img_0
2 tháng kể từ khi nhậm chức, những gì đã và đang diễn ra trên chính trường nước Mĩ giống như một cơn bão. Tin tức dồn dập đến nỗi bất kì phân tích chuyên sâu nào cũng đều trở nên lỗi thời vì những diễn biến mới. Vậy nên để hiểu được phần nào chính sách của Trump thì chúng ta có thể nhìn vào từng vị trí nội các.

Phó Tổng thống JD Vance

Ít ai ngờ được rằng cánh tay phải của Trump lại từng là một nhà phê bình Trump gay gắt. Trong thời gian bầu cử 2016 và nhiệm kì đầu của Trump, Vance từng ví Trump là “thuốc phiện văn hóa”, “Hiter phiên bản Mĩ” cùng rất nhiều chỉ trích khác. Đối với Vance lúc đó, ông không công nhận Trump là một phần của cánh hữu – vốn là một lý do dễ hiểu, bởi xuất phát điểm của Trump là thành viên của Đảng Dân chủ và những gì Trump thể hiện hoàn toàn không giống với một chính trị gia cánh hữu điển hình.
Tuy vậy, khi Vance chuẩn bị bước vào chính trường, cuộc gặp mặt với Trump đã thay đổi quan điểm của ông. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Time vào năm 2021, Vance đã thú nhận rằng “Tôi đã nghĩ sai về Trump. Tôi đã không nghĩ rằng ông ấy có thể đồng điệu với người dân đến như vậy, nhưng ông ấy đã làm được điều đó – và ông ấy đã đạt được vài thành công”. Với sự ủng hộ của Trump trong cuộc chạy đua vào Thượng viện năm 2022, Vance đã giành chiến thắng sát sao trước ứng cử viên Đảng Dân chủ. JD Vance từ một nhà phê bình Trump gay gắt trở thành một người ủng hộ Trump hết mình.
Sau vụ ám sát hụt ở Butler (PA), Trump tuyên bố chọn JD Vance là Phó tổng thống. Với việc sự nghiệp và cả tính mạng của bản thân bị đe dọa, nhiều nhà phân tích cánh hữu nhận định rằng Trump sẽ chọn một người trẻ, có khả năng lãnh đạo tốt, có sự ủng hộ lớn và đủ tiềm năng để thay thế Trump trong tình huống xấu nhất. Dù vậy, việc Vance từng chỉ trích Trump trong quá khứ cũng khiến nhiều người bất ngờ vì lựa chọn đó của Trump. Còn tôi nghĩ rằng việc Trump chọn một nhà phê bình gay gắt làm cánh tay phải càng chứng tỏ sức hút và khả năng lãnh đạo tuyệt vời của Trump.
Là cánh tay phải của Trump, Vance ủng hộ hoàn toàn những chính sách mà Trump theo đuổi. Về mặt kinh tế, ông ủng hộ việc sử dụng thuế quan để bảo vệ nền sản xuất, ủng hộ giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp. Về đối ngoại, ông ủng hộ việc giảm bớt sự can thiệp của Mĩ tới các nước khác, ủng hộ tăng cường an ninh biên giới quốc gia, chống Trung Quốc và muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Về văn hóa xã hội, Vance vẫn duy trì các quan điểm truyền thống của cánh hữu, tuy nhiên nghiêng về phía Trump nhiều hơn đối với vấn đề luật phá thai (đưa quyền quyết định về các tiểu bang). Về đối nội, ông cùng Elon Musk lập ra và vận hành DOGE để giúp cắt giảm chi tiêu và quy định chính phủ, ủng hộ cải cách hệ thống bầu cử chống gian lận.
Có thể nói rằng Trump đã đào tạo được một nhà lãnh đạo trẻ đầy triển vọng để tiếp nối những tư tưởng chính trị trong tương lai.

Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio

Marco Rubio cũng từng là nhà phê bình Trump gay gắt, ví von Trump là “kẻ lừa đảo” và cảnh báo về mối nguy hiểm của ngôn từ hùng biện mà Trump sử dụng. Rubio đã đối đầu với Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Tuy vậy, ông cũng dần chuyển sang ủng hộ Trump khi còn tại vị ở Thượng viện Mĩ.
Marco Rubio có sự nghiệp chính trị thành công, khi ông giành được ghế Thượng viện vào năm 2010. Ông cũng được tái cử vào năm 2016 và 2022 và từng là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Với bề dày kinh nghiệm cũng như diện mạo thu hút, Marco Rubio được sự chấp thuận tuyệt đối (99 – 0) của Thượng viện.
Giống với những người cấp trên của mình, Rubio coi Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm của Mĩ. Nhưng trong khi Trump và Vance có xu hướng đưa nước Mĩ tách biệt khỏi thế giới thì Rubio vẫn duy trì quan điểm can thiệp (interventionism) nhằm duy trì sự ảnh hưởng của Mĩ. Điều đó bao gồm duy trì sự ủng hộ của Mĩ đối với Ukraine, duy trì sự ủng hộ với Israel, ủng hộ việc gây sức ép lên các nước độc tài ở Mĩ Latin. Sự mâu thuẫn này là cần thiết để nội các của Trump có góc nhìn đa dạng và linh hoạt trong vấn đề đối ngoại. Mặc dù là cấp dưới, Rubio hiểu rằng ông có thể thuyết phục Trump tin vào những đối sách của mình nếu như lợi ích có thể đạt được cho nước Mĩ đủ lớn.

Bộ trưởng Sức khỏe và Dịch vụ Nhân sinh Robert F. Kennedy Jr.

Robert F. Kennedy Jr. thuộc gia đình Kennedy, một gia đình có nhiều ảnh hưởng chính trị cũng như thảm kịch. Bác của ông là Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963, và bố của ông là Robert F. Kenndy bị ám sát vào năm 1968. Ông có một tuổi thơ đầy bất ổn, thậm chí là nghiện ma túy. Nhưng ông đã cai nghiện và tái hòa nhập thành công, trở thành một luật sư bảo vệ môi trường. Tổ chức của ông đã bảo vệ được con sông Hudson và được tạp chí Time vinh danh vào năm 1999.
Robert F. Kennedy Jr. là một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi. Ông nghi ngờ sự hiệu quả của vaccine, nghi ngờ sóng 5G gây ung thư cùng nhiều “thuyết âm mưu” khác. Trong thời kì dịch COVID-19, ông lên tiếng phản đối vaccine mRNA cũng như chính sách tiêm chủng bắt buộc. Điều này khiến ông có thêm được một lượng người ủng hộ đáng kể từ cánh hữu – những người có chung sự nghi ngờ về vaccine mRNA.
Mặc dù ông ủng hộ Hillary Clinton vào năm 2008 và ủng hộ Barrack Obama vào năm 2012, ông nhận ra rằng những lãnh đạo Đảng Dân chủ đang ngày càng rời xa cử tri mà chỉ phục vụ cho giới tinh hoa. Nhất là sau nhiệm kì đầu của Biden, mâu thuẫn đó càng trở nên sâu sắc. Robert F. Kennedy Jr. quyết định tranh cử để đối đầu Biden trong vòng bầu cử sơ bộ, thế nhưng những lãnh đạo Đảng Dân chủ đã làm đủ chiêu trò để ngăn cản điều này. Nhiều bang đã không ghi tên của Kennedy trên phiếu bầu cử sơ bộ, khiến ông không có đủ phiếu để đối đầu. Kennedy buộc phải rời bỏ Đảng Dân chủ để tranh cử độc lập. Ngay cả khi tranh cử độc lập, chính quyền Biden đã không chấp thuận yêu cầu cung cấp Đặc vụ (vốn là quyền lợi của ứng cử viên Tổng thống). Với bối cảnh gia đình có nhiều người thân bỏ mạng vì chính trị như vậy, hành động của chính quyền Biden đã bị chỉ trích dữ dội là đẩy Kennedy vào tình huống có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Kể cả khi quan điểm cá nhân của Kenney về các vấn đề khoa học có nhiều tranh cãi, song không thể phủ nhận được rằng sự hoài nghi có phần cực đoan đó đang là điểm nhấn trong các chính sách mà cánh hữu đang đẩy mạnh, trong đó có Trump. Những gì xảy ra trong dịch COVID-19, từ việc phong tỏa diện rộng tới việc tiêm chủng bắt buộc, cùng với đó là các bê bối y khoa liên quan tới việc Viện Sức Khỏe Quốc gia (National Insitute of Health) có hợp tác với Viện Vũ Hán (Wuhan Insitute) để nghiên cứu các chủng virus họ hàng của SARS, khiến niềm tin của công chúng vào giới chuyên gia sụp đổ. Và Kennedy, cũng như cánh hữu, đều mong muốn đưa người dân Mĩ thoát khỏi bệnh tật, nhất là các bệnh mãn tính – thứ họ nghĩ rằng được tạo ra bởi các tập đoàn thực phẩm và dược phẩm lớn (big food, big pharma) để bán thuốc.
Từng là một kẻ bị ruồng bỏ bởi Đảng Dân chủ, giờ đây ông đã trở thành cộng sự của Trump – đúng như lời hứa mà Trump đã hứa với ông – dưới vai trò Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và Dịch vụ Nhân sinh. Thật khó để lường trước được những tác động mà Kennedy sẽ tạo ra cho nước Mĩ. Nhưng nếu như vẫn đi trên con đường cũ, liệu có khi nào họ sẽ thoát khỏi những căn bệnh ám ảnh đó?

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard

Cũng giống như Robert F. Kennedy Jr., Tulsi Gabbard có sự xoay trục 180 độ. Mới chỉ cách đây ít năm, bà còn là Phó Chủ tịch Đại hội Đảng Dân chủ Quốc gia (Democrat National Convention) và ủng hộ Bernie Sanders – thì giờ đây, bà đã trở thành Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, một trong những vị trí chủ chốt quan trọng nhất của chính quyền.
Tulsi Gabbard đã từng có thời kì tham gia chiến sự ở Iraq trong khoảng 2004 - 2005 với vai trò chuyên gia y tế. Sau đó bà cũng tham gia chiến sự ở Kuwait trong khoảng 2008 - 2009. Bà được bầu vào Hạ viện vào năm 2012. Với lý lịch như vậy, Gabbard có quan điểm chống chiến tranh và can thiệp mạnh mẽ, trái ngược với nhiều lãnh đạo Đảng Dân chủ. Bà chỉ trích Obama khi can thiệp vào Libya và Syria. Thậm chí bà còn có một chuyến đi bí mật để đối thoại với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, điều này khiến bà nhận nhiều chỉ trích về lòng trung thành với nước Mĩ.
Vào năm 2016, Bernie Sanders đối mặt với Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ. Dù rằng Bernie Sanders có nhiều sự ủng hộ đến từ những người cấp tiến – bao gồm cả Tulsi Gabbard – cuối cùng thì Hillary Clinton vẫn là ứng cử viên. Gabbard từ bỏ ghế Phó Chủ tịch, cáo buộc Hillary Clinton đã gian lận trong vòng bầu cử sơ bộ. Với việc Robert F. Kennedy Jr. cũng chịu số phận tương tự, những cáo buộc này càng trở nên đáng tin. Vào năm 2019, Hillary Clinton cáo buộc Tulsi Gabbard là điệp viên Nga. Đáp trả lại, Gabbard gọi Clinton là “hoàng hậu hiếu chiến” trên X (Twitter).
Với mâu thuẫn như vậy, Tulsi Gabbard gặp nhiều khó khăn khi tranh cử Tổng thống vào năm 2020. Bà chỉ nhận được 2% sự ủng hộ từ cử tri và buộc phải rút khỏi vòng bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ, quay sang ủng hộ Joe Biden. Đỉnh điểm là khi Tulsi Gabbard rời khỏi Đảng Dân chủ vào 11/10/2022, với lý do là “wokeness” và “sự hiếu chiến” của Đảng Dân chủ. Mặc dù vẫn giữ nhiều giá trị cấp tiến của cánh tả như Medicaid hay Green New Deal, những khác biệt về chính sách đối ngoại và tình báo đã khiến bà tiến tới gần với cánh hữu hơn.
Vào tháng 9 năm 2024, Tulsi Gabbard tuyên bố rằng bà và chồng đã bị “đánh dấu” cho việc kiểm tra an ninh kĩ lưỡng hơn ở sân bay (TSA), bởi vì họ nằm trong một danh sách tên là “Quiet Skies”. Danh sách này bao gồm các cá nhân bị tình nghi mang lại rủi ro về an ninh cho quốc gia. Bà cho rằng điều này xảy ra vì bà đã chỉ trích Kamala Harris vào ngày 22/7/2024 trên sóng Fox News. Tuy vậy, cho đến nay không có thông tin chính thức nào từ phía TSA khẳng định hay phủ nhận điều này, rằng đó có xuất phát từ động cơ chính trị hay không.
Với một ví trí quan trọng như Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, thật khó có thể tin được là Trump lại đề cử một người không nằm trong hàng ngũ trung thành của mình. Tuy vậy, tôi nghĩ là Tulsi Gabbard đã chứng minh đủ nhiều để Trump có sự tin tưởng và hiểu rằng những gì bà làm luôn đặt nước Mĩ lên trên hết.

Những vị trí nội các thể hiện quan điểm chính trị của Trump ra sao?

Với bất kì người quan sát chính trị Mĩ nào, sự xuất hiện của Donald Trump thực sự là một hiện tượng kì lạ. Không hẳn là Trump đột nhiên có những tư tưởng sát với cánh hữu, bởi vì nếu xem những cuộc phỏng vấn của Trump vài chục năm trước đây thì chúng ta sẽ không thấy nhiều khác biệt. Nếu có thể phân loại thì tôi nghĩ Trump là kiểu “classical liberal”. Việc Trump trở thành người của Đảng Cộng hoà và tận dụng nền tảng của chủ nghĩa dân tộc (cùng với đó là chủ nghĩa dân tuý) biến Đảng Cộng hoà thành đảng phái của riêng mình, quả thực là một điều phi thường. Kinh nghiệm thương trường và bản năng giao tiếp đóng góp một phần rất lớn cho thành công của ông.
Ở nhiệm kì đầu, Trump gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nội các bởi những người tài năng có xu hướng e ngại khi bị gán ghép là “làm việc cho Trump”, với rủi ro có thể dẫn tới tẩy chay, mất đối tác, hay thậm chí là đi tù – như những gì suýt xảy ra với tướng Michael Flynn. Các vị trí nội các đa phần đều là những chính trị gia cánh hữu truyền thống (establishment). 8 năm vừa qua đã cho Trump – và chúng ta – thấy rằng chính những chính trị gia truyền thống như Mike Pence lại thiếu bản lĩnh chính trị trong những lúc quan trọng nhất, thậm chí là phản bội. Đó là một bài học đắt giá, vậy nên lần này Trump đã ưu tiên chọn những người có khí chất chiến binh, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ lý tưởng bản thân.
Chính bản thân Trump cũng đã thể hiện ý chí sắt đá như vậy. Mặc cho sự công kích đến từ phe đối lập ở mọi nơi (2 vụ luận tội, hàng chục vụ kiện lớn nhỏ, truyền thông đưa tin thù địch 24/7), Trump vẫn không hề lùi bước. Điều này trở thành sức hút mãnh liệt với tất cả những ai có cùng ý chí như vậy. Với những người tôi đã nhắc đến ở trên, cùng với những người khác trong nội các như Kristi Noem, Pete Hegseth, Kash Patel hay Pam Bondi, có thể thấy rằng team Trump là sự hoà hợp giữa những người trung thành với Trump và những người sẵn sàng bỏ qua cái tôi, coi trọng lý tưởng để hợp tác với Trump.
Với đội ngũ có lý tưởng đa dạng đến vậy, hiển nhiên những tranh cãi nội bộ là điều không thể tránh khỏi. Nếu như truyền thông có đưa tin về điều này và gán ghép nó cho sự “bất ổn” hay “thiếu đoàn kết” thì đừng có tin, bởi điều đó mới là sức mạnh lớn nhất của team Trump – và cũng là sức mạnh lớn nhất của đất nước có tên Hợp Chúng quốc Hoa Kì.