Tôi gặp tục kéo vợ lần đầu tiên trong đời ở truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài) và sau đó là ở tiểu thuyết "Lặng yên dưới vực sâu" (Đỗ Bích Thuý). Giờ lại thấy nó trong một hình hài khác ở phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" (đạo diễn Hà Lệ Diễm), và sau nữa là một phim ngắn tên "Khu rừng của Páo" (đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt).
Poster phim ngắn "Khu rừng của Páo"
Poster phim ngắn "Khu rừng của Páo"
Hai bộ phim đều lấy bối cảnh không gian Tây Bắc, tràn ngập văn hoá H'Mông và hiện rõ chân dung hai nhân vật chính trong câu chuyện tục kéo vợ truyền thống, nhưng thể hiện hai hướng nhìn khác nhau. Cùng là người trong tục kéo vợ ở tuổi 15, một bên là Di hồn nhiên, ngây thơ và chủ động quyết liệt với lựa chọn của mình, một bên là Páo trầm lặng chấp nhận định kiến áp đặt. Một bên có người mẹ nhìn rõ cuộc đời con mình sẽ sang trang mới không biết có tươi đẹp hơn hay không khi mà nó còn chưa thấm mùi đời, một bên là những người trong cộng đồng nặng định kiến lấy vợ ở tuổi ấy là một điều rất phải. Để rồi Di chọn được con đường của em và hạnh phúc, còn Páo đột ngột bước sang vai trò mới và trái tim chưa một lần được rung động.
Một cảnh ấn tượng khi mọi ánh nhìn của diễn viên quần chúng chĩa thẳng tới máy quay, như nhìn trực diện một cách chằm chằm vào nhân vật chính - Páo.
Một cảnh ấn tượng khi mọi ánh nhìn của diễn viên quần chúng chĩa thẳng tới máy quay, như nhìn trực diện một cách chằm chằm vào nhân vật chính - Páo.
Hai nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của họ với những hình ảnh đại diện văn hoá H'Mông khác nhau. Đi cùng Di xuyên suốt bộ phim là những chén rượu nồng mang đậm nét văn hoá người H'Mông, còn Páo là tiếng khèn văng vẳng bên tai từ trong nhà cho tới giấc ngủ. Chén rượu của Di mang tính quyết định trong cuộc hôn nhân sắp tới, đặc biệt là chén rượu chối từ trong tình yêu suýt bước tới hôn nhân của Di và Vàng. Chén rượu cũng thể hiện cách ứng xử của người con gái trong văn hoá H'Mông, rằng biết khéo, biết chối từ nhưng cũng không làm mất mặt gia đình, biết giữ hoà khí hai nhà sau khi câu chuyện kết thúc, và hơn cả là biết cách dứt khoát nhưng bớt sự thương tổn. Còn tiếng khèn của Páo là âm thanh của tiếng gọi bạn tình, như tiếng sáo quanh vách ngày nào của Mị trong "Vợ chồng A Phủ". Tiếng khèn xuất hiện đột ngột trong tháng ngày u ám và buồn chán của tuổi trưởng thành, khi Páo đã là chồng một người phụ nữ và cha của hai đứa trẻ, khi Páo còn chưa từng biết rung động lần nào. Páo nhớ mãi tiếng khèn của một người trong vùng ngày ấy, văng vẳng suốt bên tai và gọi Páo về khao khát được yêu dù chỉ một lần.
Sương và trước quyết định của Di theo Vàng về nhà
Sương và trước quyết định của Di theo Vàng về nhà
Cùng trong hai phim này, tôi còn chú ý tới thiên nhiên Tây Bắc trong mối tương quan với chân dung hai nhân vật. Khu rừng của Páo cũng giống như màn sương của Di, là những gì tự nhiên ban sơ nhất, là rộng lớn bao la và cũng là cội nguồn văn hoá của hai người họ. Màn sương của Di là màn sương của sự mơ hồ, mông lung, đẹp nhưng mờ, như Di còn chưa hề biết mình sẽ thành ai trong tương lai, chỉ biết đáp "Chi pao" (không biết) khi chị Diễm hỏi. Còn khu rừng của Páo vạch rõ biên giới biệt lập đời sống của những người như Páo với thị trấn bên ngoài. Páo còn ở đó là còn sống với định kiến phong tục. Thiên nhiên đã dắt họ đi theo con đường và câu chuyện của họ. Để ta thấy một Di trưởng thành và hiểu rõ hơn cuộc đời, và một Páo dám cởi bỏ trang phục truyền thống, cầm một bó hướng dương để đi theo tiếng khèn lòng mình nơi thị trấn bên kia khu rừng.
Khu rừng, và Páo.
Khu rừng, và Páo.
Sự đối lập của Di và vợ Páo cũng là một điểm thú vị. Một bên là người đã trình ma nhà chồng và gắn cuộc đời mình với nơi ấy, cam chịu và truyền thống. Một bên là cô gái trẻ chưa biết mùi đời, hiện đại và đầy sức sống. Có thể người này là quá khứ của người kia và ngược lại, là tương lai của người này. Nhưng chân dung Di có trở thành chân dung vợ Páo sau kết hôn hay không, là điều không biết trước được. Vợ Páo chỉ khiến tôi nhớ về lời dặn của mẹ chồng Mai trong "Bóng của cây sồi", rằng sáng nào cũng phải nhớ và cần để ống nước trên máng nhà luôn chảy, rồi đặt một ấm nước sôi cho bếp được hồng và nhà được ấm. Đó như một nếp sống ăn sâu và tiềm thức của họ, và truyền từ đời này qua đời khác.Kết lại bằng câu thoại tôi nhớ trong phim của hai nhân vật:Mẹ Di với lời khuyên con cách nói khi phải từ chối Vàng: "Nắng của anh bên nào thì anh về bên nấy. Em không phải nắng của anh. Anh đừng giận em."và Páo thở một câu khi người đàn ông mặc vest hỏi: "Hoa chưa nở người ta đã về rồi".
Người mẹ - người hiểu Di nhất và cũng là một trong những nhân vật nữ đáng quan tâm.
Người mẹ - người hiểu Di nhất và cũng là một trong những nhân vật nữ đáng quan tâm.