Những đứa con “ngoan” - Con và ba mẹ, chúng ta nợ nhau cả một cuộc đời.
Thứ nhất, về định nghĩa “Con ngoan” là gì? Bài viết này đang đề cập đến hình tượng của những đứa trẻ vâng lời, ngoan ngoãn và luôn...
Đây là một chủ đề mà bạn tôi đã hỏi tôi rất nhiều lần, và tôi đã dành khá nhiều thời gian để suy nghĩ về nó.
Thứ nhất, về định nghĩa “Con ngoan” là gì? Bài viết này đang đề cập đến hình tượng của những đứa trẻ vâng lời, ngoan ngoãn và luôn tuân theo sự sắp đặt của bố mẹ.
Và lý do thứ hai khiến tôi phải suy nghĩ tới lui, đó là: bằng bất cứ sự lươn lẹo nào của bản thân thì Quỳnh Anh chưa từng và có lẽ không bao giờ có thể là một ĐỨA TRẺ NGOAN được cả, vì vậy, viết về một thứ mà mình không đắm chìm được thì khác nào nói dối khi trời còn sáng (đây là lí do bài này được up lên buổi tối, ha ha ha).
Bài viết này dựa trên quan điểm quan sát của bản thân, và nó có tính chủ quan và phán xét vì vấn đề người viết không phải là nhân vật chính của câu chuyện, nếu bạn hay bất cứ ai có thêm nhiều góc nhìn khác nhau, xin hãy góp ý cho Quỳnh Anh nhé. Xin cám ơn mọi người ^^
Như đề cập ở trên, hình tượng “con ngoan” mà tôi đề cập đến trong bài viết này là hình ảnh của những đứa trẻ luôn nghe lời bố mẹ và không có quyền quyết định bất cứ điều gì trong cuộc sống của mình, những đứa trẻ “ngoan ngoãn” và “hiểu chuyện” đến đáng thương.
Tôi có một cô bạn, từ nhỏ đến lớn, tất cả những chuyện như: học trường nào, chơi với ai, đi đâu, ăn mặc thế nào… tất cả đều được do ba mẹ quyết định. Sự bảo bọc của ba mẹ bạn tôi dành cho nó đôi lúc cũng khiến tôi cảm thấy ganh tị. Nhưng nếu bạn từng thấy nó ngồi khóc khi không thể hiểu một bài toán, hay là ngay cả khi chia tay thì vẫn ngồi giải đề tiếng anh, khi bạn thấy mẹ nó không cho nó cắt tóc hay nhuộm tóc, không được đi đâu, cuối tuần cũng chỉ ở nhà với ba mẹ, và hơn 25 tuổi đầu nhưng vẫn chưa có một chuyến du lịch riêng với bạn bè. Tôi tự hỏi cuộc sống đó đáng ganh tị hay là thương cảm?
Tôi cũng có một vài người bạn, hằng ngày được bố mẹ đưa đón, cơm nước đủ ba bữa, ngày đi nộp hồ sơ sinh viên ba mẹ đưa tới tận bàn đăng kí, thậm chí tiền học là bao nhiêu cũng không biết. Đương nhiên là với một đứa từ 11 tuổi đã phải bon chen hội chợ trường đời như tôi, thì khó tránh đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng và ngưỡng mộ. Nhưng một vài người bạn của tôi phải từ bỏ một hai chuyện tình của mình để đến với cuộc hôn nhân do ba mẹ sắp đặt. À đương nhiên thì có lẽ bạn tôi cũng hạnh phúc, tôi nghĩ vậy và tôi cũng mong là như vậy. Nhưng có lẽ một lúc nào đó trong đời, cô bạn của tôi cũng sẽ chạnh lòng nhớ lại mối tình thời học sinh của mình, còn thằng bạn tôi, người yêu trong câu chuyện đó thì quyết chí mưu sinh tại Mỹ rồi nên chắc cũng sẽ hạnh phúc. Tôi mong là vậy.
Và nhiều người bạn và anh chị khác, như là không thể đi đây đi đó vì ba mẹ lo lắng, không thể dọn ra ở riêng vì không ai chăm lo cho ba mẹ, không thể theo đuổi giấc mơ vì ba mẹ không muốn xa con. Và ngay cả tôi, tôi cũng phải từ bỏ một vài hoài bão và lý tưởng của bản thân vì mẹ tôi không muốn.
Tôi nghĩ ở một phương diện nào đó, tôi có thể hiểu được bậc phụ huynh trong các câu chuyện này.
Thứ nhất, ba mẹ của các bạn của tôi đều là những người rất yêu thương con của mình. Họ có thể suốt ngày khen con của mình là xinh đẹp là học giỏi, là xuất chúng. Ba mẹ họ cũng có thể vì họ mà làm việc ngày đêm, là nghỉ việc để chăm sóc con cái. Mẹ của bạn tôi còn sợ bạn tôi đi học xa nên đã thuê nhà trọ gần trường để ở chung với con. Họ đều là những người chấp nhận hy sinh bản thân mình để con cái mình nhận được những điều tốt nhất.
Thứ hai, ba mẹ bạn tôi luôn nghĩ là những điều họ đang làm và muốn con mình làm là điều tốt nhất cho con của họ. Và điều này đúng, vì những người từng trải nghiệm rồi, họ đã từng đi và từng vấp ngã, đương nhiên họ sẽ hiểu vấn đề nhiều hơn chúng ta.
Nhưng tình yêu không có nghĩa là sự chiếm hữu, và nếu ba mẹ vấp chỗ đó không có nghĩa là con cũng sẽ phải chọn một phương án tương tự.
Ba mẹ bạn tôi mỗi lần tranh cãi đều sẽ nói với nó; cả đời này của ba mẹ là đều vì con, tại sao con không chịu hiểu, tại sao không nghe lời? Và đây chính là một suy nghĩ khiến tôi và các bạn của mình cảm thấy rất mệt mỏi. Vì chúng tôi không hề yêu cầu điều này. Tôi chưa bao giờ yêu cầu mẹ tôi phải ở nhà để lo cho tôi, tôi cũng không yêu cầu mẹ tôi phải chuyển việc, phải đi nắng về mưa để cho tôi bữa cơm ngon, quần áo đẹp. Đến đây bạn sẽ nghĩ là ba mẹ nào chẳng vậy, và tôi là một đứa trẻ ích kỉ. Đúng là vậy, tôi không phủ nhận điều này, nhưng ở một phương diện nào đó tôi cảm thấy điều này hoàn toàn đúng. Vì tôi là một còn người có ý chí và quyền tự do, tôi có quyền tự quyết cho chính bản thân mình. Và nếu yêu thương tôi, tôi mong ba mẹ tôi sẽ hiểu cho những sự lựa chọn của tôi, và tin tưởng về những quyết định đó. Có lẽ tôi sẽ vấp ngã, có lẽ tôi sẽ đau khổ, nhưng tôi sẽ có một câu chuyện, tôi sẽ có những bài học, và người ta thường tiếc nuối vì những điều họ chưa làm chứ không phải vì những điều họ đã làm. Và tuổi trẻ có bao nhiêu để hững hờ?
Trên thế giới này không có sự yêu thương nào là vĩnh viễn, không có sự chu toàn nào là suốt đời suốt kiếp. Bạn không thể bao bọc một đứa trẻ vĩnh viễn. Như con người cần vaccine để sản sinh hệ miễn dịch, những đứa trẻ trong cuộc sống này cần vấp ngã để biết đứng dậy, để mạnh mẽ, để đủ cứng rắn mà sống, mà yêu thương, mà hạnh phúc.
Và tình yêu thương nên là vô điều kiện, vì yêu thương không phải là sự trói buộc, không phải là sự ích kỉ, yêu thương là chấp nhận một con người với một bản chất nguyên vẹn, không vẹn toàn và sứt mẻ, là ở lại, là sẽ ở đó, là sẽ có mặt, là hiện diện trong những giây phút quan trọng, là ủng hộ, là đón nhận, và là điều thiêng liêng chứ không nên là một gánh nặng.
Đương nhiên là ở một phương diện nào đó, vì sự yêu thương với ba mẹ của mình, tôi chấp nhận sự thoả hiệp ở một mức độ có thể chấp nhận, vì tôi hiểu rằng có những thứ xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ mình. Nhưng tôi và ba mẹ tôi vẫn hiểu, tôi có một cuộc sống của riêng tôi và không ai có quyền quyết định thay tôi cả, tôi có đôi cánh để bay, có đôi đôi chân để chạy, có một cái va li đủ bự để mang theo tất cả cuộc đời mình đi ngắm nhìn thế giới.
Nhưng đương nhiên là, nói thì dễ, làm thì khó, làm sao để bố mẹ có thể hiểu được những điều này?
Tôi nghĩ trước hết nó đến từ bản thân mỗi người. Nếu bạn có thể chứng minh cho ba mẹ bạn hiểu, bạn thât sự và hoàn toàn có thể sống một mình và có quyền chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình thì tôi nghĩ khó cha mẹ nào có quyền từ chối.
Ví dụ như bạn muốn dọn ra sống riêng, hãy nên biết nấu ăn, biết dọn dẹp, biết cách đóng tiền điện tiền nước, biết sửa lặt vặt vài thứ và chuẩn bị đủ tài chính. Và nếu bạn là con gái, thì hãy nên lên sách các địa điểm nơi ở an toàn, tìm hiểu kĩ về khu vực xung quanh và trình bày một vài phương án trong trường hợp khẩn cấp để bố mẹ hiểu.
Nếu muốn học một ngành mình thích, thì nên tìm hiểu kĩ về ngành học, cơ hội nghề nghiệp, định hướng phát triển trong tương lai, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, sự phù hợp và thậm chí cả phương án B cho cơ hội việc làm.
Vân vân và mây mây.
Mà nếu ba mẹ bạn cũng không chấp nhận thì thử làm đứa trẻ hư một lần cho thiên hạ trầm trồ nào. Vì cuộc sống là của riêng ta và chỉ riêng ta, ta không nên là con búp bê trong hộp kiếng, không nên là đoá hoa trong tủ đồ, không nên là chú chim non mãi luôn bên mẹ. Và ta không nên để tiếc nuối mãi là vô hạn.
Như ai cũng biết đến sự bất cần của tôi thì tôi luôn có một cái vali để sẵn, và đủ đồ để rời đi bất cứ lúc nào. Và với sự đe doạ của ba mẹ, tôi có thể nhẹ nhàng để nói rằng: con làm được thì bỏ được, dựng lên được thì đập đi được, có được thì buông được, trẻ thế này thì con muốn làm gì mà chẳng được, có chân có tay, học hành đàng hoàng đầy đủ, có gì mà con làm không được?
Vì vậy nên tôi đã luôn là một đứa trẻ hư từ sớm, với những chuyến đi, những lần bị lừa, những ngày đi nhờ xe những đêm ngủ bụi, những lần đói meo, những đêm lạnh ngắt. Nhưng tôi vẫn rất vui và tự hào với tất cả những điều tôi đã đang và sẽ làm. Vì đó là một cuộc sống do chính tôi quyết định.
Mong rằng tất cả những người bạn của tôi đều có thể sống một cuộc sống do chính bản thân mình lựa chọn, vui vẻ và hạnh phúc. Và cho dù có thất bại và vấp ngã thì ta vẫn luôn có nhau, cho những năm tháng tuổi trẻ dám sai và dám đứng dậy.
Tôi thật sự rất thích một câu văn của cô Nguyễn Phương Mai:
Cảm ơn mẹ, vì đã buông tay
Cho con được tự do.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất