Những giọng ca nữ mình yêu thích - Phần I
Đây sẽ là series chia ra làm nhiều phần bởi lẽ lịch sử có quá nhiều nghệ sĩ nữ vĩ đại và cũng ở vô số thể loại khác nhau (từ experimental...
Đây sẽ là series chia ra làm nhiều phần bởi lẽ lịch sử có quá nhiều nghệ sĩ nữ vĩ đại và cũng ở vô số thể loại khác nhau (từ experimental cho đến pop).
Trong series này, các bạn sẽ thấy rất ít các nghệ sĩ RnB/jazz vì mình không phải là một người đam mê RnB hoặc jazz cũng như các kỹ thuật thanh điệu được sử dụng trong hai dòng nhạc trên. Mình chưa bao giờ là fan bự của những Mariah Carey hay Amy Winehouse mặc dù vẫn có một sự tôn trọng rất lớn cho các huyền thoại ấy vì đóng góp to lớn của họ đối với thế giới âm nhạc.
Petula Clark
Phải cảm ơn thuật toán recommendation của Youtube rất nhiều vì nhờ có nó mà mình mới biết đến bản hit “Downtown” năm 1965, ra mắt vào thời kỳ của Petula Clark. Và từ “Downtown”, mình được biết thêm nhiều ca khúc khác của Petula Clark trong đó có bản cover “The Fool on the Hill” dưới đây mà theo quan điểm của mình còn psychedelic hơn phiên bản gốc của The Beatles trong album Magical Mystery Tour hay Games People Play, cũng là một ca khúc dễ thương và dễ…vibe.
Edith Piaf
Biết đến Piaf, một cách bất ngờ là không phải qua La Vie En Rose mà lại là Non, Je ne regrette rien từ 2011 khi xem Inception lần đầu, nhưng phải đến tận năm 2015 mình mới mò mẫm discography của bà với những track khác như “Padam, Padam” hay “La Foule” và khiến bản thân cảm giác như muốn đến Pháp ngay lập tức để uống rượu và ăn bánh baguette cùng người yêu – mỗi tội, ngay sau khi hết nhạc, thực tế lại đập thẳng vào mặt mình rằng mình vẫn không có ai để ôm ấp và cách duy nhất để tiếp tục cơn mộng tưởng là đứng dậy, đi ra circle K mua rượu vang rồi ghé qua lò bánh mì gần nhà và rồi lại quay về phòng và resume các track còn lại trong album.
Karen Carpenter
Bất cứ ai quen biết mình cũng đều biết mình có một nỗi gắn bó (thậm chí có thể nói là ám ảnh và quyến luyến) với câu chuyện thảm kịch của Karen Carpenter và giọng ca của bà trong các ca khúc của bộ đôi The Carpenters, cùng với anh trai Richard. Khi mới nghe giọng của Karen lần đầu tại Nhật Bản (nếu không tính Close To You và Yesterday Once More khi còn nhỏ) vào năm 2017, một cảm giác thân thuộc xuất hiện, như thể đã từ rất lâu rồi mới được nghe một giọng hát trong trẻo và đẹp đẽ đến thế. Qua năm tháng thì tình yêu của mình dành cho giọng ca của Karen cũng tăng dần, và cho đến giờ vẫn chẳng có ngày nào là mình không nghe nhạc của The Carpenters.
Karen không chỉ thừa hưởng một giọng ca mà theo mình là ngàn năm có một mà còn có khả năng chơi trống jazz đỉnh cao, được huyền thoại Buddy Rich “tuyên dương” như một tay trống yêu thích của ông – Buddy Rich rất ít khi khen ngợi các nghệ sĩ khác, mà pop thì lại càng ít. Và bạn hãy tưởng tượng, Karen đã kết hợp hai tài năng ấy lại với nhau cùng 1 lúc khi vừa hát và vừa chơi trống ở độ tuổi chỉ vỏn vẹn 18. Hai từ “huyền thoại” là quá nhẹ nhàng để miêu tả Karen, một người nghệ sĩ ra đi khi chỉ vỏn vẹn 32 tuổi vì hội chứng biếng ăn quái ác, mà nguyên do gốc rễ là vì nỗi tự ti với thân hình của mình.
Có nhiều nghệ sĩ đã gửi lời tri ân đến Karen, trong đó bao gồm hai lời khen ngợi đến từ Lennon và McCartney, Madonna, Elton John hay Sonic Youth đã tri ân Karen với bản cover u ám “Superstar” và gần đây nhất là The Avalanches với “We Go On” sample giọng của Karen trong Hurting Each Other ở phần chorus.
Dưới đây là một trong những live show yêu thích nhất của mình – Karen trình diễn I Need To Be In Love, ca khúc mà bà “cưng” nhất của The Carpenters.
Favorites: Sing, Top Of The World, It’s Going To Take Some Time, Merry Christmas Darling, I Just Fall In Love Again, và nhiều quá không kể hết được.
Vashti Bunyan
Thoáng nghe Bunyan trong một lần dạo chơi tại group Retro 1980, mình đã lập tức yêu luôn chất giọng folk của Bunyan qua bài “Train Song” hoặc “Just Another Diamond Day” (không nhớ rõ nữa)…nói chung thì, nhạc của Bunyan cũng cho mình một cảm giác thân thuộc song lại theo một hướng hoàn toàn khác với Karen vì nó như vẽ lên những bức tranh phong cảnh trừu tượng – bạn biết đấy, cùng bầy gia súc, cây cỏ mọc um tùm ở một trang trại và một bộ bàn ghế gỗ, có trà và bánh quy cùng một gia đình ấm áp theo phong cách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” và “Mùa tuyết tan”… đại loại thế.
Nó vừa lạ vừa quen, thay vì là mang tính hoài niệm một cách gắn bó thân mật như thể gặp được người-mẹ-tâm-hồn ru vào giấc ngủ như cảm xúc cá nhân của mình với Karen.
Theo mình được biết thì Bunyan khi ra mắt nhạc vào giai đoạn giữa đến cuối thập niên 60, bà đã không đạt được những thành công về mặt thương mại và đã giã từ sự nghiệp âm nhạc cho đến tận đầu những năm 2000 khi Bunyan và rồi là nổi lên lại hẳn năm 2015 khi ca khúc “Train Song” xuất hiện trong True Detective. Dưới đây là Come Wind Come Rain thuộc album Just Another Diamond Day, 1970.
Mình cũng có chút mừng thầm vì sự thật là Bunyan ít nhất đã biết được rằng giọng ca của mình được trân trọng trong vòng đời của mình.
Anyway, hẹn gặp các bạn trong phần sau với nhiều cái tên hơn ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Đọc thêm những bài viết như thế này tại blog mình dưới đây:
Minh Tu Le
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất