Đã có rất nhiều bài viết nói về giáo dục và điều các bạn đang và sắp đọc cũng chỉ là một trong số đó. 
Tôi có một người bạn, cậu này học khá tốt và đều các môn. Với sự siêng năng, chăm chỉ, cậu luôn ở trong top 5 của khối và cuối năm 11, cậu được danh hiệu học sinh..... TRUNG BÌNH. Điều này đã quá quen thuộc với học sinh Việt Nam, khi những cá nhân có bảng điểm đẹp lại xảy chân vì bắn ba phát đạn trượt bia trong bài thi QPAN.  Hay những đứa học trò nằm vùng trong danh sách đen của thầy cô lại thường xuyên đưa ra những ý tưởng tốt, những thắc mắc thú vị đến trên trời và tất nhiên lại bị dập, dập nữa, dập mãi. 
Tôi cảm thấy nền giáo dục nước ta đã quá đủ hài hước rồi. Có rất nhiều giáo viên không ngừng dạy học sinh rằng đừng học vì điểm số, hãy học để củng cố kiến thức, bồi dưỡng tư duy, năng lực,.. và điều họ làm đều đi ngược lại với phương châm đó. Một giáo viên tiếng anh lúc nào cũng khuyên học sinh nên rèn luyện khả năng nói, nghe, trong khi đến tiết speaking or listening lại cho làm bài ngữ pháp. Cô giáo dạy văn thì cho phép các em thoải mái trình bày ý kiến của mình, chỉ có điều, điểm sẽ cho theo ý cô. Thế giới là một chốn bất công cố hữu, tôi cũng không đòi hỏi quá nhiều vào sự công bằng của giáo dục, đặc biệt ở một đất nước mà công lý chỉ là một diễn viên hài. Nhưng hãy nhìn vào sự khác biệt trong cách đối xử giữa học sinh bình thường và học sinh xuất sắc, gần như trên trời - dưới đất. Một hiệu ứng tâm lý tên là Matthew, bắt nguồn từ đoạn kinh Tân Ước:''ai thành công ngay từ khi bắt đầu sẽ có nhiều cơ hội để ngày càng vươn xa hơn nữa ngược lại, ai chưa thành công sẽ dần dần bị thành công khước từ bỏ quên'' ( tạm dịch) đã chỉ ra rằng việc dán mác học sinh sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến khả năng của chúng. Thực chất giáo viên không hề tìm cách khai thác tài năng của tất cả học sinh mà chỉ là một số người đã bộc lộ sẵn.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về hiệu ứng này: http://tamlyhoctoipham.com/hieu-ung-matthew
Chúng ta đang phải bơi trong quá nhiều kiến thức mà nhà trường cho rằng nó cần thiết . Phải công nhận không sự học nào là thừa thải, học toán, lý , hóa, cho đến sinh, sử địa,.. đều có cái lợi của nó. Nhưng điều đó không quan trọng đến mức phải thay đổi quá nhiều thứ, từ sự trung thực, cho đến quyền phản biện, ngay cả bản chất. Những đứa trẻ trước khi đến trường đều trung thực cho đến khi chúng làm quá nhiều bài kiếm tra. Đây là cái lỗ hổng lớn nhất mà nền giáo dục mang đến cho người học.
Mục tiêu sâu xa của giáo dục là sự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Nhưng hãy nhìn vào nước mình xem, sự hoàn thiện đó đang ở mức độ nào? Hoàn thiện, không có nghĩa là nghe lời, không phải là bảng đẹp cực đẹp, cực đều hay huy chương giải này giải kia. Hoàn thiện càng không phải là cắt gọt bản thân để vừa vặn vào khuôn mẫu mà là phát triển, trưởng thành, tốt đẹp ngay trong chính hình thái, bản chất của chính mình. Có phải chúng ta đang đi ngược lại với điều đó?