Đầu giờ chiều nay, tôi tạt qua một quán cắt tóc quen ở gần nhà. May mắn thay, lúc đó chỉ ms khoảng ba rưỡi, quán cũng chỉ có một khách đang cắt, là một em học tiểu học, khoảng 8-9 gì đó. Mẹ cậu nhóc cũng đứng ngay cạnh đó, thi thoảng lại nhìn đầu con trai mình rồi bảo anh thợ cắt ngắn đi, cắt cua cho nó mát, không muốn cậu nhóc để mái cho dù nó không quá dài. Chỉ nhìn khẽ qua là cũng đủ thấy vẻ mặt cậu nhóc không hài lòng chút nào, hai má phụng phịu cả ra, thế nhưng lại chẳng dám nói lời nào. Tôi nhìn, mà nhớ lại hồi xưa mình cũng thế, đến tận năm lớp bảy hay tám gì đó, vào mùa hè tôi vẫn bị lôi ra tiệm cắt tóc và mẹ tôi cũng yêu cầu tay thợ rằng húi cua cho tôi, vì để thế cho nó mát.
Khoảng vài năm trở lại đây, tư tưởng nuôi dạy con cái của phụ huynh đã thoáng hơn rất nhiều. Nhiều đứa trẻ giờ đây không bị áp lực bởi việc học hành quá nhiều nữa, chúng được ủng hộ tham gia các hoạt động trường lớp nhiều hơn, được tham gia thi đấu thể thao nhiều hơn. Việc coi trọng thành tích cũng đã được giảm đi đáng kể. Nhìn bề ngoài thì thấy những đứa trẻ đang sống hết mình với tuổi thanh xuân của chúng, nhưng thực chất bên trong, chúng vẫn không có quyền tự quyết tất cả.
Tôi có người bác làm công nhân tại nhà máy, thường xuyên phải làm hai ca để kiếm thêm thu nhập. Được cái, có đứa con trai học lớp chuyên tại một trường trung học đứng đầu quận. Ấy vậy mà, khi tôi hỏi thằng bé học chuyên môn gì, thì bác chỉ trả lời là nó giỏi ba môn Toán, Lý, Hóa. Tôi hỏi tiếp vì sao em lại học trường đấy, bác cũng chỉ trả lời rằng vì trường đó tốt nhất trong quận. Cơ mà để hỏi về sở thích của thằng bé, thì bác trả lời hoàn toàn không biết, đơn giản vì có hôm nó đi học thêm tới tối về, có hôm bác làm tăng ca, có hôm cả hai mẹ con ở nhà thì chỉ thấy thằng bé cắm đầu vào máy điện thoại. Nghe xong, tôi thầm nghĩ, có lẽ học đại học trường gì cũng không phải là do nó quyết định.
Đợt tết, có bác họ hàng hỏi tôi là rằng "Giữa đại học Bách Khoa và Kinh tế quốc dân thì con bác nên thi trường nào?". Đối với tôi, cả hai trường đều là trường tốt, nhưng hai ngành nghề của hai trường lại không liên quan gì tới nhau cả. Vì là thằng bé cũng chưa tìm hiểu sâu về các ngành nghề của hai trường nên tôi trả lời rằng cho thằng bé thời gian để tìm hiểu rồi tự nó quyết định. Bác đáp lại rằng "Bác cũng chỉ muốn tốt nhất cho thằng bé mà thôi."
Phải rồi, phụ huynh nào cũng mong muốn điều tốt nhất cho con cả. Nhưng đã phụ huynh nào cho rằng những đứa trẻ thực sự mong muốn những điều đó. Ủng hộ và mong muốn là hai điều hoàn toàn trái ngược nhau.
Tôi nhớ hồi học trung học cơ sở, có lần tôi xin mẹ mua cho mình quần áo bóng đá. Mẹ đồng ý, nhưng không dắt tôi đi mà tự mua. Kết quả là mẹ mua cho tôi 5 bộ, nhưng không một bộ nào là câu lạc bộ mà thích. Kết quả là sao? Ban đầu, tôi cố mặc để làm vừa lòng mẹ vì chúng là hàng xịn nên cũng hơi đắt tiền. Thế nhưng, tôi cũng chỉ mặc chúng một lần rồi bỏ xó và lấy tiền tiết kiệm để mua bộ của câu lạc bộ mà tôi thích, cho dù nó là hàng fake, và giá chỉ bằng khoảng 1/5 mấy bộ mẹ tôi mua. 
Giờ giả sử như những thứ mà phụ huynh quyết định không phải chỉ mà những bộ quần áo mà là tương lai đứa trẻ thì sao? 
Tôi cho rằng, việc tự quyết định bản thân là một bước khởi đầu hoàn hảo trong quá trình chúng ta trưởng thành. Cam đảm chính là bước đệm khởi đầu cho việc tự quyết. Nói tới đây, không phải tôi ủng hộ cho việc cãi lại cha mẹ mà thay vào đó là việc chúng ta tự ra mục tiêu, cam đảm nói với họ rằng mình thực sự muốn trở thành như này (tất nhiên những việc bạn làm vẫn nằm trong quy định pháp luật).
Việc bạn học ở đâu hay làm gì không quan trọng, quan trọng là bạn biết mình sẽ học gì và sẽ làm gì.
Liệu có thể thực sự sống mà không được làm chính mình?
Thôi thì, việc quyết định vẫn ở bạn.