Phải công nhận đây là một bài viết rất hay và nó giải quyết những vấn đề mà bản thân mình đang mắc phải liên quan đến việc thiếu động lực để làm việc gì đó. Bởi vì năm nay là rất quan trọng đối với mình vì năm nay mình học lớp 12. Bản thân mình không chỉ phải học để ôn thi TNPT khối A01 với yêu cầu điểm tối thiểu phải trên 27+ mà còn bắt buộc 1000+ điểm đối với kỳ thi ĐGNL HCM để có cơ hội vào ngành học mà mình mong muốn. Đây là một yêu cầu thật sự khá khó vì độ loãng tập trung vào từng kỳ thi thật sự rất lớn. Chẳng thà bạn là người có đầu óc thông minh thì hoàn toàn bình thường chứ bản thân mình không phải là người thông minh nên 2 mục tiêu này thật sự "khó nuốt".
Dù bản thân mình có siêng năng đến mấy thì cơ thể sẽ luôn có độ lười nhất định dẫn đến tốc độ học của bản thân bị chậm hơn rất nhiều so với kỳ vọng của bản thân. Kể cả lúc siêng học thì không có nghĩa là có động lực để học với tốc độ như ở trên lớp dẫn đến khá chậm chạp. Khi ở trên lớp hoặc ở nhóm toán học thêm thì mình luôn ngồi cùng với các bạn đội tuyển HSG tỉnh nên có áp lực để đua tốc độ làm bài với các bạn ấy khiến cho mình có cảm giác mình học nhanh hơn rất nhiều.
Vậy nên khi đọc qua bài viết này thì mình đã khám phá ra cách để tạo áp lực cũng như động lực hiệu quả cho bản thân mình để thúc đẩy mọi công việc của mình tiến triển. Đó chính là tạo phần thưởng cho bản thân mình. Tất nhiên là bản thân mình từng nghe qua phương pháp này rồi nhưng nghĩ rằng không hiệu quả cho đến khi đọc bài viết này.

Động lực làm việc hằng ngày của bạn xuất phát từ đâu?

Có 2 loại động lực thúc đẩy chúng ta làm việc hằng ngày đó là: động lực bên trong sâu thẳm của con người như phấn đấu để không bị người khác coi thường hoặc chỉ đơn giản là muốn làm thứ mà mình đam mê và động lực bên ngoài như: điểm số, tiền lương. Và thường động lực bên ngoài sẽ là động lực chủ đạo để dẫn dắt chúng ta hành động. Bởi vì hành động của chúng ta thường được tạo cảm hứng bởi yếu tố môi trường bên ngoài.
Và trọng tâm của bài viết này sẽ liên quan đến học thuyết về sự khích lệ. Học thuyết về sự khích lệ là một trong những học thuyết về động lực. Nó cho rằng cái tạo động lực cho chủ thể thực hiện hành vi là ham muốn có được một tác nhân hoặc một phần thưởng nào đó.

Học thuyết về sự khích lệ giải thích như thế nào về hành vi của con người?

Bỏ qua việc tập trung nghiên cứu vào các nguồn động lực bên trong, học thuyết khích lệ cho rằng con người sẽ thực hiện những hành vi mà nó mang lại những phần thưởng tích cực và tránh thực hiện những hành vi mang lại hậu quả tiêu cực. Hai người có thể ứng xử khác nhau trong tình huống tùy thuộc vào điều kiện khích lệ của mỗi người trong thời điểm đó.

Cách vận hành của học thuyết về sự khích lệ.

Nó gần giống với thuyết điều kiện hóa từ kết quả. Thuyết điều kiện hóa từ kết quả cho rằng hành vi được thực hiện đạt được yếu tố củng cố nào đó hoặc để tránh né hình phạt. Thuyết khích lệ cho rằng hành động của bạn sẽ được dẫn dắt sao cho để bạn đạt được phần thưởng.
Phần thưởng ở đây có thể được người khác khen ngợi và tôn trọng hoặc đạt được điểm số cao hoặc kiếm ra tiền.

Tại sao có một số thứ khích lệ bản thân chúng ta hơn những thứ khác?

Không phải hình thức khích lệ cũng được tạo ra như nhau và phần thưởng đủ để tạo ra động lực cho bản thân mình lại có thể không đủ để tạo động lực cho người khác. Loại phần thưởng nào sẽ khích lệ bản thân mình còn phụ thuộc vào tâm, sinh lý, xã hội và nhận thức của mỗi người nữa.
Giá trị của phần thưởng khích lệ có thể thay đổi theo thời gian và tùy từng tình huống khác nhau. Ví dụ, khi bạn chỉ có ít tiền thì phần thưởng là cốc trà sữa sau khi làm một lượng lớn bài tập về nhà sẽ rất hiệu quả đối với bạn vì giá tiền nó sẽ khá cao vào lúc đó. Nhưng sau này khi bạn kiếm được tiền thì một cốc trà sữa không còn tạo khích lệ cho bạn nữa mà thay vào đó có thể là một chiếc áo đắt tiền chẳng hạn.

Những lưu ý quan trọng

Phần thưởng khích lệ chúng ta có thể áp dụng cho cả những hành vi mà ta muốn làm và cho cả những hành vi mà ta muốn ngừng lại. Ví dụ, bạn có thể thưởng cho bản thân mình 1 món ăn vặt nếu trong 5 ngày không lướt Facebook hoặc những thói quen xấu khác.
Phần thưởng khích lệ chỉ mạnh mẽ khi ta coi trọng nó mà thôi.
Phần thưởng phải là cái mà người đó có thể đạt được, như vậy họ mới có động lực. Ví dụ, một học sinh sẽ chẳng có động lực học cho giỏi để có điểm cao nhất lớp nếu bài tập quá khó và có cố kiểu gì thì cũng không thể đạt được.