Trưa, lướt qua bàn học cậu bé, giục “đến giờ xuống sân rồi con”, mãi sau nhìn nó ngúng ngoẳng mặc áo xống lỉnh kỉnh và đi ra khỏi cửa! Ngày nào cũng phải giục cậu bé xuống sân phơi nắng sau giờ học buổi sáng.
Chợt nhớ lại quãng 4, 5 năm về trước. Lúc đó không có chuyện giục xuống sân phơi nắng như bây giờ. Lúc đó, cậu bé viêm tai giữa, viêm VA … dai dẳng. Mang tiếng là cho đi học nhà trẻ, đóng tiền học đều đặn hàng tháng nhưng mỗi tháng đi được tầm 3 buổi, còn lại là ốm, phải ở nhà để ông bà rồi bác giúp việc … chăm. Cứ thế đến tận lớp 2, lớp 3 cũng vẫn triền miên mũi họng, VA …. đi học bữa đực bữa cái. Mối quan tâm hàng đầu là liệu hôm nay có chảy nước mũi nhiều không, có ho không …. ? Chỉ cần húng hắng ho thôi là phải vắt tay lên trán tự hỏi liệu có lại sắp phải cho đi khám rồi cho uống thuốc không?
Lúc đó, cứ khoảng 2 tuần lại phải cho đi khám tai mũi họng, lại phải uống thuốc long đờm, rồi kháng sinh. Lúc nào trong nhà cũng túc trực xi lanh 20 ml và khăn, ngày rửa mũi ít nhất 1 lần, bố cháu cũng thành chuyên gia rửa mũi luôn. Không nhớ nổi những lần vừa đi làm về cái là phải hớt hải vợ chồng đưa con ra phòng khám mũi họng ngay để còn xếp hàng lấy số. Tháng nào cũng ít nhất một lần chầu chực ngồi chờ khám ở Nhi TW. Nhi TW mãi không khỏi thì đi bác sĩ tư, lúc đầu vào tít Hà Đông, khám một bác sĩ về hưu chuyên khoa II. Cầm cự được 1 thời gian ông bác sĩ bó tay. Đang lúc đó đồng nghiệp bố cháu giới thiệu cho một phòng khám khác của một bác sĩ hàng đầu ở Bạch Mai, phòng khám luôn đông kín các bệnh nhi. Ngoài giờ hành chính nên thường phải ngồi chờ bác hết giờ ở viện về mới khám được!
Bác sĩ cũng rất tận tình. Đợt mới sau khi ông bác sĩ ở Hà Đông bó tay bác phải cho dùng 1 loại thuốc kháng sinh đặc dụng để cải thiện bệnh tình viêm tai giữa dạng keo lên một mức độ đỡ rủi ro hơn. Sau đợt đó, thấy đáp ứng tốt, bác lại cho dừng, bảo “để dành (kháng sinh đặc dụng đó) về sau, phải tính đường dài”. Đường đúng là dài lê thê, bố mẹ lúc đó không thấy lối ra, chỉ biết trăm sự nhờ các bác. Bác cũng rất cẩn thận, để quyết định có đặt OTK không bác bảo bố mẹ đưa lên hẳn Bạch Mai trong giờ hành chính. Rất đông, chờ mãi thì bác tất tả từ nơi nào đó hiện đến, dắt vào phòng khám rồi dắt cháu lên tận nơi hội chẩn với bác sĩ khoa đó một hồi? Kết luận tạm thời có đặt cũng chưa chắc cải thiện nên lại cho về. Kết luận xong bác lại biến mất ngay. Trong giờ hành chính ở viện chắc hẳn bác cũng đang bận lắm! Đến giờ nhớ lại mình vẫn thấy cảm động.
Nhưng mà cậu bé yếu, còi. Uống bao nhiêu kháng sinh toàn những thứ mạnh: Akudinir, Klavunamox … , người chẳng lớn được tẹo nào. Lại thêm ăn uống khó khăn, không bao giờ hứng thú ăn uống cả :( . Uống cả yến sào cũng chả có tác dụng. Bao nhiêu loại men tiêu hoá, ăn ngon… cũng từng thử. Bữa nào bố cháu cũng giục “ăn nhanh lên”, … bữa nào bố cháu cũng phát điên cả.
Bệnh tình cậu bé vẫn không thấy ánh sáng le lói. Thôi chẳng dám mơ hết còi cọc, giảm xuống chỉ ước thôi đừng bị ốm. Thực tế viêm tai giữa vẫn dằng dai, viêm VA cấp. VA ngày càng to bác sĩ giục nạo VA. Bố mẹ trù trừ. Ba bốn bận được nhắc nhở, giục giã vì VA đã to đến mức chiếm 3/4 cái khoang và đỉnh điểm là bác sĩ cảnh báo: Rủi ro ngừng thở khi ngủ!
Nhưng đến tận lúc đó bố cháu vẫn cố gắng chống chọi bằng thuốc thông thường và món rửa mũi hằng ngày, như một kẻ gàn dở cố gắng trì hoãn một cuộc phẫu thuật không thể tránh khỏi, như viễn cảnh phẫu thuật là 1 cái gì đó cực kỳ đáng sợ. Thực ra bố cháu từng ở trong phòng đợi người phẫu thuật nạo VA, trực tiếp nhìn thấy các bé mới 6-7 tuổi đã vào phòng mổ và không hiểu sao,….. mất niềm tin vào phẫu thuật. Mà bác sĩ phẫu thuật đó cũng giỏi chứ: con nhà nòi, học ở Nhật 4 năm, đầy đủ bằng cấp!. Tự nhiên không hiểu sao muốn tránh cái nước đường cùng ấy chừng nào còn tránh được.
Xa hơn nữa trong ký ức song song, hiện lên một chuyến xe hôm đó bố cháu đi họp. Qua tận bên kia cầu Chương Dương. Sáng ngồi xe chạy đường Phan Đình Phùng. Thờ ơ nhìn đường phố, xe cộ và người chen nhau như mọi khi. Để rồi khi tới công viên cạnh Bốt Hàng Đậu, cảnh tượng ấn tượng nhất mà đến giờ bố cháu vẫn nhớ là một thằng bé trần truồng bò trong ánh nắng sớm dưới công viên. Lúc đó là đầu đông, mình thì đang áo khoác co ro máy lạnh trong xe mà ngoài kia nhìn đẹp thế thôi chứ chắc chắn là se lạnh. Đoán chắc là chỉ có con nhà hàng nước ở công viên đó, và tôi vẫn còn như nhìn rõ thằng bé “vườn hoa hàng Đậu” ấy béo núng thế nào. Đúng là con nhà người ta! Nghĩ đến con mình mà lại ngậm ngùi tủi tủi!
Quay cuồng với việc cơ quan, việc nhà và rất nhiều lần lần vội vã cập dập đưa con đến thẳng phòng khám, tự dưng bố cháu tích luỹ trong lòng nhiều mối ghen tị với những đứa con nhà “hàng nước”, những đứa trẻ ở nông thôn, nơi cuộc sống hằng ngày chẳng dư dả gì. Sao đứa nào cũng béo khoẻ mạnh vậy, lăn la vạ vật ngoài đường cả ngày chả thấy ốm đau gì. Ngay trước chung cư nhà cháu cũng có một quán hàng nước. Bố cháu có lần ngồi hàng nước đó hồi toà nhà đang hoàn thiện ngổn ngang, chung quanh cũng chỉ toàn đường đất. Vợ chồng đó hồi ấy không có nhà, vừa bán hàng vừa ở tại quán luôn. Rồi con nhà hàng nước đó cũng ra đời trạc tuổi con mình, toàn thấy thằng bé ấy lê la chơi ngoài đường, bố mẹ nó lo bán hàng lấy đâu thời gian mà chăm. Thằng bé “hàng nước” ấy cũng nhăng nhẳng thôi nhưng rất khoẻ, chả thấy ốm đau bao giờ.
Cậu bé ốm nhiều, những “thằng bé hàng nước” cũng nhìn thấy liên tục. Có lẽ vì thế nên trong đầu bố cháu những suy tư, ghen tị, phản kháng thực tại … cũng xuất hiện dầy đặc. Miết rồi tự dưng …., trong 1 giây phút nào đó, một suy nghĩ “nghịch đảo” bỗng xuất hiện trong đầu. Rằng phải chăng không phải “mặc dù” lăn lê ngoài đường mà là “chính vì” lăn lê ngoài đường nên “chúng nó” (bọn con nhà hàng nước :) ) khoẻ như vậy?
Chắc mọi người cũng đoán được, tôi là một kẻ nghiện suy nghĩ (ko dưng mà đi viết blog với lại đọc sách triết lý :) ), mà cũng thích thử nghiệm (nho nhỏ thôi) nữa. Giả sử “chính vì lăn lê ngoài đường” nên khoẻ là 1 logic đúng, vậy tôi có thể làm gì?
Tình cờ lúc đó mẹ cháu được giới thiệu một lớp thể thao ngoài trời cho trẻ em, gọi là KidSport, địa điểm cũng gần trường học của anh cháu. Đăng ký cho 2 anh em học thử rồi học luôn. Thế là hơn 1 năm đưa đón. Địa điểm là ở sân vận động trường Sư phạm nên lúc các cậu bé học lớp Kid sport thì tôi cũng tranh thủ mang giầy ra chạy loanh quanh, hoặc đu xà, hoặc đơn giản là đi lang thang xem người ta đánh bóng chuyền, đá bóng ….
Và phần còn lại, (học đòi 1 câu hay thấy trên báo) … đã là lịch sử. Từ trạng thái 1 tháng ít nhất đi khám 2 lần (nhiều thì 5 lần), giã kháng sinh liên tục cậu bé chuyển sang 1 năm đi khám 2 lần không kháng sinh, rồi 2 năm đi khám một lần. Bác sĩ từng cảnh báo mấy lần giục nạo VA thì sau lần “cảnh báo rủi ro ngừng thở” quãng 1 năm mới phải gặp lại, lúc đó khám thì VA bớt sưng hơn rồi, bác nói “bố mẹ cũng gan thật đấy”. Lúc đó bố cháu chỉ cười trừ.
Vì điều kiện di chuyển cháu ko theo KidSport nữa tuy nhiên bố cháu khích lệ/ bắt buộc duy trì xuống sân chạy hằng ngày (đợt trước dịch covid) …. Cuối tuần bố con nhất định phải cùng nhau đánh cầu lông, hoặc đá bóng ….Bản thân bố cháu cũng phải cố gắng ra tập luyện ngoài đường hơn. Gym của bố cháu là ở outdoor. Bố cháu còn nâng quan điểm với vài bạn bè rằng: Gien của loài người mấy triệu năm tiến hoá vẫn chủ yếu giống gien người tiền sử hồi hái lượm, chứ tính ra loài người đã ở được nhà bê tông mấy hồi; kể cả mấy giống cây cảnh chuyên trồng trong nhà mà bê ra ngoài đường nó vẫn cứ sống khỏe hơn, tốt hơn. Bản thân bố cháu cũng dật dẹo ốm yếu từ bé, nhưng trộm vía từ hồi áp dụng triết lý “sức khoẻ là ở ngoài trời” thì mấy năm nay cũng không phải dùng đến viên kháng sinh.
Nếu mà có ai nói cho mình điều ấy sớm hơn!
Mà dạn này cũng thấy 2 thằng bé hàng xóm trạc tuổi con nhà mình (thậm chí sinh cùng tháng) trưa nào cũng đi bộ dưới sân. Tình cờ thì 2 cậu đó là con một ông bác sĩ cùng toà nhà!