Có bao giờ bạn chợt nhận ra, cuộc sống hàng ngày xoay nhanh đến mức, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết ngày, bạn thậm chí còn chẳng nhớ hôm nay mình đã làm cái gì ?
Có bao giờ bạn nhận ra, lâu lắm rồi không nói chuyện với đứa bạn, không rủ hội bạn thân đi chơi vì lịch học, lịch làm việc quá bận bịu ?
Có bao giờ bạn chợt nhận ra, thật khó khăn làm sao để dành một buổi sáng mùa thu đẹp trời ngồi thưởng thức tách cà phê cùng với một cuốn sách mà không vướng bận bất cứ thông báo nào từ email, mạng xã hội ?
Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối bạn đi dạo phố với tâm trí nhẹ nhàng, bâng quơ ? Đã bao lâu rồi kề từ lần cuối bạn gọi điện về cho bố mẹ ?
Có bao giờ bạn cảm thấy trong những thòi gian sống chậm như vây, bạn trở nên bị tụt hậu so với xã hội, với cộng đồng ?
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đang đưa lối sống nhanh chóng và tiện nghi lên ngôi. Buổi sáng thức giấc, người người hối hả với công việc, với lịch học. Trưa, ăn vội bữa cơm rồi lại tiếp tục ca học, ca làm buổi chiều; chiều tối mệt mỏi trên những cung đường đông đúc, tắc nghẽn để về nhà, hấp tấp ăn bữa tối, rồi lướt mạng xã hội, cập nhật tin tức, hóng chuyện bạn bè đến khuya, rồi đi ngủ. Thế là hết ngày.
Nhưng ở cuộc sống như vậy, người ta sẽ có cảm giác mình đang bận rộn hoàn thiện những công việc dẫn đến mục tiêu của bản thân. Còn những người còn cho rằng sống chậm là những đứa thiếu thực tế, những kẻ lãng đãng. Tôi cũng đã từng nghĩ thế, khi bước chân vào trường đại học, tôi ngậm ngùi “đóng cửa” những mơ mộng lại để suy nghĩ về tương lai, về những tập đoàn, về vô vàn những thuật ngữ kinh tế. Tôi rất sợ một điều, đó là khi mình ngừng lại dù chỉ một tiếng đồng hồ, mình sẽ bị tụt hậu so với xã hội. Vậy đó, tôi không thể tĩnh tâm ngồi một mình đọc sách, viết lách mà không để suy nghĩ chạy lung tung với những nỗi lo lắng.
Đó là một điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống nhanh – gọn hiện đại này. Và tất nhiên, ý nghĩa cuộc sống phụ thuộc vào quan niệm và cách sống của mỗi người, đó có thể là cách sống của họ. Nhưng, nghĩ lại, khi đặt quãng thời gian sống của một con người vào khoảng thời gian mênh mông, vĩnh hằng của vũ trụ, chúng ta chẳng là gì cả. Mục đích của sự tồn tại của con người từ mấy nghìn năm nay đã là một câu hỏi mang phạm trù triết học khiến cho bao nhiêu người đau đầu, nhưng gần như họ đều dựa vào một kết luận chung: sự tồn tại của con người ngắn ngủi, vậy điều quan trọng nhất là con người đó sống như thế nào, và đặc biệt, họ có hạnh phúc không.
Có nhiều người đặt mục đích sống của mình là quyền cao, chức trọng, quyền lực ở chỗ nọ chỗ kia; có những người đặt ra một list dài những mục tiêu cuộc sống mà mình phải đạt được,… Tôi nghĩ, những giá trị vật chất, chức quyền, những mục tiêu là những yếu tố cực kì quan trọng, nhưng không phải là cốt lõi cho một cuộc sống chất lượng. Cuộc sống là một cuộc hành trình, đâu phải là tập hợp những mục tiêu. Cũng như bạn đi một chuyến đi chơi thôi, chẳng quan trọng bạn đi đâu, có xa không, mà quan trọng là bạn đi cùng ai, chuyến đi của bạn để lại niềm vui như thế nào. Khi theo đuổi những mục tiêu, người ta sẽ quên mất việc trân trọng những gì mình đang có, mà luôn tìm kiếm một điều gì đó chưa xác định được ở tương lai. Và khi đạt được mục tiêu đó rồi thi sao? Lại tiếp tục mục tiêu khác? Nếu chưa nghĩ được một mục tiêu khác thì sao?
Ở trang confession trường đại học của tôi, không thiếu những câu chuyện như vậy. Có những người nhìn bề ngoài tưởng như có tất cả mọi thứ: được nhận làm việc ở tập đoàn lớn, lương thì cứ là tính theo nghìn đô, xây dựng cơ ngơi ở tuổi còn rất trẻ,… nhưng ở bên trong họ đang gặp khủng hoảng – đam mê của mình là gì bây giờ? bây giờ mình sẽ phải làm gì? Và cũng không hiếm các bạn học sinh, sinh viên, quá mải mê với một muc tiêu, quên đi cách sẻ chia, quên đi những giây phút dành tình yêu thương cho bản thân, cho người yêu thương, đi lạc giữa những hình ảnh phù phiếm nào đó trong tương lai để rồi mất niềm hi vọng vào cuộc sống, trở nên tiêu cực, thậm chí còn là những căn bệnh tâm lí đáng sợ.
Triết học phương Đông, triết học Spinoza,… đưa ra ý kiến, con người sẽ chỉ thực sự sống có ý nghĩa khi kết nối được với chính bản thân mình, sống ở thì hiện tại, sống trong từng hành động nhỏ nhất. Điều này được thể hiện qua môn thiền – nghe thì to tát, “già nua”, nhưng cũng không khó đâu. Thiền dù chỉ tầm 5’ – 10’ mỗi ngày cũng đủ để cho ta những giây phút tĩnh lặng, lặn sâu vào từng ngóc ngách của tâm trí, làm sạch và làm đầy nó bằng những suy nghĩ tích cực. Khác với người phương Tây, đặc biệt là người Mĩ với văn hóa “nhanh”, cách sống của người phương Đông, điển hình là người Nhật luôn chậm rãi, cẩn thận, nhưng không lề mề. Họ tìm những giây phút “mindful” trong từng hành động nhỏ: khi ăn, khi đi lại, khi dọn dẹp,… Trong cuốn Eat Pray Love, cô Elizabeth Gilbert kể cách sống này đã giúp cô vượt qua những khủng hoảng, khiến cô trân trọng cuộc sống và thực sự sống.
Cuộc sống là phải biết tận hưởng. Chúng ta không thể hi sinh hết thời gian và sức khỏe để theo đuổi một địa vị nào đó không thực sự cần thiết thay vì dành thời gian cho bản thân, cho bạn bè, cho gia đình. Suy cho cùng, rất lâu về sau, nhìn lại thì những địa vị, chức quyền kia đâu có ý nghĩa bằng tình bạn, tình yêu, sức khỏe và những kỉ niệm tuyệt vời ?
Tôi không có ý hạ thấp giá trị của vật chất, mà tôi đang nhắc đến sự cân bằng giữa những giá trị vật chất và những giá trị về ý nghĩa thực sự của cuộc hành trình mang tên cuộc sống. Từ thời cổ đại, một triết gia đã khám phá rằng một cuộc sống hạnh phúc, “fulfilled” là một cuộc sống ở trạng thái cân bằng giữa vật chất – tinh thần, những stress, mệt mỏi sẽ được cân bằng bởi những niềm vui bất chợt. Hơn nữa, cuộc sống đã ngắn thế rồi, tại sao mình không tận dụng từng phút giây để sống nhỉ? .Đừng tim kiếm quá nhiều ở tương lai, cũng đừng quá hoài niệm, tiếc rẻ quá khứ, bạn sẽ tìm thấy tất cả mọi thứ bạn đang tìm trong hiện tại, hãy sống trong từng phút giây bạn đang sống.
Một tách cà phê. Cuốn sổ. Chiếc bút. Tiếng ngòi bút trên giấy. Hôm nay là một ngày đầu thu thật đẹp.
--