải mái lục tủ lạnh nhà bạn mà không hiểu rõ tính cách bạn mình thì lâu dần sẽ dẫn đến sự khó chịu.
Đối với mình, "mối quan hệ có quyền mở tủ lạnh" là những mối quan hệ có độ thân thiết và thoải mái cao nhưng vẫn hoạt động trên các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng nhu cầu của nhau. Điều này không dễ, vì nó đòi hỏi không những sự hòa hợp về tình cảm mà còn là sự khéo léo trong cư xử. "Vì tao/tui là bạn thân cậu nên tao/tui có quyền", "Chuyện này mà cũng giấu bạn thân?", "Tao tưởng tao với mày thân nhau lắm chứ, hóa ra cũng chỉ có vậy". Rất nhiều mối quan hệ đi tới đổ vỡ vì người kia cứ tưởng, còn người còn lại thì không nói ra.
"Đừng bao giờ đi ăn một mình" và chương kết đầy cảm xúc
Mình có thói quen khi chọn mua sách sẽ đọc lời kết, hoặc chương kết đầu tiên, thay vì mục lục như mọi người vẫn hay làm. "Đừng đi ăn một mình" là quyển sách đầu tiên mình sẽ bỏ qua khi nhìn thấy nó trên kệ sách, bởi vì cái tên với mình là sực mùi thực dụng. Và đúng như vậy, mình biết đến quyển sách này từ rất lâu, nhưng không muốn đọc, cho đến khi lật đến đoạn kết của nó. Những lời chân thành tác giả viết ở đây khiến mình thực sự rung động. Khi ông nói về sự gắn kết bằng những từ ngữ rất dung dị và nhân văn, về khao khát có được chiếc áo Brooks Brothers đắt tiền thời trẻ, sau đó sở hữu được nó và rồi việc mất vài chiếc cúc áo ở tiệm giặt là đã khiến ông định nghĩa lại tầm quan trọng của vật chất.
Chúng ta đều đã từng như vậy, được mọi người dạy rằng hãy học thật giỏi để đứng nhất lớp, nhất khối, để có một công việc tốt, để nhận học bổng du học, để kiếm được thật nhiều tiền, và rồi chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng có thật như vậy không? Không ai bảo chúng ta hãy cố gắng tìm những người bạn thật tốt, những người đồng đội tuyệt vời, hãy vun đắp cho các mối quan hệ, thay vì hãy bớt "giao du" với bạn bè lại để dành thời gian cho học tập, làm việc. Đợi đến khi trưởng thành, ta lại được giới thiệu về tầm quan trọng của xây dựng mạng lưới xã hội nhằm mục đích thành công, biến ý nghĩa của việc kết giao thành một điều gì đó sực mùi thực dụng. Điều này đáng lẽ chúng ta phải được biết ngay khi còn nhỏ, chúng phải ở trong tiềm thức của chúng ta, chúng ta làm là xuất phát từ bên trong. Chứ không phải quy định rằng chúng chỉ quan trọng khi bạn chuẩn bị hoặc đã đi làm. Nó nên là cuộc sống của chúng ta, với mục đích là khiến chúng ta hạnh phúc hơn.
Nếu bạn đọc hết cả quyển sách, bạn sẽ được hướng dẫn rất chi tiết về việc xây dựng một mối quan hệ. Từ việc tham gia một bữa tiệc, cách giới thiệu bản thân, giúp người khác nhớ đến chúng ta, vân vân. Quyển sách khá dày so với một quyển sách cùng chủ đề thông thường, nhưng mình tin các vị tác giả đã viết chúng bằng rất nhiều tâm huyết. Họ là những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, nên họ vẫn phải rất thực tế. Mình không quan tâm lắm đến lĩnh vực kinh tế từ trước đến giờ (phần vì mình dở mấy chuyện liên quan tới mấy con số :))) Nhưng mình vẫn có thể rút ra được những chú ý dành riêng cho mình mà mình có thể áp dụng được:
1. Người bảo vệ, cô lao công hay bất cứ ai cũng đều là những người quan trọng
Chúng ta thường có xu hướng chọn lọc một số cá nhân để cho vào mạng lưới cần xây dựng mạng lưới quan hệ của mình, và những nhân vật khác hiển nhiên được cho vào mục ít chú ý hơn. Nhưng bất kì ai cũng sở hữu một điều gì đó mà chúng ta có thể học hỏi từ họ. Mình luôn có thói quen làm quen và trò chuyện với các bác bảo vệ và cô lao công ở bất cứ nơi đâu mình hay đến. Ngoài việc họ để ý đến xe cộ và vật tư của mình hơn thì mình còn được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị và tìm hiểu về các hoàn cảnh sống, nhu cầu khác nhau. Có một cô trước khi nghỉ việc còn tìm mình cho bằng được để thông báo, cô sợ mình buồn. Cô thấy mình sẽ hỏi mình ăn cơm chưa, hôm nay cảm thấy ra sao, học hành thế nào, mỗi ngày được gặp cô cảm giác như gặp mẹ mình vậy, một cảm giác rất thân thuộc. Bạn sẽ không biết được tầm quan trọng của những lời hỏi thăm như vậy cho đến khi bạn rơi vào tuyệt vọng hoặc những ngày không vui đâu. Mình tin đây chính là những gì mà người ta cảm thấy hạnh phúc, sự quan tâm và chia sẻ.
2. Quan tâm trên không gian mạng
Tác giả đã viết một vài chương cho mục này, điều mà không phải ai cũng chú trọng. Số lượng bài viết phê phán tác hại của việc sử dụng các mạng xã hội có vẻ nhỉnh hơn các bài viết ca ngợi, chắc có rất ít phụ huynh khuyên con mình nên dùng mạng xã hội phải không? Mình không ủng hộ việc cho trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm nhưng mình hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta dùng mạng xã hội để nối kết và tạo sự gắn bó với mọi người. Tất cả mọi người đều có nhu cầu chia sẻ, bất kể ở đâu, ngoài đời hay trên mạng. Tất nhiên có những người nhu cầu chia sẻ của họ cao hơn những người khác, hoặc có những người rất thấp, có khi bằng không. Nhưng những tin nhắn hỏi thăm, những bình luận, like trên các mạng xã hội có sức ảnh hưởng không hề nhỏ. Khi bạn react cho những bài viết của người khác, bạn không chỉ cho đi, mà còn đang nhận lại. Đó có thể là nội dung bài viết, sự kết nối, và nắm được tình hình của những người bạn quan tâm. Tác giả cũng chỉ cách bạn thiết kế lại trang chủ và luồng thông tin bài viết bạn tiếp xúc. Vì suy cho cùng, Facebook cũng chỉ đề xuất những gì bạn có vẻ quan tâm nhất thôi.
3. Xây dựng một mối quan hệ cần nhiều công sức
Đúng vậy. Nó cần sự quan tâm, thời gian và cả sức lực của bạn. Nhưng nó có đáng không? Mình khẳng định là rất đáng. Kết quả sẽ không xuất hiện ngay lập tức, nó có thể mất nhiều tháng, nhiều năm. Nhưng những nỗ lực bỏ ra là xứng đáng, nó tác động lên mọi mặt cuộc sống của bạn. Việc chúng ta có thể làm là biến việc này thành một thói quen sống hàng ngày. Nhưng như người ta hay nói, nếu bạn chỉ mải miết xây dựng mối quan hệ và bỏ quên việc phát triển bản thân, bạn cũng sẽ không thể đi xa hơn được. Bạn phát triển bản thân, bạn sẽ càng gặp được nhiều người hơn, đa dạng ngành nghề, trình độ hơn. Môi trường sống mở rộng, nhân sinh quan phong phú, đa dạng, bạn sẽ gặp được rất nhiều người thú vị.
Khi bạn cho đi cũng chính là đang nhận lại, bằng cách này hay cách khác. Nhiệm vụ của bạn để đem nguồn năng lượng của mình ra thế giới, rồi để thế giới hoàn thành công việc của nó. Nhưng nếu bạn không làm gì cả, tất nhiên bạn cũng sẽ không nhận được gì. Sẽ có lúc tin nhắn gửi đi của bạn không được hồi âm, sẽ có lúc bạn bị từ chối đến một buổi gặp mặt, sẽ có lúc người ta ngó lơ bạn. Nhưng mọi thứ bạn làm đều được ghi nhận, và thế giới sẽ trả lại bạn những gì mà bạn đã đem đến cho mọi người.
Mình chắc chắn sẽ phải đọc lại quyển này nhiều lần vì mình cảm thấy mình vẫn có thể học được nhiều điều hơn từ nó. Bài viết của mình chắc chắn là cũng chưa truyền đạt hết những ý tưởng mà quyển sách gửi gắm, nhưng mình hy vọng mỗi bài viết của mình đều có thể đem lại cho người đọc một điều gì đó có ý nghĩa, dù đó chỉ là một đoạn duy nhất. Mình cũng đang trên quá trình trưởng thành và hoàn thiện bản thân, nên những gì mình viết cũng là đang viết cho chính mình đó.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài của mình!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất