Đây là series kể về những điều dễ chịu, à không, những điều làm tớ thấy dễ chịu của cuối tuần vừa qua. Nhưng hay là, điều dễ chịu nhất lại đến thứ 3 đầu tuần này, và được show ở cuối bài.
---
Chiều thứ 7, nhắn hỏi Thảo Anh em có muốn chị dẫn đi đâu không? Thảo Anh bảo em muốn đến cafe Hộp. Cái tiệm cafe mà ở tầng 2, khi khách đến phải hú gọi từ phía dưới chủ quán mới biết mà chạy xuống mở cửa. Nghe mà thích thú ghê đó. Thế là nói Thảo Anh mình đi, dù người hơi oải oải.
Chừng mấy tiếng sau Thảo Anh mới đến, trời lại mưa. Nghĩ người ngợm đang mệt, chỗ đó lại xa tít, chị lại mù đường, chị dẫn em đến chỗ khác nhé. Hẹn Hộp cafe lần sau. Thảo Anh oke. Đó lại là một cảm giác dễ chịu. Dễ chịu bởi thoải mái nói ra mong muốn của mình mà thoải mái từ chối mong mỏi của người khác. Ngồi đón Sapa bên cạnh cái ban công tầng 2, ngồi song song với cái ban công để cứ thi thoảng lại ngó nghiêng xuống đó. Nơi có mấy cái cây xanh xanh và nền sân gạch đỏ. Hai chị em vừa nói chuyện vừa xé bánh mì, tí tách ăn lạc rang chị đóng gói theo sẵn. Cứ tưởng đó là điều dễ chịu nhất của buổi cafe. Nhưng điều dễ chịu hơn là lúc Thảo Anh nói Em tính qua phòng chị ngồi chút, nhìn chị nấu cơm chút rồi mới về. Không rõ là câu nói đó dễ chịu, hay hình ảnh tưởng tượng ra ẻm ngồi ở giường nhìn chị lúi húi phía bếp nó tạo ra sự dễ chịu. Bảo Thảo Anh về chuyện tối nay Thủy với Minh sẽ qua ăn cơm, em chắc chắn phải join cùng rồi. Rồi không quên kể về sự tích chuyện ăn cơm ở trong phim nữa. Rằng xem phim Mỹ, chị rất thích cảnh phim các nhà mời hàng xóm qua ăn cơm. Chủ nhà thết cơm sẽ chuẩn bị đồ ăn cẩn thận, rồi mặc đồ đẹp đẽ chờ đón khách sang. Thường thì người làm khách sẽ đem một thứ gì đó làm quà, nhưng không khách sáo hay chú trọng hình thức quá. Thảo Anh thỏ thẻ nhìn vào bộ đồ bảo chị: Em mặc như thế này có được xem là đẹp không?
Từ cafe hai chị em ghé chợ rồi về nhà làm cơm chiều. Nói Thảo Anh mở nhạc, chị đứng chuẩn bị ở phía bếp. Thảo Anh thi thoảng đọc gì ở laptop, còn lại cứ đến đứng ngay cạnh chị. Vừa nhìn chị soạn đồ ăn vừa kể chuyện. Cách kể chuyện của Thảo Anh làm chị dễ chịu. Em sẽ kể ra một chi tiết hay chuyện gì đó bất kỳ em nhớ. Ví như em bảo sau này chị lấy chồng em vẫn đến nhà chị ăn cơm được không? Em sẽ mua quà cho con chị. Rồi lúc nữa em kể lớp học tụi em có nhiều đứa giỏi lắm hoặc chuyện giáo viên giảng kỳ lắm. Xíu nữa em lại hỏi nhỏ nhỡ may sau này em vào Sài Gòn thì sao chị, giọng rón rén cứ như thể nó xin phép người chị quen qua mạng này cấp giấy vào Sài Gòn vậy...
Một lúc thì đã 6h. Thủy nhắn tin nói tụi em qua nhé. Hoảng hốt vì vẫn chưa làm được gì, nên nhắn Thủy 6 rưỡi mới mở cổng đón khách. Thủy ngu ok rồi im bặt hẳn. Tận 7h Thủy mới nhắn kêu khách đến rồi Hạnh ơi. Thảo Anh ra mở cửa. Thủy đi vào, cười tủm tỉm. Hai chị em nhìn nhau cười phá lên. Thủy mặc chiếc váy màu vàng style quả xoài chín, bảo vì Hạnh mà em phải phóng về nhà chị mượn váy đó. Tay Thủy xách một cái túi ni lông đen. Trong túi có một bắp cải và hai quả xoài. Nó bảo em phải moi khắp nhà mới có đồ đem sang đó, cải để lâu rồi không ai ăn. Rồi tiếp nữa là một hộp thịt chị gái nó kho. Tớ cúi đầu vào vai Thủy mà cười sung sướng. Này Thủy trong phim người ta cũng làm salad rồi đem đi tặng đó. Thủy làm chuẩn đúng phim ghê. Mấy chị em vừa cười vừa ngán ngẩm với cái kiểu trong phim trong phim của tớ.
Một lúc sau thì Minh đến. Và biết Minh tặng tớ gì không? Đó là một cái rổ nhựa có nắp và 3 cái hộp thủy tinh. Tớ đã muốn nhảy lên như cô trong phim Me before you được tặng đôi tất sọc ong vàng ngày sinh nhật vậy đó. Chắc chắn là Thủy có can thiệp, Minh làm sao biết tớ thích rổ thích mấy cái hộp đựng đồ ăn được. Hình như đây không phải là sự dễ chịu. Sự phấn khích thì đúng hơn. Dễ chịu là mấy chị em ngồi ăn cơm trong tiếng nhạc Hà Anh Tuấn. Là lúc cuốn đồ cho nhau gắp cho nhau ăn rồi đùa nhau. Là lúc Minh nói em thấy trong phim người ta hay đưa vang đến, tớ nói đó là phim Mỹ, phiên bản Cầu Giầy em cứ đưa một chai dầu ăn hoặc nước mắm nhé, như thế thiết thực hơn. Cả là lúc Thủy bóp đầu cho Minh còn tớ dọn rửa, Thảo Anh phụ giúp rồi đứng bên cạnh tỉ tê, y như khung cảnh mới bắt đầu. Rồi lúc chủ nhà tiễn khách ra về với cái tiết trời mưa mưa lành lạnh nữa.
Thật là dễ chịu.
Thảo Anh xin cho em ngủ lại. Lấy đồ cho Thảo Anh thay, tớ tranh thủ dọn phòng. Không quên cắm một bình nước để pha một cốc trà nóng cho hai chị em. Thảo Anh bước ra từ phòng tắm thì nhảy tót lên giường. Tớ vừa dẹp dẹp vừa ngoái lại phía đó nhìn em để nói chuyện. Thi thoảng tớ đến ngồi gần cạnh em nói gì đó. Rồi lại lúi húi góc này góc kia. Cả ngày từ sáng tới tối cứ loanh quanh trong mấy mét vuông này mà cũng dễ chịu. Thảo Anh chợt bảo, cái giọng ấm ấm và chầm chậm như ánh lửa của cây nến thơm đang cháy bên cạnh: Này chị, em không cố ý cổ súy việc cung cúc bếp núc chăm sóc đâu, nhưng hình ảnh làm cơm xong dọn dẹp nó đẹp mà chị nhỉ? Tớ cười, ngồi gần cạnh em, bảo Chị không biết. Có những người người ta không thích. Nhìn cái bếp là người ta chán rồi. Hai kiểu người đó không thể hiểu được cảm giác của nhau đâu. Cả hai người lặng im. Giây phút đó, phần nào đó, tớ hiểu tại sao Thảo Anh lại nói Bạn bè em có duy nhất mỗi chị Hạnh là con gái đó. Hẳn là bạn bè. Thua chị tận 7 tuổi mà đòi làm bạn?
Tối nằm ngủ tỉ tê mãi. Thảo Anh xoa lưng cho ngủ, với điều kiện là mai chị làm bánh mì trứng cho em nhé. Em có tật mở mắt ra phải ăn liền. Oke luôn. Gì chứ bánh mì trứng và dậy có đồ luôn thì chị đáp ứng được, miễn là em đừng dậy lúc 5h. Sáng dậy sớm hơn Thảo Anh, lại cắm một bình nước nóng. Đó là một nghi lễ. Bật cái đèn vàng rồi gập đèn xuống để Thảo Anh ngủ tiếp mà đỡ chói. Thế rồi lặng lẽ chuẩn bị trong ánh đèn vàng. Chừng 7h thì mở laptop, mở bài nhạc không lời quen quen để em tỉnh dần. Đổ sẵn nước nóng ra cốc, tí nguội bớt thì pha chút sữa đặc và ca cao. Đang đến tháng nên thêm chút đồ ngọt. Thảo Anh tỉnh, chầm chậm gấp chăn màn, vào phòng tắm rồi đi ra ăn sáng. 
Ngày chủ nhật Thảo Anh lại bận rộn cùng chị, giúp chị bao thứ. Buổi trưa, em ngồi phía đầu giường, chị lại làm bánh mì cho Cún với Dân. Thảo Anh bảo, sẽ có một ngày mọi người lớn lên hết, em sẽ không được làm em út được chiều nữa. Tớ không nhớ rõ lắm việc Thảo Anh được chiều như thế nào, chỉ biết là lúc nào cũng nhờ nó mà chẳng biết ngại. Rồi dừng đũa, quay lại bảo em: Lúc đó em cũng sẽ lớn lên, em sẽ đứng thay chị ở chỗ này. Nghe như một truyền nhân gì đó trao lại gì đó to lớn cho con cháu. Nhưng tớ vẫn có niềm tin, rằng nếu tớ có cái gì đó để truyền, thì Thảo Anh, người em quen qua mạng này sẽ là người đầu tiên khiến tớ tin tưởng mà trao lại. Một mong mỏi chẳng hạn. Không thì bánh mì trứng cũng được.
------------------------------------
Còn đây là phần dễ chịu to lớn to lớn, là lời của con bé Thảo Anh:
Bữa đó Thảo Anh đến tháng. Sau buổi chia sẻ Hàn gắn với kinh nguyệt, con bé tự gán cho mình cảm giác nó đang vô cùng mỏng manh, không dám tập luyện chạy nhảy, riết rồi chỉ ngồi trong nhà cũng chẳng nên hồn.  

Hiệu sách Hộp hem cần biết có cafe không, nghe nói là hiệu sách độc lập, bé xíu xiu mà vẫn có 1 cái bàn đặt giữa 2 cái ghế nhìn ra cái vườn cây qua khung cửa. Cảm giác anh chủ quán có gì đó cuốn hút lạ như cái quán của anh. Các đầu sách nhìn chung không có vẻ là phổ thông. Vậy là phù hợp để đến kể cả lúc đang mệt.

Vì tâm lí mình đang yếu ớt nên người ngợm loạng choạng, đi ra đi vô soạn đồ mất đến hơn một tiếng. Sợ chị thất vọng nên nói dối là chả hiểu sao buổi trưa mà tắc đường lắm... Đến nơi chị đổi ý đi quán khác, nó gật đầu cái rụp rồi nhảy tót lên xe chị. Đi với chị Hạnh mà, đi đâu chẳng được. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất một người bạn đúng nghĩa mà giới tính là nữ.

Quán chị Hạnh đưa đi, ở đường nào nó chẳng nhớ, nhưng không quên có hai bác bảo vệ nói chuyện cực kì gần gũi tình cảm. Sapa không quá ngọt và để lâu không bị đắng, vầy là vừa miệng với đứa không hay uống cafe. Nói với chị Hạnh đủ thứ cả những rắc rối độc hại trong môi trường tập thể, thắc mắc những chuyện dạo gần đây, nói chuyện khoa học hoặc chỉ xem con gấu bông dưới sân kia là con chó hay con bò.
Từ lúc cảm nhận rõ sự thay đổi của cơ thể khi ăn đồ tự nấu, cảm giác muốn chăm sóc người khác bằng cách nấu ăn, đặc biệt từ lúc quen chị Hạnh, nó thực sự trân trọng và muốn gắn bó với hình ảnh người phụ nữ trong căn bếp của mình. Trong khi nó có cái tánh thích xê dịch, không muốn ổn định quá sớm. Nên đòi ghé qua nhà chỉ để nhìn chị nấu ăn rồi mới về. Trong lúc huyên thuyên, chợt nghĩ nếu sau này vô Sài Gòn, bị người ta giữ chân, thì sẽ tiếc lắm, vì không thể thăm nom gia đình họ hàng, quan tâm mấy đứa em mới lên thành phố học, và tiếc cả chị Hạnh. Còn vụ sách, thì trong đầu nó luôn mặc định thế này. Nó sẽ dẫn mấy đứa nhỏ đi nhà sách cho chúng chọn và chừng nào hình thành gu, chúng sẽ có quà sách đều đặn, để không như người cô có tuổi thơ mù mờ về sách như cô chúng.
Đến nhà chị Hạnh, không nỡ gọt rau củ của chị hay rửa bát của chị. Chạy lăng xăng trong nhà rồi làm mấy động tác dở hơi mới làm chị vui. Không cần làm gì ngoài làm một con moè lười. Thế là đòi ngủ lại, nằm xoa lưng cho nhau rồi lại kể chuyện đến giờ gà gáy. Cảm giác được kết nối, tái kết nối cả những chuyện cũ. Hồi nhỏ nó cũng thân thiết với chị họ, mỗi lần gặp nhau chỉ mong đến tối ôm nhau ngủ mà thỏ thẻ. Nhưng từ khi chị đi học, chị có điện thoại, vậy là buổi tối chị nhắn tin cho bạn còn nó nằm chờ chị nhắn tin xong rồi ngủ quên. Thời giờ hiện đại hơn, mấy đứa nhỏ cũng có điện thoại, thành ra lâu ngày không gặp chị cũng chẳng biết nói gì với chúng, ngoài nói về game hay là chuyện định hướng học hành.

Ở khu chợ gần nhà chị có bác bán rau, hoàn cảnh cực kì đau đớn khổ sở, mà gần như do những người xung quanh gây ra. Nó bấm bụng tái khẳng định, rằng thế hệ mình sẽ đỡ khổ hơn các bà các mẹ ngày xưa, rằng người ta không thể ngăn cản những đau khổ rắc rối xảy đến, nhưng vẫn có một số thứ có thể chủ động né tránh bằng kiến thức, bằng tư duy. Giống như cách mình đang nhìn nhận đời mình, đã lâu rồi không có điều gì làm mình quá đau đớn hay khổ sở nữa. Nỗi đau có thể chữa lành, khó khăn khách quan có thể dần khắc phục, khó khăn đến từ những cá nhân xung quanh thích gây khó dễ và có năng lượng độc hại thì khắc dấu X (ám chỉ đối tượng không cần tiếp xúc nữa).
-
Tớ không tin rằng bản thân làm gì sẽ được phước đức. Nhưng tớ có niềm tin mãnh liệt vào sự may mắn của bản thân, vì những điều tốt lành những nhân duyên tốt đẹp đến với tớ. Vậy nên tớ đành phải kể thôi, để nói lên rằng các cậu hãy cứ tiếp tục tin tưởng vào những điều tốt lành.