Không biết phải viết và gõ gì vì tối đầu quá, lười quá. Thế nên tôi lên Facebook của mình để gom lại vài đoạn trạng thái ngắn của mình. Thường tôi vẫn hay viết chúng trong lúc uống bia vào trưa thứ bảy và chỉ để một mình tôi đọc thôi.

Đâu ra mà lắm thế?

Lấy cảm hứng từ một bài viết đã bị xoá về việc quảng cáo thô thiển trên mạng. Đó giờ mình vẫn hay nghe mấy quảng cáo đồ ăn này nọ kiểu "hàng lỗi trả về", "hàng hiếm không bán được nhưng giá rẻ". Nghe đôi lần thì xuôi tai chứ nghe suốt thì mình tự hỏi rằng "đâu ra mà lắm thế?". Thà nói láo thì ít ít người ta còn tin chứ nói miết lại hoá ra kệch cỡm. Nhiều người nổi tiếng hoặc KOL gì đó hay có kiểu hôm nay thì ông xã mình, ngày mai thì chị bạn mình... Dính phải một vấn đề gì đó. Nhưng đừng lo, mình đã giải quyết một cách rất chi là nhẹ nhàng bằng một đường link. Thấy cũng hay ho nhưng nghĩ lại "gia đình quái gì mà toàn gặp chuyện thế?". Tưởng tượng nếu có thật thế thì ai mà dám nghe theo lời một đứa khi mà xung quanh nó nay chuyện này mai chuyện khác? Và một lời chia sẽ chỉ đáng để tâm khi nó không vụ lợi thôi.

Chuyện chọn quán

Ngắn thôi, mình có thói quen lười biếng là đánh giá sản phẩm qua tập khách hàng. Thí dụ như quán bán tập trung tập khách hàng nào, yêu cầu ra sao (thu nhập, trình độ, gu...). Từ đó mà chọn quán. Mấy hôm trước rộ lên việc trẻ con vào quán ồn ào và quậy phá. Thú thiệt thì đó giờ mình chưa bao giờ gặp trường hợp đó khi đi những quán mình chủ đích chọn cho mình, đi với bạn bè thì chịu vì gặp suốt. Thí dụ như đi cà phê và nhà hàng theo chuỗi thì gặp suốt cảnh con nít ồn ào. Nhưng khi đi uống rượu bên Thảo Điền, gặp một bàn kia năm sáu người lớn và họ để cho ba đứa nhóc chắc cỡ năm, sáu tuổi tự do. Ba đứa nhóc đó ngồi riêng một bàn chơi với nhau không hề ồn ào (trong quán rượu), lâu lâu chỉ qua hỏi ba mẹ tụi nó kiểu "con gọi món này được không?". Đương nhiên đó không phải là lần duy nhất gặp được những khách hàng kiểu đó. Sẽ có khi này khi khác, nhưng con số và tỉ lệ sẽ không nói dối. Cơ mà tóm lại thì tuy không ghét bỏ gì nhưng mình không hào hứng lắm việc ăn uống hoặc cà phê ở những quán chuỗi hoặc là có tập khách hàng rộng.
Nay ngồi quá bờ kè, cũng ổn nhưng thích chi nhánh Quận nhứt và Thảo Điền hơn. Đạo văn nhạc sĩ Lê Uyên Phương tí. Đây là nấm đùi gà, đĩa trên là nấm, dưới là đùi gà.

Chuyện ăn chuyện nói

Một cái mà đôi lần khi nhậu nhẹt hoặc hội họp tôi vẫn hay nghĩ về. Không nhớ ngày xưa ai đó trong danh sách bạn bè của tôi từng nói một câu đại ý rằng "Giả vờ lịch sự vẫn hơn mất dạy công khai". Tới giờ tôi vẫn thích cách nghĩ đó, nó như kiểu đồ ăn, thức uống tôi hay dùng, nếu lỡ không ngon miệng thì cũng nên ngon mắt tí. Chả có lý do gì chúng ta lại đi tôn sùng việc "bổ bả chân thật" trong khi da xấu mà ruột cũng dỡ òm. Cách đây hơn tháng tôi trong một cộng đồng nào đó có bàn luận về người Nhật từ một bài viết của một thanh niên ưu tú bán hàng rong bên xứ người. Đại loại là bọn Nhật là lũ trùm đạo đức giả, ghét nhau như chó mà gặp nhau vẫn cố tỏ ra lịch sự, thanh niên bán hàng nên nghe lỏm được, đem về kể cho dân ta nghe. Thế là một người liền lên tiếng "Chuyện này có thật không anh em? Không hiểu tại sao họ có thể sống với nhau như thế?". Thế rồi từng lô lốc bình luận nghệ ngão dân ta sống thật, chửi nhau thẳng mặt dâng lên. Rồi gần đây cũng nghe nhiều người tâm đắc việc mình yêu những người sống thật, bổ bã khó nghe, có sao nói vậy hơn những đứa trao chuốt câu từ thâm hiểm... Nhưng rồi nghĩ lại thấy mình cũng chẳng ra sao, sống quá chi là giả tạo nên chắc chẳng hiểu được điều đó. Nhưng có lẻ vì tôi đó giờ chỉ biết làm toán cộng tiểu học nên không hiểu được những điều đó. Theo tôi nhớ hồi học lớp một thì một cộng không thì nó bằng một, mà bằng một thì chắc chắn lớn hơn không cộng không bằng không. Tôi hồi đó dù dốt nhưng vẫn làm được mấy bài điền dấu lớn, bé, bằng vô ô trống. Hoặc có thể sau từng đó năm, giáo dục nước nhà đổi thay mà tôi thì biếng lười, ủ dột nên không có dịp ôn lại kiến thức tiểu học chăng? Nhưng bỏ quá mấy việc đó thì một người rất chi là cổ hủ như tôi cũng chắc thà nghe những lời mát mẻ từ người nào đó không ưa mình hơn là nghe học chửi mình, tôi chửi lộn kém lắm. Thêm một lần nửa, tôi vốn cổ hữu không phải dân cấp tiến nên ít học và chỉ bập bẹ được mấy câu ca dao như Xuân Tóc Đỏ bập bẹ thơ đốc tờ. Theo kiểu như "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe", "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"... Nên thôi, dẫu mình ngu dốt quá chẳng tài cán gì thì cũng cố mà ăn nói cho nó sạch sẽ tí. Đương nhiên sẽ có người sẽ lẩm nhẩm câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng vấn đề là gỗ dỏm sơn đẹp, xịt dầu thơm thì vẫn hơn gỗ dỏm mà tanh hôi. Nhưng suy cho cùng lại thì tôi vẫn ủng hộ cái sống thật. Có điều sống thật thì không phải là cái gì đó nhiệm màu. Nhưng một nhà hiền triết trên mạng từng nói rằng khi bạn chơi nấm thì bạn sẽ có cái nhìn chân thật nhất về chính mình, có thể là một toà lâu đài hoặc là một đống rác. Nếu là đống rác thì việc dọn hay không là ở bạn chứ nấm chả dọn giúp đâu. Sống thật cũng thế, nó chẳng phải cái kim bài miễn... chê đâu. "Tốt khoe thì xấu che" đó mà. Nhưng gom lại thì tôi chỉ muốn chốt là tôi luôn biết làm phép cộng. Tốt nước sơn thì ổn, tốt gỗ thì tuyệt hơn nhưng nhất vẫn là tốt cả hai (chôm ý tưởng từ câu nói về một số 7 của MU). Nên thay vì suy tính cái gì ngon hơn thì kiếm tìm những thứ tốt cả hai là được. Dễ thế còn gì!
Cơ mà nói láo thế thôi, chứ tôi cũng đang uống một ly bia bạc màu không lấy chi làm tốt nước sơn cho lắm. Nhưng nó thì... được đấy.

Nghiện

Dù có hơi xấu tính nhưng đôi khi phải cảm ơn vài người xung quanh vì nhờ họ mà mình bớt cái kiểu "khiêm tốn để được tôn lên" ở một mức kệch cỡm. Do đang say nên chẳng biết nói thế nào. Người ta hay chê bọn "ngạo nghễ" như thể tụi nhà nghèo, lâu lâu trúng số rồi khoe khắp xóm (xong tụi nó lại lôi chử tự nhục ra) nhưng có mấy kiểu còn ớn hơn thế nhiều. Lúc trước đọc Muôn Kiếp Nhân Sinh, đại loại truyện không quá hay nhưng có đoạn này khá đáng nhớ. Đại loại là những tay tu hành khá khó siêu thoát vì họ hay bị vướng vào cái vòng ham muốn sự kín trọng, nó đáng sợ hơn việc tham tiền, tham bạc vì họ luôn cho rằng mình thanh sạch, mình khiêm tốn và thích dùng nó để tô điểm, để mình ngày càng đẹp hơn bọn nhơ nhuốc bên dưới. Mà đâu chỉ trong mấy tôn giáo giáo về luân hồi thôi đâu, bên Công Giáo của mình cũng có một vài dụ ngôn về nó. Điển hình là bài về việc một người pharisees cầu nguyện như sau "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia...", cũng là một dạng thế. Đôi khi, việc khoe khoang bạc tiền, vật chất nó dễ cai hơn việc khoe khoang mấy thứ khác vì người ta không nghĩ mình đang khoe dù rằng họ đang nghiện nó. Thí dụ như hồi xưa đi làm với tay kia, suốt ngày chê bọn trẻ giờ toàn nghe ba cái rap riết, rock riết nhảm nhí. Rồi hắn hỏi tôi có biết ông hoàng bolero Trúc Phương không? Biết album Da Vàng của Trịnh Công Sơn không? Nhưng khi tôi hỏi lại về Phạm Duy thì thấy khứa gõ Google rồi tra xem Phạm Duy là ai. Rồi đi học gặp một tay kiểu thế. Viết một bài dài sòng sọc về việc "vì sao tôi yêu nhạc vàng", yêu đến mức khi đám cưới còn lên Facebook mà viết "nay đám cưới mình mà lỡ chơi Belero nhiều quá, ở dưới toàn mấy ông trưởng ấp, xã đội... hồi hộp ghê". Tôi không biết nhiều về cán bộ khu hắn, tôi cũng không có nhiều cảm tình về mấy cán bộ lắm nhưng thú thiệt đó giờ sống ở miền tây thấy chả có ông cán bộ nào quan tâm hay chấp nhặt ba cái thứ nhạc nhẽo đó. Không biết lần tới hắn đám cưới sẽ thế nào, có còn lo lắng không? À đừng nói tôi trù ẻo nha, chuyện đã rồi tôi chỉ suy đoán cho tương lại hắn thôi. Rồi hắn lại rên rĩ tình yêu nhạc rap của mình, viết vài cặp giấy A4 để ca ngợi hai rapper vĩ đại nhất hắn từng biết đó là Mr. T và Hoàng Rapper... Rồi đi spam bài chửi chánh quyền ở hơn một chục nhóm. Tôi không rõ hắn chửi cái gì nhưng kết thúc luôn là "chắc do mình trẻ trâu nên mới đăng, chứ mấy bạn trẻ giờ ai mà rãnh làm mấy cái này". Mà sẵn đú nhạc rap thì mỗi lần thấy mấy tay này mình hay bị vọt lên một câu nhạc của B Ray trong đầu "Chẳng 1 ai là yêu kẻ nghèo, họ chỉ ghét người giàu có". Đôi khi họ chẳng yêu cái đất nước này, họ chẳng yêu kẻ khổ, họ chẳng yêu Hoàng Rapper, họ chẳng yêu Trúc Phương, Vinh Sử rất chi vjp pr0. Thứ họ yêu là những lời tán tụng, việc thấy mình được ngồi ở vị trí cao hơn bọn trọc phú, lũ đú đỡn... Nhưng tóm lại thì thứ nghiện bựa nhât chính là nghiện mà không biết mình nghiện.

Ký giả nước nam

Nếu mọi người vẫn hay trêu đùa và lấy "ký giả nước Ý" ra như thể một cuộc vui thì đúng là vui thật. Nhưng nói về bóng bánh thì còn một tay "ký giả nước nam" cũng có nhiều câu đỉnh vô cùng. Đỉnh để mức tôi thấy anh ta xứng đáng đại diện cho cả một tập hợp những người như thế nhan nhản trên khắp cái đất này.
Khi phát biểu một điều gì đó và người khác vào góp ý hoặc hỏi thì thay gì giải thích (vì viết chả rõ ràng gì cả). Ký giả spam ngay câu:
Ông chẳng hiểu cái vấn đề gì cả.
"Nhưng ông cứ không hiểu nhé, tôi không giải thích đâu"
Trình độ chử nghĩa của ký giả cũng lên tầm thượng tôi khi mà ký giả vỗ ngực:
Ông Lê Văn Lan cũng nói tầm bậy thôi.
"Tôi thì là nhất"
Khi ký giả nói gì đó không đúng, không hay và bị người khác phản pháo, bẽ lại thì có vẻ bẽ mặt và không có được cái sự sạch sẽ đến từ Ý nên ký giả này đuổi thẳng cẳng người kia đi kèm theo câu nói:
Tôi không thích cái thái độ của ông, vậy thôi.
"Nên tôi không quan tâm ông nói cái gì"
Nhìn thấy một tay xuất khẩu lao động rất chi là tự hào dân tộc lên mạng kể về người Nhật, một dân tộc hay ăn nói lịch sự trước mặt nhau dù không ưa nhau. Chưa biết đúng sai thế nào, ký giả liền thở ra câu:
Sao họ có thể sống như thế nhỉ?
"Chắc họ phải nhổ vào nhau nó mới văn hóa"
Nhưng có lẻ vài người vào đáp trả nên máu dân tộc của ký giả nổi lên. Thế là vĩ nhân này lên mạng lấy ngay video nước ta đón tiếp chủ tịch nước Bắc Hàn ra và ghi ngay cái tiêu đề này:
Không cần biết người ngoài ra sao. Chỉ nhiêu đây là tôi đủ tự hào về Việt Nam.
"Hy vọng rủ ông bạn qua thăm đều đều cho tự hào đều đều"
Ngoài chử nghĩa vượt trình ông Lê Văn Lan ra thì ký giả này cũng sành điện ảnh vô cùng. Sau khi siêu phẩm Em Và Trịnh ra mắt rất chi là đỉnh cao. Phê Phim ra một bài Chê Phim rất chi là sáng suốt. Nhưng tiếc là họ không sáng suốt lắm khi chê cái phim mà vị học giả rất chi là uyên thâm này yêu thích. Thế là đấng chia sẽ ngay cái đường dẫn tới video của Phê Phim kèm theo tiêu đề:
Tôi không biết là họ có hiểu gì về điện ảnh không nửa?
"Và trong cái động đó ai cũng bình luận Phê Phim nhận tiền để chê Em Và Trịnh?"
Với lòng tự hào dân tộc cao ngất như số năm tù đày của những tay to mặt lớn gần đây. Ký giả sẵn sàng đập vào mặt những kẻ dám so sánh nước ta với cái nước Âu Châu như sau:
Nước nó đi cướp, nước mình bị cướp, so thế nào cho được?
"Chắc nó cướp mỗi nước mình"
Vì là một người yêu nước nồng nàn, sống đời Á Đông đẹp lành nên mỗi lần có chuyện gì liên quan đến đạo quân thần chốn công sở hay là đạo vợ chồng chốn phòng the là thánh nhân lại bắt đầu với câu nói:
Tôi là người theo nho giáo nên...
"Vợ tôi lấy tôi là phải nghe tôi. Đứa nào làm cho tôi là phải làm hết sức, tôi không cho nghỉ là không được nghĩ, lũ Gen Z chó má á á á á a a a"
Nhìn mấy anh bạn Ấn giỏi giang quá, ký giả bèn cảm thán:
Sao họ ăn bẩn mà họ giỏi thế?
"Thì họ ăn bẩn thôi chứ mấy cái khác chắc gì họ bẩn"
Ngoài chử nghĩa, chính trị và phim ảnh thì ký giả cũng giỏi nhạc lắm thay. Xem Rap Việt và ký giả thốt ngay ra câu này:
Tôi không thích cách Thái Việt G nói tiếng Việt.
"Đúng rồi, người Mỹ gì mà nói tiếng Việt dở ẹt"
Câu cuối cùng dành cho những đứa dám vô hỏi này hỏi nó thánh sống:
Tự mà hiểu lấy.
"Hiểu gì nhỉ?
Thế đấy các bạn, xem cái này thì thấy ký giả nước Ý quý tộc phết ra và sạch sẽ đến vô ngần. Nhưng cái vấn đề là bên Ý người ta nước chuyện giữa đường. Còn vị ký giả nước nam này thì ở trong cái hang cùng ngõ hẻm để ngày ngày thuyết giảng nên tội thay cho con dân không được diện kiến.
Có thế sẽ cần mấy tháng uống bia trưa thứ bảy ở Huy Béo nửa để cho thêm một bài như thế này.