Những kết nối 7G
Về quê, mình chỉ xếp một bộ quần áo, mấy thứ linh tinh và một cuốn sách. Mình thích mặc đồ của mẹ. Đồ của mẹ có mùi của nắng, thứ nắng...
Về quê, mình chỉ xếp một bộ quần áo, mấy thứ linh tinh và một cuốn sách. Mình thích mặc đồ của mẹ. Đồ của mẹ có mùi của nắng, thứ nắng mà ngửi thôi cũng thấy "khô như ngói" đặc sản của quê mình. Quần áo thơm, vải mát, tuyệt đối rộng rãi và thoải mái khi mặc.
Style của mẹ thì màu mè, hoa lá, xanh đỏ tím vàng lập lòe, mặc lên rất có cảm giác trung niên sinh động. Mình cứ vào tủ, tiện bộ nào thì giật khỏi móc, rồi dập dìu đi hết từ nhà ra sân, từ sân ra vườn. Đó là cách để gian lận khiến mình cảm thấy vẫn còn bé bỏng. Cũng như những ngày xa nhà, những lúc bận lòng, nhớ mẹ, mình hay tưởng tượng cảnh đang mặc bộ đồ con vẹt của mẹ, năm lăn lóc trên phản, thấy được vỗ về và an yên lắm.
Năm nay là giỗ hết khó bà. Lúc dọn ban thờ riêng, để mời bà về với tổ tiên. Mình thấy ông khẽ lau nước mắt, mẹ và các dì vẫn khóc. Chị em mình đứng lặng thinh. Ri, Rô theo chị Ngà về, dù chưa biết nhiều, cũng đứng nghiêm trang, chắp hai tay lạy cụ.
Mũi hai đứa giống hệt mũi bà, giống mũi các dì, các mẹ, và mấy chị em mình nữa. Đó là kiểu mũi tẹt, sống mũi thấp, cánh mũi còn hơi to, khiến cho cả khuôn mặt thêm phần phúc hậu :D. Dù ông ngoại, bố, và các anh rể đều mũi cao, nhưng tuyệt nhiên gene mũi tẹt vẫn trội hơn. Mấy dạo trước, mình hay trêu bố cho con tiền đi nâng mũi. Nhưng giờ mình không trêu vậy nữa. Bởi mỗi lần nhìn vào gương, tự trông khuôn mặt mình, sẽ bắt gặp được hình ảnh của bà, của gia đình. Đó là kết nối khiến mình tự hào và không bao giờ muốn đánh mất.
Chiều ba giờ ở nhà, nắng há mồm, gió thổi phờ phạc cả mấy bụi tre, thế mà em Bảo đã chạy sang rủ bố mẹ mình đi bơi. Em Bảo là con dì Việt, cháu bà Tâm. Ngày mình đi thi đại học, dì Việt mang bầu em còn đang rửa sạn. Đến khi em sinh được hai ba hôm là mình ra Hà Nội. Vèo một phát, thanh niên giờ lớn gần bằng mình rồi, nom cũng ra dáng lắm. Thế là, mình với bố mẹ, em Bảo, dì Việt, chú Trung, tay xách áo phao chân đi dép chạy xe ra mương nước.
Trẻ con ở quê còi dí, đen nhẻm, áo phao cam, áo phao xanh neon tíu tít, tung tăng nô nhau khắp cả một đoạn mương dài. Chúng bơi bì bõm, tóe nước khắp vào nhau, cười sằng sặc, rồi leo lên cầu nhảy ủm xuống xem đứa nào nhảy xa hơn. Mấy đứa vây quanh bố mình, để học bơi. Sau đó còn bày trò leo lên, đòi bố thảy từng đứa một, làm động tác như đang bay rồi tiếp nước. Chả đứa nào quen bố, thế mà làm như thân thiết lắm. Mắt hấp háy, ôm ấp nhau, vịn vai bá cổ, nô đùa các thứ.
Mình ngồi cách đó một đoạn, ngắm chiều tà. Thấy người ta đốt rạ trên đồng, khói bay là đà theo gió. Chiều êm ru, nước cũng chảy êm êm, hiền hòa. Cỏ thì thơm mùi sữa mới, đất cũng thơm. Mình cho chân xuống nước, cảm thấy sức đẩy, mặc vậy, cứ thả lỏng và đu đưa theo. Thấy mấy con gọng vó nhảy tách tách trên mặt nước, cầm mấy viên đá thử lia để nó nhảy lóc cóc theo, mà chỉ rơi tõm xuống nước vậy thôi. Xung quanh là thứ mùi rất êm, xa xa là những tiếng cười rất êm. Mình lặng thinh, cảm thấy thật sự được sống, thoải mái vô cùng.
Ngày trước vẫn còn nhớ chuyện đi mua điện thoại, mấy anh chị tư vấn ngạc nhiên tại sao đến giờ này em vẫn còn dùng 3G. Để anh đổi sim lên 4G cho em nhé. Mình xua tay bảo thôi, chẳng cần đâu, em không quan trọng mấy cái đó. Anh ấy nhiệt tình quá, nên mình để anh tự làm vậy. Những thứ không am hiểu, thường mình sẽ bớt ý kiến ít nhiều. Đến bây giờ, thật sự mình vẫn không biết được 4G có nhanh hơn 3G không? (Mấy bro công nghệ có lỡ đọc bài thì đừng buồn mình nhé). Bây giờ còn có cả 5G nữa. Nhưng tại mình là người chơi hệ 7G. Mình thích kết nối bằng nhiều thứ, nhiều điều, nhiều giác quan, nhiều cảm xúc, nhiều hạnh phúc hơn một đường truyền internet nào.
Có lẽ, đến khi loài người phát triển đến trăm G, mình sẽ vẫn chẳng phân biệt được giữa các loại. Nhưng như mẹ vẫn nói, con cần gì tự con biết, rồi từ đó tự khắc con biết đủ.
Và đây là phần kết:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
vì câu này mà mình nhấn vào bài đọc đó, mình phải thuộc bằng hết vietsub mấy bài của bts gòiii
btw, chị viết hay quá trời lun á