Octavian Smigelschi - Young Man Reading, 1892
Octavian Smigelschi - Young Man Reading, 1892
Vì biết mình đọc sách nên thi thoảng có người tới hỏi xin gợi ý cho vài cuốn “sách hay”.
Nếu là fiction (giả tưởng), họ sẽ đính kèm các tiêu chí như: ngắn gọn, dễ đọc, tình tiết nhanh, có nút thắt, cao trào, v.v. Còn nếu là non-fiction (phi giả tưởng), họ muốn những cuốn sách thiết thực, từng chương phân bổ rõ ràng (trong đó mục lục tiết lộ sạch trơn những gì sắp nói trong sách), nhiều lời khuyên, chỉ dẫn để làm theo.
Lần nào mình cũng trầm ngâm một hồi, tổng hợp và đưa ra cho họ vài cuốn sách đáp ứng trọn vẹn đề bài, thậm chí là hơn. Mình trao họ đúng chất liệu họ muốn, có điều được chế tác công phu hơn nhiều, nhưng họ lại tỏ ra thất vọng và khó hiểu. Họ tỏ vẻ ngần ngại rồi bỏ cuốn sách sang một bên, phàn nàn rằng “tựa đề không hay”, “truyện thì học được gì”, “nhiều chữ quá”, “dài quá”, “chán quá”, v.v. nhưng tất thảy không làm mình khó chịu bằng cái lý do củ chuối sau: đọc xong chẳng đọng lại gì.
Chậc, ý của anh ở đây là sau khi đọc xong cuốn sách kia, anh không học được thêm gì mới và tôi đã làm phí thời gian của anh.
Được thôi, anh chuẩn bị hứng chịu màn phản kích này đi.
Trước hết, mình sẽ chia cộng đồng độc giả ra làm 3 nhóm, căn cứ vào ưu tiên số một của họ khi đọc sách, như sau:
1. Đọc sách vì tri thức: Chiếm phần đông. Là những người đọc lý trí và thực dụng. Họ đọc sách như đi xem triển lãm hay tham dự hội thảo – chưa hẳn là để tỏ ra thời thượng hay trông tri thức hơn – mà để làm mình tiến bộ, phát huy tiềm năng, trở nên toàn diện hơn. Những người này có sở đọc nhất định, trong đó có thể điểm tên một vài thể loại như:
- Sách dạy kinh doanh, quản trị, đầu tư, phổ cập kiến thức về làm giàu.Sách kỹ năng, phát triển bản thân: Con bò sữa của nhiều nhà sách. Cho bạn kiến thức cùng công cụ để phát triển bản thân. Self-help là kinh điển của dạng này.
- Sách thường thức, cẩm nang, nhập môn: Sách cung cấp những tri thức phổ thông về chủ đề được đề cập. Ví dụ, sách thường thức nghệ thuật, nhập môn tâm lý học, cẩm nang nấu ăn chinh phục nhà chồng, v.v.
- Sách bồi dưỡng chuyên môn, sách tham khảo, giáo trình: Như tên gọi, nặng tính chuyên môn. Khó hoặc rất khó đọc, thường dài và dày. Giúp trị chứng mất ngủ. Kiến thức thu về tỷ lệ thuận với bình phương giọt mồ hôi đổ ra.
2. Đọc sách vì tiêu khiển: Ít đọc. Đọc chẳng vì mục đích gì to lớn, thuần tuý như việc lướt TikTok, tức là để giết thời gian nhưng thi thoảng cũng lượm lặt được vài điều hay. Có thể đọc vô vàn thể loại hỗn tạp, và thường chỉ đọc sách khi không còn gì để làm (điện thoại hết pin chẳng hạn.)
3. Đọc sách vì tình yêu với sách: Không thể sống mà không đọc. Đọc rất rất nhiều và duy trì thói quen đọc thường xuyên, có mục đích rõ ràng, biết chọn lọc sách và sở đọc vô cùng vững chắc. Đặc biệt đề cao trải nghiệm khi đọc sách, thích đọc trong sự chăm chú, chìm đắm hoàn toàn. Nếu vài ngày không được đọc thì dễ cảm thấy bứt rứt, bản thân như nghèo nàn, tụt lùi đi.
Trên thực tế, sở đọc của một người không cố định mà thường xuyên luân chuyển giữa 3 nhóm này. Khuynh hướng phổ biến nhất là một người ban đầu coi sách như một thú tiêu khiến, dần cải đạo và gia nhập nhóm tri thức rồi trở thành một lifelong reader. Trường hợp ngược lại, những kẻ đang ở thiểu số bỗng đi giật lùi để nhập bọn với đa số cũng không hiếm. Cũng có những sự pha trộn nhất định, đơn cử như việc một người đọc đặt mức kỳ vọng ngang nhau vào giá trị giáo dục và trải nghiệm cuốn sách đem lại.
Trước tiên, một độc giả thuộc nhóm (1), người biết tìm đến sách để mở mang đầu óc là một người nghiêm túc. Tuy nhiên, trong mắt những độc giả lâu năm, còn xa anh ta mới được coi là một người đọc nghiêm túc, cũng như người vác tạ tập thể dục mỗi sáng còn xa mới được coi là người yêu thích thể thao. Thường thì chơi thể thao sẽ giúp thân thể săn chắc hơn, nhưng nếu chăm chút ngoại hình trở thành lý do chính hoặc duy nhất cho việc chơi thể thao, “thì thể thao sẽ không còn là thể thao mà biến thành ‘thể dục’.” (C.S. Lewis) Cũng theo đó, tìm đọc một cuốn sách với ham muốn duy nhất là trở nên hiểu biết hơn không khác nào một anh bàn giấy vác giày ra sân cỏ cốt để được vận động, tức là chưa thực sự tiếp thu cái này hay chơi cái kia. Cả hai điển hình này đều gán mục đích tối thượng lên bản thân.
Tiếp đó, cũng như một thính giả bỏ ngoài tai tất cả những âm thanh mà dàn nhạc đang chơi, chỉ muốn ngâm nga lấy giai điệu, những độc giả thực dụng sẵn sàng làm ngơ trước mọi thứ mà từ ngữ trước mặt mình đang làm, chỉ chăm chăm xem rằng cuốn sách này sẽ đem lại cho họ điều gì, cái gì sẽ xảy đến tiếp theo, những kiến thức này giúp họ thay đổi thế nào, v.v. Họ hiếm khi rung động trước những trang sách, thứ họ nhìn thấy là thông tin và kiến thức đang chờ được thâu nhận. Chính nhờ thái độ này mà ta phát hiện ra một số người rất có học là những độc-giả-thực-dụng. Họ tìm đọc sách vì lý do duy nhất rằng trong đó chứa đựng những thứ họ cần để đạt tới những mục tiêu trong cuộc sống: giao tiếp khéo léo hơn, viết lách hay hơn, am hiểu nhiều lĩnh vực hơn, được thăng chức, trở nên toàn diện hơn, v.v. Nhiều người trong số này có thể đọc mà không hề mảy may suy xét xem họ có thực sự yêu thích việc đọc hay không, họ chỉ biết rằng đọc sách có ích, rằng họ nên, cần hoặc phải đọc. Vì ngay từ đầu mục tiêu khi đọc của họ đã thực dụng nên cách tiếp cận của họ với sách cũng thực dụng theo.
Với những trường hợp như vậy, đôi khi việc đọc còn không hiệu quả bằng một khoá học thực chiến, một video Youtube, TikTok (nếu biết chọn lọc.) Đọc mà không chìm đắm, không bị lôi cuốn thì mới chỉ là đọc bằng mắt, đọc một nửa. Cũng cần phải nói thêm rằng chúng ta ai ai cũng quen biết vài người mà sự đọc của họ đã kết thúc từ khi rời ghế nhà trường, nhưng lại là những người ngang ngửa hoặc vượt trội hơn hẳn phần đông về mặt tư duy thực tiễn, đức hạnh, về nét lịch duyệt trong xã giao cùng khả năng thích nghi nói chung. Ngược lại, cũng cần thừa nhận rằng vô số kẻ đọc nhiều, biết nhiều nhưng là những con người cực đoan, hung hăng, nuôi giữ tư duy sai lệch, méo mó, thậm chí bại hoại. Nhưng thôi hãy bỏ chuyện này qua một bên.
Đành rằng đã để lộ sự thiên vị ngay từ đầu, mình cho rằng thiểu số những độc giả nhóm (3) là một phiên bản hoàn thiện hơn của nhóm (1), vì rằng họ có mưu cầu tri thức khi tìm đến sách, nhưng họ đọc sách với niềm say mê của một kẻ đang yêu chân thành, không kỳ vọng ở tình nhân của mình những điều đáp lễ, cũng không thực dụng đến nỗi đòi hỏi ở đối phương những lợi ích mau chóng. Những độc giả dạng này thường là tuýp sành sỏi, “có gu”, vậy nên họ hiếm khi chịu đổ thời gian vào những sách vô bổ, nhưng thứ họ quan tâm trên hết là sau khi đọc cuốn sách kia, có gì đó đã nảy nở trong họ, như một mầm non đâm chồi, diễn tiến thầm lặng như một dòng nước ngầm, không biểu lộ ra ngoài, không gây nên bất cứ thay đổi nào rõ rệt. Có lẽ họ đã bắt gặp trong cuốn sách này một vài điều tương hợp, trong cuốn sách khác vài cảnh huống thân quen. Họ thấy đồng cảm với một nhân vật hư cấu một cách lạ lùng, họ biết được cách xử trí ổn thoả trong những tình huống éo le mà có lẽ cả đời không bao giờ vướng vào. Nhưng vì họ không quản lý thời gian tốt hơn, giao thiệp khéo léo hơn, nói năng hoạt bát hơn, đạt hiệu suất công việc cao hơn sau khi đọc xong Chiến tranh và hoà bình, nên nhìn chung trong mắt những người đọc-thực-dụng, những thứ họ đang đọc cũng chỉ như thú tiêu khiển, một sở thích vô ích và vô hại, không hơn gì cách một đứa trẻ con vùi đầu trong đống truyện tranh.
Khi một người bạn hỏi mình về một cuốn sách chứa đựng nhiều bài học sâu sắc nhưng đồng thời phải dễ đọc, mình đã đề xuất Don Quixote. Cậu ta tỏ ra khó hiểu, nhấn mạnh rằng thứ cậu đang cần là một cuốn sách thực tiễn để áp dụng vào công việc và cuộc sống chứ không phải tiểu thuyết đọc cho vui. Cuối cùng cậu ta tự ra Nhã Nam chọn lấy hai cuốn: Quẳng gánh lo đi và vui sống cùng 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt. Điều này khiến mình hơi hụt hẫng và trong thoáng chốc đã nguyền rủa cậu ta là một tên độc giả xoàng xĩnh, dù mình biết rằng ta cần tôn trọng quan điểm và quyết định của mỗi người, cũng như việc họ đi ngược lại lời khuyên của ta hoàn toàn không biến họ thành một kẻ ngu dốt. Có thể sau này kinh nghiệm sẽ giúp cậu ta nhận thấy bản thân đã bỏ lỡ điều gì, hoặc có thể là không bao giờ.
Thật khó để mô tả cho những người như vậy thấy được tầm vóc của Don Quixote nói riêng và nhiều tác phẩm kinh điển nói chung. Đó là những cuốn sách ta có thể nhấc khỏi kệ, giở một trang bất kỳ và trải nghiệm đọc vẫn vẹn toàn như lần đọc đầu tiên.
Những người không đọc văn chương chỉ nhớ tới Don Quixote qua phân đoạn “Đánh nhau với cối xay gió” thời lớp tám, và họ đồ rằng nó là một tiểu thuyết hài châm biếm. Trên thực tế, Don Quixote là một tiểu thuyết bi – hài kịch về cuộc đời, một pho tàng kiến thức đồ sộ được một cây bút thiên tài thảo ra.
Người bạn của mình dĩ nhiên không hiểu mình đã cố đặt vào tay cậu ta một cuốn bách khoa toàn thư về nhân tình thế thái, trong đó ẩn tàng vô vàn lời răn mà sau hơn bốn thế kỷ vẫn giữ nguyên tính xác tín. Cậu ta có thể thu lượm được nhiều kinh nghiệm sống từ Don Quixote, một nhân vật hư cấu, một gã quý tộc nghèo nửa tỉnh nửa điên, hơn từ những tác giả tầm trung như Dale Carnegie hay Napoleon Hill. (Xin lỗi những độc giả mến mộ hai tác giả này, nhưng mình sẽ rạch ròi quan điểm của mình vì mình đã đọc cả hai tác giả trên và thấy những lời giáo huấn rập khuôn trong đó không đáng một chương viết vội của Cervantes.)
Thật khó để giải thích rằng những bài học đáng học thường không được soạn sẵn ra như các đầu chỉ mục của một bản to-do-list, mà là sự đúc kết, tinh lọc cùng chiêm nghiệm sau một hành trình dài dặc – cái trải nghiệm mà một cuốn sách vĩ đại có thể đem lại, khác hẳn những cuốn sách “mì ăn liền” rao bán nhan nhản ngoài kia.
Kiến thức, cũng như tiền bạc hay các mối quan hệ, dễ đạt được thì cũng dễ mất đi.
Phần lớn mọi người đều thiếu kiên nhẫn. Thích đi đường tắt. Chậm thì bền, nhưng nản.
“Đừng đọc để tiêu khiển như bọn trẻ con, cũng đừng đọc để mưu cầu tri thức như những kẻ tham vọng. Đừng, hãy đọc để sống!”
Gustave Flaubert
P/s: Cho những ai nghĩ rằng mình hạ thấp dòng sách self-help vì những ví dụ phía trên, mình xin cam đoan rằng mình chỉ đặt chúng thấp hơn những thể loại sách khác trên thị trường. Xét riêng thể loại self-help thì Dale Carnegie hay Napoleon Hill dẫu sao cũng là hai cột trụ, những tác giả đáng ra đã có vị thế tốt đẹp hơn nhiều nếu không rơi vào một mớ hỗn độn như cộng đồng độc giả Việt Nam.
----------------
Theo dõi blog của mình tại đây: