Nếu để nói tuổi thơ và tuổi trưởng thành có gì khác biệt. Chắc chỉ có duy nhất một thứ, đó là tâm hồn của tôi. Nó đã hết ngây dại. Tuổi thơ đã từng phủ kín lên cuộc đời của mỗi con người một lớp sương đặc biệt, màu hồng, hạnh phúc và êm đềm. Để rồi khi tuổi trưởng thành chợt đến, người ta hay ví nó như là cơn mưa rào, có thể nó đẹp thật, và ai cũng thích ướt mưa, nhưng người ta lại chẳng biết một điều, mưa làm tan đi lớp sương mà ta đã từng được bảo bọc. Sau cơn mưa, mọi thứ đều trở nên trần trụi.
Người ta bảo “Con người dùng cả tuổi thơ để mong trưởng thành và dành cả tuổi trưởng thành để nhớ lại tuổi thơ”. Đôi khi, nhớ về tuổi thơ không hẳn là một điều xấu. Nó như một vùng đất thần tiên kéo con người ta trên cuộc đời, cứu cánh con người ta khỏi một những biến cố đau đớn. Và có một đặc ân mà chỉ khi lớn lên, nhớ về quá khứ ta mới làm được, là hiểu hơn những gì mà người lớn của những đứa trẻ đó đã làm. Người lớn cũng có một thế giới riêng của họ. Mà chỉ khi ta bước vào, ta mới biết. À hóa ra.
Cứ mỗi dịp lễ Tết giỗ chạp, thứ tôi luôn nhớ về là những mâm cỗ ở nhà bà cố. Nhà bà cố nằm ở con phố cổ nhất thành phố tôi sống, căn nhà này cũng tồn tại ngót nghét cả trăm năm. Sau khi bà cố mất, nơi đây trở thành nơi thờ cúng và là nơi diễn ra mọi cuộc họp mặt gia đình cũng như ăn uống trong ngày giỗ hay ngày lễ. Từ nhỏ, tôi đã luôn nhớ những ngày đến đây, như một nơi thân thuộc mà con cháu được tụ họp về. Thường thì tôi sẽ được gặp tất cả những người họ hàng của mình, thậm chí là những người đã lâu không gặp. Quê tôi nằm ở vùng đất cửa ngõ nối giữa miền Bắc và miền Trung nên mâm cỗ cũng có chút đặc biệt. Nó cũng hết mực cầu kỳ với đủ các loại món pha trộn giữa hai vùng miền. Thường thì mỗi mâm cỗ sẽ không thể thiếu xôi gấc, giò lụa, chả phòng (nem rán của miền Bắc nhưng nhân có thêm tôm và không có giá), gà luộc, thịt đông, canh móng giò heo, miến xào lòng gà, thi thoảng có thêm cả giả cầy, bún rối.
Vì nấu cho rất đông người ăn, mỗi lần như vậy phải nấu một khối lượng đồ ăn khổng lồ. Bà ngoại và các bà dì tôi thường đi chợ từ sáng, hì hụi cuộn chả phòng rồi chiều nấu từ sớm. Sáu mâm cỗ cứ thế phăm phăm được dọn ra. Con cháu khoanh chân ngồi thành vòng tròn bắt đầu vừa ăn vừa hỏi han nói chuyện cùng nhau. Các ông các chú một mâm. Các bà các dì một mâm. Bọn trẻ con thì được một mâm riêng. Nhưng dù có ngon đến mức nào, chúng tôi cũng không bao giờ ăn hết mâm cỗ bà nấu. Ngày nhỏ tôi luôn tự hỏi tại sao bà luôn nấu nhiều đến vậy, lần nào cũng thừa bao nhiêu, bà lại giấm giúi con cháu trong nhà mỗi người một ít đem về. Mẹ tôi cũng luôn bảo bà nấu vừa vừa thôi, ai mà ăn hết được nhiều đồ ăn như vậy. Nhưng chẳng bao giờ bà nghe. Giỗ chạp ngày lễ, tôi đều đặn đến nhà bà cố, ăn mãi vẫn không hết đồ ăn bà ngoại nấu, và vẫn gói thêm đồ mang về.

Mâm cỗ miền Trung
Sau này, khi lớn lên, tôi mới biết ý nghĩa sau những mâm cỗ bà làm. Khi xưa nghèo khổ rồi đói quanh năm, chỉ có bữa cỗ là bữa sum họp gia đình, tỏ lòng tri ân với tổ tiên, nên dù có đói thì bữa đó cũng phải làm cho tử tế. Ngày xưa nghèo chẳng có cái mà ăn, bữa cỗ nhiều vậy mà còn thiếu thốn cho con cháu. Nên sau này, bà vẫn luôn làm thừa. Thừa còn hơn thiếu. Biết đâu hôm nay lại có người đói quá ăn nhiều hơn mọi khi. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ đã đủ đầy từ khi sinh ra, dù thế nào vẫn không bị cái đói khổ. Tôi đi xa, căn nhà của bà cố cũng dần bớt thân quen, thì mới hiểu ra cái ý nghĩa mâm cỗ của bà, lại càng nhớ nhà nhiều hơn. Bây giờ bà tôi đã yếu đi nhiều, bà đã không còn có thể tự tay làm gà, những bữa ăn vì mắt kém tèm nhèm mà bớt đi vị ngon, nhưng bà vẫn nấu nhiều như tình thương bà dành cho chúng tôi. Dù ngán lắm những bữa cơm cỗ dịp lễ, tôi vẫn luôn cố ăn ngon lành. Mãi đến khi lớn lên, tôi mới len lén nhìn thấy nụ cười của bà, khi thấy mọi người trong gia đình và cả những đứa cháu như chúng tôi ăn nhiệt tình ăn những món bà nấu.
Ngoài mâm cỗ của bà, tôi vẫn còn nhớ vài điều về bố mẹ. Ngày nhỏ nhà tôi không được khá giả lắm. Mẹ tôi là một giáo viên mầm non, còn bố là kỹ sư cầu đường. Những năm tháng nhỏ dại, tôi chỉ nhớ bố đi rất nhiều. Đặc thù của một người làm những công trình liên quan đến đường xá khiến bố tôi phải đi lên vùng cao, đi dài ngày. Mà vùng cao thì làm gì đã có sóng, chẳng thể liên lạc được. Hồi đó mẹ con tôi cứ ngồi trước chiếc điện thoại bàn canh mãi, đỡ may lần nào bố tôi rảnh việc chạy ra thị trấn xin gọi nhờ về nhà được. Năm tôi học cấp 1 là những năm bố đi dày đặc nhất. Có lần cả sinh nhật tôi 8 tuổi và 9 tuổi, bố đều không có nhà. Tôi giận bố lắm. Bố chẳng thương tôi gì cả, sinh nhật tôi mà vẫn đi công tác. Hai mẹ con tôi tổ chức sinh nhật nhỏ nhỏ, có mỗi cái bánh và vài người bạn. Mẹ tôi cứ ví ra mở ví vào. Tôi biết là mẹ hết tiền. Tôi lấy điện thoại đen trắng, nhắn cho bố “Bố ơi hôm nay mẹ hết tiền. Con buồn lắm”. Mẹ tôi biết, mắng tôi lên xuống. Ngày sinh nhật trôi qua buồn bã. Cuối cùng thì vì bố không có sóng dài ngày, tin nhắn gửi thất bại không thành công. Ngày nhỏ tôi vừa giận bố, vừa chẳng hiểu lý do tại sao mẹ không cho mình nói chuyện hết tiền. Nhưng sau này thì tôi mới biết.


Bố tôi đi công tác dài ngày, cũng chỉ vì để cuộc sống của cả nhà khấm khá hơn. Sau này, bố chuyển sang phòng khác, chỉ phải làm hồ sơ chứ không còn lên vùng cao nhiều nữa. Cuộc sống gia đình cũng dần ổn định, khá giả hơn. Em gái tôi cũng ra đời sau đó, khi bố mẹ đã chuẩn bị đủ về tài chính. Mẹ tôi năm đó, chỉ lo bố tôi biết chuyện mà lo lắng, chẳng thể đi công tác yên. Mẹ tôi vẫn xoay sở, để tôi vẫn luôn ít thiệt thòi nhất, vẫn có tiệc sinh nhật, chỉ là nhỏ mà thôi. Vẫn có nến, có kẹo, có bánh. Tôi của năm đó vẫn là một đứa trẻ hạnh phúc. Bố tôi vẫn sẽ yên tâm công tác mà không phải lo nghĩ đến hai mẹ con ra sao.
Tôi vẫn luôn nhớ quá nhiều thứ. Cánh diều, lũ bạn ở khu tập thể, những lần đi xem dê cùng ông ngoại, mùa hè may vá thêu thùa cùng bà nội, những nhân vật làm nên tuổi thơ tôi mà trong bài viết này tôi chưa thể kể hết. Tôi may mắn có tình yêu thương của cả bố mẹ, ông bà ngoại và bà nội, anh chị em họ và cả bạn bè làng xóm. Tuổi thơ của tôi đương nhiên cũng có những lúc buồn, những lúc ước chi chỉ mong mình lớn thật nhanh, nhưng rồi lại quên ngay và vui cười trở lại. Tuổi thơ của tôi cũng đã có rất nhiều sự hồn nhiên. Ngây thơ, khờ dại. Tôi đã từng sợ lớn. Tôi buồn khi chào tạm biệt ấu thơ. Khi tạm biệt nhà han gỉ thời gian để bước đến một nơi dành cho tuổi trưởng thành. Khi lần đầu tôi thấy bố khóc vì hôm đó tôi đi xa. Khi tôi lên ga tàu hay sân bay đưa những người bạn của mình đến những chân trời khác. Nhưng có lẽ tuổi thơ là một đồ vật. Nó sẽ còn hay mất phụ thuộc vào cách ta giữ gìn. Giờ đây, khi đã lớn lên, tôi không sợ nữa, tuổi thơ trôi đi và nghĩ về những người đã làm cho tuổi thơ hạnh phúc, tôi mạnh mẽ. Có những điều tôi chẳng biết về người lớn khi còn là một đưa trẻ, bây giờ tôi biết rồi, nên tôi sẽ gói ghém nó để trở thành hành trang tiến về cuộc sống tương lai.


Cảm ơn ông bà ngoại, bà nội và bố mẹ, đã là những người lớn tuyệt vời trong tuổi thơ con.