Bài viết hoàn toàn dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình.
Bạn có làm thêm không? Dịp nghỉ dịch này bạn có một công việc online cụ thể nào không? 
Mình không phải là người xuất phát từ chuyên ngành về Marketing, nhưng vì đã lăn lộn ở một số trải nghiệm vào năm nhất, năm hai đại học đã cho mình một công việc online tay trái để thỏa mãn cái tính làm nhiều trò của mình -  đó là Content creator cho Social Media (mình làm chủ yếu ở platform FB) 
Công việc này mình nghĩ chắc cũng quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những bạn còn đi học vì không yêu cầu full time, chỉ cần CTV hoặc part-time là đủ rồi, lại còn chỉ cần ôm laptop làm. Nhưng mà đã bắt tay vào làm, thì cái gì cũng có những cái khó ở riêng của nó. Dưới đây là một số điều mình không thích khi làm công việc này.
1. Icon, Icon nữa, Icon mãi
Nếu tính tình bạn chíu khọ như mình, bạn phải chắc chắn là gạt bỏ cái tôi và sự ngạc nhiên khi nghĩ đến bài viết bạn bỏ công cả buổi viết ra, tự xem đi xem lại vài lần và tưởng tượng về viễn cảnh được khen, lại thất bại cả về lượng tiếp cận lẫn tương tác với cái đứa thêm một nghìn thứ icon nhức mắt cùng những thứ tiêu đề clickbait. Mình biết có một số fanpage content vẫn chất lượng và thu hút rất lớn lượng người đọc, mình đang nói đến về những page muốn branding cho sản phẩm hay dịch vụ của họ, mà mục đích cuối cùng là sale. Khá là chắc kèo bạn sẽ được leader gọi lên show cho những content nhiều icon và bảo nên học tập theo, rồi vỗ vai bảo không viết vậy không ra KPI sale được em ơi ^^.
Icon (chắc là) thịnh hành nhất mùa này (Nguồn: Unsplash)
Cách giải quyết đề xuất: Ban đầu mình khá chán khi phải học tập theo những content như vậy, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn là làm sao để doanh nghiệp đó có thể bán được hàng (vì đa số khách hàng thích nhiều icon). Cái mình không thích, không có ai quan tâm. Cái người ta muốn, mình chắc chắn phải làm theo. Nhưng mình có nên copy hết content mà công ty muốn rồi sửa lại không? Đương nhiên là không rồi. 
Bạn đi làm là bạn đã có một phần trách nhiệm ít nhiều với công ty. Hãy gia giảm lượng icon cho phù hợp hơn, cũng như xem xét lại giọng văn của mình đã phù hợp với sản phẩm của công ty chưa. Linh hoạt hơn trong content bằng cách cảm nhận về sản phẩm mình làm, và luyện tập sấp mặt thì sẽ sửa được thôi. Đừng quên giải thích về lý do tại sao mình chọn viết như vậy, để hai bên cùng thông cảm và hiểu cho nhau hơn. (Còn nếu họ không hiểu và khăng khăng bạn phải như này như kia thì ngại gì không nghỉ :)))
2. "Anh/Chị thấy bên này hay nè, em tham khảo cách viết của họ xem sao"
Ở cái tuổi 20,21 này thì hẳn khi nghe câu này bạn sẽ nhảy lên (như mình đã từng) là anh chị không tin tưởng em sao?
Ờ thì đúng rồi đấy :))) Đã làm part-time ctv thì thời gian tương tác còn ít hơn những người fulltime. 
Nguồn: Unsplash
Khoan khoan hãy ngồi xuống và suy xét kĩ tại sao người ta lại nói như vậy.
- Không muốn tốn thời gian
- Chưa tin tưởng bạn lắm
Hầu hết họ muốn cho mình biết khẩu vị content của công ty như thế nào thông qua những gợi ý như vậy, đỡ thời gian tìm hiểu đôi bên và tiết kiệm chi phí.
Cách giải quyết đề xuất: Đọc kỹ lại content được gửi và suy nghĩ tại sao bạn lại được gợi ý như vậy. Từ đó tìm hiểu kĩ sản phẩm của công ty và định hướng giọng văn cho phù hợp, ưu tiên làm việc chặt chẽ với đội Marketing để phối hợp hiệu quả và cho ra những content chất lượng nhưng vẫn thỏa mãn công ty (sau n lần feedback)
3. Những yêu cầu khó hiểu
- "Anh muốn bài viết vừa abc nhưng có một chút xyz nhấn nhá nhưng đừng quá nhiều chữ"
- "Bài viết tế nhị, đừng bán hàng quá nha em, mang tính chất thông tin thôi nhưng đọc là người ta muốn mua ngay"
...
Nhưng thực tế chính là như vậy đó, bạn ở trong thế giới tưởng tượng của bạn, người khác cũng ở trong thế giới riêng của họ. Tưởng tượng của họ không giống bạn, cho nên ít khi nào bạn viết xong mà đúng ý họ mong muốn. Thậm chí có thể bạn sẽ bị dội một gáo nước lạnh rằng, viết như thế này ai chẳng viết được. Mình còn từng bị người đưa ra yêu cầu tự viết lại theo yêu cầu của họ và đưa cho cả công ty so sánh ai viết hay hơn nữa. 
Cách giải quyết đề xuất: Đừng dạ cho xong khi nhận brief, hãy hỏi thật nhiều, đưa ra ví dụ lại để xác nhận càng tốt. Bạn không thể đúng chính xác ý họ cần, nhưng tiệm cận thì vẫn được ưu tiên hơn. Nên đừng ngại đào sâu suy nghĩ người gửi brief muốn gì.
Kết
Và quan trọng hơn hết, thái độ không ngừng học hỏi và nhận sai rất quan trọng. Đừng nghĩ là làm part-time thì làm cho xong rồi thôi, như thế thì chán lắm, bạn đang phí thời gian nhưng không học hỏi được gì. Chịu cực một chút thời gian đầu khi bạn mới nhận việc để hiểu tất tần tật những gì họ mong muốn, sản phẩm họ là gì thì lần lượt những bài viết của bạn sẽ càng ít sai lệch đi mong muốn của công ty hơn. 
Hi vọng bạn có những trải nghiệm (sấp mặt) thiệt vui :)).
Nguồn: Mình :")