Bạn trai hiện tại của tôi lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, đôi lúc tôi thấy chạnh lòng dùm anh khi chúng tôi đang cãi nhau và anh buộc miệng nói “Tình yêu thì đâu có gì bền vững, ví dụ điển hình nhất là gia đình anh này. Rồi cũng phải chia tay thôi.”
Trước cả bờ vực đau lòng vì chuyện tình của chúng tôi có thể cứ như thế mà kết thúc, thì câu nói đó lại khiến tôi thấy chạnh lòng nhiều hơn. Dù chỉ là một câu nói lỡ lời trong lúc tức giận, thì nỗi buồn man mác trong câu nói đó cũng đủ khiến người ta muốn ôm chầm lấy con người đó và an ủi. Nhưng anh thì không cần điều đó, anh bảo những đứa trẻ như anh đã quá quen với cảnh hôn nhân không hạnh phúc, đôi lúc anh còn đem nó ra làm trò đùa giữa đám bạn cùng cảnh ngộ với mình. Tôi nhìn thấy họ vẫn luôn vui vẻ và nói về vấn đề đó hết sức là bâng quơ, nhưng đến khi cảm xúc không thể nào được che giấu hoàn hảo nữa, câu nói đó lại chứa cả một nỗi buồn kéo dài từ quá khứ đến hiện tại.
Anh bảo những đứa trẻ như anh không muốn lớn cũng phải học cách lớn, không muốn đau cũng phải học cách chịu đau. Vì đứa trẻ bình thường chỉ nghĩ đến mai ăn gì, đi học gặp bạn nào, cuối tuần sẽ được ba mẹ dẫn đi đâu. Còn anh thì phải trằn trọc đến nửa đêm trong tiếng cãi vã của ba mẹ.
Anh đã cho rằng đó là cuộc sống bình thường của một gia đình, cho đến khi anh phải ở lại trường đến 9 giờ tối dù chỉ là một đứa trẻ tiểu học vì ba mẹ cãi nhau không đến đón. Việc đó diễn ra hằng ngày, đều đặn đến mức anh thân thuộc luôn cả chú bảo vệ hơn cả ba mình.
Lớn thêm một chút, anh đã nghĩ có thể suy nghĩ mình sẽ mạnh mẽ hơn, gia đình sẽ khá khẩm hơn. Có người bảo thời gian sẽ chữa lành nỗi đau của quá khứ, tình yêu cũng sẽ theo tháng năm bên cạnh nhau mà bồi đắp. Nhưng thực tế chứng minh với anh rằng, điều đó không bao giờ là đúng.
Khi những đứa trẻ mười mấy tuổi đang lo chuyện học hành, yêu đương, thì anh lại phải chăm sóc đứa em nhỏ hơn mình 5 tuổi, và tiếp tục chịu đựng những cuộc cãi vã chưa bao giờ là có hồi kết. Đôi khi là những trận đánh nhau với tiếng đổ vỡ vang khắp nơi trong phòng bếp. Không phải tiếng cười vui vẻ ấm áp, không phải những bữa cơm gia đình hạnh phúc. Đôi lúc anh nghe lũ bạn than phiền ba mẹ nó quản quá nhiều, suốt ngày chỉ bắt tụi nó học và học. Còn anh thì lại âm thầm ganh tị với bọn nó, bởi vì ngay cả một bữa cơm gia đình anh còn không có, nói chi nhiều đến chuyện ba mẹ anh quản anh học ra sao. Họ chỉ biết bận công việc và cãi nhau, còn anh và đứa em trai nhỏ ra sao, đôi khi nghĩ lại có lẽ họ đã quên mất hai bọn anh rồi.
Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, và những đứa trẻ chịu tổn thương cứ thể được hình thành. Những đứa trẻ như anh, tôi gặp rất nhiều, đa phần bọn chúng đều tỏa ra một cảm giác man mác buồn gì đó rất khó tả thành lời. Và đứa trẻ nào cũng đều nhìn một gia đình hạnh phúc với ánh mắt khao khát được che giấu hết sức kĩ lưỡng. Đôi lúc những đứa trẻ đó còn mang theo một sự lo sợ rằng, ba hay mẹ mình sẽ có người mới. Trong tâm trí của những đứa trẻ đó luôn có cảm giác bản thân mình sẽ bị bỏ rơi, và tình yêu thì làm gì có thật.
Buồn thay, tình yêu thì lại chưa chừa ai bao giờ. Những đứa trẻ đó rồi cũng sẽ phải yêu thôi. Một ngày nào đó, chúng sẽ phải yêu một ai đó, nhưng tình yêu đó sẽ mang đầy nỗi đau và sự lo sợ không biết nên kéo dài mối quan hệ đó như thế nào. Vì cơ bản, chúng không hề biết một mối quan hệ nên gìn giữ thế nào, và làm thế nào để nó có thể tốt hơn. Những gì chúng học được từ nhỏ chính là tình yêu sẽ đầy những cuộc tranh cãi không hồi kết, anh mắng em thì em cũng chẳng nhịn anh. Là những lần hoài nghi vô cớ, là những lần một khóc hai nháo ba thắt cổ thì cũng thể giữ được bước chân nhau. Và cái kết thì chính là đường ai nấy đi và để lại những đứa trẻ tổn thương đến cùng cực.
Khi nghe anh nói vậy, tôi chẳng biết khuyên anh thế nào, mà có lẽ anh cũng đâu cần một lời khuyên. Thực tế mà nói, có lẽ, tình yêu về bản chất là như vậy thật. Chúng ta sẽ yêu nhau đến vô vàn ở những ngày đầu, rồi tranh cãi sẽ xảy ra khi tình yêu đã dần bình ổn trở lại, và nếu mảnh ghép không trùng khớp, chia ly cũng là một điều hiển nhiên.   
Chúng ta yêu nhau là một hành động hết sức bản năng và phụ thuộc hầu hết vào sự lựa chọn của chính mình. Nhưng để ở bên cạnh nhau dài lâu lại là một câu chuyện khác mà tình yêu thôi đã không đủ để giải quyết hết thẩy. Những cuộc cãi vã sẽ xảy ra, nhưng nếu chúng ta không học cách giải quyết, và dạy đối phương cách để hòa hợp với mình, thì những cuộc cãi vã chỉ tốn thời gian và vô nghĩa. Tôi cảm thấy hai người ở cạnh nhau không phải để đối phương hoàn thiện mình, mà là từ đối phương khiến mình nhận ra những gì mình có thể làm để tự hoàn thiện mình. Đối phương không phải là người lấp đầy đi phần mà mình thiếu xót, mà bản thân mình phải là người tự làm điều đó cùng đối phương. Có như thế, thì mối quan hệ đó mới có thể tiếp tục tồn tại và lâu bền. Nhưng một người đã từng thất bại trong công cuộc đó như tôi, thật sự tôi cũng chẳng thể nào nói hết những điều này trong một hai câu cho anh ấy hiểu.
Cháu tôi cũng là một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ.
Tôi chứng kiến ba mẹ nó kết hôn, cãi nhau, đánh nhau và ly hôn.
Tôi chứng kiến nó được sinh ra trong bầu không khí không quá hạnh phúc giữa hai người. Không có sự nồng nhiệt mong chờ, cũng chẳng hề có cảm giác một gia đình ba người vui vẻ.
Tôi nhìn nó lớn lên với đôi mắt ưu buồn và nỗi khao khát ba mẹ có thể quay lại với nhau, dù tôi biết chắc là nó cũng thừa hiểu là chuyện đó là không bao giờ có thể. 
Những đứa trẻ tổn thương như cháu tôi và anh, có lẽ nỗi đau của họ khi người ngoài nhìn vào thì chỉ thấy xót xa nhưng cũng không thể làm gì khác. Tôi nhìn cháu tôi lớn lên trong buồn bã, có lẽ anh cũng đã từng như thế, và có thể cháu tôi sẽ là anh khi lớn lên. Những đứa trẻ lớn lên với một suy nghĩ lệch lạc về tình yêu, với một niềm tin không hề mạnh mẽ với những mối quan hệ, hoặc giả chăng là nó cũng sẽ chẳng còn thiết tha gì với tình yêu nữa vì nó sợ sẽ lại có những nạn nhân như nó.
Ở độ tuổi của tôi, có rất nhiều người đã kết hôn sinh con. Tôi trước đây cũng có đối tượng muốn kết hôn, nhưng đứng trước cột mốc đó, nghĩ lại đứa cháu nhỏ của mình, tôi đã chọn rời đi và sống cuộc sống mà mình muốn trải nghiệm trọn vẹn nhất có thể. Dù rằng nó sẽ không phải là những kì vọng mà xã hội hay gia đình tôi mong muốn. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ tốt cho tôi và người đó. Khi tôi gặp anh, niềm tin này trong tôi lại càng mạnh mẽ. Tôi tin tôi đã đúng khi bản thân chưa sẵn sàng để chịu những trách nhiệm mình có thể gánh vác cùng một người khác.
Khi nhắc đến những nạn nhân, ai trong chúng ta cũng có chút gì đó thương xót cho họ. Bản thân tôi cũng thường hay kể về những gì mà mình đã chịu trong quá khứ. Nhưng điều quan trọng nhất từ những câu chuyện đó, chính là những nỗi đau mà mỗi hành động của chúng ta có thể gây ra cho người khác, chứ không phải là những chỉ trích cứ nhằm vào quá khứ.
Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, chính đứa trẻ đó đã là một nỗi bất hạnh. Người nó yêu sau này cũng sẽ phải chịu một nỗi đau tương tự, ít nhất là cho đến khi nó lấy lại được niềm tin và học được cách giữ gìn mối quan hệ của chính mình.
Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, chính ba mẹ của nó cũng là người đã chịu đau đầu tiên.
Những nỗi đau quá khứ ai cũng đều sẽ chịu đau không ít thì nhiều, chỉ trích cũng chẳng thể khiến quá khứ trở nên tốt đẹp hơn, hay cho chúng ta một hiện tại tốt hơn. Ý nghĩa cốt lõi của quá khứ và nỗi đau chính là một ví dụ điển hình để chúng ta không mắc phải những sai lầm tương tự.
Quá khứ vốn dĩ không có tội, người trong cuộc nếu thấy hối hận, họ đã sớm tìm cách để bù đắp, còn nếu không thì họ có hàng tá lý do để lảng tránh. Dù bạn có dùng bao nhiêu lời lẽ cay độc để chỉ trích, hay than phiền về nó với một nỗi căm hận hay đau buồn gì thì người duy nhất tiếp tục đau lòng cũng chỉ là bạn. Bạn hoàn toàn không thể thay đổi được nỗi đau mà mình phải chịu, cũng chẳng thể khiến cho người trong cuộc bù đắp cho bạn một cách thỏa đáng, vì làm gì có cách bù đắp nào đủ để chữa lành cho một vết thẹo đã hằn trên da thịt tâm trí nhiều năm như thế. Đổ lỗi cho quá khứ hay chăm chăm chỉ trích nó cũng chỉ khiến chúng ta trở nên đáng thương. Thay vì thế, hãy cứ nhìn nhận rằng quá khứ chúng ta không thay đổi được, nhưng hiện tại và tương lai thì hoàn toàn có thể. Nếu bạn không thể chịu trách nhiệm với những một cuộc hôn nhân, hãy từ chối nó khi có thể. Nếu biết bản thân không thể cho một đứa trẻ hạnh phúc, hãy để nó đừng được hình thành.
Những đứa trẻ tổn thương vì một gia đình không trọn vẹn, sẽ rất khó học cách yêu, và giữ mối quan hệ với một ai đó. Nhưng cuộc sống vô thường nên thường thì làm gì có vô vọng.
Nếu bạn là một đứa trẻ tổn thương, hãy hiểu rằng gia đình không phải chỉ là tấm gương để bạn cảm thấy tuyệt vọng với tình yêu. Gia đình là một ví dụ điển hình cho những gì bạn có thể tránh mắc phải. Kẻ tổn thương thích tổn thương người khác không phải là một lý do hoàn hảo để bạn có thể tổn thương người bạn yêu hay chính bản thân mình. Không tạo ra thêm một kẻ tổn thương khác mới là cách tốt nhất để tự chữa lành nỗi đau của chính mình.
Nếu bạn đang yêu một đứa trẻ tổn thương, hãy nhẫn nại với nó một chút. Vì thế giới của họ đã mất đi niềm tin về tình yêu khi còn nhỏ, lớn rồi thì càng khẳng định sau những lần đổ vỡ. Hãy kiên nhẫn với họ thêm xíu nữa, hãy chứng minh cho họ thấy tình yêu hoàn toàn có thật. Hai người ở bên nhau lâu dài đều là những điều có thể, chỉ là chúng ta có dũng cảm chứng minh điều đó hay không mà thôi.
Quan trọng nhất, nếu bạn đã chứng kiến hoặc đã biết đến những đứa trẻ bị tổn thương trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hãy đừng là thủ phạm và tạo ra những đứa trẻ tổn thương. Nếu đã không thể chịu được trách nhiệm, thì không nhận lấy trách nhiệm cũng là bước đầu tiên để học cách chịu trách nhiệm.  
-Lâm Duệ Nghi-