Trải 

"Nhân chi sơ tính bản thiện". Bản thể tự nhiên của con người là một bức tranh đặc quánh không màu. Dành cả cuộc đời trong lồng kính rồi chúng ta sẽ chết đi như một thể hỗn mang không màu - không mùi - không vị. Chẳng mấy ai can tâm sống một đời như thế. Ít nhiều gì cũng muốn nếm cho đã đầy vị đồ ăn mặn ngọt, ngửi cho no bụng hương ngào ngạt đoá quỳnh đêm, chạm cho thỏa thuê da thịt bạn tình trần trụi dưới nắng sớm,... Toàn là cái tham - sân - si khó tránh cõi trần tục. Để đo độ nông sâu đời người, tôi cho rằng có hai yếu tố chính: bản năng cảm nhận/ nhận thức và trải nghiệm. Không ném tấm thân trơ gầy vào những trải nghiệm thì khó mà tránh khỏi nỗi thờ ơ. “Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được” - Trịnh Công Sơn. Trải nghiệm mang tính chất tự nhiên có chọn lọc. Tức là con người hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định dấn thân hoặc không. Khi còn do dự trước sự lựa chọn, tôi e câu trả lời là “Không". “If you can’t decide, the answer is no" - Naval Ravikant.
Trong cuốn “Mèo và triết lý nhân sinh", tác giả John Gray đã đề cập đến bản chất con người với những phân tích như sau. Con người sở hữu hai bản thể. Một bản thể tự nhiên và một bản thể xã hội tồn tại song hành từ lúc sinh ra, trưởng thành, cho tới khi tạ thế. Chúng ta thường nhầm lẫn cho rằng bản thân đang tranh đấu với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, cuộc chiến đó thường chỉ diễn ra giữa hai bản thể song đôi trong một linh hồn. Những linh hồn non trẻ khao khát thể nghiệm thì khó tránh khỏi nhiều đối kháng. Cuộc nội chiến này cũng là một phần của nỗi trăn trở hiện sinh (Identity Crisis). Cám dỗ khó lòng là cám dỗ cho đến khi người ta thực trải nghiệm. Chẳng đứa trẻ nào hiểu tại sao cha mẹ chúng ngoại tình, cho đến khi thực trở thành cha mẹ. Tôi luôn cho rằng luật nhân quả hoạt động theo quy chế này. Chúng ta sẽ có cơ hội “xỏ chân vào đôi giày người khác", để nghe để nhìn để chạm và để hiểu. Giữa cơn mộng mị cám dỗ, sự tự nhận thức vỡ oà tức tưởi thành một khoảnh khắc ngỡ ngàng: “Tại sao lại xảy ra chuyện đó được?” (lời bài hát Red Rum - Táo). 
Trong không gian đặc sệt khói thuốc, mờ ảo vị cay, nồng nàn tiếng thở gấp, một vũ trường huyên náo hay một quán rượu kín tiếng, người ta tựa vào vai nhau, chạm môi thở và tắt chuông điện thoại. Những cuộc gọi giờ này mới là điều sai trái. Một mẩu đối thoại loáng thoáng của bàn bên.
- Trạng thái của anh hiện tại là gì?
- Một mối quan hệ phức tạp.
- Anh ở đây, với em, giờ này, có ai biết mà tổn thương không?
- Có. Anh có thể hỏi em những câu tương tự và câu trả lời của em cũng không khác. Đúng chứ?
- Ừ.
- Vậy thì. “Em có cả một cuộc đời. Anh là người đến trễ. Anh không tò mò. Anh chỉ muốn tìm hiểu em"
Sớm mai, rượu cạn, tình trôi, nhìn vào gương mấy ai nhận ra hình hài con người. Sự tranh đấu xâm chiếm hết cõi lòng rỗng tuếch. Nửa ăn năn nửa kích thích, nửa sợ hãi nửa hồi tưởng, nửa gào thét giận dữ nửa khóc lóc nỉ non. Hoặc cũng chẳng có cuộc nội chiến nào, bởi thứ tồn tại trên mặt đất này chỉ toàn là rác rưởi. “Phụ bạc len lỏi trong máu của mỗi người. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó” - Nguyễn Ngọc Tư. Chỉ tội cho kẻ nhạy cảm với cuộc đời. Một góc phố là nơi ta nhận lời tỏ tình, là nơi ta thất tình trong chính cuộc tình, cũng có thể là nơi ta bắt đầu một đoạn tình đã cũ. “Dù thế nào, cô ấy vẫn là nhân vật chính trong cuốn phim đời mình" (lời thoại phim 2046). 

Nghiệm

Như cánh bướm phải xé nát vỏ kén để bay đi, đổi thay nào mà không đau đớn. Nhưng có ai đã trải qua ngần ấy sự đời lại còn nguyên vẹn tấm trinh lòng. “Người ta đã trải cuộc đời thì phải hoài nghi, mà đã hoài nghi thì phải bi quan. Sở dĩ ông còn tin được ở ái tình, một là vì ông hãy còn trẻ tuổi, hai là vì bọn văn sĩ mê hoặc ông” - Vũ Trọng Phụng. Sự phức tạp nằm ở người và ở đời. Ánh mắt trong trẻo có lẽ chỉ thuộc về những tấm ảnh kỷ yếu cũ kĩ. Muôn đời nay vẫn thế. Lucifer vẫn từ thiên thần trở thành quỷ dữ, Chí Phèo vẫn từ cậu trai lương thiện trở thành con quỷ làng Vũ Đại,... Những thiên thần sa ngã, mất cánh không đầu, vẫn lang thang trong các cuộc nợ đời vay người để trải - rồi nghiệm. Đời này thứ nhiều cám dỗ nhất chắc có lẽ là ái tình. Ái tình thì kịch tính, phức tạp và đau thương. Khoái cảm nảy nở từ đấy hẳn sẽ làm người ta khó sống. Nhưng sự sống cũng ở đó mà ra. 
Tâm thế là điều cốt tử. Thầy trò Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn để hoàn thành con đường thỉnh kinh gian truân và thách thức. Khi đã đẫm mình chốn bùn lầy, đôi mắt và khối óc sẽ rộng mở. Cái tầm rộng đủ để bình thường hóa những sự “bất thường” (vốn được quy chiếu bởi ngàn vạn thể thức xã hội). Điều hiếm hoi ở đời có thể xảy ra ngay lúc này, ngay tại đây, với chính ta. Tâm thế đón nhận đổi thay cho con người cơ hội thay đổi. Nỗi giật mình ngỡ ngàng đầy thơ ngây vẫn sẽ ùa đến khi lá bàng đổi màu đón đông, dù đây đã là mùa đông thứ bao nhiêu của đời người. Nhưng theo ý thơ Hữu Thỉnh: “Gió cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi" (Sang Thu). Điều gì rồi cũng sẽ qua, không có ngoại lệ. Một cơn cảm xúc, một cuộc tình hay một con người.