Nhứng đứa con bạo lực - WHY?
Mình đang đọc một bài viết có tựa đề “Những đứa con bạo lực”. Mình chưa kịp đưa ra những ý kiến cá nhân của mình về bài viết này thì...
Mình đang đọc một bài viết có tựa đề “Những đứa con bạo lực”. Mình chưa kịp đưa ra những ý kiến cá nhân của mình về bài viết này thì mình đọc được những dòng đầu tiên của tác giả “Các ý kiến đều chỉ trích cô con gái quá tệ bạc”. Mình có thể hình dung ra một phần những điều tác giả đang hướng tới, và nó đúng như vậy.
Ngay khi đọc những dòng này, mình đặt ra các câu hỏi:
Tại sao xã hội lại lên án mạnh mẽ những người con đánh cha mẹ, trong khi những bậc cha mẹ được phép đánh con cả khi chúng 2 tuổi, hay 20 tuổi (tuy luôn nghĩ rằng việc con cái đánh cha mẹ là sai nhưng mình vẫn đặt ra câu hỏi này)?
Nếu vì những nỗi đau dồn nén hay những điều khó nói khiến một người không thể không phản ứng thì đánh cha mẹ có được coi là hành động bột phát không thể kìm nén không?
Thay vì chọn cách đánh (có thể dù do không muốn mà không kiềm chế được chứ không phải cố tình), người con chọn cách “hành hạ” cha mẹ về mặt tinh thần thì điều gì sẽ xảy ra? Xã hội đánh giá và lên án họ như nào so với việc hành hạ về thể xác?
Cuối cùng, tại sao người con lại đánh mẹ của họ? Vì sao họ không kiềm chế được hành động của mình? Vì họ là một người con hư không được giáo dục tử tế (ai là người giáo dục những đứa con) hay điều gì khiến họ phải hành động như vậy?
Người ta vẫn thường nói: Muốn người khác cư xử với mình như thế nào, hãy cư xử với người khác như vậy.
Phán xét thì dễ dàng, nhưng điều mình muốn tìm hiểu là vì đâu những tình trạng như vậy xảy ra. Không phải tự nhiên có khoa học về nuôi dạy con, về phát triển con người, khoa học về tâm lý - tất cả nhằm thúc đẩy con người và xã hội phát triển, tạo ra những điều tốt đẹp. Để giảm bớt đi những hành vi bị cả xã hội lên án.
Mình có biết về một người cha luôn đánh đập mẹ và con khi họ say rượu. Và họ say rượu 5 ngày / 7 ngày trong tuần.
Mình có biết về một người mẹ 90 tuổi, kiện con trai của bà khi người con vừa mất được 49 ngày. Bà chửi người con đó, kiện để lấy lại mảnh đất hơn 100m2 mà khi xưa bà đã cho con.
Mình mới chỉ trực tiếp nghe và biết thực tế hai trường hợp trên.
Bạn có từng nghe, có những người được đánh giá rất tốt bên ngoài xã hội, thậm chí là chuẩn mực, nhưng họ luôn bất mãn với người cha hoặc mẹ của mình, không một sự tôn trọng, dù họ vẫn ngoan ngoãn cư xử phải đạo chỉ vì họ là con?
Mình đặt luôn câu hỏi này một cách thẳng thắn: Bố mẹ đã làm gì để những người con có những hành xử như vậy?
Liệu họ có đối xử tệ bạc với con hay họ vô thức dạy con những điều không mong muốn? Dù thế nào thì những người con đều đã học được những điều nhất định từ cha mẹ. Cái gì tốt thì tốt hơn một chút lại càng tốt. Cái gì xấu thì chỉ xấu đi một chút cũng thành xấu hơn nhiều và càng mất thêm nhiều thời gian để sửa đổi. Vậy tại sao cha mẹ không cố gắng cải thiện bản thân mình tốt hơn chỉ một chút, nếu họ thực sự nói yêu con của mình? Để đến khi con hư lại đổ tại xã hội “Tao có dạy nó thế đâu”.
Cách cư xử của một người với người khác phụ thuộc nhiều vào hành vi của những thành viên trong môi trường người đó sống. Nó hình thành và phát triển theo thời gian. Một người học được từ người khác qua cả những lời được dạy hoặc trao đổi trực tiếp và qua cả những gì người kia làm.
Đặc biệt là trẻ em. Chúng học được bằng cách bắt chước, chúng vô thức tiếp nhận mọi điều xung quanh. Chúng đều có một dấu ấn nhất định về tất cả những gì chúng nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận thấy.
Một ví dụ đơn giản nhất có thể tìm thấy trong rất nhiều gia đình, là khi một đứa trẻ hay nói tục. Dù người lớn khẳng định: tôi đâu có dạy nó. Nhưng không khó để thấy, có một ai đó trong gia đình luôn luôn nói tục với người khác. Đứa trẻ có một ấn tượng đặc biệt và nghiễm nhiên học từ đó.
Đấy là sự vô thức. Chưa nói đến việc dạy trẻ làm sai một cách có ý thức (“mày phải ăn nhanh vào không đứa kia ăn mất”, “không được chia sẻ kiến thức với nó không là nó giỏi hơn con đấy”).
Sẽ có những người nói rằng “Tôi cũng sinh ra trong một gia đình như vậy, bố mẹ hay cãi nhau, bố tôi hay đánh các con nhưng tôi vẫn không hư hỏng”. Không có gì là tuyệt đối. Một lần nữa mình nhớ lại những câu thành ngữ, tục ngữ được lưu truyền từ bao đời như “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “hổ phụ sinh hổ tử”. Cho thấy một phần môi trường ảnh hưởng đến tính cách của con người như thế nào.
Mình đọc cả các bình luận để có những góc nhìn đa chiều. Có người họ đã tự nhận ra được dù họ sống trong môi trường gia đình không tốt, nhưng sau này họ vẫn trưởng thành. Nhưng đâu đó họ vẫn cảm thấy trong thâm tâm có một điều gì không hạnh phúc, có một điều gì đó khiến họ không bứt phá ra được. Có người họ vẫn thấy được sự trưởng thành của bản thân nhưng họ tự thấy, so với những người được giáo dục tốt sẵn từ nhỏ thì họ vẫn cảm thấy kém hơn. Họ tốt vì họ cố gắng thay đổi thói quen, cư xử, họ tự giáo dục mình. Không bằng những người đã được giáo dục tốt trở thành bản năng.
Có người cũng đã vượt qua hoàn cảnh, được xã hội công nhận. Nhưng họ thú nhận, thi thoảng nhìn sang bạn bè và thầm nghĩ “Nếu mình được sinh ra trong một môi trường yên ấm, trong lành như họ thì mình còn có thể tiến xa hơn như thế nào nữa. Khi đã có gia đình là một điểm tựa vững chắc nhất”.
Vẫn có nhiều người có thể vượt qua hoàn cảnh, có những trường hợp đặc biệt, nhưng không có nghĩa là đúng với đa phần những người khác. Chúng ta may mắn không bị ảnh hưởng bởi nhiều điều xấu xung quanh. Nhưng không có nghĩa người khác cũng như vậy. Không ai có thể phủ nhận môi trường sống ảnh hưởng đến tính cách và cách hành xử của một con người như thế nào.
Một niềm vui lớn là hiện nay nhiều cha mẹ đã quan tâm đúng mức hơn đến việc nuôi dạy con cái. Họ cố gắng ý thức rằng cần dành nhiều thời gian chất lượng hơn cho con, dù công việc và cuộc sống vẫn luôn bộn bề. Giáo dục tốt cần thời gian, cần kỹ năng, cần cha mẹ luôn trau dồi học hỏi. Nhưng ít nhất là đã có sự cố gắng trong suy nghĩ, có ý thức về điều cần làm.
Còn nếu mỗi người, muốn hạnh phúc hơn trong mối quan hệ với người khác cần dũng cảm nhìn nhận bản thân, nhìn thấy những vấn đề của mình và thay đổi trước khi đòi hỏi những người xung quanh đối xử với mình như thế nào.
Bởi tự trong thâm tâm họ sẽ cảm nhận được ít nhiều những niềm hạnh phúc hay sự khổ đau trong một mối quan hệ. Nếu thật lòng yêu thương và muốn tốt cho ai, họ sẽ tìm cách. Yêu thương là bằng lời nói, hành động, không phải chỉ để nghĩ trong lòng cho đến khi ra đi mà vẫn không ai hay biết. Yêu thương càng không phải là trút giận, là đánh đập, mắng chửi. Yêu thương là yêu thương.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất