Ngắm một Sài Gòn lạ trong mưa – Ảnh: Sean Lam
Nếu sống ở Sài Gòn chắc những hình ảnh về những xe chè, chuối chiên, bánh mì ướt nhem trong cơn mưa đêm cũng không quá xa lạ. Với tôi cũng thế, nhưng trong muôn vạn những chiếc xe có tên và không tên kia thì trong tôi luôn có một nỗi day dứt về một xe chè nơi quận 8.
Tôi nhớ thời gian đó là những ngày cuối năm ba, tôi vẫn còn sống ở Cao Lỗ. Thời đó, tôi hay thích nhìn mưa. Từng cơn mưa rơi xuống đường, ướt đẫm tán cây, trắng xoá luôn những công trình trước mặt... Giữa những thứ thi vị đó thì điều làm tôi chạnh lòng chính là hình ảnh những chiếc xe bị chìm trong mưa. Đủ thứ cả, xe bánh mì, xe bánh bò rồi xe bắp xào... Nhưng có một chiếc xe mà từ cửa số tôi không thể thấy được. Đó là chiếc xe chè của một bà cụ. Bà hiền lắm, hiền như các bà ngoại nơi miền sông nước của tôi. Bà bán đủ loại chè, chè đậu xanh, chè đậu đen, chè chuối... Chỉ mười ngàn thôi là có một ly rồi. Bà đứng bán ngay trước một tiệm net phổ thông. Cái loại net mà bốn nghìn một giờ, đầy mùi thuốc lá cùng những đứa chơi game cày và chơi LOL. Lúc mới lên, tôi chưa có laptop nên tôi hay ra đó ngồi để lên mạng làm những cái linh tinh. Lúc ra khỏi net tôi hay mua chè ở chổ bà. Thường thì thôi thích chè đậu xanh. Mười ngàn chè của bà nhiều lắm, ăn ngon nửa, nên đối với những thằng sinh viên nghèo như tôi thì đó là thứ quà vặt tuyệt vời.
Thời gian đó trời mưa nhiều lắm. Mưa Sài Gòn. Mưa nặng hạt. Mưa không dứt và âm ĩ bên cửa sổ. Những tiếng mưa của mùa mưa năm đó làm lòng tôi chùng xuống đến nỗi lúc ấy tôi ngồi nghe mãi bài Kiếp nghèo của nhạc sĩ Lam Phương.
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai...
Trong cái mùa mưa năm đó, những ly chè của bà như làm tôi đỡ niềm nhớ về nơi cố hương hơn. Bà hiền lắm. Mà hình như những cụ già rong ruổi trên nhưng xe hàng rong năm đó tôi gặp đều hiền thì phải. Hoặc giả là sự đồng điệu của những kẻ nghèo khổ với nhau, nên dành sự thương cảm cho phận đời của nhau. Bà cũng lam lũ lắm. Bà bán có khi tới mười một giờ hơn. Tôi vẫn nhớ một hôm ông anh trong phòng đi mua đồ ăn khuya lên phòng buộc miệng nói "bà bán chè bán khuya ghê, mười một giờ hơn còn bán.". Mỗi lần trời mưa, nghe bài Kiếp Nghèo thì tôi lại nhớ về những ngày đó. Lúc đó, tôi lại muốn châm một điếu thuốc lên. Nhưng buồn cười là làm gì có thuốc mà châm khi mà tôi không hút thường xuyên. Những lúc đó, ký ức về những ly chè đó lại trở về trong tôi như một nỗi buồn quá khứ. Tại sao buồn ư? Buồn vì ngày đó có một chuyện buồn về những lý chè...
Tôi ăn chè chổ bà được hơn ba năm thì cũng đến lúc tôi ra trường. Cầm mảnh bằng loại khá và... thất nghiệp. Chuyện cũng xảy ra vào những ngày cuối tôi ở khu đó. Những ngày đó, bà đổi xe chè cũ thành một xe chè mới đẹp hơn. Cái hôm mà lần đầu tôi thấy xe chè đó, tôi cũng mua một ly chè đậu xanh như thường khi. Lúc đó, một anh xe ôm cũng đến mua chè tuơi cười hỏi:
- Ngoại bán chè cũng đầu tư ghê ta, xe đẹp đó ngoại.
- Giờ phải làm xe đàng hoàng chút người ta mới mua cậu ơi, tốn hơn cả triệu bạc đó cậu - Bà cười đáp lại.
Tôi lửng thửng bước về phòng trọ lòng nghỉ vu vơ "bán chè cũng đầu tư ghê ta". Những ngày kế tiếp là những ngày mà tôi đi xin việc và thất bại. Đỉnh điểm có một lần tôi gửi cv cho một công ty mà bọn bạn tôi, những đứa được tôi làm bài dùm và thi hộ đang làm. Với đầu óc của một thằng chỉ có những mã lệnh trong đầu thì tôi ném cái cv đó qua email mà không hề có một dòng nội dung. Thứ tôi nhận lại là một email với nội dung "em ơi, em ném cái cv này cho ai vậy hả em eii". Cảm giác của một thằng nhóc mới ra trường như tôi lúc đó phải nói là hết sức khó chịu và bực tức. Khó chịu vì không xin được việc và bực tức vì bị dội một gáo nước lạnh vào đầu. Tôi hậm hực đi xuống nhà kiếm gì đó ăn cho bỏ tức. Nhưng thư lệ, tôi ghé xe chè của bà. Bà vẫn hiền làm sao. Nhưng hôm đó bà nói chè giờ lên mười hai nghìn. Thật ra hai nghìn chả là bao nhưng với một hôm tâm trạng chả ra sao thì trong tôi tự dưng bực dọc. Tôi cầm ly chè đậu xanh bước về mà hậm hực trong lòng. "Lên xe mới cái lên hai nghìn, dẹp, mai mốt không mua nửa!".
Đương nhiên đó chỉ là những suy nghĩ nhất thời của tôi. Những hôm sau đó, dù vẫn thất nghiệp nhưng tôi cũng đã quên đi chuyện khó chịu hôm trước. Trời mưa, mưa đầu mùa. Tôi lại thèm chè nhưng không biết bà còn bán không vì khi đó là mười giờ hơn, trời thì mưa rào rào. Tôi bước đến cái tiệm net quen thuộc thì không thấy bà bán, tôi nghĩ chắc bà dẹp rồi nên quay bước đi về. Lúc tôi vừa quay đi được hơn hai bước thì có một bà cô bán bánh mì đi ngang mặt hoảng hốt nói với ông bảo vệ tiệm net:
- Bà... bà bán chè... Bả bị xe đụng ở ngoài ngã tư kìa. Hình như nặng đó. Trời ơi, khổ quá.
- Rồi bả sao rồi - Chú bảo vệ lo lắng hỏi.
- Con cũng không rõ, lúc đó con...
Tôi vẫn cứ bước đi, tiếng trò chuyện nhỏ dần sau lưng. Mọi thứ trong tôi trống rỗng lúc đó. Đúng, sai, tốt, xấu. Tôi không hề nghĩ đến. Lúc đó, tâm trí tôi như thể bị ngưng hoạt động tạm thời. Tất cả trắng xoá, không một câu từ, không một hình ảnh hiện hữu. Chỉ là nhói, nhói một cách vô thức thế thôi. Những ngày sau đó, tôi không thấy bà bán nửa. Tôi cũng không dám nghe ngóng gì cả. Đúng hai tuần sau cái đêm đó, tôi cuốn gói rời khỏi khu Cao Lỗ để đến một căn gác trong hẻm sâu gần cầu Nguyễn Văn Cừ. Bỏ lại ba năm ký ức cùng những cơn mưa và những con người kia.
Mưa Sài Gòn vẫn rơi.
Đã hơn ba năm trôi qua, tôi có đôi lần trở về khu đó nhưng không còn thấy xe chè năm xưa. Và có lẻ đến sau này tôi cũng khó lòng mà gặp lại bà cùng những con người năm đó. Nhưng dường như những con người không tên kia vẫn hiện hữu trong tôi. Ít nhất là những đêm mưa xen lẫn trong tiếng nhạc của Lam Phương. Những âm thanh khơi gợi ký ức của một kẻ nghèo khổ tha hương nơi xứ người. 
Tiếng mưa Sài Gòn vẫn âm ĩ
 Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh

Các bạn có thể follow trang cá nhân của mình ở địa chỉ tasynguyen3894.github.io hoặc Twitter của mình @tasyit để theo dõi các bài viết linh tinh của mình.